Quản lý nhà nước đối với hoạt động tôn giáo ở Việt Nam hiện nay

Ngày đăng: 21/12/2020 - 16:12

Việt Nam là quốc gia có nhiều tín ngưỡng, tôn giáo. Có tôn giáo ngoại nhập và tôn giáo nội sinh. Có những tôn giáo có nguồn gốc từ phương Đông như Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo; có những tôn giáo có nguồn gốc từ phương Tây như Công giáo, Tin Lành; có những tôn giáo được thành lập tại Việt Nam như Cao Đài, Hòa Hảo. Có những tôn giáo đã phát triển và hoạt động ổn định; có những tôn giáo chưa ổn định. Có tôn giáo được tổ chức thành một hệ thống từ Trung ương xuống đến cơ sở như Giáo hội Công giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam… nhưng có những tôn giáo trong quá trình phát triển do nhiều nguyên nhân bị tách ra thành nhiều hệ phái khác nhau, mỗi hệ phái tạo thành một tổ chức hoạt động độc lập như đạo Tin lành, đạo Cao đài. Trong mỗi tôn giáo, tổ chức bộ máy được sắp xếp khác nhau, hệ thống tổ chức của tôn giáo được quy định theo hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo và được Nhà nước công nhận. Trong mối quan hệ nội bộ của tổ chức tôn giáo, có tổ chức có mối quan hệ hành chính đạo rất chặt chẽ, cấp dưới phục tùng cấp trên, ngược lại, có tổ chức mối quan hệ hành chính đạo lại lỏng lẻo. Trong mối quan hệ với Nhà nước và xã hội, giáo hội là tổ chức đại diện cho tôn giáo để giải quyết các công việc có liên quan đến tôn giáo. Các tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận đều thể hiện đường hướng hành đạo gắn bó, đồng hành cùng với dân tộc, hoạt động tôn giáo cơ bản tuân thủ các quy định của pháp luật. Các tín đồ tôn giáo là một lực lượng quan trọng trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.

Tôn giáo là một vấn đề nhạy cảm và phức tạp. Việc giải quyết những vấn đề nảy sinh từ tôn giáo cần phải hết sức thận trọng tỉ mỉ và chuẩn xác; vừa phải căn cứ vào những cơ sở lý luận và thực tiễn; vừa phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật, vừa phải mềm dẻo, linh hoạt theo đúng tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng, chính sách tôn giáo của Nhà nước.

 Nhằm cung cấp tài liệu nghiên cứu, tham khảo về vấn đề trên, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách Quản lý nhà nước đối với hoạt động tôn giáo ở Việt Nam hiện nay của TS. Hà Ngọc Anh.

 Cuốn sách cấu trúc gồm 3 chương: Chương 1: Cơ sở lý luận quản lý nhà nước đối với các hoạt động tôn giáo; Chương 2: Thực trạng quản lý nhà nước đối với hoạt động tôn giáo ở Việt Nam hiện nay; Chương 3: Phương hướng và giải pháp tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động tôn giáo ở Việt Nam thời gian tới.

Ở chương 1, dựa trên quan điểm của chủ nghĩa duy vật lịch sử, tác giả tập trung làm rõ quan điểm mácxít về nguồn gốc, bản chất của tôn giáo, từ đó đưa ra quan điểm về sáu đặc điểm của tôn giáo ở Việt Nam. Tác giả cũng nêu bật sự tương đồng và khác biệt giữa tôn giáo và tín ngưỡng ở Việt Nam. Từ đó, đưa ra những nguyên tắc, những nhân tố ảnh hưởng đến quản lý nhà nước đối với  hoạt động tôn giáo. Mặc dù ở mức sơ lược nhưng tác giả cũng đã đưa ra một số tham khảo kinh nghiệm quản lý nhà nước đối với hoạt động tôn giáo của một số quốc gia trên thế giới có tính điển hình hiện nay. Chương 2, thông qua mô tả, phân tích, tác giả đã làm rõ thực trạng hoạt động tôn giáo ở Việt Nam hiện nay; công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động tôn giáo, từ đó đưa ra những nhận định, đánh giá về kết quả, tồn tại, hạn chế và những nguyên nhân dẫn đến thực trạng nói trên. Ở chương 3, trên cơ sở dự báo tình hình tôn giáo và hoạt động tôn giáo ở Việt Nam trong thời gian tới, căn cứ vào quan điểm, phương hướng của Đảng, Nhà nước ta về tôn giáo, tác giả đã đưa ra 12 giải pháp nhằm tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động tôn giáo ở Việt Nam trong thời gian tới.

Cuốn sách là tài liệu tham khảo hữu ích cho công tác quản lý, giáo dục, nâng cao nhận thức về cơ sở lý luận và thực tiễn, những giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động tôn giáo ở Việt Nam; giúp các nhà quản lý có được căn cứ khoa học và pháp lý để nâng cao hiệu quả công tác quản lý tôn giáo trong bối cảnh hiện nay.

Bình luận