Việt Nam - Những chặng đường hạnh phúc

Ngày đăng: 25/02/2021 - 09:02

Xuân Tân Sửu - 2021, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sẽ mở ra một giai đoạn phát triển mới của dân tộc Việt Nam. Trong Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII, lần đầu tiên cụm từ "khát vọng phát triển" được đề cập với nhiều nội dung phong phú, đó là khát vọng về một Việt Nam đổi mới, phồn thịnh, nhân dân hạnh phúc. Ngày 28/12/2020, dự hội nghị Chính phủ với các địa phương, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu, trong đó nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ trọng tâm là phải luôn có các chính sách, biện pháp phù hợp để khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Việt Nam là một trong những dân tộc khao khát có một cuộc sống hạnh phúc. Tuy nhiên, con đường đến với hạnh phúc của dân tộc ta trải qua muôn vàn khó khăn, thách thức.

Những khó khăn, thách thức đến từ nhiều nguyên nhân, trong đó yếu tố chính trị là chủ yếu. Nằm trên con đường giao lưu từ Tây sang Đông, tiếp giáp với một số nước lớn nên lịch sử Việt Nam gắn liền với các cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm liên tục, kéo dài mà ít dân tộc nào từng trải qua. Việt Nam đã trải qua cả “đêm dài” nghìn năm Bắc thuộc; ba lần chống quân Mông - Nguyên mạnh nhất thế giới thời phong kiến; nhiều lần chống giặc ngoại xâm từ phương Bắc xuống đô hộ; đặc biệt chúng ta phải trường kỳ chiến đấu chống các đế quốc lớn, trong đó có thực dân Pháp và đế quốc Mỹ;... Chính vì đặc điểm lịch sử đó mà dân tộc ta luôn sản sinh ra những người con, những anh hùng, hào kiệt, những vua sáng, tôi hiền, những lãnh tụ nông dân, chí sĩ yêu nước... không chịu bị áp bức, bóc lột, đứng lên lãnh đạo nhân dân đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc cho người dân. Tuy nhiên, qua các triều đại phong kiến hay thời đại có nền độc lập kéo dài hàng trăm năm, làm nên hào khí một thời, hạnh phúc với ý nghĩa đầy đủ, trọn vẹn, sâu sắc chưa lúc nào có được. Chỉ đến thời đại Hồ Chí Minh, hạnh phúc của đất nước, của nhân dân mới thực sự có được một cách đúng nghĩa.

Ngày 05/6/1911, trên con tàu Đô đốc Latouche Tréville, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành rời xa quê hương bắt đầu cuộc hành trình 30 năm tìm con đường giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước. Chỉ 8 năm sau đó, vào năm 1919, tại Hội nghị Vécxây (Pháp), Nguyễn Ái Quốc đã thay mặt những người dân An Nam gửi đến Hội nghị quốc tế Bản yêu sách 8 điểm, trong đó đề cập đến quyền dân sinh, dân chủ: độc lập cho thuộc địa, dân quyền (tự do báo chí và tự do ngôn luận); tự do lập hội và hội họp; tự do cư trú ở nước ngoài và tự do xuất dương; tự do học tập, thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp ở tất cả các tỉnh cho người bản xứ. Khi Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp hỏi mong muốn điều gì, Nguyễn Ái Quốc đã trả lời trực diện rằng: Cái mà tôi cần nhất trên đời là: Đồng bào tôi được tự do, Tổ quốc tôi được độc lập. Năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đến với chủ nghĩa Lênin, tìm thấy con đường cách mạng vô sản cũng từ khát khao “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn”. Ngồi một mình trong buồng mà Nguyễn Ái Quốc nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”1. Có lẽ đây là một trong những giây phút hạnh phúc nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh khi tìm thấy con đường đi đến hạnh phúc cho dân tộc, cho nhân dân. Khát vọng đó đã thôi thúc Người thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Khát khao giải phóng dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân trở thành lý tưởng của Đảng. Đất nước, dân tộc, nhân dân Việt Nam thật hạnh phúc khi có một đảng cách mạng chân chính lãnh đạo và đại diện cho lợi ích của mình.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, ngày 02/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố bản Tuyên ngôn độc lập, xác lập các quyền cơ bản của con người. Đó là “quyền được sống” và “quyền mưu cầu hạnh phúc”. Sắc lệnh số 50 ngày 09/10/1945, văn bản luật đầu tiên có ghi tiêu ngữ: “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”. Đó là những yếu tố cơ bản, quan trọng nhất bảo đảm cho hạnh phúc của dân tộc ta. Tiêu ngữ “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” ghi dưới Quốc hiệu Việt Nam từ năm 1945 đến nay (từ “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” đến “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”) vẫn không thay đổi cả về nội dung và hình thức trình bày. Các chữ “Độc lập”- “Tự do”- “Hạnh phúc” không tách rời nhau mà gắn liền một cách biện chứng với nhau như những điều kiện và mục tiêu tối thượng. Có thể nói, trải qua chặng đường lâu dài, gian khổ, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Đảng ta đã tìm ra con đường cứu nước đúng đắn và lãnh đạo toàn dân đấu tranh giành được những tiền đề cơ bản, đem lại hạnh phúc cho nhân dân: hạnh phúc khi được làm dân một nước độc lập. 

Với đại thắng mùa Xuân năm 1975, nước ta hoàn toàn thống nhất, non sông thu về một mối, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Toàn dân ta và cả đồng bào ta ở nước ngoài vỡ òa trong hạnh phúc khi Nam - Bắc sum họp một nhà, non sông liền một dải. Con đường hướng tới hạnh phúc đầy đủ, trọn vẹn của mỗi người dân được mở ra, đó là con đi lên chủ nghĩa xã hội. Chính vì vậy, độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc của người dân phải gắn liền với chủ nghĩa xã hội; xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội là tiền đề, điều kiện để giữ gìn độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Như vậy, phải mất 30 năm sau, kể từ khi nước nhà giành độc lập, phải trải qua chặng đường đấu tranh gian khổ với nhiều hy sinh, mất mát, Việt Nam mới có những điều kiện cần và đủ cho hạnh phúc của mỗi người dân và toàn dân tộc.   

Trong Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng ngày 17/10/1945, Người khẳng định: “Ngày nay, chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”2. Trong bài phát biểu tại cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến quốc ngày 10/01/1946, Người nhấn mạnh: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”3. Tháng 01/1946, khi trả lời các nhà báo nước ngoài, Người đã nói lên khát vọng cháy bỏng của mình: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”4. Tuy nhiên, niềm vui, hạnh phúc của nhân dân ta sau ngày thống nhất đất nước kéo dài không lâu, do những sai lầm chủ quan, duy trì quá lâu cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp mà dân ta “cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc”, đất nước rơi vào khủng hoảng nặng nề, lạm phát lên đến hơn 700%. Trong tình thế đó, khi Đảng chưa tìm ra cơ chế quản lý kinh tế mới, một số cán bộ, đảng viên, những người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương như Vĩnh Phú, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Long An... đã bất chấp sự ràng buộc của cơ chế cũ, trăn trở suy nghĩ, lắng nghe ý kiến của người dân mà “phá rào”, “khoán chui”, “tiền tệ hóa tiền lương”..., mở ra một hướng phát triển mới. Đó chính là sự hy sinh thầm lặng, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của những cán bộ, đảng viên vì hạnh phúc của người dân. Qua những “điển hình chui” này, Đảng ta đã thẳng thắn thừa nhận và rút ra bài học xương máu khi nhận ra những sai lầm về đường lối, bất cập trong cơ chế, chính sách chưa theo kịp sự phát triển của tình hình thực tiễn: “... trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”... “Đảng ta không có mục đích nào khác là đấu tranh vì hạnh phúc của nhân dân”. Nhìn thẳng vào sai lầm, khuyết điểm để sửa chữa là biểu hiện của một đảng cách mạng, chân chính, thực sự là đạo đức, văn minh, tiến bộ. Đó cũng là niềm vui, niềm hạnh phúc của đất nước, của nhân dân khi có một đảng như vậy dẫn dắt, lãnh đạo.

Đến nay, sau hơn 90 năm Đảng ta ra đời, hơn 75 năm thành lập nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, mang tầm vóc lịch sử. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Giảm nghèo nhanh, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. An sinh xã hội, phúc lợi xã hội từng bước được nâng cao. Tuyên bố thiên niên kỷ của Liên hợp quốc (tháng 9/2000) đề ra 8 mục tiêu chung: xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực; đạt phổ cập giáo dục tiểu học; tăng cường bình đẳng nam nữ và nâng cao vị thế cho phụ nữ; giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em; tăng cường sức khỏe bà mẹ; phòng chống HIV/AIDS, sốt rét và các bệnh khác; bảo đảm bền vững về môi trường; thiết lập quan hệ đối tác toàn cầu vì phát triển;... Sau 20 năm thực hiện, Việt Nam là một trong những quốc gia điển hình, được đánh giá cao trong việc thực hiện các mục tiêu này. Ngày 16/12/2020, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nước ta công bố Báo cáo phát triển con người năm 2020, Việt Nam bước vào nhóm các nước có Chỉ số phát triển con người (HDI) ở mức cao trên thế giới, theo đó, chỉ số HDI năm 2019 là 0,704, xếp thứ 117 trong số 189 quốc gia và vùng lãnh thổ. Từ năm 1990 đến năm 2019, giá trị HDI của Việt Nam tăng gần 46%. Trong Chỉ số hành tinh hạnh phúc năm 2016 do tổ chức nghiên cứu kinh tế - xã hội New Economics Foundation (Anh) công bố, Việt Nam xếp thứ 5 trong top 10 nước trên thế giới và đứng thứ nhất châu Á. Đặc biệt, trong năm 2020, Việt Nam trải qua một thử thách lớn, qua đó chứng tỏ khả năng, tính ưu việt của chế độ, Nhà nước ta, đó là việc khống chế thành công đại dịch Covid-19, được các tổ chức quốc tế và các nước đánh giá cao. Điều đó chứng minh rằng, hạnh phúc của một dân tộc không phải là mức thu nhập cao hay tốc độ tăng trưởng nhanh mà là người dân được sống trong hòa bình, ấm no, tự do và an toàn.

Cùng với chặng đường 35 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bên cạnh những thành tựu về nhiều mặt, vẫn còn một số hạn chế nhất định. Điều này do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính là chủ nghĩa cá nhân. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ cấp cao, đã sa vào chủ nghĩa cá nhân, có những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm... Những hiện tượng tham nhũng, tiêu cực, chạy theo lợi ích nhóm, hủ hóa... đã làm suy giảm lòng tin của quần chúng nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng. Theo Báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Trong nhiệm kỳ 5 năm vừa qua, các cấp ủy, tổ chức Đảng đã thi hành kỷ luật “hơn 1.000 tổ chức đảng và hơn 87.000 đảng viên, trong đó, có cả cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, các tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang, kể cả đương chức và đã nghỉ hưu”. Có thể nói, chưa bao giờ trong lịch sử Đảng ta, chỉ trong một nhiệm kỳ, có tới 110 cán bộ các cấp, các ngành, các địa phương thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị thi hành kỷ luật, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều đó khẳng định quyết tâm chính trị cao của Đảng ta trong công cuộc chỉnh đốn, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, làm tiền đề cho cuộc sống hạnh phúc của nhân dân. Đặc biệt, chỉ sau một nhiệm kỳ Đảng ta quyết tâm tiến hành công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tập trung vào công tác cán bộ, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm..., tình hình đã có chuyển biến tích cực. Tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được ngăn chặn và có xu hướng thuyên giảm; tham nhũng quyền lực trong công tác cán bộ được đẩy  lùi. Đó là biểu hiện của một đảng cách mạng chân chính, tiến bộ, đạo đức, văn minh, đồng thời là niềm vui, niềm hạnh phúc của toàn dân sau chặng đường 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước.  

Với thế và lực mới, Đại hội XIII của Đảng đề ra chủ trương: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn trước mắt là: đến năm 2025, nước ta trở thành “nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp”; đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Việt Nam trở thành “nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao”; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Việt Nam trở thành “nước phát triển, thu nhập cao”. Trong các mục tiêu này, yếu tố hạnh phúc là một trong những điểm mới nổi bật, là điểm nhấn quan trọng trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Không chỉ trong 5 năm hay 10 năm mà đó là mục tiêu lâu dài. Với những truyền thống, giá trị quý báu của dân tộc và những kinh nghiệm mà Đảng, Nhà nước, Nhân dân ta đã tích lũy được qua các chặng đường lịch sử gần 100 năm, với thế và lực mới, hạnh phúc của nhân dân ta sẽ ngày càng được đong đầy.

Với hướng đi đúng đắn, khát vọng phát triển mãnh liệt và quyết tâm chính trị cao, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhất định dân tộc ta, nhân dân ta sẽ bước tiếp thắng lợi trên những chặng đường hạnh phúc mới, lập nên kỳ tích trong phát triển vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, cùng tiến bước, sánh vai với các cường quốc năm châu, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng nghìn đời của dân tộc ta. 

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 12, tr. 562.

2, 3, 4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 64, 175, 187.

Vũ Lân

Theo Tạp chí Nhịp cầu Tri thức

Bình luận