Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Ngày đăng: 14/09/2020 - 14:09

Tuổi trẻ là tương lai của đất nước, là ruờng cột của nước nhà. Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ, xây dựng thế hệ trẻ có hoài bão, lý tưởng, khát vọng và trách nhiệm để xứng đáng làm chủ nước nhà theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng, góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, phồn vinh.

1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ Việt Nam

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến sự nghiệp “trồng người”, chăm lo xây dựng lực lượng cách mạng. Bởi đây không chỉ là lực lượng trực tiếp gánh vác và giải quyết những nhiệm vụ hiện tại, mà còn là đội ngũ kế cận, nguồn bổ sung có đủ năng lực để kế thừa và tiếp tục phát triển sự nghiệp của những thế hệ đi trước. 

Sinh thời, Người luôn tin tưởng và dày công rèn luyện thế hệ trẻ. Khi đất nước còn chìm trong đêm trường nô lệ, một bộ phận không nhỏ thanh niên bị đầu độc bằng thuốc phiện và rượu cồn, Người nhận thấy: muốn thức tỉnh một dân tộc thì trước hết phải thức tỉnh thanh niên, vì thanh niên là một bộ phận quan trọng của dân tộc. Đánh giá cao vai trò của thế hệ trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: " Một năm khởi đầu từ mùa Xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”1. Đầy nhiệt huyết, có sức sống tràn trề và năng lực sáng tạo..., đó là những thế mạnh và là vốn quý của tuổi trẻ. Do đó, đối với mỗi con người, thanh xuân là những năm tháng tươi đẹp nhất. Đối với xã hội, tuổi trẻ là thế hệ quyết định tương lai của dân tộc: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên”2. Từ đó, Người luôn căn dặn, động viên thanh niên: “Không có việc gì khó,/Chỉ sợ lòng không bền,/Đào núi và lấp biển,/Quyết chí ắt làm nên”3. Muốn làm tròn sứ mệnh “người chủ tương lai” của đất nước, Người yêu cầu thế hệ trẻ phải ra sức rèn luyện tinh thần và lực lượng để vừa “hồng”, vừa “chuyên” - vừa có đức, vừa có tài, trong đó đạo đức là nền tảng của người cách mạng: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”4. Người căn dặn: “ĐOÀN VIÊN VÀ THANH NIÊN ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”5. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành nhiều tâm huyết cho việc bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cao cả: “trung với nước, hiếu với dân” cho thế hệ trẻ; rèn luyện ý chí cách mạng kiên cường, tinh thần sẵn sàng xung phong trong mọi nhiệm vụ và công tác: “Đâu cần thanh niên có/Đâu khó có thanh niên”6.

Lý tưởng cách mạng mà Người quan tâm giáo dục, bồi dưỡng cho thế hệ trẻ chính là mục tiêu con đường của cách mạng Việt Nam: độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đặc biệt, để giáo dục lý tưởng cho thế hệ trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu gương bằng chính cuộc đời hoạt động cách mạng của Người, bởi Người cho rằng: “… một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”7, thực tiễn đấu tranh cách mạng là “trường học giáo dục lý tưởng” tốt nhất cho thế hệ trẻ.

Lý tưởng cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh giáo dục cho thế hệ trẻ cũng như các thế hệ cách mạng còn là chủ nghĩa nhân đạo cộng sản theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, đó là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; lấy hạnh phúc của Nhân dân, của con người làm mục tiêu cao nhất, nhằm đem lại cho con người cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được sống trong một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, trong đó “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”8.

Ðối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ không phải là cái gì quá cao xa mà phải gần gũi, giản dị, dễ thấy. Chẳng hạn, Người quan niệm chủ nghĩa xã hội là dân giàu, nước mạnh. Trong chủ nghĩa xã hội, ai cũng phải làm việc có năng suất, chất lượng và hiệu quả. Ðối với người già, ốm đau thì được xã hội chăm lo, nhưng không chấp nhận sự ỷ lại, lười biếng, lười lao động, lười học tập. Phải giáo dục cho mọi người ý thức cần kiệm liêm chính, làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, ai không làm thì không hưởng. 

Cùng với việc giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức quan tâm chăm lo đào tạo, dạy nghề, nâng cao trình độ văn hóa, khoa học, kỹ thuật cho thanh niên. Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì phiên họp đầu tiên của Chính phủ, đề nghị một trong những công việc khẩn cấp lúc bấy giờ là diệt giặc dốt, xóa nạn mù chữ. Trong ngày khai giảng năm học đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, Người đã viết thư gửi đến các em học sinh và căn dặn: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”9

Xuất phát từ nhiệm vụ mới của cách mạng Việt Nam là xây dựng chủ nghĩa xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức quan tâm phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo để nâng cao trình độ văn hóa, khoa học - kỹ thuật, giáo dục nghề nghiệp cho thế hệ trẻ. Theo Người, chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu, xây dựng đời sống mới, tiến tới thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh còn khó khăn và lâu dài hơn nhiều so với cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, giải phóng dân tộc. Vì vậy, Người yêu cầu thanh niên phải “Ra sức học tập nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật và quân sự để cống hiến ngày càng nhiều cho Tổ quốc, cho nhân dân”10. Ở bất cứ thời kỳ nào và làm bất kỳ nghề gì cũng cần phải học, mục đích của việc học là để nâng cao năng lực, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, chiến đấu thắng lợi, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân. Giáo dục thế hệ trẻ, bồi dưỡng họ để họ cống hiến, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, làm cho nước nhà giàu mạnh, từ đó làm tròn trách nhiệm người chủ tương lai của đất nước. Trước lúc đi xa, trong Di chúc thiêng liêng, Người đã căn dặn toàn Đảng, toàn dân phải luôn ghi nhớ rằng: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”11.

2. Thực trạng công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ Việt Nam

Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về chăm lo, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nhìn nhận và đánh giá đúng vai trò của thanh niên trong sự nghiệp cách mạng, coi trọng việc giáo dục, bồi dưỡng, tổ chức thanh niên thành lực lượng hùng hậu, trung thành, kế tục sự nghiệp của Đảng và dân tộc. Đảng ta luôn coi công tác thanh niên là một bộ phận hữu cơ trong hoạt động của mình.

Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng khẳng định: “Chú trọng cải thiện điều kiện sống, lao động và học tập của thanh niên, thiếu niên, giáo dục và bảo vệ trẻ em”12; “Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ kế tục xứng đáng sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”13. Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X của Đảng (2008) tiếp tục khẳng định: “Thanh niên là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội”14. Do đó, thanh niên được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nhân tố và nguồn lực con người. Chăm lo, phát triển thanh niên vừa là mục tiêu, vừa là động lực bảo đảm sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước.

Hiện nay, Việt Nam đang bước vào quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa hội nhập quốc tế, đây là điều kiện, môi trường thuận lợi để thanh niên Việt Nam thể hiện tài năng, cống hiến cho đất nước, đồng thời tạo cơ hội lớn cho thế hệ trẻ học tập, tiếp cận văn minh nhân loại, đặc biệt là những thành tựu khoa học và công nghệ.

 Theo số liệu tại Báo cáo quốc gia về thanh niên Việt Nam15, năm 2018,ước tính số lượng thanh niên nước ta là 23,3 triệu người, chiếm 24,6% dân số cả nước. Nhìn chung, lực lượng thanh niên Việt Nam có lòng yêu nước nồng nàn, luôn phát huy truyền thống tốt đẹp của các thế hệ cha anh, khẳng định niềm tin vào mục tiêu, lý tưởng cách mạng và sự lãnh đạo của Đảng, có ý chí vươn lên trong học tập và lao động. Đa số thanh niên hiện nay có phẩm chất tốt, tôn trọng các chuẩn mực đạo đức xã hội, giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, tuân thủ pháp luật, tích cực tham gia các phong trào, hoạt động đoàn thể, xung kích, sáng tạo, tình nguyện vì cộng đồng, sống có nghĩa tình. Nhiều tấm gương thanh niên biết vượt khó để vươn lên trở thành những người có ích cho xã hội; không ít thanh niên dám đấu tranh quyết liệt với các hiện tượng tiêu cực và tệ nạn xã hội.

Tuy nhiên, kinh tế đất nước vẫn còn nhiều khó khăn, sự phân hóa giàu nghèo ngày càng gia tăng, quá trình phát triển kinh tế thị trường, đặc biệt là tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tạo ra những thách thức đối với thế hệ trẻ về trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề, bản lĩnh và tác động sâu sắc đến tư tưởng, tình cảm, lối sống của lực lượng này. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách để thực hiện âm mưu xóa bỏ những thành quả của chế độ xã hội chủ nghĩa, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thế hệ trẻ là một trong những mục tiêu hàng đầu mà chúng nhắm tới, bởi đây là đối tượng dễ lung lạc, kích động. Ngoài ra, dưới sự tác động của toàn cầu hóa, những sản phẩm độc hại phi văn hóa bằng nhiều con đường, nhất là qua internet, các phương tiện truyền thông, đã và đang tác động trực tiếp đến lối sống của thế hệ trẻ, gây nhiều khó khăn cho việc bảo vệ và phát huy văn hóa dân tộc trong giới trẻ, cùng với đó là sự gia tăng của các tệ nạn xã hội: ma túy, mại dâm, cờ bạc… trong thanh, thiếu niên.

 Hiện nay, còn không ít thanh niên chưa xác định được chí hướng, chưa hiểu biết đầy đủ truyền thống của Đảng và dân tộc; một bộ phận thanh niên còn lười lao động, lười học tập, ngại khó, ngại khổ, chưa làm tròn nghĩa vụtrách nhiệm của mình tại gia đình, địa phương. Đạo đức, lối sống của một bộ phận thanh, thiếu niên còn lệch lạc, đề cao hưởng thụ, sống thực dụng, ích kỷ, đua đòi, xa hoa lãng phí. Có thể khẳng định, tình trạng thanh, thiếu niên sống buông thả, không coi trọng giá trị đạo đức đã và đang diễn ra phổ biến.

Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là do chúng ta chưa thật sự quan tâm đến việc giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ trước những biến đổi to lớn của đất nước và thời đại. Nội dung giáo dục còn thiếu chiều sâu, chưa thiết thực. Hình thức giáo dục còn sơ sài, chưa có sức hấp dẫn để lôi cuốn thanh niên. Sự phối kết hợp giữa các cơ quan chức năng, giữa nhà trường, gia đình và xã hội còn chưa chặt chẽ.

Trước thực trạng đó, ngày 24/3/2015, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 42-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2030, trong đó khẳng định: “Công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ phải được tiếp tục tăng cường và nâng cao về chất lượng, nhằm góp phần xây dựng thế hệ trẻ Việt Nam giàu lòng yêu nước, tự cường dân tộc, kiên định lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; có đạo đức trong sáng, ý thức tuân thủ pháp luật; có năng lực, bản lĩnh trong hội nhập quốc tế; có sức khỏe, tri thức, kỹ năng lao động, trở thành những công dân tốt, tích cực tham gia vào sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Chỉ thị đưa ra 04 nhiệm vụ, giải pháp: 1- Nhận thức đúng, đầy đủ tính cấp bách và tầm quan trọng của công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ, từ đó xác định trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân và toàn xã hội đối với công tác này; 2- Xây dựng môi trường lành mạnh, tạo điều kiện để thế hệ trẻ học tập, rèn luyện, phấn đấu, trưởng thành; 3- Tăng cường phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội, giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ; 4- Đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các tổ chức của thanh thiếu nhi. Theo đó, Chỉ thị đòi hỏi các cấp bộ Đoàn phải có sự đầu tư, sáng tạo trong cách làm, kiên trì, bền bỉ để đạt được hiệu quả trong thực hiện, góp phần “xây dựng lớp thanh niên thời kỳ mới có lý tưởng cách mạng, bản lĩnh chính trị vững vàng, giàu lòng yêu nước; có đạo đức, lối sống văn hóa, trách nhiệm, tuân thủ pháp luật, yêu chuộng hòa bình; có tri thức, sức khỏe, hoài bão và khát vọng vươn lên…” như Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI, nhiệm kỳ 2017-2022 đã đề ra.

3. Nâng cao hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ Việt Nam.

Để nâng cao hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ Việt Nam trong thời gian tới, cần tập trung vào những nội dung sau:

 Thứ nhất, chú trọng giáo dục giúp thế hệ trẻ nhận thức đúng các giá trị chân, thiện, mỹ cũng như những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; bồi dưỡng cho thế hệ trẻ hôm nay về lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội; chú trọng giáo dục nhân cách và nâng cao bản lĩnh chính trị, lập trường kiên định trước những luồng văn hóa, tư tưởng sai lệch; hướng thế hệ trẻ biết tự hào, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, đồng thời linh hoạt, tỉnh táo trong việc lựa chọn, tiếp thu những tinh hoa văn hóa thế giới.

Muốn vậy, công tác giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ phải được tiến hành trên cơ sở khoa học và được triển khai thường xuyên, liên tục thông qua việc tổ chức cho thanh, thiếu niên học tập, nghiên cứu, quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Giáo dục lý tưởng cách mạng phải gắn với những mục tiêu cụ thể, rõ ràng, có sự gắn kết hài hòa giữa lợi ích cá nhân với lý tưởng của dân tộc và nhân loại. Đồng thời, giáo dục thông qua những tấm gương điển hình ở nhiều thời đại khác nhau để từ đó hun đúc trong thanh, thiếu niên ý chí và lòng quyết tâm thi đua học tập, rèn luyện, phấn đấu, lập thân, lập nghiệp. Bên cạnh đó, cần tổ chức các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước; biên soạn và phát hành các ấn phẩm giáo dục truyền thống, lịch sử dân tộc, giới thiệu địa danh lịch sử, danh nhân văn hóa, anh hùng dân tộc... để giáo dục cho thế hệ trẻ. Trí tuệ và bản lĩnh của thế hệ trẻ Việt Nam phải được đặt trên nền móng truyền thống lịch sử và văn hóa của dân tộc Việt Nam từ nghìn đời nay.

 Thứ hai, kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục, rèn luyện đạo đức, lối sống, bồi dưỡng lý tưởng cho thế hệ trẻ. Gia đình, nhà trường có vai trò vô cùng quan trọng đối với việc hình thành nhân cách của con người. Những thành viên trong gia đình chính là những tấm gương gần gũi nhất, thực tế nhất để giáo dục cho thanh, thiếu niên. Sự quan tâm của gia đình sẽ giúp thanh, thiếu niên được chia sẻ, lắng nghe, đồng thời giúp họ lựa chọn đúng đắn để không bước chân vào con đường sai trái. Cùng với gia đình, nhà trường cần có nhiều biện pháp quản lý học sinh, sinh viên, thắt chặt nền nếp, kỷ cương, kỷ luật.

Thứ ba, giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ cần phải phong phú cả về nội dung và hình thức. Trên thực tế, thanh, thiếu niên là lực lượng sung sức nhất, năng động, sáng tạo và luôn muốn tự khẳng định mình, nhưng do còn trẻ tuổi, ít kinh nghiệm nên rất cần sự chăm lo, dìu dắt của các thế hệ đi trước cũng như cần được tiếp cận với các chương trình, mô hình giáo dục tiên tiến, hiện đại, năng động, hấp dẫn. Trong khi đó, chương trình giáo dục lại chậm đổi mới, nặng về lý thuyết, thiếu giáo dục kỹ năng sống nên chưa tạo được dấu ấn trong học sinh, sinh viên. Vì vậy, trước hết cần phải đổi mới phương pháp tuyên truyền, giáo dục, nhất là trong công tác phòng, chống các tệ nạn xã hội.

Thứ tư, xác định vai trò nòng cốt của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ. Với tư cách là tổ chức của thanh niên, tổ chức Đoàn các cấp phải thường xuyên quan tâm bồi dưỡng cho thế hệ trẻ tình yêu quê hương, đất nước, những đạo lý truyền thống của cha ông: “uống nước nhớ nguồn”, “thương người như thể thương thân”… Từ đó, hình thành trong họ lối sống trong sạch, lành mạnh, có hành vi đạo đức trong sáng phù hợp với các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và thời đại. Để việc giáo dục, bồi dưỡng có hiệu quả, cần tổ chức tốt các phong trào hành động: Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác, Thanh niên lập nghiệp, Tuổi trẻ giữ nước, Thanh niên tình nguyện, Chiến dịch mùa hè xanh… Bên cạnh đó, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cần tìm tòi, đổi mới các phương thức, hình thức, nội dung, biện pháp giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh, thiếu niên; lồng ghép các nội dung giáo dục trong tất cả các mặt công tác, các hoạt động khác của Đoàn.

Thứ năm, phát huy tinh thần tự giác rèn luyện, tu dưỡng đạo đức và lối sống của bản thân thanh, thiếu niên. Để làm được điều đó, cần hình thành cho thanh, thiếu niên nhu cầu, động cơ phấn đấu, rèn luyện đúng đắn, ý thức làm chủ, ham học hỏi, cầu tiến bộ, vươn lên tự khẳng định mình; tạo điều kiện thuận lợi để thanh, thiếu niên phấn đấu, rèn luyện, đồng thời thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đánh giá kết quả, định hướng phấn đấu cho thanh niên. Mặt khác, bản thân thanh, thiếu niên phải xác định rõ trách nhiệm của mình với Tổ quốc và Nhân dân, sống có lý tưởng, có hoài bão, khát khao vươn tới cái mới, cái tiến bộ.

Trước những thuận lợi và khó khăn của đất nước hiện nay, hơn lúc nào hết, thế hệ trẻ Việt Nam phải nhận thấy rõ vị trí, vai trò của mình đối với sự phát triển của đất nước, từ đó không ngừng học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ về mọi mặt, trau dồi lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, góp phần thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” với vai trò là chủ thể tích cực, là lực lượng tiên phong trong sự nghiệp phát triển nước nhà. 

Từ khóa: tư tưởng Hồ Chí Minh, giáo dục lý tưởng cách mạng, lối sống văn hóa, thế hệ trẻ Việt Nam. 

1, 9.  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 194, 35.

2, 4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 216, 292.

3, 7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 440; t. 1, tr. 284.

5, 11. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 622, 622.

6, 10. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 14, tr. 270, 619.

8. C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 628.

12, 13. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 79-80, 80.

14. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, 41.

15. Theo Bộ Nội vụ, Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam: Báo cáo quốc gia về thanh niên Việt Nam, Hà Nội, 2015.

 TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Bác Hồ với thanh niên Việt Nam, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 2014.

2. Phạm Tất Dong (Chủ biên): Thế hệ trẻ Việt Nam, Nxb. Lao động Xã hội, Hà Nội, 2001.

3. Dương Tự Đam: Giáo dục lý tưởng và đạo đức cách mạng cho thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 2015.

4. Giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa, lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb. Lao động Xã hội, Hà Nội, 2017.

5. Phạm Bá Khoa (Chủ biên): Lịch sử Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và phong trào thanh niên (1925-2014), Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 2014.

6. Vũ Kỳ: Bác Hồ với tuổi trẻ, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2014.

7. Nguyễn Văn Thanh: Đổi mới Đoàn Thanh niên trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 2009.

8. Phạm Thu Thủy: Kế thừa các giá trị đạo đức truyền thống trong việc xây dựng lối sống cho thanh niên Việt Nam hiện nay, Luận án Tiến sĩ Triết học, Hà Nội, 2017.

 9. Nghiêm Đình Vì: Giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ ngày nay, Nxb. Đại học Sư phạm Hà Nội, Hà Nội, 2009.

 TS. VŨ THỊ HƯƠNG

Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật

Theo Tạp chí Nhip cầu Tri thức

Bình luận