Thực thi chính sách nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, giữ gìn truyền thống văn hóa của người dân tộc thiểu số ở thành phố Lào Cai

Ngày đăng: 29/11/2019 - 10:11

Lào Cai là một tỉnh biên giới của Tổ quốc, có nhiều thành phần dân tộc khác nhau sinh sống, mỗi dân tộc có những nét văn hóa đặc sắc riêng. Tuy nhiên, phần lớn các dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn thành phố Lào Cai có tỷ lệ hộ nghèo cao, nhiều hủ tục chưa được xóa bỏ, đời sống của người dân vô cùng khó khăn... Vì vậy, việc nghiên cứu nhằm tìm ra các giải pháp nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, giữ gìn truyền thống văn hóa của người dân tộc thiểu số tại thành phố Lào Cai là một vấn đề mang tính cấp thiết, không chỉ có ý nghĩa trong việc bảo tồn, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa của người dân tộc thiểu số mà còn phát huy vai trò của văn hóa đối với phát triển kinh tế - xã hội ở thành phố Lào Cai hiện nay.

Thành phố Lào Cai có diện tích 283 km,gồm 12 phường, 5 xã với 430 thôn, tổ dân phố; có 25 dân tộc anh em cùng chung sống hòa thuận, trong đó dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ gần 25% tổng dân số trên địa bàn thành phố. Một số dân tộc thiểu số như Tày, Dao, Mông, Giáy, Xá phó,… sống tập trung thành vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại 73 thôn, tổ dân phố thuộc địa bàn 9 xã, phường (Đồng Tuyển, Vạn Hòa, Tả Phời, Hợp Thành, Cam Đường, Bắc Cường, Nam Cường, Bình Minh, Thống Nhất).

Các dân tộc ở thành phố Lào Cai đoàn kết, cần cù lao động, có ý chí tự lập, tự cường khắc phục khó khăn, kế thừa và phát huy những kinh nghiệm, thành quả đạt được trong lao động sản xuất, đấu tranh cải tạo tự nhiên và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Trong những năm qua, thành phố Lào Cai đã triển khai và chỉ đạo thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách dân tộc của Chính phủ. Cụ thể: Chương trình 135, với nguồn vốn đầu tư gần 5 tỷ đồng và nhiều nguồn vốn khác; Chương trình hỗ trợ đất sản xuất, đất ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định số 755/QĐ-TTg, ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; Chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg, ngày 18/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 56/2013/QĐ-TTg, ngày 07/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg; Chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo tại vùng khó khăn theo Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg, ngày 07/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg, ngày 04/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách cho vay vốn để phát triển sản xuất đối với hộ dân tộc thiểu số nghèo đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012-2015;...

Nguồn vốn của các chương trình, chính sách này có ý nghĩa quan trọng đối với công cuộc xóa đói giảm nghèo, tạo đà cho vùng đặc biệt khó khăn có điều kiện vươn lên, giúp các hộ nghèo có động lực để thoát nghèo, không những góp phần làm khởi sắc diện mạo nông thôn mà còn góp phần củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, an ninh, quốc phòng ở địa phương, nhất là tại các xã biên giới, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng và Nhà nước, tạo sự ổn định chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân.

Căn cứ vào các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tỉnh, thành phố  Lào Cai đã ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai chính sách nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, giữ gìn truyền thống văn hóa người dân tộc thiểu số như: Chỉ thị số 40-CT/TU, ngày 28/3/2017 của Tỉnh ủy Lào Cai về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng về công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh Lào Cai, Chương trình hành động số 456-CTr/TU, ngày 19/12/2017 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc trên địa bàn thành phố Lào Cai; Kế hoạch số 104/KH-UBND ngày 30/3/2015 của  Ủy ban nhân dân thành phố Lào Cai, về việc triển khai Chiến lược và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện chiến lược công tác dân tộc trên địa bàn thành phố Lào Cai đến năm 2020;…

Các văn bản, chính sách mang tính chất định hướng chỉ đạo, điều hành cụ thể của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương; trong đó, các văn bản về cách thức tổ chức thực thi chính sách nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, giữ gìn truyền thống văn hóa người dân tộc thiểu số do chính quyền thành phố ban hành đã cụ thể hóa các chủ trương và chính sách của trung ương, tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Thời gian qua, công tác tuyên truyền, vận động thực hiện phong trào nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, giữ gìn truyền thống văn hóa của người dân tộc thiểu số gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới diễn ra mạnh mẽ trên địa bàn thành phố Lào Cai. Công tác đầu tư phát triển kinh tế, làng nghề truyền thống, tạo việc làm cho người lao động luôn được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của cấp ủy đảng, sự giám sát của Hội đồng nhân dân, sự điều hành trực tiếp của Ủy ban nhân dân thành phố, sự quan tâm phối hợp của các cơ quan, đoàn thể từ thành phố đến cơ sở và các thôn, bản trên địa bàn, sự nhiệt tình hưởng ứng của Nhân dân. Nhờ đó, công tác nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, giữ gìn truyền thống văn hóa người dân tộc thiểu số thành phố Lào Cai đã đạt được nhiều kết quả quan trọng:

Về chính sách nâng cao đời sống vật chất

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo vùng diễn ra mạnh mẽ, tỷ trọng sản xuất nông nghiệp và cơ cấu lao động trong nông nghiệp giảm, từng bước thay thế bằng tỷ trọng dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và lao động phi nông nghiệp. Đối với khu vực nông thôn, nhất là hai xã vùng cao Tả Phời, Hợp Thành, đã có sự thay đổi trong nhận thức, chuyển đổi từ tập quán sản xuất tự cấp tự túc sang sản xuất hàng hóa, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, từ đó, ngày càng xuất hiện nhiều gương sản xuất, kinh doanh giỏi góp phần xóa đói, giảm nghèo, tăng thu nhập trên đơn vị diện tích đất canh tác; chống xói mòn đất, cải thiện điều kiện môi trường sinh thái. Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã đạt 18-20 triệu đồng/người.

Chương trình xây dựng thôn mới được triển khai thực hiện. Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được thành phố và các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm.

Thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo của Chính phủ, thành phố Lào Cai đã chỉ đạo kiện toàn Ban Chỉ đạo xóa đói giảm nghèo từ thành phố đến các xã, thôn; kế hoạch xóa đói giảm nghèo được xây dựng hằng năm sát với tình hình thực tế của từng địa phương, tổ chức triển khai đồng bộ các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các chính sách an sinh xã hội, chính sách dân tộc, chính sách hỗ trợ người nghèo, đặc biệt là các chương trình, dự án có tác động trực tiếp đến công tác xóa đói giảm nghèo như: đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, đào tạo nghề; hỗ trợ ổn định dân cư, hỗ trợ nước sinh hoạt, y tế, tín dụng vay vốn tạo việc làm... kết hợp với công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân nâng cao tính chủ động trong sản xuất, kinh doanh, nâng cao giá trị thu nhập trên diện tích canh tác; phát động phong trào giúp nhau xóa đói, giảm nghèo trong cộng đồng dân cư, qua đó tỷ lệ hộ nghèo của thành phố qua các năm đã giảm nhanh, tỷ lệ tái nghèo thấp.

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số phát triển mạnh mẽ, đến nay, 100% đường giao thông liên xã được bê tông hóa; trục đường thôn, xóm được cứng hóa theo tiêu chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ thôn, bản có đường ô tô, xe máy lưu thông đạt trên 87%; 100% các tuyến đường được thông suốt.

Hệ thống thủy lợi được đầu tư, bảo đảm tối đa các diện tích gieo trồng đủ nước tưới tiêu phục vụ sản xuất. Trên địa bàn 5 xã khó khăn có trên 20 công trình cấp nước sinh hoạt được Nhà nước đầu tư bằng các nguồn vốn từ Chương trình 135 giai đoạn II, vốn ODA, Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn...; tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia đạt 87%; 5/5 xã đều đạt chỉ tiêu số hộ được bảo đảm có nước sạch để sinh hoạt. Điện lưới quốc gia được quan tâm đầu tư đến các thôn, bản, vùng đồng bào dân tộc, đặc biệt là 11 thôn đặc biệt khó khăn tại hai xã Tả Phời, Hợp Thành, do vậy tỷ lệ hộ được sử dụng điện an toàn thường xuyên từ các nguồn là 95%. 100% các xã có điểm phục vụ bưu chính viễn thông, 62% các thôn được phủ sóng internet, hệ thống phát thanh, truyền thanh tại trung tâm các xã, thôn bảo đảm thông tin đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của đồng bào; xây dựng mới chợ đầu mối tại xã Đồng Tuyển, sử dụng hợp lý chợ văn hóa vùng cao xã Tả Phời, Hợp Thành.

Về chính sách nâng cao đời sống tinh thần, giữ gìn truyền thống văn hóa

Thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư xây dựng. Tính đến năm 2018, 5/5 xã có nhà văn hóa, 70/80 thôn của 5 xã có nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng. Công tác bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống được chú trọng, phong trào văn hóa - văn nghệ ở cơ sở được  triển khai đến các vùng nông thôn; hằng năm, các xã, phường đều tổ chức ngày hội văn hóa dân tộc, xây dựng mô hình “thôn văn hóa sức khỏe”, “thôn văn hóa bản sắc”... Tích cực tuyên truyền, cải tạo tập quán lạc hậu trong việc tang ma, cưới hỏi, từng bước đẩy lùi tình trạng mê tín dị đoan, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống... 

Các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể các dân tộc thiểu số được sưu tầm, bảo tồn và tôn tạo, làm phong phú, đa dạng kho tàng văn hóa của địa phương. Tính đến năm 2018, trên địa bàn thành phố có 04 di tích đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia gồm: Đền Thượng, Đền Mẫu, Đền Cấm, Chùa Tân Bảo; 03 di tích cấp tỉnh gồm: Đền Đôi Cô, Chùa Cam Lộ, Đền Quan.

 Hệ thống phát thanh, truyền hình được quan tâm, chương trình tiếp sóng cho đồng bào dân tộc thiểu số được duy trì, mạng lưới bưu chính viễn thông phát triển rộng khắp, đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân, qua đó đã kịp thời phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân.

Thành phố Lào Cai đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách pháp luật về bình đẳng giới và các văn bản hướng dẫn thi hành trên các phương tiện truyền thông đại chúng đến các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực thi chính sách nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, giữ gìn truyền thống văn hóa người dân tộc thiểu số ở thành phố Lào Cai vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém: Bộ máy tổ chức thực thi chính sách nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, giữ gìn truyền thống văn hóa người dân tộc thiểu số ở thành phố Lào Cai còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng dẫn đến hiệu quả thực hiện chưa cao, chưa kịp thời giải quyết những công việc cụ thể phát sinh trên thực tế. Công tác lập kế hoạch và ban hành văn bản chưa kịp thời, dẫn đến chậm trễ trong các khâu tổ chức thực thi chính sách. Việc huy động các nguồn lực sẵn có để hỗ trợ xây dựng và hoàn thiện hệ thống thực thi chính sách nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, giữ gìn truyền thống văn hóa của người dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố còn nhiều lúng túng. Công tác tuyên truyền, giáo dục về thực thi chính sách còn nhiều hạn chế, vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào vốn đầu tư của Nhà nước; một số chính quyền cấp xã, thôn chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này.

Trong thời gian tới, để thực thi hiệu quả chính sách nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, giữ gìn truyền thống văn hóa của người dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố Lào Cai, cần thực hiện các giải pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất, tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách của Chính phủ và tỉnh Lào Cai về công tác dân tộc.

Thứ hai, xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; triển khai thực hiện các chương trình, chính sách, đề án phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp để thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Sử dụng có hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của trung ương, tỉnh, thành phố và sự giúp đỡ của các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn đối với xã, thôn đặc biệt khó khăn và hộ gia đình nghèo.

Thứ ba, tập trung đầu tư phát triển kinh tế - xã hội tại các vùng dân tộc miền núi, vùng có nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, trọng tâm là thực hiện tốt các đề án giảm nghèo nhanh và bền vững: Xây dựng và tổ chức thực hiện đề án giảm nghèo cho 2 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao; Chương trình 135, Chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục, y tế, nước sạch và vệ sinh môi trường;…

Thứ tư, tiếp tục rà soát, đánh giá thực trạng, xây dựng và thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số. Nghiên cứu xây dựng chính sách ưu đãi nhằm thu hút cán bộ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ về công tác tại các xã vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Củng cố và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở ở các vùng dân tộc thiểu số theo Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở; đẩy mạnh phát triển đảng viên trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Thứ năm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện các chương trình, dự án, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện trợ giúp pháp lý đối với người dân tộc thiểu số.

Thứ sáu, thực hiện tốt việc bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, không để xảy ra những “điểm nóng” về an ninh, trật tự xã hội ở vùng dân tộc. Thực hiện tốt chính sách tín ngưỡng và tôn giáo, kịp thời đấu tranh ngăn chặn và làm thất bại âm mưu phá hoại, gây chia rẽ đoàn kết dân tộc của các tổ chức phản động và các thế lực thù địch.

Thứ bảy, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường xây dựng và củng cố hệ thống chính trị, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chống các biểu hiện cục bộ, bè phái gây chia rẽ mất đoàn kết giữa các dân tộc. Thực hiện tốt việc công khai hóa các chính sách, chương trình, dự án, vốn đầu tư… để đồng bào biết và tham gia quản lý, giám sát quá trình thực hiện. Vận động đồng bào dân tộc phát huy truyền thống đoàn kết các dân tộc, ý thức tự cường, tinh thần tự lực vươn lên, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Chú trọng sơ kết, tổng kết, nhân rộng những nhân tố mới, những điển hình tiên tiến, các mô hình sản xuất, kinh doanh, xóa đói giảm nghèo có hiệu quả trong đồng bào dân tộc. 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Phan Hữu Dật: Mấy vấn đề lý luận và thực tiễn cấp bách liên quan đến mối quan hệ dân tộc hiện nay, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Một số văn kiện về chính sách dân tộc miền núi, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1992.

3. Phạm Mai Hùng: Giữ gìn và phát huy di sản văn hóa dân tộc, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2003.

4. Hoàng Đạo Kính: Di sản văn hóa bảo tồn và trùng tu, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2002.

5. http://bantuyengiao.laocai.org.vn/nghiep-vu/van-hoa-van-nghe/lao-cai-tiep-tuc-doi-moi-nang-cao-chat-luong-cac-hoat-dong-v.html.

PHAN HUYỀN CHI

Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Lào Cai

Bình luận