Anh Sáu Thọ - Một chiến sĩ cộng sản nhiệt thành, một nhà lãnh đạo tài năng

Ngày đăng: 10/10/2011 - 17:10

Võ Văn Kiệt*

Đã hơn năm thập kỷ trôi qua, vào một dịp hè năm 1949, lần đầu tiên tôi được gặp anh Sáu Thọ tại cuộc Hội nghị Xứ uỷ Nam Bộ mở rộng gần vùng đất Gò Tháp - một địa danh nổi tiếng ở Đồng Tháp Mười, nơi các cụ Thiên Hộ Dương và Đốc Binh Kiều đã từng đặt đại bản doanh để lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp trong những năm giữa thế kỷ XIX.

acovanleductho

Anh Sáu và phái đoàn của Trung ương Đảng, Chính phủ đã tới bưng biền Đồng Tháp trước đó không lâu, sau khi vượt qua hàng vạn dặm, lội suối băng rừng vượt Trường Sơn từ khu căn cứ địa Việt Bắc vào chiến trường Nam Bộ. Cùng đi với anh Sáu, còn có các anh Phạm Ngọc Thạch, Dương Quốc Chính, Lê Toàn Thư, Lưu Quý Kỳ, v.v.. Tại cuộc hội nghị này, tôi cũng có dịp được gặp các anh ấy.

Anh Sáu Thọ và phái đoàn Trung ương được đặc cử vào Nam sau chiến thắng vang dội của quân dân ta vào Thu Đông năm 1947 ở Việt Bắc, giữa lúc quân đội viễn chinh Pháp đang ra sức tăng viện mạnh trên chiến trường Nam Bộ, nhằm biến Nam Bộ thành hậu cứ cho cuộc chiến tranh xâm lược lâu dài ở Đông Dương. Chính vì vậy, sự hiện diện của anh Sáu và các đồng chí trong đoàn vào thời điểm lịch sử này rất có ý nghĩa. Chúng tôi công tác ở khắp các chiến trường rất phấn khởi khi nhận được tin này và đánh giá cao sự chi viện kịp thời đó của Trung ương.

Kể từ khi được tiếp cận anh Sáu Thọ vào dạo ấy cho đến khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp, tôi còn có nhiều dịp gặp lại anh trong các cuộc hội nghị quân - dân - chính - Đảng do Xứ uỷ Nam Bộ và Trung ương Cục miền Nam triệu tập tại vùng căn cứ địa ở miền Tây Nam Bộ.

Nói về anh Sáu Thọ, trước hết cần phải khẳng định công lao to lớn của anh là một trong những người lãnh đạo chủ chốt cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Nam Bộ - nơi đã vinh dự được Bác Hồ kính yêu tặng cho bốn chữ vàng: "Thành đồng Tổ quốc". Trong những năm chống Pháp lâu dài và gian khổ, trên chiến trường Nam Bộ đã rực sáng hình ảnh hai nhà lãnh đạo hàng đầu của cuộc kháng chiến, uy tín và tài năng, có sức thu hút sự ái mộ mạnh mẽ của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào - đó là các anh Lê Duẩn và Lê Đức Thọ.

Trong thời gian công tác ở chiến trường miền Tây, trong cán bộ chúng tôi, có người đã đặt cho anh Sáu Thọ cái biệt danh "Sáu Búa". Mỗi khi nghe cách gọi đùa vui thân mật theo kiểu Nam Bộ, mọi người thường thấy anh Sáu chỉ thản nhiên cười xòa. Anh Sáu Thọ là một cán bộ lãnh đạo vốn sống chan hòa tình cảm, gắn bó với anh em và là người dễ gần, dễ xáp. Đối với những đồng chí có mối quan hệ thân tình, anh thường cư xử rất tự nhiên, như gọi bằng cậu, bằng thằng trong khi chuyện trò với một số cán bộ thuộc bậc đàn em của mình.

Anh Sáu Thọ còn là một nhà lãnh đạo có ý chí tiến công, lạc quan cách mạng, rất quan tâm đến thực tiễn và là người quyết đoán. Anh rất thương cán bộ, nhưng cũng hết sức nghiêm khắc đối với những lỗi lầm của họ. Anh không nể nang dung dưỡng trước những điều sai trái của cấp dưới. Chính vì vậy, một số người khi phạm phải sai lầm, khuyết điểm thường hay ngao ngán trước chiếc "búa" của anh. Tôi thích phong cách này của anh Sáu Thọ. Thật vậy, trong dân gian từ xưa đã lưu truyền câu châm ngôn hay: "Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng".

Hãy còn một điều suốt bao năm qua đã lưu lại trong ký ức tôi ấn tượng không thể phai mờ, đó là sự gắn bó đậm đà trong tình nghĩa đồng chí giữa anh Sáu Thọ và anh Ba Lê Duẩn. Đây chính là biểu tượng đẹp nhất thể hiện sự thống nhất ý chí và hành động qua những thời điểm lịch sử khác nhau ở Nam Bộ, miền Nam giữa hai anh. Năm nay, nhân dịp kỷ niệm 55 năm ngày Nam Bộ kháng chiến, 25 năm ngày giải phóng miền Nam và tròn 10 năm[1] ngày mất của anh Sáu Thọ, chúng ta hãy tưởng nhớ về một con người tiêu biểu trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp oanh liệt trên chiến trường Nam Bộ và miền Nam.

Trong sự nghiệp đấu tranh để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, anh Sáu Thọ còn là một cán bộ lãnh đạo có những cống hiến lớn lao. Mọi người đều biết, 46 năm trước đây, sau khi ký Hiệp định Giơnevơ về Đông Dương, cùng với anh Ba Lê Duẩn, anh Sáu Thọ đã được uỷ thác cáng đáng một trọng trách nặng nề - vừa tham gia chỉ đạo thực hiện việc chuyển quân tập kết ra Bắc, vừa bố trí đội ngũ cán bộ, xây dựng hệ thống bộ máy tổ chức Đảng ở miền Nam.

Có thể nói, anh Sáu Thọ và anh Ba Duẩn là những người đứng mũi chịu sào công cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ cho đến tận giờ phút chót và là những người cuối cùng bước chân lên tàu Kiliensky của Ba Lan chở quân tập kết ra miền Bắc. Trên con tàu viễn dương này đã diễn ra một cuộc chia tay âm thầm đầy xúc động giữa hai anh vào đêm hạ tuần tháng 1-1955 tại cửa sông Ông Đốc - anh Sáu trở về Hà Nội, anh Ba ở lại miền Nam.

Trong thời gian tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở miền Nam, anh Sáu Thọ lại vượt Trường Sơn vào chiến trường miền Nam. Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt Tết Mậu Thân năm 1968, anh được Bộ Chính trị cử vào miền Nam làm Phó Bí thư Trung ương Cục. Lần thứ hai, anh được cử vào miền Nam để phổ biến Nghị quyết về cuộc Tổng tiến công lịch sử và cùng với một số đồng chí thay mặt Bộ Chính trị chỉ đạo Chiến dịch Hồ Chí Minh, trực tiếp tham gia chỉ huy trận quyết chiến điểm cuối cùng phối hợp với tổng nổi dậy vào sào huyệt địch tại thành phố Sài Gòn giữa mùa Xuân đại thắng.

Trải qua 20 năm (1955 - 1975) lần lượt gánh vác các cương vị quan trọng của Đảng, chúng ta có thể thấy rõ cũng như trong những năm kháng chiến chống Pháp, anh Sáu Thọ trước sau vẫn là người được Bác Hồ và Bộ Chính trị giao phó những trọng trách đặc biệt, trực tiếp chỉ đạo chiến trường miền Nam ở những thời điểm quyết định nhất, kể cả cuộc đàm phán ở Pari. Khi vào chiến trường anh luôn thể hiện tư tưởng tiến công nhất quán trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Vẫn tình cảm đối với anh em đồng chí, anh thân mật gọi chúng tôi là thằng cu Trà (Trần Văn Trà), thằng cu Kiệt, v.v.. Anh Sáu Thọ quả là một trong những nhà lãnh đạo có công đầu góp phần rất quan trọng vào việc lập nên những kỳ tích cả trên ba lĩnh vực: chính trị - quân sự - ngoại giao.

Sẽ là một thiếu sót lớn khi nói về anh Sáu Thọ, nếu như chúng ta không nhắc đến bản lĩnh, tài năng, công lao và thành tích xuất sắc của anh trong cuộc đấu tranh trên mặt trận ngoại giao. Luôn tiến công và đầy mưu lược "vừa đánh, vừa đàm" với phía Mỹ kéo dài trong hơn bốn năm trời tại Thủ đô nước Pháp. Trong lịch sử của ngành ngoại giao nước ta, Lê Đức Thọ mãi mãi xứng đáng là một nhân vật lỗi lạc trên chính trường. Theo tôi, đó là sự thật hiển nhiên đã được khẳng định.

Những điều mà tôi nói ở trên với những ấn tượng và sự hiểu biết của mình chỉ là đôi nét về chân dung anh Sáu Thọ. Tất nhiên, tôi không có ý định tô vẽ anh như mẫu người "thần tượng". Bởi xét trong quá trình tham gia lãnh đạo, trong cấp cao của Đảng và Nhà nước ta, không ai hoàn hảo đến độ là không có khuyết điểm trong đời hoạt động cách mạng của mình. Đó là sự bình thường.

Trong lãnh đạo, có đồng chí cân nhắc thận trọng là cần thiết, nhưng với mức quá thận trọng trong những tình huống cần ứng phó kịp thời thì đôi khi lại bỏ lỡ cơ hội. Có đồng chí nhạy bén, quyết đoán, song cũng có trường hợp dẫn đến chủ quan, độc đoán trong việc xử lý cụ thể. Vấn đề quan trọng là phải thấy hết và phải đánh giá đúng sự nổi trội và sự đóng góp lớn của một con người. Đây là phương pháp luận khoa học, là quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng giúp cho chúng ta có được một nhân sinh quan đúng đắn trong việc nhận xét cán bộ. Không thể đánh giá con người bằng việc lấy cái nhỏ, cá biệt để thay thế cho cái lớn bao trùm.

Lê Đức Thọ là một chiến sĩ trong đội cận vệ cách mạng đầu tiên của Đảng, là một trong những người học trò xuất sắc của Bác Hồ kính yêu. Anh đã dành hết cuộc đời cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng, cho Đảng, cho Tổ quốc và nhân dân.

"Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ người trồng cây". Cuộc đời, thân thế và sự nghiệp cách mạng vẻ vang của anh Sáu Thọ là một tấm gương sáng đáng để cho chúng ta tôn vinh và học tập.



* Nguyên:  - Uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị,

- Thủ tướng Chính phủ,

- Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

[1]. Năm 2000 (B.T).

Trích trong cuốn Lê Đức Thọ - Người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tài năng;

Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011


Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả