Anh Sáu Thọ với sự nghiệp đấu tranh cách mạng ở miền Nam

Ngày đăng: 24/10/2011 - 14:10

Phạm Chấn Hưng*

Nhìn lại quá trình cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Tổ chức Trung ương và Ban Thống nhất Trung ương đã đảm nhiệm trọng trách công tác tổ chức cán bộ, phục vụ cho nhiệm vụ của cách mạng miền Nam, điều động thường xuyên cán bộ dân - chính - đảng vào chiến trường miền Nam, tăng cường cho các mặt hoạt động cách mạng từ cơ sở đến huyện, tỉnh, khu và cơ quan Trung ương Cục miền Nam. Tám vạn cán bộ do Ban Tổ chức Trung ương và Ban Thống nhất Trung ương điều động vào các chiến trường B1 (Khu 5), B2 (Nam Bộ), B3 (Tây Nguyên) đã tỏa ra khắp các tỉnh miền Nam, anh chị em đã vượt qua mọi khó khăn, đi bộ nhiều tháng trời, trèo đèo lội suối, sốt rét rừng, thiếu ăn nhưng vẫn một lòng quyết tâm vượt Trường Sơn vào chiến trường, làm nòng cốt cho phong trào đấu tranh cách mạng miền Nam.

le-duc-tho3

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc ta, công tác tổ chức, cán bộ của Đảng đã đóng vai trò rất lớn, hết sức quan trọng, là một trong những yếu tố quyết định thắng lợi trọn vẹn của cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, bảo vệ độc lập chủ quyền và thống nhất Tổ quốc.

Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh Lê Đức Thọ cùng Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương đặc biệt quan tâm công tác tổ chức cán bộ nói chung và cán bộ cho chiến trường miền Nam nói riêng, vì đây là vấn đề mấu chốt, là cốt lõi của mọi vấn đề trong chiến lược, sách lược của đường lối cách mạng Việt Nam, quyết định sự thành công của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Tài thao lược của Bác Hồ là phát hiện hiền tài và sử dụng hiền tài ngay từ những ngày đầu bước vào cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.

Anh Lê Đức Thọ là một trong những người được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương giao phụ trách công tác tổ chức và huấn luyện cán bộ, công tác An toàn khu lâu nhất từ tiền khởi nghĩa (1944) và là một trong những đồng chí lãnh đạo cấp cao của Trung ương đã kinh qua thực tiễn chiến trường Nam Bộ, có nhiều kinh nghiệm trong công tác tổ chức, cán bộ của Đảng ta. Anh được trực tiếp làm việc nhiều năm với Chủ tịch Hồ Chí Minh, và là một trong những học trò xuất sắc của Người. Anh đã học tập được cách hiểu người, sử dụng người, đào tạo người hiền tài cho đất nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thể hiện qua tài năng về đào tạo, huấn luyện tổ chức, bố trí, điều động cán bộ hợp khả năng, hợp môi trường. Anh Lê Đức Thọ thể hiện rất rõ vai trò người đứng đầu Ban Tổ chức Trung ương Cục những năm 1949 - 1954 và Trưởng ban Tổ chức Trung ương những năm 1956 - 1979 trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Là Trưởng ban Tổ chức Trung ương, anh đặc biệt chăm lo công tác xây dựng Đảng và công tác tổ chức, cán bộ phục vụ cách mạng miền Nam; đồng thời còn đề xuất chủ trương thành lập Vụ Miền Nam và Cục Cán bộ B trực thuộc Ban Tổ chức Trung ương để chăm lo nghiên cứu tình hình tổ chức cán bộ miền Nam, giúp Ban Tổ chức Trung ương điều động cán bộ tăng cường cho các chiến trường, cũng như đón tiếp, chăm sóc cán bộ từ chiến trường ra miền Bắc chữa bệnh, học tập và công tác. Tuy được Bộ Chính trị phân công phụ trách nhiều lĩnh vực khác nhau: tổ chức, ngoại giao, an ninh, v.v., nhưng trong công tác tăng cường cán bộ cho miền Nam, anh có phong cách làm việc rất sâu sát. Ngoài việc thường xuyên đọc những bản báo cáo, anh còn trực tiếp bàn bạc cụ thể với chúng tôi, cán bộ lãnh đạo cấp dưới để nắm tình hình cụ thể. Dù bận nhiều việc nhưng anh vẫn dành nhiều thời gian gặp gỡ với anh chị em cán bộ từ chiến trường miền Nam ra, ân cần thăm hỏi, chăm lo đời sống tinh thần và vật chất cho các anh chị em từ tiền tuyến về hậu phương và chuẩn bị lên đường trở lại tiền tuyến. Anh chị em miền Nam thường gọi anh với cái tên thân mật là "anh Sáu Thọ" và tên đó đã gắn bó với anh suốt chín năm Nam Bộ kháng chiến và thời kỳ chống Mỹ, cứu nước.

Tình hình cách mạng miền Nam bước vào giai đoạn mới sau khi có Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (13-1-1959), đây là Nghị quyết về đường lối cách mạng Việt Nam ở miền Nam. Nghị quyết nêu rõ con đường phát triển của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là con đường bạo lực cách mạng, dựa vào lực lượng của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang đánh đổ quyền thống trị của đế quốc Mỹ và tay sai, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân. Nghị quyết 15 như luồng sinh khí mới thổi vào cách mạng miền Nam, mở hướng đi mới cho nhân dân miền Nam đấu tranh thống nhất nước nhà.

Từ Cục Chuyên gia thuộc Phủ Thủ tướng, tôi được điều về Vụ Miền Nam thuộc Ban Thống nhất Trung ương rồi sang Ban Tổ chức Trung ương, chuyên trách công tác tổ chức, cán bộ miền Nam cho đến ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Trung ương Đảng rất quan tâm đến công tác tổ chức, cán bộ phục vụ cách mạng miền Nam nên tôi có điều kiện được tiếp xúc, làm việc với anh Lê Đức Thọ. Khi làm việc với anh, chúng tôi vẫn thường gọi tên thân mật là "anh Sáu Thọ" vì anh luôn giữ đúng nguyên tắc trong công việc nhưng cũng là người rất chân tình, cởi mở và thẳng thắn. Vì vậy, anh Sáu Thọ đã tạo được mối quan hệ gần gũi, chân thành, đem lại hiệu quả công việc rất tốt.

Tôi nhớ lại những năm 60, 70 thế kỷ XX, khi làm việc với chúng tôi, anh Sáu tìm hiểu tình hình tổ chức, cán bộ miền Nam rất kỹ và nắm chắc tình hình. Anh rà soát, kiểm tra lại những vấn đề cũ để xem có khó khăn vướng mắc gì không? Nếu có thì trao đổi ngay để cùng bàn cách tháo gỡ, giải quyết luôn. Vấn đề nào chưa thể giải quyết được ngay, anh hẹn trả lời sau, nhưng thường là cho ý kiến rất sớm. Anh Sáu vẫn thường nói với chúng tôi: "Tôi và các đồng chí cùng ăn cơm miền Bắc nhưng làm việc miền Nam. Bác Hồ vẫn nhắc nhở thường xuyên quan tâm giải quyết tốt mọi yêu cầu cho chiến trường miền Nam, mau chóng thống nhất nước nhà, đồng bào miền Nam thoát cảnh đau thương để Bác sớm được vào thăm đồng bào miền Nam". Với tinh thần làm việc như vậy, sau cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, phong trào cách mạng miền Nam phát triển mạnh và thời gian làm việc của anh Sáu với bộ phận chuyên trách về miền Nam nhiều hơn trước. Tuy bận nhiều trọng trách khác của Trung ương, nhưng anh Sáu vẫn dành thời gian để theo dõi rất sát tình hình diễn biến trên chiến trường miền Nam. Anh trực tiếp đi vào chiến trường để nghiên cứu thật kỹ tình hình, đặc biệt là công tác tổ chức, đào tạo lớp cán bộ trẻ, chú trọng thường xuyên công tác xây dựng Đảng để kịp thời điều động bổ sung cán bộ cho chiến trường miền Nam.

Trong công tác tổ chức, cán bộ phục vụ cách mạng ở miền Nam, anh Sáu thường đưa ra những ý kiến chỉ đạo rất cụ thể, cùng chúng tôi xem xét, thông qua từng kế hoạch cán bộ hằng quý, hằng năm, đề ra phương hướng và tiêu chuẩn điều động cán bộ tăng cường cho từng vùng, từng chiến trường ở miền Nam, sao cho phù hợp để phát huy hiệu quả, hạn chế hy sinh, tổn thất trên chiến trường.

*

*        *

Là nhà giáo tham gia cách mạng rất sớm, từ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong suốt cuộc đời tham gia cách mạng, tôi làm công tác tổ chức là chủ yếu. Khi được điều động sang Ban Tổ chức Trung ương chuyên lo công tác tổ chức, cán bộ miền Nam, tôi có dịp được làm việc trực tiếp với anh Sáu nhiều năm. Mỗi khi làm việc với chúng tôi, hoặc khi có đoàn cán bộ từ chiến trường ra Bắc, anh trực tiếp xem xét danh sách cán bộ trung, cao cấp bổ sung cho chiến trường, nghe báo cáo lý lịch và hoàn cảnh cụ thể của cán bộ. Đối với cán bộ cao cấp, anh gặp mặt từng người, nghe ý kiến đề xuất của từng đồng chí. Anh thường đến thăm các lớp huấn luyện cán bộ chuẩn bị vào chiến trường, nghe cán bộ đề đạt ý kiến, nguyện vọng trước khi vượt Trường Sơn. Nắm được tình hình cụ thể ấy, anh Sáu đã làm việc lại với Ban Huấn luyện và phục vụ cán bộ B để động viên chúng tôi phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, giải quyết tốt những vấn đề tồn tại để tập trung chăm sóc tốt nhất cho anh chị em về tinh thần cũng như vật chất trước khi vào chiến trường.

Để nắm rõ tình hình và yêu cầu của chiến trường, anh Sáu Thọ yêu cầu Ban Thống nhất và Ban Tổ chức Trung ương cử cán bộ của Ban vào nghiên cứu tại chỗ tình hình miền Nam để kịp thời chi viện, đúng yêu cầu cho hoạt động của chiến trường. Đích thân anh đã vào miền Nam gặp gỡ cán bộ, nắm tình hình cụ thể và trực tiếp làm việc với các đồng chí Trung ương Cục miền Nam. Nhờ đó, việc chỉ đạo của Trung ương đối với miền Nam sâu sát hơn, đáp ứng tốt các yêu cầu của chiến trường, thúc đẩy hoạt động của các chiến trường miền Nam, đối phó hiệu quả hơn với âm mưu và hành động của địch, làm cho chúng bị động, lúng túng, tạo thế tiến công ngày càng mạnh mẽ của lực lượng cách mạng.

Đối với cán bộ công tác ở chiến trường ra miền Bắc chữa bệnh, công tác và học tập đều được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và anh Lê Đức Thọ hết sức quan tâm. Các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng thường xuyên gặp mặt thăm hỏi anh chị em, ngay từ khi vừa đặt chân ra miền Bắc. Anh Lê Đức Thọ lãnh đạo Ban Tổ chức và Ban Thống nhất Trung ương tận tình chăm sóc, tạo điều kiện tốt nhất để chữa bệnh, bồi dưỡng sức khỏe cho anh chị em từ chiến trường ra Bắc. Ngoài việc gặp gỡ thăm hỏi chung, anh Sáu Thọ còn trực tiếp gặp từng cán bộ cao cấp, cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh nghe báo cáo tình hình công tác cụ thể ở ngành, địa phương cũng như tình hình cán bộ, quần chúng ở miền Nam, ghi nhận những ý kiến đề xuất để phục vụ cho công tác nghiên cứu lãnh đạo của Trung ương.

 Đối với các đồng chí cán bộ miền Nam ra công tác, gặp và báo cáo tình hình với Trung ương, xin chi viện cho chiến trường, được Trung ương chú trọng những yêu cầu cụ thể, anh Sáu trực tiếp giao nhiệm vụ cho các ngành liên quan, tạo điều kiện giải quyết sớm nhất, tốt nhất các yêu cầu chi viện cho chiến trường.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn  quyết liệt, nhận thấy yêu cầu chữa bệnh, học tập của cán bộ chiến trường miền Nam ra Bắc ngày càng nhiều, anh Sáu đã chỉ đạo Ban Tổ chức, Ban Thống nhất, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục cùng các ngành liên quan xây dựng Bệnh viện E Hà Nội, Bệnh viện Nam Khê Sơn ở Quế Lâm (Trung Quốc),  Trường Nguyễn Ái Quốc IV và dành riêng Trường phổ thông lao động Trung ương để đáp ứng kịp thời các yêu cầu trên.

Theo yêu cầu của cán bộ B (cán bộ chiến trường miền Nam), nhiều đồng chí tham gia kháng chiến liên tục, suốt chín năm kháng chiến chống Pháp đến kháng chiến chống Mỹ không có điều kiện học hành, họ có tinh thần yêu nước, đấu tranh rất anh dũng với kẻ thù nhưng trình độ văn hoá thấp, có người chưa đọc thông viết thạo nên hạn chế trong công tác, nhất là đối với công tác tổ chức. Nắm được yêu cầu ấy, Ban Tổ chức Trung ương đã cho phép các đơn vị điều dưỡng cán bộ B (gọi là K: K5, K15...) mở các lớp bổ túc văn hóa tại chỗ cho anh chị em để vừa bồi dưỡng sức khỏe, vừa học tập văn hóa. Anh Sáu rất quan tâm và chỉ đạo thực hiện ngay việc mở lớp bồi dưỡng sức khoẻ và trình độ văn hoá, nhằm nâng cao trình độ cho cán bộ tổ chức ở cơ sở tại chiến trường miền Nam. Nhờ vậy, nhiều đồng chí cán bộ cơ sở miền Nam, trong đó có nhiều cán bộ người dân tộc thiểu số rất phấn khởi, nhiều người là thương binh hoặc bị bệnh nặng vẫn kiên trì điều trị, cố gắng vượt qua đau đớn, bệnh tật, tích cực tham gia đều đặn các lớp học văn hóa, tổ chức tại các đơn vị điều dưỡng của cán bộ chiến trường miền Nam ra Bắc. Nhiều đồng chí cán bộ khi ra Bắc chỉ có trình độ lớp 1, lớp 2 nhưng lúc trở về miền Nam đã có trình độ văn hóa cấp II, trình độ lý luận chính trị sơ cấp. Một số đồng chí cũng nhờ được bồi dưỡng văn hóa như vậy đã có trình độ cao hơn, trong đó có một số đồng chí được đào tạo lên đến bậc đại học, phục vụ đắc lực cho việc xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền cách mạng ở miền Nam sau ngày hoàn toàn giải phóng và tiếp tục giữ trọng trách của Đảng, Nhà nước giao phó đến nay. Những anh chị em được bồi dưỡng sức khoẻ, học tập văn hóa tại các đơn vị điều dưỡng trong chiến tranh tại miền Bắc đã sẵn sàng nhận nhiệm vụ trở lại chiến trường, sức khỏe được tăng cường, học lực được nâng lên, các đồng chí đó rất phấn khởi, công tác hiệu quả hơn.

Trong những năm chiến tranh, dưới sự chỉ đạo của Trung ương mà trực tiếp là anh Lê Đức Thọ, các ban, ngành đã đón tiếp, chăm sóc 20.500 cán bộ từ các chiến trường miền Nam ra Bắc chữa bệnh và học tập; xây dựng được 25 đơn vị đón tiếp, điều trị điều dưỡng và học tập cho cán bộ tổ chức; 7.000 cán bộ đi học ở các trường văn hóa, trường đại học, trung học chuyên nghiệp, trường lý luận chính trị; 4.000 cán bộ được bố trí đi chữa bệnh, tham quan nghỉ mát, học tập ở nước ngoài. 

Nhớ về  anh Sáu Thọ - đồng chí Lê Đức Thọ, một Trưởng ban Tổ chức Trung ương tận tụy với công tác tổ chức, cán bộ nói chung và đặc biệt là công tác tổ chức, cán bộ miền Nam nói riêng - một người anh luôn luôn hết lòng vì miền Nam ruột thịt thân yêu, tôi hồi tưởng và viết lại để thấy được tình cảm và trách nhiệm của đồng chí Lê Đức Thọ với công tác tổ chức, cán bộ miền Nam và với sự nghiệp cách mạng miền Nam trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta.



* Cán bộ cách mạng lão thành.

Nguyên:  - Phó Vụ trưởng Vụ Miền Nam - Ban Thống nhất Trung ương;

- Phó Cục trưởng Cục Đón tiếp cán bộ B - Ban Tổ chức Trung ương.

Trích trong cuốn Lê Đức Thọ - Người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tài năng;

Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả