Con người của những quyết sách quan trọng

Ngày đăng: 07/08/2012 - 08:08

 

Trong Lời điếu tại lễ tang đồng chí Võ Chí Công - nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, ngày 12-9-2011, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xúc động nói: “100 tuổi đời, 76 tuổi Đảng, đồng chí Võ Chí Công đã phấn đấu trọn đời mình và có những cống hiến to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta”. Trong cuốn “Đồng chí Võ Chí Công - người chiến sĩ cách mạng kiên cường, nhà lãnh đạo xuất sắc”, do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự Thật, xuất bản nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh (7-8-1912 – 7-8-2012), đã có rất nhiều bài viết về đồng chí, với tất cả sự kính trọng, quý mến.

 Một con người mưu lược và quyết đoán

Thượng tướng Nguyễn Chơn, nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nhớ lại, anh Năm Công luôn gắn bó với địa bàn Quân khu 5 trong cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Tháng 3-1965, Mỹ bắt đầu đổ quân vào miền Nam. Với giác quan chính trị, quân sự sắc bén, ngay thời điểm đó, đồng chí Võ Chí Công đã nhận định: Mỹ đưa quân qua Việt Nam là một bước ngoặt của chiến tranh, nhưng là bước ngoặt không có lợi cho ta. Từ đó, ông đưa ra chủ trương: phải đánh thắng quân Mỹ, quân ngụy, quân chư hầu trên chiến trường bằng 3 mũi giáp công: chính trị - quân sự - binh vận. “Anh Năm Công xác định, còn dân là còn cách mạng, còn dân là còn bám trụ giữ lấy đất đai. Ngày của Mỹ - ngụy, đêm của ta, từ đó mà phát triển đi lên”.

dc-Vo-Chi-Cong2

 Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công thăm huyện Phước Sơn (Quảng Nam), ngày 30-10-1989

TS Ngô Văn Hùng nhận xét, từ thực tiễn cách mạng miền Nam sau mấy năm đòi thi hành Hiệp định Genève, trong tư tưởng của đồng chí Võ Chí Công đã hình thành quan điểm phải dùng bạo lực, khi ông nói: “Thực tiễn miền Nam đã dạy cho chúng ta rằng: bạo lực chống lại bạo lực mới thắng được địch”. Tư tưởng đó của ông cũng là chiến lược, là quyết sách của Đảng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, làm nên sức mạnh vĩ đại đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng vào ngày 30-4-1975.

 Với Thiếu tướng Trần Quang Phương, ông không thể quên dấu ấn của nhà lãnh đạo mưu lược, quyết đoán Võ Chí Công trên cương vị Bí thư Khu ủy 5 trong những năm tháng trận mạc. “Khu ủy 5 dưới sự chỉ đạo của đồng chí Võ Chí Công đã quyết định đánh trận phủ đầu quân viễn chinh Mỹ ở cứ điểm Núi Thành, tiêu diệt gọn một đại đội địch, mở ra khả năng quân và dân ta có thể đánh và thắng Mỹ trong Chiến tranh cục bộ”, Thiếu tướng Trần Quang Phương viết.

 Ngay sau chiến thắng Buôn Ma Thuột, đồng chí Võ Chí Công đã đề xuất ý kiến với Bộ Chính trị và đồng chí Lê Duẩn chớp thời cơ, lãnh đạo quân và dân Khu 5 phát huy lợi thế tại chỗ, kết hợp với các đơn vị chủ lực của Bộ Tổng tư lệnh, nhanh chóng xóa sổ Quân đoàn 1 và Vùng 1 chiến thuật của địch, đánh tan 10 vạn quân địch, giải phóng Đà Nẵng, tạo ra thế chiến lược cho cuộc tổng tấn công cuối cùng của toàn dân tộc.

 Chiến dịch giải phóng Đà Nẵng thể hiện sự quyết tâm chính trị rất cao của đồng chí Võ Chí Công trên cương vị Bí thư Khu ủy. Thiếu tướng Lê Chiêm nhớ lại, trận quyết chiến vô cùng quan trọng này đã sớm xuất hiện trong tư duy, suy nghĩ của đồng chí Võ Chí Công. Không những thế, ngày 26-3-1975, ông trực tiếp về Đặc khu ủy Quảng Đà chỉ đạo thực hành phương án chiến dịch, quyết định tiến công giải phóng Đà Nẵng.

 5 giờ 30 phút sáng 28-3-1975, trận đánh bắt đầu. Pháo binh đánh phá sân bay, bộ binh tiến vào thành phố từ 3 hướng. Và rồi vào lúc 13 giờ hôm sau, Sư đoàn 304 (Quân đoàn 2) hội quân với Trung đoàn Ba Gia (Sư đoàn 2) tại sân bay Đà Nẵng. 2 tiếng sau, vào lúc 15 giờ, hội quân giữa hai cánh quân phía Bắc và phía Nam tại bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng hoàn toàn giải phóng.

 Khi được tin, đồng chí Lê Duẩn đã có điện khen ngợi và khẳng định: “Giải phóng Đà Nẵng sớm hơn kế hoạch, quân dân ta sẽ đánh như chẻ tre tiến về giải phóng Sài Gòn và giải phóng hoàn toàn miền Nam”.

 Tỏa rạng tài năng, nhân cách, bản lĩnh cộng sản

 Ông Hoàng Bích Sơn, nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, trong một tham luận tại Hội thảo về thân thế và sự nghiệp của đồng chí Võ Chí Công, do Tỉnh ủy Quảng Nam và Thành ủy Đà Nẵng tổ chức năm 1998, đã cho rằng: “Việc giải phóng miền Nam trong năm 1975 xuất phát từ đề xuất rất quan trọng của anh Võ Chí Công là công lao rất lớn của anh với đất nước. Phải nói rằng đề xuất của anh Năm Công được chấp nhận là một đóng góp to lớn của anh đối với sự nghiệp giải phóng miền Nam”.

 Tiếp đó, ông Hoàng Bích Sơn đánh giá rất cao vai trò của đồng chí Võ Chí Công trong việc đề ra chủ trương khoán sản phẩm trong hợp tác xã nông nghiệp. Trong một lần đi công tác Hải Phòng, đồng chí Võ Chí Công đã tìm hiểu việc “khoán chui” - khoán sản phẩm và rồi kết hợp với nhiều chuyến đi thực tế khác, ông đã đề xuất Trung ương nên làm như vậy, vì tính hiệu quả rất rõ ràng. Từ đó, Ban Bí thư đã ra Chỉ thị số 100, ngày 13-1-1981 (sau này quen gọi là Khoán 100). Bây giờ mọi chuyện thấy như đơn giản, nhưng lúc bấy giờ chủ trương chung là khoán việc. Do đó, mới có chuyện khoán sản phẩm phải làm chui, nên gọi là “khoán chui”.

 Là một nhà lãnh đạo gần dân, đồng chí Võ Chí Công đã xuống nhiều địa phương, trực tiếp nghe ý kiến, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của người dân. Lúc bấy giờ, có người đã báo cáo với ông rằng: “đòi bỏ khoán việc thế thì đốt hết sách Mác-Lênin hay sao? Không còn khoán việc thì làm gì còn chủ nghĩa xã hội”. Lại có người cho rằng, thà đói còn hơn mất lập trường.

 Ông đi nhiều, nghe nhiều với tâm tư nặng trĩu. Nhất là khi về Nghệ Tĩnh, ông rất trăn trở trước tâm tư của nhiều đảng viên, rằng khi nghĩ ra cách làm ăn no cơm, ấm áo lại bị lên án là sai đường lối, sai quan điểm. Có lão nông đã nói với ông, bây giờ không còn địa chủ nhưng các xã viên vẫn là thân phận tá điền.

 Về sự kiện này, trong Hồi ký “Trên những chặng đường cách mạng”, đồng chí Võ Chí Công cho biết, ông đã viết thư cho đồng chí Hoàng Quy - Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú, đề nghị cho làm khoán thí điểm đến người lao động. “Có lần tôi đến giữa vụ đông xuân, thấy kết quả ruộng khoán xanh tốt hơn nhiều, khác hẳn ruộng hợp tác xã chưa khoán. Nhưng tôi vẫn chưa dám báo cáo với Chính phủ, Ban Bí thư và Bộ Chính trị.

 Anh em nói đây là “làm chui”. Tôi trả lời: lĩnh vực này là trách nhiệm của tôi, tôi không làm sai đường lối, chủ trương của Đảng...”. Sau đó, trong nhiều cuộc họp Chính phủ, họp Trung ương, đồng chí Võ Chí Công đã đặt vấn đề khoán sản phẩm trong nông nghiệp và kiên định ý kiến của mình.

 Như vậy, có thể thấy, một chủ trương đúng nhưng không phải đã được chấp nhận ngay, cần có kết quả từ thực tế và sự quyết tâm, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu lĩnh vực, mà cụ thể ở đây là đồng chí Võ Chí Công trong cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phụ trách nông nghiệp.

 Tư duy thực tiễn, sáng suốt, sự quyết đoán, dám chịu trách nhiệm của ông đã mở ra hướng phát triển đúng đắn cho nông nghiệp nước nhà. Không thể nói hiện nay Việt Nam với vị trí là quốc gia thứ hai trên thế giới về xuất khẩu gạo lại không có đóng góp quan trọng của đồng chí Võ Chí Công ngay từ những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ XX.

 Như vậy là, cả trong thời kỳ đấu tranh giải phóng cũng như xây dựng đất nước trong hòa bình, đồng chí Võ Chí Công luôn có mặt ở những điểm nóng, có vai trò quan trọng trong những quyết sách mang tầm chiến lược của đất nước. Thời gian càng lùi xa, người ta càng thấy một tài năng, một nhân cách, một bản lĩnh cộng sản trong con người ông tỏa rạng.

 

"...Bác thường nhắc nhở anh em “nên lắng nghe dân”. Khi một chủ trương của Đảng mà cán bộ và nhân dân có nhiều ý kiến, thì cần xem lại chủ trương đã chính xác chưa, vấn đề nào sai với thực tiễn cuộc sống, sai với lợi ích của dân. Tôi nghĩ, bài học lớn nhất của tôi rút ra từ những suy nghĩ và hành động đúng đắn, sâu sắc của bác Võ Chí Công chính là “lấy dân làm gốc”"

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình

 NGUYỄN MINH Ý


Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả