Còn nhiều thách thức sau 07 năm thực hiện Luật Xuất bản

Ngày đăng: 02/12/2020 - 08:12

Sau 07 năm thực hiện Luật Xuất bản, với sự phát triển về kinh tế, xã hội và cuộc cách mạng 4.0, quá trình thực thi hệ thống pháp luật về xuất bản không khỏi bộc lộ một số hạn chế, bất cập...

Ngày 25/11/202, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị toàn quốc Sơ kết 7 năm thực hiện Luật xuất bản năm 2012. Tham dự hội nghị có nhiều đại diện từ các đơn vị xuất bản, cơ quan chủ quản trong cả nước.

Còn nhiều bất cập

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, ông Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định, sau 07 năm thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều vấn đề bất cập nảy sinh, cả trong các quy định Luật và trong tổ chức thực hiện, đòi hỏi phải có đánh giá khách quan, toàn diện về việc thực hiện Luật Xuất bản. Chính vì thế, để hoàn thiện báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị, Hội nghị tập trung trao đổi, thảo luận các nội dung chính như: Phân tích, làm rõ những bất cập, hạn chế, thiếu đồng bộ trong các quy định, các văn bản pháp luật, trước hết là Luật Xuất bản, chỉ ra những vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn đang cần pháp luật điều chỉnh...

Báo cáo tại Hội nghị, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành cho rằng, qua 07 năm thực hiện Luật Xuất bản, công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Xuất bản đã được cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và 63 địa phương quan tâm, triển khai sâu rộng. Tuy nhiên, số lượng thủ tục hành chính còn nhiều, thời gian giải quyết một số thủ tục hành chính dài, dẫn đến có thời điểm một số thủ tục thực hiện chậm, ảnh hưởng hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhà xuất bản, các đơn vị liên kết xuất bản.

"Chẳng hạn như thời gian xác nhận đăng ký xuất bản 07 ngày như hiện nay còn dài, chưa phù hợp với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị đột xuất, ảnh hưởng đến tiến độ, thời cơ xuất bản và phát hành xuất bản phẩm ra thị trường; Chưa có quy định cụ thể đối với việc xuất bản tài liệu không kinh doanh (dạng điện tử) dẫn đến chưa có cơ sở xác định cơ quan, tổ chức xuất bản tài liệu không kinh doanh có phải đăng ký hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử hay không?...", Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành cho biết.

Tại Hội nghị, PGS. TS. Nguyễn An Tiêm, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam khẳng định, Luật Xuất bản đã trở thành công cụ pháp lý quan trọng để Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các cơ quan chức năng thực hiện tốt vai trò nhiệm vụ vừa hỗ trợ tích cực các tổ chức, hội viên thành viên, vừa trực tiếp tham gia đóng góp bằng những chương trình, đề án và công việc cụ thể mà tiêu biểu nhất là việc thực hiện thành công Đề án Giải thưởng Sách Quốc gia.

Ông cho rằng, với tốc độ phát triển vượt bậc về kinh tế, xã hội của đất nước, cùng với xu thế chuyển đổi số mạnh mẽ đáp ứng thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hệ thống pháp luật về xuất bản không khỏi bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc. Một trong những chính sách được Hội Xuất bản Việt Nam hết sức quan tâm và đã kiến nghị nhiều cấp để có thể triển khai trong thực tế là việc xây dựng quỹ hỗ trợ xuất bản tạo nguồn bản thảo được quy định cụ thể tại điểm C, khoản 2, Điều 7 Luật Xuất bản nhưng từ năm 2012 tới nay chưa có một bước tiến nào.

 “Quy định điều kiện các chức danh tổng giám đốc (giám đốc), tổng biên tập nhà xuất bản trong suốt quá trình hoạt động là cần thiết nhưng trong nhiều trường hợp vì lý do đột ngột, bất khả kháng bị thiếu các chức danh này lại chưa có quy định cụ thể cho việc chuyển tiếp phù hợp cho đối tượng người đứng đầu nhà xuất bản. Luật Xuất bản chưa có quy định đối với các trường hợp sáp nhập, phá sản, giải thể nhà xuất bản đã trong khi thực tế đã và sẽ diễn ra do những lý do khác nhau.

Luật Xuất bản hiện nay chưa có quy định trách nhiệm của cơ quan chủ quản: hỗ trợ việc làm, giao nhiệm vụ, đặt hàng cho nhà xuất bản nhằm tránh trường hợp các bộ, ngành, cơ quan chủ quản đưa công việc xuất bản ra ngoài ngành, không phù hợp với tôn chỉ, mục đích của nhà xuất bản, nhất là các nhà xuất bản chuyên ngành. Đây là thực trạng khá phổ biến ở một số bộ, ngành chủ quản khi xuất bản các tài liệu không kinh doanh, lưu hành nội bộ phục vụ ngành mình nhưng lại không giao cho nhà xuất bản trực thuộc thực hiện”, PGS. TS. Nguyễn An Tiêm nêu.

Xây dựng, hoàn thiện chế tài xử lý mạnh mẽ với sách lậu, sách giả

Ông Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Văn học cho rằng, mô hình hoạt động, tổ chức của các nhà xuất bản hiện nay chưa thống nhất để có thể đưa ra cơ chế chính sách chung, sao cho các nhà xuất bản đều được hưởng những cơ chế, chính sách một cách hợp lý.

 “Cần phải có những cơ chế, chính sách đặc thù để hỗ trợ các nhà xuất bản với tư cách là những cơ quan hoạt động trong lĩnh vực tư tưởng, văn hóa có thể tồn tại một cách vững vàng, độc lập trong bối cảnh hiện tại, tránh việc bị chi phối, lệ thuộc, thậm chí bị coi như đi làm thuê cho đối tác liên kết hay còn gọi là hiện tượng sống bằng bán giấy phép, bán thương hiệu. Đồng thời, với đó là một chiến lược phát triển có tính chất dài hơi, bền vững cho ngành xuất bản; Gấp rút xây dựng, hoàn thiện chế tài xử lý mạnh mẽ, triệt để đối với vấn nạn sách lậu, sách giả…

Đặc biệt, cần phải có một lộ trình, một cơ chế đầu tư đặt hàng sáng tác thích đáng, có chiều sâu, thiết thực, hiệu quả đối với đội ngũ sáng tác để đóng góp cho thị trường sách những tác phẩm thực sự chất lượng. Bên cạnh đó, cũng cần có những cơ quan ngôn luận uy tín, nghiêm túc để định hướng, hướng dẫn đọc trong nhân dân, giới thiệu đến bạn đọc những tác phẩm thực sự có giá trị. Ngoài ra, cần tăng cường hơn nữa những đề án, dự án đặt hàng để đưa sách về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo,… giải quyết tình trạng mất cân bằng trong lưu thông, phân phối, phát hành sách hiện nay”, ông Nguyễn Anh Vũ chia sẻ.

Báo cáo Chính phủ xem xét trình Quốc hội sửa đổi Luật xuất bản 2012

Sau khi nghe ý kiến tham luận và thảo luận từ các nhà xuất bản, cơ quan chủ quản, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo khẳng định, các ý kiến đóng góp tại Hội nghị là những ý kiến đóng góp thẳng thắn, tâm huyết, giàu tính xây dựng. Thứ trưởng đề nghị các bộ, ngành ở Trung ương, các địa phương và cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp triển khai một số công việc trọng tâm trước mắt và trong thời gian tới như sau:

Đối với các cơ quan chủ quản nhà xuất bản, cần phải tăng cường trách nhiệm chủ quản; tiếp tục quan tâm đầu tư về trụ sở, nhân lực; chủ động phối hợp tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, tạo điều kiện cho nhà xuất bản nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động.

Đối với các đơn vị, doanh nghiệp trong toàn ngành Xuất bản, In, Phát hành phải nâng cao hơn chất lượng nội dung, lấy chất lượng làm tiêu chí phát triển; không để xảy ra vi phạm về nội dung xuất bản phẩm; tập trung, đầu tư, phát triển xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử; chú trọng công tác đào tạo tại chỗ, nâng cao chất lượng đội ngũ biên tập viên và xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo nhà xuất bản.

Đối với các cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản ở Trung ương và địa phương tiếp tục nghiên cứu, đánh giá những hạn chế, tồn tại, vướng mắc nảy sinh qua 07 năm thực hiện Luật Xuất bản và đề xuất, kiến nghị các giải pháp cụ thể, khả thi với cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, nhất là các giải pháp về cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với từng lĩnh vực xuất bản, in, phát hành; chủ trì phối hợp với Vụ Pháp chế và các đơn vị liên quan tổng hợp, hoàn thiện Báo cáo Sơ kết 07 năm thực hiện Luật Xuất bản, trong đó tổng kết, đánh giá một cách khách quan, toàn diện để báo cáo Chính phủ xem xét trình Quốc hội sửa đổi Luật Xuất bản 2012...

Theo Vietnamnet.vn

Bình luận