Dư luận quốc tế ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam* (Trích)

Ngày đăng: 10/08/2012 - 13:08

Trong những ngày đầu tháng 3-2005, các hãng thông tấn, báo chí ở Mỹ và một số nước đã đưa đậm tin về vụ kiện các công ty hóa chất Mỹ của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.

Diễn biến phiên tranh tụng

Ngày 1-3-2005, phiên tranh tụng đầu tiên của vụ kiện 37 công ty hóa chất Mỹ của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (diễn ra trong hơn 8 giờ, vượt hơn 1 giờ 30 phút so với thời gian quy định) đã kết thúc tại Tòa án Liên bang Mỹ ở quận Brooklyn. Tuy chưa có phán quyết cuối cùng, nhưng tiếng chuông công lý đã được gióng lên ngay trên đất Mỹ.

50 luật sư đại diện cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, các công ty hóa chất Mỹ và các cựu chiến binh Mỹ bị nhiễm chất độc da cam trong chiến tranh Việt Nam đã tham dự phiên tranh tụng.

Tham dự phiên tranh tụng còn có bà Phan Thị Phi Phi, nạn nhân chất độc da cam, đại diện cho các nhạn nhân khởi kiện. Bà Phan Thị Phi Phi cho biết, bà đã làm việc tại một khu vực bị rải dày đặc chất khai quang và đã bốn lần bị sảy thai vào đầu những năm 70 của thế kỷ XX. Bà nói: “Chúng tôi không biết điều gì đã xảy ra với chúng tôi và nguyên nhân của nó là gì. Do vậy, chúng tôi rất buồn vì nhiều lần bị sảy thai và đã không thể có con”. Luật sư của bà Phi Phi, ông C. Côcôrít, bình luận thêm: “Cho đến nay, nhân dân Việt Nam vẫn tiếp tục bị nhiễm bệnh do ăn và uống phải thức ăn và nước uống bị ô nhiễm”.

Chánh án G.Uênxtên đã hoan nghênh sự có mặt của bà Phan Thị Phi Phi tại phiên tòa.

Các nhà khoa học cho biết, chất khai quang có thể gây ra bệnh ung thư, bệnh tiểu đường, quái thai và những căn bệnh khác. Mặc dù, có đến 300 triệu USD đã được trả cho những cựu binh Mỹ tham chiến ở Việt Nam, nhưng chưa hề có sự bồi thường nào cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Từ năm 1962 đến năm 1971, có khoảng hơn 21 triệu gallon (tức là 79,38 triệu lít; 1 gallon Mỹ = 3,785411784 lít) chất hóa học độc hại đã được rải xuống Đông Nam á.

Các luật sư của bên nguyên và bên bị đã trình bày các lập luận pháp lý liên quan đến hiệu lực pháp lý của đơn kiện của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và trách nhiệm pháp lý phải bồi thường của các công ty hóa chất Mỹ. Các luật sư bên bị đã trình Tòa những chứng cứ pháp lý dựa theo luật bảo vệ nhà thầu của Chính phủ Mỹ, luật giới hạn thời gian khởi kiện (chỉ khởi kiện trong vòng 10 năm kể từ khi xảy ra vụ việc), luật giới hạn an toàn sản phẩm, và cho rằng, họ là những nhà thầu chỉ làm theo đơn đặt hàng của Chính phủ Mỹ, do đó không thể chịu hoàn toàn trách nhiệm, và yêu cầu Tòa hủy bỏ đơn kiện của hơn 100 nạn nhân (đại diện cho hơn 3 triệu nạn nhân) chất độc da cam/dioxin Việt Nam, nhằm tránh trách nhiệm pháp lý bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, các luật sư bên nguyên đã trình Tòa những bằng chứng pháp lý, khẳng định tính hợp pháp của các đơn kiện của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Các luật sư của bên nguyên cũng dẫn thực tế rằng, sau Chiến tranh thế giới thứ hai, những kẻ sản xuất khí gây ngạt, được sử dụng trong các trại tập trung của phát xít Đức, đã bị coi là tội phạm chiến tranh, và bác bỏ yêu cầu đòi hủy vụ kiện của các luật sư bên bị... Phiên tòa có thể sẽ phải kéo dài, do Chánh án G. Uênxtên cho rằng, Tòa cần có thêm thời gian để nghiên cứu các bằng chứng pháp lý mà bên nguyên và bên bị đưa ra. Các luật sư tham dự phiên tranh tụng cũng nói rằng, Tòa cần cân nhắc thêm về những tình tiết mới nảy sinh tại phiên tranh tụng để quyết định có đưa vụ kiện ra xét xử hay không. Tuy nhiên, dù thế nào chăng nữa, các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã khẳng định, sẽ theo vụ kiện đến cùng.

Dư luận quốc tế ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam

Vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế. Đã có rất nhiều tiếng nói ủng hộ quyền lợi hợp pháp của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.

Dư luận Mỹ, đặc biệt là các cựu binh Mỹ, đã đặc biệt quan tâm và ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Tại phiên điều trần, các luật sư đại diện cho các cựu binh Mỹ bị nhiễm chất độc da cam đã đưa ra các bằng chứng cho thấy, các công ty hóa chất Mỹ đã che giấu tác hại của chất độc da cam, đặc biệt là dioxin được sản xuất và cung cấp cho quân đội Mỹ với nhãn hiệu là chất khai quang. Chủ tịch Hội Cựu chiến binh vì hòa bình Mỹ khẳng định: “Các nạn nhân Việt Nam đang tham gia vào vụ kiện tương tự như vụ kiện của các cựu chiến binh Mỹ trước đây. Điều đó là công bằng. Nếu những cựu chiến binh Mỹ bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam được bồi thường thì những nạn nhân Việt Nam cũng phải nhận được sự quan tâm đặc biệt”.

Quỹ Hòa giải và phát triển Đông Dương (FRD), một tổ chức phi chính phủ Mỹ, đã lên tiếng kêu gọi Chính phủ và các công ty hóa chất Mỹ nhận trách nhiệm về những hậu quả mà các loại hóa chất gây ra với con người và thiên nhiên Việt Nam. FRD tuyên bố sẽ ủng hộ quyền lợi cho các nguyên đơn Việt Nam. Hiện nay, Phó Chủ tịch FRD, bà S. Hamôn, đang giúp bà Phan Thị Phi Phi, đại diện cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam tham gia khởi kiện, tham dự các buổi thảo luận bàn tròn, các cuộc nói chuyện tại một số trường đại học lớn và tại các tổ chức hữu nghị ở Đông Bắc Mỹ về tác hại của chất độc da cam đối với con người và môi trường Việt Nam.

Chiến dịch trách nhiệm và cứu trợ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (VAORRC), một tổ chức của các cựu binh Mỹ đã từng tham gia chiến tranh Việt Nam, trong Tuyên bố báo chí ngày 28-2-2005 nêu rõ: “VAORRC ủng hộ vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đối với các công ty hóa chất Mỹ”. Chị M. Rátnơ, một trong những người sáng lập VAORRC cho biết, chiến dịch ủng hộ sẽ diễn ra cho đến khi các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đòi được công lý.

Đại diện Trung tâm các quyền Hiến pháp Mỹ, một tổ chức phi chính phủ, cũng đã đưa ra những lập luận pháp lý, ủng hộ đơn kiện của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Trong khi đó, kết quả của một cuộc thăm dò cho thấy, có 51,4% số người Mỹ cho rằng, Chính phủ Mỹ phải bồi thường cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.

Ngay sau khi phiên tranh tụng kết thúc, Đài Phát thanh ABC (Ôxtrâylia) nhận định, vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã trở thành một phép thử quan trọng các Tòa án Mỹ và đang được các chuyên gia luật pháp quốc tế cũng như nhiều tổ chức xã hội trên toàn thế giới theo dõi sát sao.

Đài Truyền hình KBS (Hàn Quốc), trong mấy ngày đầu tháng 3-2005, đã đưa diễn biến cuộc tranh tụng giữa các đoàn luật sư đại diện cho bên nguyên, bên bị, chính quyền Mỹ và những nhận xét ban đầu của Chánh án G. Uênxtên. KBS đặc biệt lưu ý việc Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Tòa án tìm cách hủy bỏ vụ kiện, với lý do hậu quả của vụ án có thể đe dọa quyền phát động chiến tranh của Tổng thống Mỹ!

Tờ Dân tộc (Hàn Quốc), số ra ngày 3-3-2005, đã đăng bài giới thiệu diễn biến phiên tranh tụng đầu tiên và dư luận Mỹ xung quanh vụ kiện này.

Bài báo bình luận rằng, lý lẽ của các công ty hóa chất Mỹ cho rằng luật quốc tế dành cho họ quyền miễn trừ về hình sự và dân sự vì họ chỉ thi hành mệnh lệnh của Chính phủ Mỹ là không vững. Bởi vì, những kẻ đứng đầu các công ty hóa chất Đức sản xuất chất độc dùng cho các trại tập trung của phát xít Đức đã bị kết tội. Năm 1984, Tòa án Mỹ cũng đã xét xử vụ các cựu binh Mỹ tham gia chiến tranh tại Việt Nam bị nhiễm chất độc da cam/dioxin kiện các công ty hóa chất Mỹ, và đã buộc 7 công ty hóa chất Mỹ phải bồi thường cho các cựu binh Mỹ 180 triệu USD.

Đài MBC, một trong ba kênh truyền hình lớn nhất Hàn Quốc, đã cử đoàn làm phim đến Việt Nam thực hiện phóng sự “Hành trình đi tìm công lý”. Trong suốt hơn một tháng, đoàn làm phim đã hành trình dọc theo đất nước Việt Nam để gặp gỡ các nạn nhân chất độc da cam và các cựu chiến binh Việt Nam. S. Kiuhông, biên tập viên của MBC, nói: “Chúng tôi cảm nhận được nỗi đau mà các nạn nhân chất độc da cam người Hàn Quốc cũng như người Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục gánh chịu”.

Ngay sau khi phiên tranh tụng kết thúc, trong cuộc trả lời phỏng vấn chương trình “Thế giới ngày nay” của Đài Phát thanh ABC (Ôxtrâylia), ông C. Côcôrít, luật sư của bà Phan Thị Phi Phi, cho biết, hầu hết người dân Mỹ và nhiều nơi khác trên thế giới đều cho rằng, các nạn nhân Việt Nam đã bị đối xử bất công. Ông C. Côcôrít tin tưởng, Tòa án Mỹ cũng có cùng quan điểm trên và sẽ ra phán quyết yêu cầu các công ty hóa chất Mỹ trả tiền đền bù cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Ông C. Côcôrít còn cho rằng, không chỉ dừng lại ở việc đền bù, các công ty hóa chất Mỹ còn phải có trách nhiệm tham gia công việc dọn sạch các khu vực bị chất độc da cam/dioxin làm ô nhiễm để chất độc này không còn là mối đe dọa cho các thế hệ Việt Nam tương lai.

Trong khi đó, ông G. Muarơ, đại diện cho đoàn luật sư bên nguyên, cho biết, phiên tranh tụng này là cơ hội tốt để các luật sư đại diện cho các nạn nhân Việt Nam trình bày các chứng cứ mới nhất, buộc các công ty hóa chất Mỹ phải chịu trách nhiệm về các loại hóa chất độc hại mà quân đội Mỹ đã sử dụng ở Việt Nam trong thời gian chiến tranh. Ông G. Muarơ tin tưởng rằng, vụ kiện sẽ có kết quả khả quan và cho biết, ông cùng với các luật sư đại diện cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam sẽ tiếp tục theo đuổi vụ kiện đến cùng.

Nhân dịp tham dự phiên họp lần thứ 12 của Uỷ ban định hướng của Nhà pháp luật Việt - Pháp, bà N. Guyêdi, Quốc vụ khanh phụ trách Quyền các nạn nhân của Pháp, nói: “Chính phủ Pháp ý thức rất rõ hậu quả của chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam. Chúng tôi thông cảm sâu sắc với các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Và sắp tới, có một hội nghị rất lớn về hậu quả các chất độc da cam ở Việt Nam sẽ diễn ra tại Pháp...”.

Phong trào ký tên ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam cũng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của đủ mọi tầng lớp xã hội trong nước và quốc tế, với 11,5 triệu chữ ký. Ngoài ra, ông L. Anđixơ, Tổng Thư ký Hội Hữu nghị Anh - Việt, còn tập hợp được gần 70 vạn chữ ký (trực tuyến trên mạng, ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam trong vụ kiện để gửi tới Tổng thống Mỹ G. Bush, Tổng Thư ký Liên hợp quốc C. Anan và Giám đốc Công ty sản xuất hóa chất Monsanto (Mỹ), nhằm giúp các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam trong vụ kiện.

 

 



* Bài viết đăng trên Tạp chí Cộng sản, số 6-2005.

Trích trong cuốn Nỗi đau da cam, Nhà xuất bản  Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2012

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả