Đảm bảo dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân tộc thiểu số ở Việt Nam (Sách chuyên khảo)

Ngày đăng: 14/12/2020 - 12:12

Dân tộc thiểu số ở Việt Nam gồm 53 dân tộc, với số dân hơn 14 triệu người, chiếm hơn 14% dân số cả nước. Phần lớn người dân tộc thiểu số cư trú tại vùng trung du, miền núi và vùng cao. Do địa bàn cư trú, phong tục tập quán và tâm lý, lối sống, tín ngưỡng tôn giáo mang tính đặc thù, tạo nên sắc thái riêng của từng dân tộc, tồn tại và phát triển trong tính đa dạng và thống nhất của nền văn hóa các dân tộc Việt Nam. Vùng dân tộc thiểu số có xuất phát điểm kinh tế - xã hội thấp, kết cấu hạ tầng kém phát triển, tập trung nhiều hộ nghèo nhất cả nước. Do đó việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản gồm: Giáo dục (mầm non 5 tuổi, tiểu học, trung học cơ sở, xóa mù); Y tế (y tế dự phòng, khám chữa bệnh tại tuyến cơ sở và bảo hiểm y tế); Nhà ở (hỗ trợ giao đất, cho vay tín dụng và hỗ trợ trực tiếp nhằm giúp người dân có nhà ở); Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn (nước sinh hoạt, nhà tiêu, chuồng trại hợp vệ sinh); Thông tin (những thông tin cần có, hạ tầng cơ sở phục vụ cung cấp thông tin) gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng lớn đến đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

 Thực hiện mục tiêu giảm nghèo, những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số. Chính sách đã tác động trực tiếp đến đời sống kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, đạt nhiều chuyển biến tích cực; cơ sở hạ tầng từng bước được hoàn thiện; tỷ lệ hộ nghèo giảm; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao; tạo khuôn khổ hành động nhằm đảm bảo người dân tộc thiểu số được tiếp cận đầy đủ, phù hợp với nhu cầu thực tế của từng dân tộc, hộ gia đình và cá nhân. Tuy nhiên, sự chênh lệch về mức độ tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản là đáng kể giữa các dân tộc và địa phương; mức độ đảm bảo dịch vụ xã hội cơ bản thấp dẫn đến chất lượng cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số chưa cao, tình trạng nghèo và tái nghèo vẫn ở mức độ cao. Tỷ lệ mù chữ, tái mù chữ, nghèo đói cao gấp nhiều lần so với bình quân chung cả nước, trình độ dân trí thấp tiềm ẩn nguy cơ cao về mất ổn định an sinh xã hội và an toàn chính trị. Tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số sử dụng nước máy trong sinh hoạt còn thấp, các chương trình hỗ trợ nước sinh hoạt hợp vệ sinh, sử dụng hố xí hợp vệ sinh và dịch vụ thu gom, xử lý rác thải tập trung còn khá hạn chế đối với nhiều dân tộc thiểu số. Tỷ lệ người dân tộc thiểu số được tiếp cận với máy tính và internet chưa cao. Để khắc phục những hạn chế trên, Việt Nam vẫn tiếp tục kiên trì với quan điểm “không ngừng nâng cao mức sống và điều kiện tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân tộc thiểu số, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và khả năng cân đối, huy động nguồn lực của đất nước trong từng thời kỳ”. Mục tiêu đến năm 2030 được đề xuất với kỳ vọng nâng cao tỷ lệ tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản ở tất cả các lĩnh vực.

Nhằm giúp độc giả có thêm tài liệu tham khảo về vấn đề trên, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách Đảm bảo dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân tộc thiểu số ở Việt Nam (Sách chuyên khảo) do PGS.TS. Đỗ Thị Hải Hà chủ biên. Cuốn sách là sản phẩm của Đề tài CTDT.19.17/16 – 20 thuộc Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2016 – 2020: “Những vấn đề cơ bản và cấp bách về dân tộc thiểu số và chính sách dân tộc ở Việt Nam đến năm 2030”. Cuốn sách có cấu trúc gồm 03 chương: Chương 1: Tổng quan về đảm bảo dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân tộc thiểu số; Chương 2: Thực trạng về đảm bảo dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân tộc thiểu số ở Việt Nam trong giai đoạn từ đổi mới đến nay; Chương 3: Quan điểm, phương hướng và giải pháp hoàn thiện chính sách đảm bảo dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân tộc thiểu số ở Việt Nam đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Cuốn sách là tài liệu tham khảo hữu ích cho các cấp, các ngành có những quyết sách phù hợp nhằm từng bước thu hẹp khoảng cách về tiếp cận dịch vụ cơ bản của đồng bào dân tộc thiểu số.

Bình luận