Để xuất bản Việt Nam về đích trong kỷ nguyên số toàn diện

Ngày đăng: 10/03/2021 - 10:03

Chuyển đổi số là yêu cầu sống còn của mọi nền kinh tế, đồng thời là yêu cầu sống còn của mỗi lĩnh vực, trong đó có xuất bản. Trong chuyển đổi số của hoạt động xuất bản, những mô hình, phương thức dựa trên nền tảng số hóa dữ liệu, ứng dụng Big Data, Internet of Things, trí tuệ nhân tạo cần được triển khai trên diện rộng để mang đến hiệu quả mới cho ngành xuất bản hiện nay.

Thực trạng quá trình chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản

Xuất bản số đang trở thành xu thế tất yếu của ngành xuất bản. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản ở nước ta hiện nay nhìn chung còn chậm so với các lĩnh vực khác. Hiện nay, trong số 59 nhà xuất bản (NXB), chỉ có khoảng 10 NXB đã và đang  thực hiện chuyển đổi số. Theo Cục Xuất bản, In và Phát hành Việt Nam, đến nay mới có 09 NXB được cấp giấy xác nhận đăng ký hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử. Điều này phần nào cho thấy sự thờ ơ, đứng ngoài cuộc của ngành xuất bản Việt Nam đối với sách điện tử, trái ngược với xu thế và nhu cầu sử dụng của bạn đọc trong bối cảnh hiện nay. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều năm nay, các trang chia sẻ ebook (sách điện tử) không bản quyền vẫn ngang nhiên hoạt động tại Việt Nam với hàng trăm nghìn đầu sách được số hóa và tải về, các diễn đàn đọc truyện trực tuyến, ứng dụng đọc sách lậu của Việt Nam xuất hiện tràn lan trên mạng internet, “chợ ứng dụng” của Google và Appstore.

Hiện nay, ebook có tiềm năng phát triển rất lớn tại Việt Nam. Tuy nhiên, con số xấp xỉ 10 đơn vị xuất bản và nhà sách quan tâm tới mảng sách này là quá ít ỏi. Vốn đầu tư vào phát triển thiết bị, phần mềm đọc sách và dịch vụ chăm sóc khách hàng của những đơn vị này cũng vô cùng hạn chế. Nhiều ứng dụng đọc sách được một số NXB lập ra nhưng lại không hướng đến nhu cầu và lợi ích của độc giả. Thậm chí, có NXB dù đã nhận được nhiều phản hồi từ phía bạn đọc về việc không thể đăng nhập tài khoản, ứng dụng bị lỗi, khó khăn khi nạp tiền mua sách và mã giảm giá... nhưng vẫn không có động thái khắc phục, tư vấn hay hỗ trợ độc giả. Trong khi đó, tiki.vn - một website thương mại điện tử tiêu biểu của Việt Nam, vốn xuất hiện như một siêu thị sách online lại đang vận hành theo mô hình của trang bán lẻ trực tuyến. Thay vì đầu tư vào xuất bản điện tử và thương mại xuất bản trực tuyến như trước đây, doanh nghiệp này đang có khuynh hướng trở thành một siêu thị “ảo”. Chất lượng kho sách miễn phí của các NXB hiện nay nhìn chung chưa cao, chủ yếu là truyện ngôn tình hoặc các văn bản được sưu tầm từ các nguồn ebook miễn phí trên mạng nên nội dung còn đơn điệu, thiếu hấp dẫn. Những vấn đề khúc mắc từ những vụ kiện bản quyền khiến cho ứng dụng đọc sách chính thống trở nên “thất thế” tại thị trường sách trong nước. Vì thế, ngày càng có nhiều người đọc ưu tiên sử dụng, thậm chí trả phí cho các website ứng dụng chia sẻ sách vi phạm bản quyền.

Sự lúng túng trong chuyển đổi số của ngành xuất bản càng thể hiện rõ hơn từ thực tế Hội sách và Triển lãm sách trực tuyến lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Có thể nói, đây không chỉ là giải pháp tình thế của ngành xuất bản nhằm ứng phó với đại dịch Covid 19 mà còn là dấu ấn của xu hướng công nghệ , góp phần kết nối sách với bạn đọc trên không gian mạng, tạo điều kiện thuận lợi để ngành xuất bản thực hiện quá trình chuyển đổi số, bước vào nền kinh tế số.Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu đáng mừng, vẫn còn nhiều vấn đề bất cập cần nghiêm túc nhìn nhận và khắc phục.

Trước hết, khâu tổ chức và vận hành còn lúng túng. Giữa Ban Tổ chức và các đơn vị tham gia chưa có sự nhất quán, tính chuyên nghiệp chưa cao. Hầu hết các đơn vị xuất bản, kinh doanh sách chưa  có đủ trang thiết bị và nhân sự vận hành nền tảng số. Nhiều tên sách, nội dung sách, giá sách, mã sách bị sai sót nhưng chưa được xử lý kịp thời. Việc kiểm tra đơn hàng, vận đơn, chốt đơn, đóng gói sản phẩm có nhiều thời điểm chưa tốt, nhất là giai đoạn đầu. Nhiều đơn hàng bị từ chối, thời gian nhận sách kéo dài, nhất là các đơn hàng nhỏ, lẻ. Khi không có tổng kho trung chuyển, nếu khách hàng đặt mua sách đồng thời của nhiều đơn vị, sự chậm trễ của một đơn vị sẽ kéo theo nhiều đơn vị khác.

Đối với một sàn sách trực tuyến, thiết kế giao diện không chỉ là để bán hàng, mà còn bao gồm không gian tương tác, truyền thông, thương mại. Do đó, giao diện được thiết kế cần bảo đảm vừa mang không gian của một chợ sách (nghĩa là nhiều thể loại sách, dễ lựa chọn, tìm kiếm) vừa mang tính truyền thông cao.

Nhiều đơn vị xuất bản, kinh doanh sách chưa chủ động cung cấp hoặc bổ sung sách hay, sách bán chạy… đáp ứng nhu cầu mua của khách hàng. Các đơn vị còn thiếu chủ động trong truyền thông gian hàng của mình. Mặc dù có tới 54 đơn vị tham gia và nhiều đơn vị có trang web nhưng rất ít đơn vị triển khai truyền thông trên sàn trực tuyến book365.vn, vì cho rằng đây là trách nhiệm của Ban Tổ chức. Sự quyết tâm tạo ra không gian mới ở các đơn vị tham gia chưa cao, chưa thực sự thấy hết ý nghĩa của việc tạo ra sân chơi riêng cho ngành sách, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.

Một số giải pháp nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản

Xuất bản là một loại hình kinh doanh đặc thù, việc bắt kịp với nhu cầu và xu thế của thời đại là một yếu tố then chốt, thúc đẩy sự phát triển của ngành. Là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển internet hàng đầu khu vực và trên thế giới, Việt Nam thực sự có những nền tảng quan trọng để bước vào giai đoạn xuất bản số. Để nắm chắc cơ hội, chủ động trên con đường phát triển trong tương lai,  xuất bản Việt Nam cần có những giải pháp cụ thể và đồng bộ.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ

Hiện nay, sau sự thoái trào của các thiết bị đọc sách độc lập, dòng sách điện tử mới được tích hợp trên nhiều hệ điều hành như Window, Mac, Linux, iOS, Android, Blackberry, WebOS… ngày càng chiếm ưu thế. Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, gọn nhẹ, độc giả sẽ có những trải nghiệm thú vị như đọc một cuốn sách giấy, lật giở từng trang sách. Hình ảnh, audio, video được tích hợp trong ebook trên tương tác thời gian thực nên rất trực quan, sinh động.

Do đó, cần tạo điều kiện để các NXB khéo léo kết hợp giữa hai loại hình sách in truyền thống và sách điện tử, để dần thu hút người đọc, đặc biệt là những người có nhiều thời gian sử dụng máy tính và điện thoại thông minh, đến với các ấn phẩm truyền thống thông qua quảng cáo, trích đăng trên mạng internet; xây dựng hệ thống thư viện điện tử phục vụ cho việc tra cứu, tìm kiếm sản phẩm xuất bản truyền thống; thay đổi phương thức giáo dục dựa trên ứng dụng các công nghệ thông tin hiện đại;...

Xuất bản 4.0 đòi hỏi phải có một cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin mở. Do đó, các NXB cần chuẩn bị đầy đủ điều kiện và năng lực để chuyển dần sang xuất bản số; nâng cao chất lượng bản thảo bằng việc chủ động, tích cực tìm kiếm những đề tài đúng với “hơi thở” của thời đại, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người đọc; tăng cường năng lực ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ; đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác phát hành, marketing giỏi, năng động; lựa chọn những mảng xuất bản đặc thù để xây dựng thương hiệu riêng, độc đáo cho mình; tăng cường xây dựng các website, đẩy mạnh xây dựng hình ảnh, bộ nhận diện thương hiệu, chiến lược phát triển cho đơn vị mình.

Cùng với công nghệ quản lý mới, trong điều kiện hệ thống thông tin trở nên vô cùng đa dạng, những thông tin thừa, thiếu chính xác, thậm chí là những thông tin mang tính xuyên tạc, mang mục đích, động cơ không lành mạnh cũng xuất hiện và tồn tại như một phần tất yếu. Phải “bơi” trong biển thông tin như vậy,  người làm xuất bản và độc giả đều rất khó khăn trong việc lựa chọn, chắt lọc thông tin. Vì thế, cần nghiên cứu và tìm kiếm giải pháp an ninh truyền thông hiệu quả, đặc biệt là vấn đề phòng, chống tội phạm công nghệ cao và an ninh mạng. Có thể nói, đây là một trong những yêu cầu căn bản và cấp thiết nhất ở mọi quốc gia hiện nay, khi phải giải bài toán “Cách mạng công nghiệp 4.0”.

Người làm công tác xuất bản cũng như mỗi đơn vị xuất bản, dù ở bất cứ khâu nào đều cần có sự đổi mới tư duy mạnh mẽ. Những thuận lợi và thách thức đến từ kỷ nguyên số cho thấy, đã đến lúc các đơn vị xuất bản không chỉ dựa vào nội dung tác phẩm, danh tiếng của tác giả, mà cần phải đáp ứng, tiếp cận người đọc trên các nền tảng công nghệ mới.

Xây dựng môi trường pháp lý  cải cách thủ tục hành chính phù hợp với yêu cầu của thực tiễn

Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản đã đề cập đến xuất bản điện tử, trong đó nhấn mạnh một trong những giải pháp chủ yếu nhằm xây dựng ngành xuất bản thành một ngành kinh tế - công nghệ phát triển toàn diện, vững chắc: “Đổi mới, nâng cấp và từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất - kỹ thuật và công nghệ xuất bản”.

Thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng, qua các lần sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản và các văn bản pháp luật liên quan, các quy định về xuất bản điện tử ngày càng rõ hơn, tạo hành lang pháp lý đầy đủ hơn cho xuất bản điện tử.

Tuy nhiên, tình trạng vi phạm bản quyền trong lĩnh vực xuất bản và kinh doanh sách điện tử vẫn diễn biến hết sức phức tạp, trở thành rào cản đối với các doanh nghiệp hoặc NXB muốn phát triển xuất bản điện tử. Mặc dù điều kiện công nghệ đã và đang được hoàn thiện, song tình trạng vi phạm bản quyền vẫn là điểm mấu chốt ngăn cản một thị trường sách điện tử lành mạnh phát triển. Sách điện tử lậu, không bản quyền đang “phá giá” thị trường hoặc bị các cư dân mạng tự do chia sẻ, phát tán miễn phí trên rất nhiều diễn đàn, trang mạng trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, các website vi phạm bản quyền không chỉ làm thiệt hại trực tiếp cho tác giả và NXB cũng như các đơn vị phát hành sách điện tử, mà còn làm xói mòn thị trường sách điện tử.Do đó, cần hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, có cơ chế, chính sách phù hợp với tính đặc thù của ngành xuất bản, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn, góp phần đưa ngành xuất bản phát triển mạnh mẽ, bền vững, theo kịp sự phát triển của khu vực và thế giới.

Cùng với việc xây dựng hệ thống quy phạm pháp luật ngày càng hoàn chỉnh,  cơ quan quản lý nhà nước về xuất bản cần từng bước đẩy mạnh việc thực hiện cải cách hành chính, xây dựng nhiều mô hình mới, chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu tối đa thời gian, chi phí của các NXB, doanh nghiệp kinh doanh xuất bản phẩm và các chủ thể tham gia hoạt động xuất bản.

Toàn cầu hóa hay Cách mạng công nghiệp 4.0 là một thực tế không thể chối bỏ trong thời đại hiện nay, vì vậy, ngành xuất bản cần thay đổi tư duy và phương thức hoạt động để “sớm về đích” trong kỷ nguyên số.

Thảo Lâm

Bình luận