GS. TSKH. Hồ Ngọc Đại: “Đến trường là để học cách học”

Ngày đăng: 19/06/2012 - 10:06

Gs.-HNgocDaiGần đây, sự kiện phụ huynh học sinh “trắng đêm đội mưa, đạp đổ cổng trường” để mua hồ sơ xin cho con vào học lớp một trường thực nghiệm trong khi lãnh đạo ngành giáo dục lại khẳng định không thể triển khai đại trà mô hình giáo dục này, đã cho thấy nền giáo dục hiện nay của chúng ta đang đặt ra rất nhiều vấn đề. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với GS. TSKH. Hồ Ngọc Đại, người sáng lập trường thực nghiệm về mô hình giáo dục này và những vấn đề giáo dục còn gây nhiều tranh cãi.

Phóng viên (PV): Trong một bài báo trước đây, ông đã khẳng định, nền giáo dục của chúng ta hiện nay đã rơi tới đáy, ông có quá bi quan?

GS. TSKH. Hồ Ngọc Đại: Tôi không bi quan. Sự thật là giáo dục của chúng ta hiện nay lạc hậu về nội dung, lạc hậu về phương pháp, về cách tổ chức lẫn thể chế tổ chức. Mà không phải là lạc hậu ít, chúng ta lạc hậu tới nửa thế kỷ, không phải chỉ lạc hậu với thế giới mà lạc hậu với chính xã hội chúng ta.

PV: Nhưng chúng ta đã tiến hành công cuộc cải cách giáo dục mấy chục năm nay?

GS. TSKH. Hồ Ngọc Đại: Thực tế, nền giáo dục của ta lúc này, lúc khác có những biến đổi, nhưng vẫn chỉ là những thay đổi vụn vặt và mang tính hình thức. Những biến đổi ấy, vẫn chỉ nằm trong giới hạn của cái vòng tròn, sẽ lại trở về điểm xuất phát mà không bứt ra được. Công cuộc cải cách giáo dục của chúng ta hiện nay chỉ giống như anh nông dân đang cải tiến cái cày chìa vôi. Nhẽ ra chiếc cày làm bằng gỗ thì anh làm bằng inox, người ta dùng tre thì anh dùng dây nilông. Hình thức sang trọng hơn nhưng về bản chất vẫn là chiếc cày chìa vôi.

Xưa nay, chúng ta chỉ làm giáo dục bằng kinh nghiệm, bằng thói quen, bằng mò mẫm, mà không xây dựng cho mình một nền tảng lý luận để phát triển giáo dục. Vì không có lý thuyết nên không có cách làm thực tiễn phù hợp với lý thuyết đó, cũng không biết phải bắt đầu từ đâu, thực hiện điều đó như thế nào.

PV: Vậy theo ông, ngành giáo dục phải làm gì?

GS. TSKH. Hồ Ngọc Đại: Phải làm mới từ đầu. Trẻ em hôm nay là trẻ em của thế kỷ XXI rồi. Chúng cần được hưởng một nền giáo dục hiện đại với nội dung hiện đại và phương pháp hiện đại. Đó là một nền giáo dục có lý thuyết, không mò mẫm. Tóm lại, trẻ em hôm nay cần một nền giáo dục khác. Không thể chần chừ được nữa, phải tập trung ngay vào việc xây dựng một chiến lược phát triển giáo dục cho thế kỷ XXI. Nếu để mất thêm thời gian bây giờ là chúng ta mất một cách tuyệt đối đấy!

PV: Công nghệ giáo dục hay người ta vẫn quen gọi là Trường Thực nghiệm của ông có phải là một giải pháp như vậy?

GS. TSKH. Hồ Ngọc Đại: Đó là giải pháp giáo dục của tôi.

PV: Ông có thể chia sẻ thêm về mô hình giáo dục ấy?

GS. TSKH. Hồ Ngọc Đại: Khẩu hiệu của chúng tôi không phải là “Tiên học lễ, hậu học văn”, mà là “Đi học là hạnh phúc. Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Đi học mà là một nỗi khốn khổ như trẻ em trong các trường học của chúng ta bây giờ thì học để làm gì? Nội dung và phương pháp giảng dạy của chúng tôi hoàn toàn khác với giáo dục đại trà. Mục đích của chúng tôi là tạo ra sự phát triển tự nhiên và hài hòa nhất cho học sinh. Chúng tôi không xếp hạng, không chấm điểm, không thi đua. Ở các nước phát triển, họ rất tôn trọng trẻ em, họ trọng cuộc sống của trẻ em hơn thi cử. Còn chúng ta thì, người lớn theo tư tưởng, theo tư duy, thậm trí theo lợi ích của mình để “gò” trẻ em vào. Trẻ em có lợi ích khác của trẻ em. Một nền giáo dục tiên tiến thì phải tôn trọng lợi ích tự nhiên của trẻ em.

 

PV: Mới đây đã xảy ra sự kiện các phụ huynh học sinh đội mưa, thức đêm rồi xô đổ cổng trường để mua hồ sơ xin cho con vào Trường Thực nghiệm. Người ta cho rằng, một trong những nguyên nhân quan trọng của hành động không đẹp này của các phụ huynh là vì GS. Ngô Bảo Châu từng là học sinh của Trường. Ông đánh giá như thế nào về vai trò của Trường Thực nghiệm đối với tài năng Ngô Bảo Châu?

GS. TSKH. Hồ Ngọc Đại: GS. Ngô Bảo Châu từng bày tỏ những ấn tượng tốt đẹp về các bài giảng mà Châu được học trên ngôi trường Thực nghiệm. Tôi rất trân trọng những tình cảm của Ngô Bảo Châu. Nhưng tôi khẳng định là Trường Thực nghiệm chỉ góp phần vào thôi. Tài năng của anh là của chính anh, không trường lớp nào có thể tạo ra nhân tài. Nhân tài phải là cả một tiến trình. Ngay từ nhỏ, Châu đã có những ý kiến lạ lắm, hay lắm. Trường Thực nghiệm có chăng chỉ có ảnh hưởng lên phương pháp học của Châu, giúp Châu hình thành tư duy phản biện, độc lập và sáng tạo. Tôi cho đó là thành công rất lớn của giáo dục. Phương pháp học mới là quan trọng chứ không phải nội dung học. Chúng ta đến trường là để học cách học.

PV: Không chấm điểm, không thi đua, chú trọng sự phát triển tự nhiên và hài hòa của học sinh, tạo cho học sinh tư tưởng tự giác tìm đến việc học như một nhu cầu tự thân, Trường Thực nghiệm của ông rất giống với mô hình giáo dục được đánh giá là rất tiên tiến của Phần Lan, giúp cho học sinh nước này được ghi nhận là giỏi nhất thế giới. Vậy tại sao Trường Thực nghiệm của ông, sau mấy chục năm tranh cãi, lại bị “xóa sổ” ở thành phố và chỉ hồi sinh dưới hình thức thí điểm ở các vùng sâu, vùng xa trong vài năm trở lại đây?

GS. TSKH. Hồ Ngọc Đại: Đến năm học 1999-2000, dự án của chúng tôi đã triển khai thí điểm ở 43 tỉnh, thành. Có những nơi như Hải Phòng là 100%, Thành phố Hồ Chí Minh là 70% áp dụng mô hình này. Thậm chí, Thành ủy Hải Phòng trong một báo cáo còn nhấn mạnh, đổi mới giáo dục nhờ công nghệ giáo dục là một trong những thành tựu lớn nhất của địa phương này.

Năm 2008, khi tôi nghỉ hưu, người ta đã sáp nhập Trường vào Viện Khoa học Giáo dục. Nó không còn độc lập, tự chủ nữa. Lại đưa chương trình giáo dục đại trà vào giảng dạy thì coi như nó đã bị xóa sổ hoàn toàn rồi, chỉ còn lại cái tên, cái vỏ mà thôi. Nhưng cũng chính trong năm học 2008-2009, Bộ Giáo dục và Đào tạo lại cho đưa phương án công nghệ giáo dục, môn Tiếng Việt lớp một, về với học sinh dân tộc thiểu số dọc biên giới ba Tây (Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ) cho 6.000 học sinh. Năm học sau, con số đó lên đến 15.000. Kết quả, phương án này được đánh giá là đã cứu vãn cho giáo dục trẻ em vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt, năm vừa rồi, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đã ra quyết định chính thức đưa phương án thí điểm này về áp dụng ở 16 tỉnh với 50.000 học sinh. Cái gì tiến bộ nhất về mặt kỹ thuật, công nghệ thì cũng là cái dễ dùng nhất, mang lại hiệu quả tốt nhất, và không dễ gì bị “chết yểu”.

PV: Ông muốn nói đến Nghị quyết 40 của Quốc hội, cả nước chỉ dùng một bộ sách giáo khoa, được thực hiện từ năm học 2001-2002? Ông đánh giá như thế nào về Nghị quyết này?

GS. TSKH. Hồ Ngọc Đại: Về mặt sư phạm, đó là một cách làm duy ý chí. Tôi lấy ví dụ ở nước Anh, họ có tới 17 bộ sách toán lớp một, còn sách tiếng Anh thì có tới hơn 20 bộ. Ở đó, giáo viên và học sinh có quyền lựa chọn dạy và học theo bộ sách giáo khoa mà họ thích. Xã hội là tập hợp những nhóm đa dạng, không thể bắt học sinh dân tộc thiểu số còn chưa sõi tiếng Việt học cùng một bộ sách giáo khoa với những trẻ em thành phố. Học sinh trong một nền giáo dục tiến bộ có quyền không bị áp đặt. Tất nhiên cũng có áp đặt ở một mức độ nào đó, nhưng phải có nhiều phương án cho người ta chọn lựa.

PV: Nhưng người ta có thể nghĩ, vì Trường Thực nghiệm của ông không còn được dùng bộ sách giáo khoa riêng nữa nên ông mới nói thế?

GS. TSKH. Hồ Ngọc Đại: Tất nhiên là người ta có thể nghĩ như thế thì cũng không sao cả. Nhưng phải tin vào cái lý. Thực tế là trên thế giới, không một nước dân chủ và phát triển nào lại chỉ dùng một bộ sách giáo khoa như thế. Có chăng, chỉ có một vài nước làm như vậy. Độc quyền là rất dở. Việc chỉ được sử dụng một bộ sách giáo khoa có khác nào chuyện anh cho người ta được quyền bầu cử, nhưng anh lại chỉ định có một người được quyền ứng cử.

Ho-Ngoc-Dai

Các học sinh mẫu giáo Trường  Thực nghiệm Liễu Giai trong ngày khai trường

PV: Vậy còn vấn đề trường chuyên, lớp chọn gây tranh cãi trong nhiều năm nay, ý kiến của ông thế nào?

GS. TSKH. Hồ Ngọc Đại: Tôi hoàn toàn phản đối trường chuyên, lớp chọn. Mô hình đó, thứ nhất là rất sai lầm về mặt triết học, thứ hai là nó tạo ra những ảo tưởng vô ích cho toàn xã hội. Về mặt triết học, tôi quan niệm thế này, tài năng là sản phẩm cá nhân. Tôi xin nhấn mạnh, tài năng hoàn toàn là sản phẩm của cá nhân, do tự họ phấn đấu, rèn luyện mà thành chứ chẳng trường lớp nào có thể đào tạo được. Thứ nữa, trường chuyên, lớp chọn vô hình chung đã tạo nên những ảo tưởng vô ích và tệ hại trong xã hội, dẫn đến những quan niệm sai lầm về mục đích của việc học, về vai trò của giáo dục. Và tệ sính chữ, sính bằng cấp, thói háo danh cũng vì đó mà trầm trọng hơn.

PV: Xin ông có thể nói rõ hơn về những ảo tưởng này?

GS. TSKH. Hồ Ngọc Đại: Nó gây ra ảo tưởng rằng, trường chuyên, lớp chọn có thể tạo ra nhân tài nhưng thực tế mấy chục năm qua cho thấy, chẳng có nhân tài đáng mặt nào xuất hiện từ trường chuyên cả mà hầu hết họ đều trưởng thành từ trong đời sống. Quan niệm của tôi là nhà trường phải tạo ra sự phát triển hài hòa và toàn diện cho học sinh, đó mới là thứ mà trẻ em cần để mang vào cuộc sống. Trong khi đó, các trường chuyên, lớp chọn lại lấy chữ làm cơ bản. Nhưng cuộc đời đâu phải chỉ có chữ. Những người có tài thì cũng là tài tự nhiên chứ không phải cứ cố gắng nhồi nhét mà được.

Trong xã hội chúng ta hiện nay, vẫn còn tồn tại một quan niệm lạc hậu và sai lầm là đi học để kiếm dăm ba chữ, học để thi cử chứ không phải học để làm người. Thế nên mới có chuyện có những người học rất giỏi, nhưng ra đời lại thất bại. Anh có nhiều bằng cấp, anh vượt qua bão táp phòng thi nhưng ra đời lại đổ chỉ vì một ngọn gió. Nền giáo dục đáng lẽ phải tôn trọng sự trưởng thành trong cuộc đời thì lại tôn trọng sự “trưởng thành” trong các phòng thi. Trường chuyên, lớp chọn đã gây thêm những hão huyền về bằng cấp, thói hư danh, những thứ rất tệ hại cho xã hội.

Theo tôi, trường chuyên, lớp chọn không mang lại lợi ích cho người học được bao nhiêu mà thậm chí lợi bất cập hại. Học sinh trường chuyên có thể khá một mặt nhưng lại mất quá nhiều mặt khác, hoàn toàn không bõ. Giống như việc giết cả một con vật chỉ để lấy một bộ da, trường chuyên, lớp chọn đã giết mất sự phát triển hài hòa của trẻ em chỉ để lấy điểm một môn thi.

PV: Ông nghĩ sao về tương lai giáo dục Việt Nam?

GS. TSKH. Hồ Ngọc Đại: Tôi tin tưởng vào giáo dục nước nhà, tôi tin vào tương lai của dân tộc này.

PV: Xin cảm ơn ông!

HOÀNG MINH (thực hiện)

 

 


Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả