Một bước ngoặt trong cuộc đời

Ngày đăng: 26/10/2011 - 09:10

Dương Đình Thảo*

Mãn khóa học ở Trường Đảng Trường Chinh (khóa I) vào đầu năm 1950, tôi được phân công về làm Bí thư (như chuyên viên) cho đồng chí Lê Đức Thọ, mà chúng tôi đã quen gọi là anh Sáu. Trước đó mấy ngày, anh Ba (tức anh Lê Duẩn), Bí thư Xứ uỷ, có biết tôi từ Hội nghị cán bộ Thành uỷ thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn hồi tháng 4-1947, vui vẻ nói: "Anh về làm việc với anh Sáu, tốt lắm, sẽ học được nhiều đấy!".

aLDT10

Đúng như anh Ba nói, đối với tôi, khóa học ở Trường Đảng Trường Chinh, thời gian công tác với anh Sáu và sinh hoạt Đảng bộ Văn phòng Xứ uỷ, sau này là Văn phòng Trung ương Cục - Uỷ viên Ban kháng chiến hành chính Nam Bộ là một khóa học bổ túc rất bổ ích. Thêm một bước ngoặt trong cuộc đời tôi mở ra từ đây. Và vốn liếng hành trang tiếp nhận từ anh Sáu còn tiếp tục được bổ sung dài dài, ngay cả sau khi tôi chuyển sang làm những công tác khác, cho đến ngày nhận được bức thư cuối cùng tự tay anh Sáu viết, tuồng chữ còn sắc nét. Đó là bức thư đề ngày 3-9-1990, mỗi lần xem lại, tôi không nén được xúc động khi đọc đến những câu như: "Không biết mình sẽ ra đi lúc nào, nên mình viết sẵn thư này cho cậu... viết thư này cho cậu trong những ngày sắp ra đi, mình nhớ lại biết bao kỷ niệm không bao giờ quên của những năm kháng chiến chống Pháp, lúc ở Hội nghị Pari và thời gian vừa qua...". Anh Sáu nói "thời gian vừa qua" để rồi sau đó một tháng vài ngày, anh ra đi! Thấm thoắt rồi sẽ đến ngày giỗ anh Sáu lần thứ 10. Bản thân tôi có thêm thời gian 10 năm để nhận thức sâu hơn tầm vóc của một sự nghiệp, suy ngẫm bình tĩnh về một con người cộng sản.

CÂY VÀ RỪNG

Khi về làm việc với anh Sáu, cùng với tình cảm thương nhớ chiến trường, nhớ đồng đội, đồng bào, người thân ở Chợ Lớn, Miền Đông, tôi còn có nỗi băn khoăn không đủ sức đảm đương công việc sẽ được giao phó. May thay anh Sáu đã cho tôi có được tháng rộng ngày dài để tiếp cận công việc và cũng may thay tôi bắt gặp ở đồng chí Trần Quang Lê[1], được anh Sáu giao cho trách nhiệm như "một tiểu đội trưởng", tấm lòng của người đàn anh, tận tình dìu dắt tôi trong công tác và đặc biệt chăm lo bồi dưỡng chúng tôi về lý luận, quan điểm, phương pháp tư tưởng (lúc đó chưa có khái niệm "tư duy")... Tôi nhớ mãi câu nói của anh Lê: "Ở cương vị thừa hành - tôi đang làm chính trị viên cấp tiểu đoàn - quen thấy cây mà không thấy rừng. Về giúp cho công tác lãnh đạo ở cương vị của anh Sáu, thì phải học thấy rừng và thấy cây. Làm việc với anh Sáu dần dần sẽ quen thôi".

Anh Sáu thường nhắc chúng tôi nhớ lời Bác Hồ căn dặn: làm việc gì cũng phải tính đến ba yếu tố: thời gian, không gian, đối tượng. Bao giờ anh Sáu cũng đòi nắm tình hình chung gắn với thời điểm cụ thể, đối tượng cụ thể. Có thấy rừng và thấy cây của phía ta và của phía địch (từ tướng Salan, làm Phó Tổng tư lệnh rồi Tổng tư lệnh sau khi Đờlát Đờtátxinhi chết, đến tướng Nava), nghiên cứu, phán đoán ý đồ, chủ trương của chúng với chiến trường chính Bắc Bộ và đối với chiến trường Nam Bộ, anh Sáu mới cùng Xứ uỷ, Xứ quân uỷ và Trung ương Cục (từ sau Đại hội Đảng lần thứ II vào tháng 2-1951) đề ra những chủ trương xác đáng đồng bộ về chính trị, quân sự, kinh tế, xã hội cho các ngành quân, dân, chính, đảng ở các cấp và cho từng chiến trường, cả về mặt tổ chức, như xây dựng Phân liên khu miền Đông, Phân liên khu miền Tây, sáp nhập tỉnh, sắp xếp lại lực lượng vũ trang, nâng cao tính cơ động tác chiến của lực lượng chủ lực, xây dựng, phát triển bộ đội địa phương, dân quân du kích, đẩy mạnh chiến tranh du kích luồn vào địch hậu, mở rộng công tác dân vận, địch vận... Nhờ có đường lối, chủ trương phù hợp cho vùng căn cứ, vùng giáp ranh và vùng còn tạm bị chiếm, nhứt là cho thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn, các tỉnh lỵ, vùng có đồng bào tôn giáo, dân tộc thiểu số, v.v., mà từng bước ta giành lại quyền chủ động trên chiến trường, có thêm thế và lực hiệp đồng với chiến trường chính, và khi thời cơ đến góp phần có hiệu quả vào chiến thắng Điện Biên Phủ và thắng lợi trên bàn Hội nghị Giơnevơ, tháng 7-1954.

Được may mắn là một người trong cuộc, tôi đồng tình và rất cảm ơn đồng chí Nguyễn Văn Linh, đang là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trong lời điếu đã ghi nhận công lao của anh Sáu là "một trong những đồng chí lãnh đạo chủ yếu của cuộc kháng chiến chống thực dân ở Nam Bộ".

Đồng chí Trần Quang Cơ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, qua "năm năm trời" làm việc với anh Sáu ở Hội đàm Pari, và được dự những cuộc họp bí mật giữa anh Sáu với Kítxinhgiơ, cũng đã học ở anh Sáu bài học tương tự như bài học cây với rừng của tôi: "Để chuẩn bị trước khi vào mỗi lần đàm phán, đồng chí Lê Đức Thọ đều đòi hỏi nghiêm khắc tuân thủ nguyên tắc bất di bất dịch: phải bàn bạc thông qua được phần I là phân tích, nhận định tình hình thì mới được phép bàn sang phần II là chủ trương đấu tranh... tức là phải biết địch, biết ta".

Sau ngày giải phóng Xuân 1975, tôi mừng xiết bao khi bắt gặp trong Báo cáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II), mấy ngày trước khi ký Hiệp định Giơnevơ tháng 7-1954, có một đoạn: "... có người thấy thắng luôn, muốn đánh bừa, đánh đến cùng, họ chỉ thấy cây không thấy rừng, chỉ thấy Pháp rút mà không thấy âm mưu của chúng; chỉ thấy Pháp không thấy Mỹ"[2]. Niềm vui này của tôi được nhân lên khi đọc câu của Lênin chế giễu những người "không biết khoa học là gì" đã đưa "nhà lý luận" đến chỗ "chỉ thấy cây không thấy rừng"[3].

Trong lần gặp một số đồng chí trong Ban Thường vụ Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh (sáng 30-12-1988) tôi có dự, anh Sáu lại nhắc: "Nhìn thấy cá nhân mà không thấy tập thể thì như thấy cây mà không thấy rừng".

Bài học "rừng" và "cây" đã trở thành nếp nghĩ của tôi trong những năm công tác ngoại giao cũng như trong những công tác khác nhau từ sau ngày 30-4 lịch sử. Nó giúp cho tôi tự giải đáp nhiều vấn đề trong công tác và trong cuộc sống luôn luôn đổi mới.

CÁI CHIÊNG VÀ TIẾNG CHIÊNG

Giữa lúc vận nước đang như ngàn cân treo sợi tóc, hồi cuối năm 1945, Nam Bộ và Nam Trung Bộ vừa đứng lên chống thực dân Pháp, trả lời câu hỏi của báo chí về vấn đề ngoại giao, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: "Thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng lợi. Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng"3. Từ sau ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chiêng Việt Nam đã từng mấy phen được gióng lên trong ngoại giao hòa đàm dẫn đến Hiệp định sơ bộ ngày 6-3-1946, Tạm ước ngày 14-9-1946 và sau chiến thắng lẫy lừng Điện Biên Phủ là Hiệp định Giơnevơ 1954 mở ra một bước ngoặt mới trong phong trào cách mạng Việt Nam và quá trình sụp đổ không cứu vãn nổi của chủ nghĩa thực dân cũ.

Mười bốn, mười lăm năm sau, tuy hai mà một, chiêng Việt Nam của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và của Mặt trận Dân tộc giải phóng, sau là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, lại được gióng lên trong hòa đàm bốn bên. Có thực lực, có chiêng rồi, Bác Hồ và Bộ Chính trị Trung ương Đảng với bản lĩnh chính trị, tầm nhìn xa thấy rộng đã chủ động chọn đúng thời cơ, chọn địa bàn và chọn đúng người đưa chiêng đi đánh và giành thắng lợi.

Chiêng Việt Nam do Bộ trưởng Xuân Thủy của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cùng Phó Chủ tịch của Đoàn Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng Trần Bửu Kiếm và người kế tục là Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam gióng lên trên diễn đàn công khai tại Trung tâm Hội nghị quốc tế phố Clêbe. Chiêng Việt Nam còn được gióng lên trong diễn đàn bí mật giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với Mỹ. Linh hồn và nhân vật chính tại diễn đàn này là Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ - anh Sáu Thọ, không chỉ cán bộ từ trong nước ta gọi như vậy, mà bà con Việt Nam, cán bộ làm công tác Việt kiều tại chỗ ở lứa tuổi 30 trở lên cũng thân mật gọi như vậy.

Về nội dung hội đàm, nhiều đồng chí cùng dự hội đàm bí mật đã có viết ra trên sách báo. Nhưng cần hiểu hòa đàm thực chất là những trận "giáp lá cà" liên tục để giành từng ý, từng chữ, từng câu bằng hai thứ tiếng, lắm khi phải tính cả đến "thì" của động từ ("đang" hay "sẽ")... thì mới thông cảm người đánh chiêng lúc nào thần kinh cũng căng thẳng, nhưng lại phải tỉnh táo, nhạy bén thường trực như một người cao cờ đủ sức tiên liệu năm, bảy nước đi. Và khác với người đánh cờ, người thương lượng còn phải thể hiện thái độ theo đòi hỏi của tình huống, tôi không nói "tự kiềm chế", mà là chủ động tỏ thái độ.

Chúng ta hãy nghe cố vấn của phái đoàn Mỹ Henri Kítxinhgiơ nói về tính chất của đấu tranh giữa hai bên trong quyển sách loại hồi ký dưới nhan đề: Henri Kítxinhgiơ ở Nhà Trắng 1968 - 1973: "Trong hơn ba năm[4] Lê Đức Thọ và cả chính tôi đã bắt sức đề kháng của mỗi chúng tôi chịu đựng thử thách ghê gớm, mưu toan đánh sập thành trì của bên kia, tìm cách dồn đối phương vào chân tường. Ngoại giao giữa kẻ thù là một công việc giết người, càng nguy hiểm hơn nếu nó tự đặt dưới dấu hiệu một cuộc hòa giải"1. Chỉ có thể hiểu đó là lời lẽ của một kẻ xâm lược thú nhận mưu đồ ngoan cố trên bàn thương lượng, thử thách người đối thoại như thế nào. Còn việc ông Thọ đấu tranh kiên trì bằng mọi cách để đòi kẻ xâm lược phải rút quân, chấm dứt xâm lược, công nhận các quyền dân tộc cơ bản của đất nước mình, thì sao lại nói "dồn đối phương vào chân tường"? Và chúng ta cũng nên nghe Kítxinhgiơ nhận xét ông Lê Đức Thọ. Dù có muốn "lật lọng"; "đổi trắng thay đen" (như anh Sáu đã nói thẳng với Kítxinhgiơ), không từ bỏ ảo tưởng thương lượng trên thế mạnh..., Kítxinhgiơ cũng không thể không thừa nhận: "Thọ đứng vững trên lập trường của ông ta..."2; "... ông ta không hề lay chuyển trong cách định nghĩa khu phi quân sự"3; "Thêm một lần nữa tôi đánh giá thấp Lê Đức Thọ"4; "Hà Nội (qua Lê Đức Thọ) muốn giữ cái quyền được di chuyển quân sự qua khu phi quân sự - một kiểu nhào lộn ngoại giao duyên dáng (charmante acrobatie diplomatique) để có địa bàn rộng hơn cho việc xâm nhập"5...

Một sự việc được Kítxinhgiơ kể ra cũng giúp hiểu thêm "người của ta". Kítxinhgiơ tặng quà cho Bộ trưởng Xuân Thủy và Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ, với Lê Đức Thọ tặng sách ảnh về Trường Đại học Havớt để cho ông "có tư liệu nghiên cứu về Trường Đại học này, trong trường hợp ông chấp nhận ý kiến của tôi đến thuyết trình về chủ nghĩa Mác - Lênin"6. Một dịp khác, Kítxinhgiơ có nói với anh Sáu và anh Xuân Thủy: "Lênin nói: một bước tiến, hai bước lùi. Tôi học tập Lênin đấy!". Anh Sáu nói lại: "Chủ nghĩa Lênin phải vận dụng linh hoạt. Còn ông thì máy móc". Kítxinhgiơ buộc phải nói: "Thế thì một vài phiên họp nữa chúng tôi sẽ học tập Lênin tốt hơn"1. Về sau đúng là Kítxinhgiơ có mời anh Sáu sang giảng bài về chủ nghĩa Mác - Lênin ở Trường Đại học Havớt.

Mỗi phiên họp là một trận đấu trí, kéo dài 4, 5, 6 tiếng, găng nhất là trong tháng 10-1972. Đạt kỷ lục dài nhất là phiên họp đã đưa hai bên đến sự nhất trí về những vấn đề cơ bản trong Hiệp định đã diễn ra từ 9 giờ sáng ngày 11 đến 2 giờ sáng ngày hôm sau. Kítxinhgiơ "thở phào" đã ghi "thương lượng một mạch 16 giờ liền và trên thực tế là 22 giờ trong 30 giờ vừa qua"2. Còn đồng chí Thứ trưởng Ngoại giao Trần Quang Cơ cho biết: "Đồng chí Lê Đức Thọ... không nghỉ ngơi lấy một phút và vẫn tỉnh táo đấu tranh, không cho phép mình có một lời lẽ nào sơ hở, sai sót trên bàn đàm phán với đối phương"3. Tôi tính anh Sáu lúc đó vừa tròn 61 tuổi (10-1911 – 10-1972).

Hai đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Mặt trận Dân tộc giải phóng - Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam sử dụng diễn đàn hòa đàm công khai và địa bàn Pari trung tâm điểm của châu Âu có Mỹ, qua đấu lý và bằng nhiều hoạt động ở ngoài hội trường, đã góp phần tranh thủ thêm thế và lực có lợi cho hai đoàn và cho cả chiến trường. Thế và lực đó ở ngay trên nước Mỹ, vô tận từng nhà, ào vào quốc hội. Kítxinhgiơ bao nhiêu lần phải kêu than chính quyền Níchxơn ngày càng bị lên án, bị cô lập: Dư luận công chúng trên thế giới gây sức ép đối với chúng tôi, mà không với Hà Nội và còn sẽ tăng thêm sức ép đó không sao đỡ nổi (fatalement)4. Và khi Níchxơn bác bỏ đề nghị của Kítxinhgiơ xuất hiện trên đài truyền hình chuẩn bị dư luận cho hành động ném bom điên cuồng, man rợ dịp Noël năm 1972, y phải tự an ủi: Có lẽ Níchxơn đã có lý, khi tính toán đâu còn dư luận công chúng nào để mà tranh thủ1.

Nói về tiếp xúc bí mật, cùng với anh Xuân Thủy và có một ban tham mưu hùng hậu, anh Sáu vừa lo toan giải quyết các vấn đề thăm dò ý đồ, khả năng của đối phương và tính toán những con bài của bên mình có thể quăng ra và vào thời điểm nào của thế trận ba mũi giáp công quân sự, chính trị, ngoại giao. Từ Pari, anh Sáu, với trách nhiệm trong Bộ Chính trị, còn tham gia ý kiến lãnh đạo, chỉ đạo chiến trường để hiệp đồng đánh - đàm, tạo điều kiện cho thương lượng và trước hết cho chiến trường đẩy mạnh đấu tranh quân sự, chính trị.

Trong phạm vi bài này, nói riêng về anh Sáu, với cống hiến của anh vào thắng lợi ký kết Hiệp định Pari và những cống hiến khác cho cách mạng ở miền Nam, anh rất xứng đáng "là một trong những đồng chí lãnh đạo có công lao lớn trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước" đúng như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã nêu cao trong lời điếu đưa tiễn anh.

Về Hiệp định Pari, tôi không thể không kể một mẩu chuyện như sau: Sau khi Hiệp định được ký kết, tôi được điều về làm Người phát ngôn của Đoàn đại biểu quân sự của Chính phủ Cách mạng lâm thời tại Hội nghị quân sự hai bên ở Tân Sơn Nhất. Trong một cuộc tiếp xúc, một đại tá quân đội Sài Gòn đặt ra với tôi câu hỏi: "Tại sao quân đội Mỹ và đồng minh rút rồi, mà quân đội miền Bắc vẫn ở lại miền Nam? Giả dụ chúng tôi không tự kiềm chế mà đưa quân vượt khu phi quân sự, thì các ông có chấp nhận được không?". Tôi trả lời, không phải lên giọng: "Cầm chắc là phía Mỹ và các ông không tôn trọng Hiệp định và trên thực tế các ông đã có hành động vi phạm rồi. Còn như theo cái giả dụ mà ông đưa ra, nếu các ông dám làm, thì cầm chắc quân đội của các ông không qua khỏi khu phi quân sự được đâu, còn có bộ phận nào lọt qua được, thì cũng cầm chắc sẽ không còn mạng nào để quay trở về". Viên đại tá Sài Gòn cười miễn cưỡng rồi rút êm. Trong giây phút đó, trong tôi lâng lâng niềm tự hào và lòng biết ơn vô hạn đối với lực lượng vũ trang Việt Nam trên hai miền thân thương, đối với đồng bào, đồng chí, nhất là trong vùng tạm bị chiếm ròng rã ba mươi năm dài đằng đẵng! Và càng thấm thía hơn cái giá phải trả và bản lĩnh để có được Hiệp định Pari làm vũ khí cho bên có chính nghĩa, có nhân dân.

Ghi lại mấy dòng này, tôi tự khắc sâu hơn trong lòng niềm biết ơn đối với Bác Hồ, Đảng và dân tộc mình đã đúc nên Chiêng Việt Nam, đã chọn đúng người mang chiêng đi đánh và người được chọn cũng đã gióng lên những tiếng chiêng diệu kỳ.

QUAN ĐIỂM THỰC TIỄN

Điều gì làm cho tôi thấy dễ gần với anh Sáu trong khóa học ở Trường Trường Chinh và ngay trong những tuần lễ đầu khi về làm việc với anh, điều đó phải qua tháng năm, nhiều sự việc, những dịp chuyện trò như tâm sự, tôi mới dần dần đi tới tự lý giải được. Có nhiều điều, trong đó tôi bắt gặp quan điểm thực tiễn có tính hệ thống ở anh Sáu, sau này gọi là tư duy thực tiễn.

Trước hết tôi biết anh Sáu có tự quy định cho mình chế độ tự học: nghiên cứu, tham khảo sách kinh điển, tư liệu chuyên đề, khảo sát thực tế, đối thoại... Những chuyến đi theo anh Sáu để dự Hội nghị tổ chức cán bộ, Hội nghị công tác chính trị, công tác đảng, tổng kết chiến dịch, Hội nghị quân, dân, chính, đảng ở xã... là những lớp bổ túc kiến thức, quan điểm, lập trường cho tôi. Những vấn đề thực tiễn sinh động được anh Sáu gạn lọc, hệ thống hóa, nâng lên thành bài học kinh nghiệm làm sáng tỏ thêm đường lối, chủ trương mang tính quan điểm, tính lý luận. Chuyện cây với rừng kể trên đây cũng là chuyện rèn luyện quan điểm thực tiễn.

Đơn cử một việc rất nhỏ: sau sự kiện Phước Long đầu năm 1975, chiến trường miền Nam sôi động dồn dập lên, có ý kiến hỏi có nên cho đào lại hầm hố cá nhân, thử lại còi báo động vào 12 giờ mỗi ngày không? Anh Sáu cho rằng dứt khoát không làm, vì Mỹ không có khả năng can thiệp lại, chớ có làm điều gì khiến cho kẻ thù lầm tưởng ta "vừa đánh vừa run". Quan điểm thực tiễn đã ngăn chặn một việc tuy nhỏ, mà nếu để xảy ra, thì tác hại đâu phải nhỏ.

Sau ngày giải phóng 30-4-1975, tôi có được nghe anh Sáu giải đáp những vấn đề được đặt ra trong Hội nghị cán bộ (đầu tháng 7-1975) học tập Nghị quyết Hội nghị Trung ương Cục lần thứ 16. Toàn văn bài nói chuyện của anh toát lên quan điểm thực tiễn sâu sắc, dù có những vấn đề phải đợi đến Đại hội VI của Đảng, những Đại hội kế tiếp và cho đến bây giờ, ánh sáng chân lý mới lóe ra. Tôi xin ghi lại một số ý của anh như sau:

Anh nêu nội dung của từng nhiệm vụ và cách đặt vấn đề sao cho có hiệu quả: vấn đề rất cấp bách đối với Đảng bộ miền Nam là nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng về đường lối, chính sách, nhất là học tập công tác quản lý kinh tế. Vấn đề này chúng ta thiếu sót nhất.

Anh đặt vấn đề kinh tế và đời sống là vấn đề then chốt hàng đầu và cũng là vấn đề khó khăn nhất, không phải chỉ do khó khăn khách quan mà còn ở bản chất của vấn đề, giai đoạn mới đòi hỏi tập trung cho sản xuất, tập trung lo đời sống của quần chúng. Anh Sáu nhắc nhở vấn đề xây dựng kinh tế là vấn đề rất mới mẻ đối với chúng ta và thẳng thắn nhìn nhận: "Ngay bản thân chúng tôi bao nhiêu năm rồi ở miền Bắc, đã xây dựng chủ nghĩa xã hội... mà còn có cái bỡ ngỡ...". Anh Sáu nhắc đi nhắc lại kinh tế có quy luật của nó, khác hẳn với quy luật đánh địch, nắm được quy luật đó là khó không phải dễ, phức tạp lắm, cho nên vấn đề này là vấn đề then chốt hàng đầu của chính quyền cách mạng mà cũng là vấn đề khó khăn nhất. Sau này đọc Lênin, tôi mới biết Lênin cũng đã có lời cảnh báo: "Sai lầm mà chúng ta đã mắc phải vì đã đem áp dụng kinh nghiệm trong thời kỳ đấu tranh quân sự và chính trị vào lĩnh vực kinh tế, đã sản sinh tác hại của nó; đó là một sai lầm nghiêm trọng nhất, một sai lầm căn bản, mà ở mỗi bước đi, chúng ta vẫn còn tiếp tục mắc phải..."1.

Anh Sáu quan tâm căn dặn phải hết sức tỉnh táo, thận trọng trong chủ trương, chính sách có liên quan đến con người thuộc các đối tượng khác nhau, phải thâm nhập quần chúng, đi cơ sở. Trong tình hình còn nhiều mặt phức tạp ngày giải phóng, trong việc khai thác những hồ sơ khai báo của những phần tử chiêu hồi phản bội, anh chỉ rõ phải phân biệt chỗ đúng, chỗ sai và những điều bịa đặt dựng lên, cho nên phải hết sức tỉnh táo.

Về mặt tổ chức, anh nêu ra những vấn đề cần phải cân nhắc: Chính phủ Cách mạng lâm thời có thể làm một số nhiệm vụ trong giai đoạn này, nhưng phải gấp rút hình thành một chính quyền cấp Trung ương Cục hoạt động một thời gian, qua thời kỳ cải tạo, tình hình ổn định và lúc bấy giờ Trung ương trực tiếp với tỉnh.

Trong quan điểm thực tiễn của anh Sáu, không chỉ có lý mà còn có tình, về phạm trù quy luật có quy luật kinh tế, quy luật xã hội, quy luật tình cảm... gắn với quy luật tổ chức.

QUAN ĐIỂM THỰC TIỄN - TƯ DUY ĐỔI MỚI

Nhân dịp Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc kết thúc năm học 1983 - 1984, anh Sáu đến nói chuyện về "Một số vấn đề kinh tế - xã hội trước mắt" thể hiện rõ ý chí và tình cảm của anh Sáu hướng tới Đại hội VI của Đảng. Anh Sáu lưu ý người nghe là cán bộ của Trường và học viên là cán bộ chủ chốt của Đảng, Nhà nước, đoàn thể: "Còn hơn một năm rưỡi nữa mới họp Đại hội lần thứ VI, nhưng ngay từ bây giờ chúng ta đã phải bắt đầu tổng kết tình hình, mà chỉ mấy tháng nữa là chúng ta phải đưa vào Báo cáo chính trị để thảo luận. Lúc đó chúng ta lại có dịp đánh giá tình hình một lần nữa và đó là sự đánh giá của toàn Đảng"[5].

Ngay từ thời điểm đó, anh Sáu đã phê phán "những hiểu biết và kinh nghiệm của chúng ta về quản lý kinh tế chưa có bao nhiêu, nhận định của chúng ta lại chưa sát với tình hình thực tiễn, còn nóng vội, chủ quan, dẫn đến kế hoạch xây dựng đất nước thiếu căn cứ vững chắc..."2. Do "dám nhìn thẳng vào sự thật"3 mà anh chỉ rõ: "Đã là thời kỳ quá độ thì vấn đề nào cũng khó vì nó chưa ổn định, chưa định hình, đương còn biến động. Do đó phải đặt vấn đề cho đúng, phải thật công phu"4.

Những vấn đề được anh đề cập cũng sẽ là những vấn đề mà Đại hội VI của Đảng sẽ thảo luận và ra nghị quyết mở ra một bước ngoặt về chất trong lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Anh đặc biệt ghi nhận "trước hết là những năng động, sáng tạo của một số thành phố, địa phương"5, giữa lúc còn có những ý kiến rất khác nhau, anh nêu nhận xét và kết luận: "Cách làm đó của một số thành phố và một số tỉnh6 không phải là điển hình cá biệt mà có tính phổ biến"7. Ý kiến này của anh Sáu là một sự ủng hộ vô cùng quý báu đối với những gì mà anh Mười Cúc - Nguyễn Văn Linh, đương kiêm Bí thư Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh đã trình bày trong Hội nghị Đà Lạt tháng 7-1983, mà những người trong cuộc quen gọi là "Sự kiện Đà Lạt"8.

Anh Sáu phác họa cơ cấu kinh tế trong bước đi ban đầu, vấn đề thị trường, về giá cả phải "đi đến một giá"[6], vấn đề quản lý, phân cấp quản lý lấy tính hiệu quả làm tiêu chuẩn chủ yếu.

Trong bài nói chuyện, anh Sáu còn có những lời như lời cảnh báo: "... quan liêu, bao cấp rất nặng trong bộ máy lãnh đạo và quản lý của Nhà nước... Bộ máy lãnh đạo và quản lý cồng kềnh, quan liêu bao cấp như vậy, thì dưới cơ sở dễ tự do, tùy tiện"2; "Người đến báo cáo thấy anh thích nghe báo cáo thế nào thì họ sẽ báo cáo theo kiểu đó. Thông tin như vậy rất nguy hiểm"3; "công tác cán bộ là khó nhất... vấn đề cán bộ lại càng khó khăn, phức tạp vì có anh luồn lọt, xiên xẹo, rất phức tạp... còn có những hiện tượng "ô, dù" đủ kiểu"4.

Trong khi anh nhắc nhở "không phải nhìn vào sự thật mà run sợ, bi quan, dao động và chùn bước lại"5, anh cũng nghiêm khắc phê phán những trường hợp tiêu cực đến tê liệt như "lúc nào... cũng nói khâu phân phối lưu thông là nóng bỏng, nhưng hình như bỏng quá, nên nó tê đi, không thấy bỏng và cũng không biết nóng"6.

Đến khi toàn Đảng, được sự hưởng ứng rộng rãi của các giới đồng bào, có cả đồng bào yêu nước đang sinh sống ở nước ngoài bước vào ngày tháng sôi động tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, tư duy và những ý kiến của anh phục vụ công cuộc đổi mới càng thêm sắc nét và được trân trọng giới thiệu trong tập sách Những nhiệm vụ cấp bách của công tác xây dựng Đảng".

Anh Sáu tiếp tục nêu rõ: "Không coi nhẹ thành tựu, ưu điểm, nhưng phải nhìn thẳng vào khuyết điểm, khó khăn"7, "khó khăn lớn nhất, tập trung nhất là tình hình kinh tế, đời sống, xã hội..., các mặt mất cân đối lớn còn nghiêm trọng..."8 và anh cũng tiếp tục phê phán sai lầm "duy trì quá lâu một cơ chế tập trung quan liêu bao cấp"1.

Anh nhấn mạnh: "Đánh giá đúng tình hình là điều vô cùng hệ trọng trong lãnh đạo"2 và "nhất thiết phải bắt đầu từ việc tạo ra trong Đảng một bầu không khí thật sự chan hòa, dân chủ... không nên có lối làm việc "giữ miếng" nhau, nể nang nhau, né tránh nhau"3. Anh nêu thứ tự của một số nhiệm vụ cấp bách về xây dựng Đảng: thứ nhất, sắp xếp lại tổ chức, kiện toàn bộ máy, bố trí đúng cán bộ; thứ hai, thực hiện tự phê bình và phê bình, nâng cao chất lượng đảng viên, khắc phục các hiện tượng tiêu cực trong Đảng; thứ ba, đổi mới phong cách và lề lối làm việc. Trong việc "thực hiện một bước sự chuyển tiếp cán bộ, bảo đảm tính liên tục và tính kế thừa trong lãnh đạo của Đảng", "kết hợp chặt chẽ giữa cán bộ già và cán bộ trẻ"4, anh tha thiết đặt vấn đề "phải mạnh dạn đào tạo, sử dụng và đề bạt lớp cán bộ trẻ để thay thế, nếu không chúng ta sẽ bị hẫng, công tác lãnh đạo sẽ gặp nhiều khó khăn"5.

Nhất quán trong việc khẳng định "tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của Đảng", anh không né tránh sự thật: "Các cán bộ chủ chốt, các cơ quan lãnh đạo cấp trên phải gương mẫu tự phê bình và phê bình - lâu nay ta chưa làm được như vậy, chính điều đó cũng hạn chế tự phê bình và phê bình..."6. Phản ánh tâm tư, nguyện vọng của đảng viên và quần chúng tha thiết với sự nghiệp xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, ngang tầm với công cuộc đổi mới, anh nhắc nhở: "Nếu cán bộ chủ chốt và cơ quan lãnh đạo cấp trên không gương mẫu tự phê bình và phê bình thì không thể mở ra phong cách mới thật sự dân chủ trong Đảng và sẽ làm tắc ngay tự phê bình và phê bình"7.

Qua một số điểm nêu trên, tôi có suy ngẫm: tuy không tránh khỏi những mặt còn hạn chế nhưng những vấn đề cấp bách về kinh tế, xã hội, về xây dựng Đảng do anh Sáu đặt ra có kết hợp lý luận với thực tiễn, nhất là lấy tính hiệu quả làm tiêu chuẩn đánh giá đúng sai là một sự đóng góp rất đáng được trân trọng cho Đại hội VI của Đảng và đã được Đại hội VI của Đảng khẳng định, bổ sung. Rất tiếc anh Sáu ra đi mà chỉ mới thấy được những điểm báo hiệu đất nước bắt đầu trở mình vào những năm đầu của thập kỷ 90 thế kỷ XX.

MỘT NGƯỜI CỘNG SẢN

Mở đầu đoạn nói về tình nghĩa làm người và làm người cộng sản của anh Sáu, tôi xin trích câu sau đây trong Minh tâm Bửu giám[7] do văn hào Trương Vĩnh Ký dịch: "... tố nhơn nan, tố tố nhơn nan, vi nhơn nan, vi nhơn nan..." (làm người đã khó rồi, làm người cho xong lại càng khó hơn nữa! - Làm người thật khó, làm người thật khó!).

Làm người đã là khó, làm người cộng sản càng khó hơn và làm người cộng sản suốt đời gánh vác những trọng trách như anh Sáu càng khó biết bao.

Tôi có nghe nhiều đồng chí cách mạng lão thành tại Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến trực tiếp với anh Sáu. Tôi được dự nhiều buổi anh Sáu làm việc với Ban Thường vụ Thành uỷ.

Đáp lại bức thư của anh Sáu viết cho tôi, tôi có viết một bức thư, khi nhận, anh Sáu bảo đọc cho cả gia đình nghe. Trong thư có đoạn: "Từ mỗi anh[8], tôi tiếp nhận những cái mạnh về tâm hồn, tư duy, tính Đảng, lối sống... đồng thời tôi cũng thẳng thắn phát biểu ý kiến của tôi, phản ánh dư luận đối với từng anh, vì các anh là sự nghiệp chung... Những ý kiến của tôi phát biểu về từng con người, anh Sáu có thể tin không vì cái gì khác hơn là vì cái chung, vì anh Sáu nữa, anh Sáu cần được thông tin vô tư".

Tôi xin ghi lại mấy dòng trên để nói trước mắt tôi đang ở tuổi xấp xỉ tám mươi, hình ảnh của anh Sáu hiện lên là hình ảnh của một người cộng sản với những phẩm chất cộng sản. Sở dĩ tôi đã dám phát biểu ý kiến một cách thẳng thắn với anh, có những ý kiến khác, thậm chí trái với ý của anh, không phải vì tôi có tính Đảng cao mà vì tôi tin ở tính Đảng của anh. Đầu năm 1954, trong lúc phải gấp rút chuẩn bị ra Trung ương, anh không quên viết mấy dòng gửi lại để "xin lỗi vì đã có lần nóng nảy" với tôi. Tôi thiết nghĩ đâu phải chỉ đối với tôi, anh mới có cử chỉ trung thực như vậy, mà trên thực tế trước hội nghị hay trò chuyện tâm sự, anh cũng đã thẳng thắn nhìn nhận trong khi phát biểu ý kiến, giải quyết công việc trong 10 lần cũng có lần sai, khi sắp xếp, bố trí cán bộ trong 10 trường hợp chỉ mong đúng được 7. Tôi tự nói với tôi sở dĩ có những trường hợp anh Sáu phạm sai sót ở những mức độ khác nhau, chính là do thiếu thông tin, hoặc nhận thông tin sai lạc, trong khi anh chủ quan nghĩ rằng anh làm việc "rất thận trọng", "có trách nhiệm cao với tổ chức" và thực lòng của anh là như vậy.

Chính anh cũng thừa nhận "thực tế không phải không có trường hợp do thông tin sai lệch, cho nên hiểu không đúng và do đó nhận xét đánh giá sai cán bộ"1.

Bên cạnh những sai lệch khó tránh khỏi, công bằng mà nói, anh Sáu có công lớn góp phần phát hiện, bồi dưỡng, cất nhắc mấy thế hệ cán bộ chủ chốt cao, trung cấp, trong đó số đông giữ được phẩm chất, phát huy tác dụng. Tôi nhớ rất rõ Tết Bính Dần năm 1986, anh Sáu là người chủ động tham khảo đề xuất ý kiến để Bộ Chính trị, Trung ương Đảng thảo luận nhất trí giới thiệu đồng chí Nguyễn Văn Linh, đương kiêm Bí thư Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh, ứng cử chức vụ Tổng Bí thư trong Đại hội Đảng lần thứ VI. Thiết nghĩ đó cũng là một đóng góp của anh Sáu vì Đảng, vì đất nước.

Tâm hồn của anh Sáu không chỉ dồn vào công tác mà còn được bay bổng trong những bài thơ chan chứa nghĩa tình và trách nhiệm. Anh sáng tác thơ theo nhu cầu thẩm mỹ, nhu cầu tự thể hiện. Tôi thông cảm cái chân chất, cái thủy chung và con người anh trong thơ:

Nhẹ như gió thoảng ngoài kia

Giọng hò mái đẩy thuyền về bến xa

Nghiêng nghiêng chiếc nón bài thơ

Xanh xanh tà áo ước mơ những gì

(Bình Trị Thiên)

Tàu thuyền xuôi ngược hôm mai

Câu ca vọng cổ giọng ai ngọt lành

Đôi bờ in bóng dừa xanh

Lưng trời cánh én tin xuân đang về

(Cửu Long)

Bao năm cay ngọt đã từng

Nhà cao cửa rộng nay đừng vội quên

(Không thể nào quên)

Tình nghĩa của anh trong câu thơ và lời nói được thể hiện bằng hành động. Trước khi viết những dòng này, qua điện thoại, tôi có hỏi lại nhà thơ Bảo Định Giang (có công lớn trong việc chăm lo chính sách đối với anh em văn nghệ sĩ công tác ở chiến trường miền Nam) về công tác của nữ đồng chí Nhị Hà trước khi trở về Nam và trao đổi ý kiến với nhau về việc anh Sáu lo cho Nhị Hà sang Liên Xô chữa bệnh, cho Nghệ sĩ Nhân dân Quốc Hương (đã được phát hiện mang bệnh hiểm nghèo) sang Cộng hòa dân chủ Đức chữa bệnh. Nói chuyện xong, một lúc tôi nghe điện thoại reo và ở đầu dây, anh Bảo Định Giang gọi lại, với giọng nói chậm rãi quen thuộc, anh nhắc anh Sáu còn quan tâm giúp đỡ giải quyết nhiều trường hợp khác nữa!

Đúng, làm người thật khó! Nhưng anh Sáu đã làm người và người cộng sản, chấp nhận quên mình vì hạnh phúc của đồng bào, của thế hệ hôm nay và mai sau.

Ở Trường Nguyễn Ái Quốc, anh đã nói rất thanh thản: "Rồi đây, một số đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước già tuổi sẽ ra đi. Chúng ta có lo lắng, cái lo đó là khách quan, là chính đáng. Nhưng chúng ta có cả một tập thể cách mạng, có sức mạnh chung, chúng ta tin sự nghiệp cách mạng của chúng ta nhất định sẽ thắng lợi vẻ vang". Nay anh và nhiều anh chị đã lần lượt ra đi. Trong sức mạnh tập thể của thế hệ hôm nay còn có sức mạnh trí tuệ, tấm gương sống, chiến đấu của các thế hệ đi trước, trong đó có anh Sáu Lê Đức Thọ thân thương.




* Nguyên Uỷ viên Ban Thường vụ Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh.

[1]. Sau làm Phó Ban Dân vận Trung ương Cục miền Nam.

[2]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr. 318.

[3]. V.I. Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t.29, tr. 385.

3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr. 126.

[4]. Từ năm 1969 đến năm 1972.

1,2,3,4,5,6. H. Kítxinhgiơ: Ở Nhà Trắng, Bản dịch tiếng Pháp, Nxb. Fayard, 1979, tr. 1412, 1488, 1495, 1496, 1500, 1476.

1,2. Lưu Văn Lợi và Nguyễn Anh Vũ: Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ - Kítxinhgiơ tại Pari, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 1996, tr. 117 - 118, 1412.

3. Báo Nhân Dân, ngày 17-10-1990.

4. Xem: Lưu Văn Lợi và Nguyễn Anh Vũ: Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ - Kítxinhgiơ tại Pari, Sđd, tr. 1484 - 1490.

1. Xem: Lưu Văn Lợi và Nguyễn Anh Vũ: Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ - Kítxinhgiơ tại Pari, Sđd, tr. 1484 - 1490.

1. V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.44, tr. 389.

[5],2,3,4,5,7. Lê Đức Thọ: Xây dựng Đảng trong cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1985, tr. 461 - 462, 461, 468, 475, 462, 493 - 494.

6. Anh chỉ rõ tên Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Nam - Đà Nẵng, Long An (T.G).

8. Nguyễn Văn Linh: Hành trình cùng lịch sử, Nxb. Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 1999, tr. 162.

[6],2,3,4,5,6. Lê Đức Thọ: Xây dựng Đảng trong cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, Sđd, tr. 506, 485, 481, 486 - 487, 468, 470.

7,8. Lê Đức Thọ: Những nhiệm vụ cấp bách của công tác xây dựng Đảng, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1986, tr. 35, 17.

1,2,3,4,5,6,7. Lê Đức Thọ: Những nhiệm vụ cấp bách của công tác xây dựng Đảng, Sđd, tr. 16, 35, 28 - 29, 20, 19, 24, 24 - 25.

[7]. Hội Nghiên cứu và giảng dạy văn học Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản, năm 1991, tr. 150.

[8]. Anh Sáu và nhiều anh lãnh đạo khác (TG).

1. Lê Đức Thọ: Những nhiệm vụ cấp bách của công tác xây dựng Đảng, Sđd, tr. 22.

Trích trong cuốn Lê Đức Thọ - Người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tài năng;

Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả