Ngành Xuất bản, In và Phát hành tăng tốc chuyển đổi số, khắc phục hạn chế, xây dựng ngành kinh tế hiện đại
Ngày 22/4/2025, tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm năm 2025. Hội nghị thu hút sự tham dự của đông đảo đại diện các cơ quan quản lý, nhà xuất bản, cơ sở in, đơn vị phát hành trên toàn quốc. Đồng chí Nguyễn Thái Bình, Phó Giám đốc Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tham dự Hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành và đồng chí Đỗ Quang Dũng, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội Xuất bản Việt Nam chủ trì Hội nghị.
Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành đã khái quát tình hình hoạt động của ngành trong năm 2024. Tính đến hết ngày 31/12/2024, cả nước có 57 nhà xuất bản thuộc 53 cơ quan chủ quản. Tổng số xuất bản phẩm là 51.443 với 597.182.861 bản (tăng 37,2% về xuất bản phẩm và tăng 11,3% về bản/lượt truy cập so với năm 2023). Tổng doanh thu toàn ngành đạt 4.528,249 tỷ đồng (tăng 10,3%); nộp ngân sách 212,198 tỷ đồng (giảm 44,67%); lợi nhuận (sau thuế) đạt 507,470 tỷ đồng (tăng 11,41%). Trong đó có 5 nhà xuất bản có doanh thu đạt trên 100 tỷ đồng. Đặc biệt, các xuất bản phẩm có giá trị tư tưởng - chính trị, phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước tiếp tục khẳng định vai trò, như các ấn phẩm của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phát hành, sách kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, sách về chuyển đổi số...
Lĩnh vực xuất bản điện tử có bước tiến rõ rệt, với 54,3% nhà xuất bản tham gia - tăng 29,1%. Nhiều nền tảng dùng chung đã được hình thành, góp phần nâng cao hiệu quả chuyển đổi số của toàn ngành. Trong lĩnh vực in ấn, cả nước có 3.320 cơ sở được cấp phép hoạt động, doanh thu ước đạt 99.200 tỷ đồng, tăng 7,8%. Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp in đang từng bước chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế, mở rộng thị phần sang các nước G7, EU, Nhật Bản... Về công tác phát hành, cả nước hiện có hơn 2.000 cơ sở, gần 13.500 điểm phát hành. Năm 2024, toàn ngành phát hành hơn 576 triệu bản sách, doanh thu đạt khoảng 4.800 tỷ đồng - tăng 3,2%.
Bên cạnh thành tựu, Hội nghị cũng chỉ rõ những hạn chế như: tình trạng sách vi phạm nội dung tư tưởng, chính trị; thiếu hụt sách học thuật, sách khoa học; năng lực đội ngũ biên tập viên còn bất cập; tình trạng in lậu, xâm phạm bản quyền, đặc biệt trên không gian mạng diễn biến phức tạp nhưng chưa được xử lý triệt để.
Đại biểu trình bày tham luận, đóng góp ý kiến tại Hội nghị.
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đóng góp nhiều tham luận giàu giá trị lý luận và thực tiễn cho ngành Xuất bản, chỉ ra những khó khăn, phân tích nguyên nhân hạn chế trong năm 2024, đồng thời xác định phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025. Các đại biểu đã thảo luận nhiều vấn đề đã và đang được quan tâm nhiều, như: về phát triển văn hóa đọc và sự xâm hại bản quyền sách; vấn đề xây dựng mô hình, bộ máy nhà xuất bản theo hướng tinh gọn phù hợp với yêu cầu tự chủ tài chính và chuyển đổi số; tái cấu trúc mạng lưới phát hành xuất bản phẩm theo hướng tinh gọn, hiệu quả, thích ứng với thị trường trực tuyến...
Đồng chí Nguyễn Thái Bình, Phó Giám đốc Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật trình bày tham luận tại Hội nghị.
Tham luận với chủ đề “Đổi mới tư duy, cải tiến phương thức tổ chức bản thảo, biên tập, nâng cao chất lượng sách phục vụ Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng”, đồng chí Nguyễn Thái Bình, Phó Giám đốc Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật nhấn mạnh, suốt dọc hành trình dài xây dựng và lớn mạnh, trưởng thành cùng đất nước, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, tiền thân là Nhà xuất bản Sự thật, luôn khẳng định rất rõ vai trò là đơn vị đi đầu của ngành Xuất bản Việt Nam.
Gần 80 qua, kể từ khi thành lập ngày 05/12/1945, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã xuất bản hàng vạn đầu sách lý luận, chính trị với tổng số lượng in lên đến hàng triệu triệu bản. Trong đó, sách kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin; sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh; sách xây dựng Đảng, sách phục vụ tuyên truyền học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; sách về công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng; sách tổng kết các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ... là những mảng sách “xương sống” của Nhà xuất bản. Đặc biệt, biên tập, xuất bản văn kiện của Đảng luôn được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Nhà xuất bản. Hàng vạn cuốn sách, từ văn kiện các đại hội Đảng và các hội nghị Trung ương, tài liệu của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đến tài liệu nghiên cứu, học tập các văn kiện đã được Nhà xuất bản ấn hành với số lượng lớn, chất lượng cao và được phát hành rộng rãi, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.
Theo đồng chí Nguyễn Thái Bình, để đổi mới tư duy, cải tiến phương thức tổ chức bản thảo, biên tập, nâng cao chất lượng sách phục vụ Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng, trong thời gian tới, Nhà xuất bản chú trọng một số nội dung như: tập trung nâng cao chất lượng chính trị, khoa học, tính thực tiễn, tính chiến đấu của sách lý luận, chính trị, đáp ứng yêu cầu nhiều mặt của công tác chính trị, tư tưởng, những vấn đề cơ bản, bức xúc do thực tiễn đặt ra và đặc biệt là yêu cầu phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng; chú trọng các đề tài sách phục vụ tổng kết 40 năm đổi mới, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các hội nghị Trung ương; Văn kiện Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, XIII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị khóa XII về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới…; xây dựng định hướng nội dung đề tài sách xuất bản, đặc biệt là các sách phục vụ đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng; xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác xuất bản sách lý luận, chính trị đủ tri thức, bản lĩnh cách mạng, có đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn cao; đổi mới và thích ứng với sự phát triển mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu hướng chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay.
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, đồng chí Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành nhấn mạnh, toàn ngành cần tiếp tục nỗ lực, quyết tâm cao hơn nữa nhằm phát huy kết quả đã đạt được trong năm 2024. Đồng thời nghiêm túc nhìn nhận, rút kinh nghiệm và nhanh chóng khắc phục những hạn chế còn tồn tại để tiếp tục hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, đưa ngành Xuất bản phát triển vững mạnh trong kỷ nguyên mới của đất nước.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Khơi dậy tình yêu nuớc, lòng tự hào dân tộc từ Đại thắng mùa Xuân năm 1975
- Lãnh đạo Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật dự Hội nghị toàn quốc tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất
- Tọa đàm về cuốn sách “Những biên bản cuối cùng tại Nhà Trắng: Phút sụp đổ của Việt Nam Cộng hòa”
- Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản dự Lễ giới thiệu đợt thông tin đặc biệt chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của Báo Nhân dân
- Đưa lịch sử đến gần hơn với thế hệ trẻ
- Tọa đàm “Đại thắng Mùa xuân 1975 - Sức mạnh của ý chí và niềm tin chiến thắng”
- Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tham gia triển lãm sách tại Đài Tiếng nói Việt Nam
- Sách của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đến với bạn đọc qua các hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ tư
- Hội thảo khoa học “50 năm nền văn học Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) - Những vấn đề đặt ra và định hướng phát triển”
- Thắp sáng tri thức - Lan tỏa văn hóa đọc vì một xã hội học tập suốt đời
- Trao tặng cuốn hồi ký “Gia đình, bạn bè và đất nước” tới tác giả - nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình
- Công an nhân dân phát triển văn hóa đọc và đẩy mạnh học tập suốt đời trong kỷ nguyên số