Nhớ anh Sáu Lê Đức Thọ

Ngày đăng: 20/10/2011 - 16:10

Lữ Minh Châu*

Gần đến kỷ niệm ngày sinh lần thứ 100 của anh Sáu Thọ (10-10-1911 – 10-10-2011), tôi nhớ đến anh như một người thầy, người lãnh đạo có lý, có tình luôn quan tâm đến cán bộ.

LDT9b

Phái đoàn đồng chí Lê Đức Thọ chụp ảnh chung với vợ chồng đồng chí Phạm Văn Đồng tại Quảng Ngãi, Liên khu 5

Có thể nói những bước ngoặt quan trọng trong quá trình hoạt động của tôi đều có "hình bóng" của anh Sáu Thọ, xin anh nhận nơi người học trò, người em này một nén hương tưởng nhớ từ tấm lòng nhân kỷ niệm ngày sinh của anh.

Tôi biết anh từ năm 1950, khi cơ quan Xứ uỷ Nam Bộ chuyển từ căn cứ Đồng Tháp Mười (Khu 8) về vùng U Minh miền Tây Nam Bộ (Khu 9). Lúc bấy giờ, tôi công tác tại Văn phòng Khu uỷ Khu 9. Năm 1950, một số cán bộ Văn phòng Khu uỷ Khu 9 chuyển về Văn phòng Khu uỷ Nam Bộ (sau đổi thành Trung ương Cục miền Nam), trong đó có tôi. Đây cũng là thời gian tôi thường xuyên tiếp xúc, gần gũi các anh lãnh đạo Trung ương Cục miền Nam, trong đó có anh Sáu Thọ, qua các buổi làm việc, sinh hoạt cơ quan và qua các cuộc hội nghị chuyên đề do Trung ương Cục chủ trì nên tôi hiểu được đức độ, tài năng và sự cống hiến của anh đối với miền Nam.

Tuy nhiên, mỗi người một hoàn cảnh, suy tư nên có những ý kiến khác nhau về anh là lẽ thường. Có người "không thích" thì cho rằng anh quá khắt khe, chỉ "búa" mà ít quan tâm đến hoàn cảnh cụ thể của từng cán bộ, cho nên khi xử lý có trường hợp thiếu công bằng, thiếu chính xác... nhưng rất nhiều người, trong đó có tôi cho rằng nghiêm khắc và "búa" đối với những sai lầm của cán bộ phạm sai lầm trong công việc là cần thiết, anh Sáu "búa" nhưng có tấm lòng, xuề xòa. Bao che sai lầm của cán bộ chỉ làm hại họ và làm yếu Đảng.

Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, tôi tưởng không còn có dịp gặp anh nữa vì công việc mỗi người khác nhau. Không ngờ vào một ngày cuối năm 1958, anh Hai Hùng (Phạm Hùng), thủ trưởng trực tiếp của tôi cho tôi biết anh Sáu Thọ xin tôi làm thư ký cho anh Sáu vì người thư ký của anh được cử đi học nước ngoài. Tin này đến với tôi thật đột ngột, nên tôi không biết nói sao khi nghe anh Hai Hùng báo tin. Tôi vẫn nghĩ tôi ra Hà Nội không phải đi tập kết thông thường như anh chị em khác mà chỉ tạm thời để trở về miền Nam trong Phái đoàn đại diện Bộ Tổng Tư lệnh bên cạnh Uỷ ban Quốc tế tại Sài Gòn. Nhưng khi phía Pháp buộc phải chấp nhận để phái đoàn đại diện Bộ Tổng Tư lệnh vào Sài Gòn thì họ lại hạn chế số lượng, chỉ có 16 người chứ không như dự kiến ban đầu là trên 20 người. Do đó, tôi không vào Sài Gòn mà về làm việc dưới sự chỉ đạo trực tiếp của anh Hai Hùng tại Ban Thống nhất trực thuộc Thủ tướng Chính phủ để nghiên cứu tình hình miền Nam, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng cho hiệp thương theo Hiệp định Giơnevơ (ta biết Mỹ - ngụy cố tình phá hoại nhưng phải chuẩn bị để chủ động). Khi hiệp thương sau hai năm để thống nhất đất nước theo Hiệp định Giơnevơ không xảy ra và Phái đoàn đại diện Bộ Tổng Tư lệnh bên cạnh Uỷ ban Quốc tế tại Sài Gòn không trụ lại được mà phải rút toàn bộ về Hà Nội thì nguyện vọng xin được đi học, nhất là học về kinh tế của tôi lúc bấy giờ càng tăng lên.

Vì nguyện vọng xin đi học đã ấp ủ từ lâu nên tôi bị bất ngờ khi nghe anh Hai Hùng nói ý của anh Sáu Thọ. Bất ngờ vì tôi chưa bao giờ dám nghĩ đến điều đó, tôi mạnh dạn báo cáo với anh Hai Hùng:

- Tôi rất mừng vì anh Sáu hiểu và tin tôi, nhưng tôi rất muốn đi học, xin anh nói giùm với anh Sáu.

- Muốn đi học là chính đáng, nhưng tôi đã hứa cho cậu sang làm với anh Sáu, vậy cậu trực tiếp trình bày với anh Sáu, tôi sẽ nói thêm để cậu được đi học, học xong về làm với anh càng tốt hơn - anh Hai Hùng ôn tồn nói.

Trên đường từ nhà anh Hai Hùng về, tôi miên man suy nghĩ, nửa mừng nửa lo. Mừng vì anh Sáu hiểu và tin, lo vì không biết xin đi học có được không? Học xong, nếu về làm với anh Sáu, tôi cũng vui lòng.

Một buổi sáng chủ nhật, tôi đến nhà anh Sáu.

- Anh Hai Hùng có nói về công việc sắp tới của cậu chưa? - anh Sáu hỏi sau khi hỏi thăm công việc và sức khỏe của tôi.

- Thưa anh, anh Hai có nói anh xin tôi về làm với anh - tôi chậm rãi trả lời.

- Ý cậu thế nào?

- Được anh Sáu quan tâm, tôi rất mừng và cám ơn anh Sáu, nhưng tôi còn nhiều yếu kém, sợ không giúp được nhiều cho anh, do đó xin anh cho tôi được đi học Trường đại học Kinh tế sắp mở khóa đầu tiên tại Hà Nội - tôi tha thiết trình bày.

- Nguyện vọng của cậu là chính đáng, học xong không chỉ về làm với tôi mà còn cho miền Nam sau này, khi đất nước thống nhất.

Trầm ngâm một lúc, anh nói:

- Thôi được, tôi sẽ nói lại với anh Hai Hùng cho cậu đi học.

Thế là tôi được đi học Trường đại học Kinh tế tại Hà Nội. Học gần một năm thì tôi được chọn đi học về tài chính - ngân hàng tại Trường đại học Tài chính Mátxcơva (Liên Xô).

Đây là ấn tượng sâu sắc đầu tiên của tôi đối với anh Sáu, người lãnh đạo Đảng cấp cao mà lại tin một cán bộ bình thường như tôi lúc bấy giờ, chịu nghe và giải quyết thỏa đáng nguyện vọng chính đáng của cán bộ, luôn tạo điều kiện để cán bộ tiến bộ, phục vụ đất nước... Có lẽ vậy nên không ai có thể không công nhận công lao to lớn của anh trong việc quy hoạch, đào tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước từ trước tới nay.

II

Cuối năm 1964, tôi về nước sau gần 5 năm học tại Liên Xô, anh Sáu lại lo cho tôi lần thứ hai, lần này không phải về làm việc với anh mà làm trực tiếp cho miền Nam đang chiến đấu quyết liệt chống Mỹ, cứu nước.

Vừa về đến Hà Nội thì ngay ngày hôm sau, anh Sáu Triêm (Phan Triêm, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng) báo cho tôi biết anh Sáu Thọ và anh Hai Hùng cần gặp tôi.

Tôi đến gặp anh Sáu Thọ trước.

- Cậu muốn đi học tiếp hay về Nam công tác? - Sau khi hỏi thăm việc học, gia đình trong Nam của tôi, anh Sáu hỏi.

- Thưa anh, xin anh cho tôi về Nam - Tôi trả lời ngay không chút đắn đo, do dự.

- Vậy thì tốt, anh Hai Hùng cũng có ý định cử cậu vào Nam vì trong đó đang cần người như cậu để triển khai một số việc cho miền Nam. Nhiệm vụ cụ thể như thế nào, anh Hai Hùng sẽ giao cho cậu. Những việc làm cụ thể nếu có gì chưa rõ, cậu phải hỏi cặn kẽ anh Hai Hùng để nắm vững, về trong đó mà làm. Trước khi đi, cậu đến gặp tôi để xem có gì tôi dặn thêm - anh Sáu nói.

Tạm biệt anh, lòng tôi đầy phấn khởi vì các anh tin mình và vì mình được về Nam. Ngày hôm sau, tôi đến gặp anh Hai Hùng và được anh giao nhiệm vụ, chỉ vẽ tỉ mỉ, chu đáo những việc cần phải làm khi ở Hà Nội và việc phải làm khi về Nam. Tất cả những điều tôi phải làm do anh Hai Hùng dặn đều nhằm mục đích là cùng với một số anh em trong Nam tổ chức đường dây bí mật trong nội thành để tiếp nhận an toàn tiền (chủ yếu là ngoại tệ) của Trung ương chi viện cho miền Nam.

Tôi tranh thủ tối đa thời gian và các điều kiện sẵn có lúc bấy giờ để hoàn thành nhanh và bí mật việc chuẩn bị để lên đường càng sớm càng tốt. Nhưng không may là đường công khai về Nam bị trục trặc, cuối cùng tôi phải đi bộ theo đường Trường Sơn.

Trước khi lên đường, tôi xin gặp anh Sáu theo lời dặn của anh.

- Khi nào cậu lên đường? Mọi việc cậu chuẩn bị chu đáo cả chứ? - Anh Sáu hỏi.

- Thưa anh, mọi việc anh Hai Hùng dặn, tôi đã chuẩn bị xong, vài hôm nữa là lên đường.

- Cậu đi về Nam bằng cách nào?

- Theo dự kiến và đã chuẩn bị đi công khai bằng máy bay qua nước thứ ba, nhưng đường đi bị trục trặc, không đảm bảo an toàn, nên phải đi bộ theo đường Trường Sơn.

- Đi bộ sẽ lâu, rất vất vả, nguy hiểm dọc đường. Dạ dày của cậu lâu nay thế nào rồi, sức khỏe liệu có đảm bảo không?

- Thưa anh, tôi đi được, chờ thông đường công khai thì không biết đến bao giờ - Tôi xúc động vì sự quan tâm của anh.

- Đi được càng sớm thì càng tốt, vì trong đó đang cần cậu để triển khai công việc, nhưng cũng phải giữ gìn sức khỏe, dạ dày của cậu đã mổ cắt 2/3 rồi, không được chủ quan. Lâu nay cậu có tin tức gia đình trong Nam không?

- Cám ơn anh Sáu quan tâm, tôi có nhận thư của vợ tôi theo đường nội bộ qua Campuchia. Nói chung, gia đình vẫn vững vàng bám trụ hoạt động.

- Môi trường hoạt động sắp tới của cậu là nội thành, hằng ngày phải đương đầu với địch nên thế hợp pháp phải thật vững vàng: gia đình, nghề nghiệp, việc làm... Riêng về gia đình, tôi sẽ nói trong đó bố trí đưa vợ cậu về sống và hoạt động hợp pháp với cậu.

Tôi mừng quá vì bài toán khó mà tôi băn khoăn chưa có lời giải thì anh Sáu đã thấu hiểu và cho lời giải thỏa đáng quá sức tưởng tượng của tôi. Anh Sáu nói là làm, sau đó gần một năm, bất ngờ vợ tôi đến Phnôm Pênh (Campuchia) với tôi do Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam tổ chức đón và đưa đến mà trước đó tôi không hề hay biết. Có gia đình, có con thì thế hợp pháp càng vững. Nhờ đó gia đình tôi về Sài Gòn hoạt động công khai, hợp pháp với địch cho đến ngày giải phóng miền Nam vẫn an toàn, không bị lộ.

Hôm đó tôi được anh Sáu mời ở lại dùng cơm với gia đình. Bữa cơm ấm cúng, thấm tình thầy trò, tình đồng chí.

Sau Tổng tiến công Tết Mậu Thân năm 1968, từ thành phố Sài Gòn, tôi về Trung ương Cục miền Nam để báo cáo tình hình thì tôi gặp anh Sáu tại nhà anh Hai Hùng. Anh ôm tôi và nói nhiều lời tốt đẹp về hoạt động của đơn vị chúng tôi - Ban Tài chính đặc biệt trực thuộc Trung ương Cục miền Nam với bí số N 2683 (đơn vị chuyên lo tiếp nhận, chuyển đổi ra nhiều loại tiền khác, bảo quản, vận chuyển giao cho các đầu mối: Ban Kinh tài R, Cục Hậu cần Miền, các khu... theo kế hoạch của Thường vụ Trung ương Cục miền Nam). Và năm 2009, đơn vị với bí số N 2683 đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Dù ở xa nhưng anh vẫn quan tâm và hiểu công việc của cán bộ. Điều này thật không phải cán bộ lãnh đạo cấp cao nào cũng được như vậy.

III

Giữa năm 1986, tôi nhận được điện của Ban Tổ chức Trung ương gọi ra Hà Nội có việc cần. Lúc bấy giờ tôi đang là Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh.

Cầm bức điện mật do Văn phòng Thành uỷ trao mà lòng tôi rất băn khoan, không biết có chuyện gì? Chiều hôm đó, Đài truyền hình, Đài phát thanh công bố quyết định của Bộ Chính trị bổ nhiệm tôi làm Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (nay là Thống đốc) thì tôi mới hiểu ra Hà Nội chắc là do việc này.

Đến Hà Nội đúng hẹn, tôi gặp anh Nguyễn Đức Tâm, sau đó anh Tâm báo anh Sáu Thọ muốn gặp tôi. Tôi đến nhà anh Sáu Thọ.

- Cậu đã gặp anh Tâm chưa? - anh Sáu hỏi.

- Thưa anh, tôi đã gặp và anh Tâm đã giải thích cho tôi biết vì sao Bộ Chính trị quyết định bổ nhiệm tôi làm Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mà chưa trao đổi trước với tôi, đồng thời động viên tôi cố gắng làm.

- Ngành ngân hàng đang cần đổi mới, đang cần có những biện pháp tích cực, hữu hiệu để góp phần khắc phục tình trạng lạm phát đang ngày càng tăng, tiền mặt đang thiếu nghiêm trọng không đảm bảo cho chi trả, cho sản xuất và lưu thông hàng hóa... Với kinh nghiệm thu thập được từ những việc đã làm có kết quả tại Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh, cậu cần nhân rộng ra trong cả nước để góp phần khắc phục khó khăn đang ngày càng tăng do sai lầm về giá - lương - tiền hiện nay. Việc này khó, nhưng phải làm. Nếu cần tôi góp ý thì đến gặp tôi lúc nào cũng được.

- Thưa anh, nhiệm vụ mới này thật khó đối với tôi vì tôi chưa có sự chuẩn bị trước. Tôi có được một số kinh nghiệm về đổi mới hoạt động ngân hàng, nhưng kinh nghiệm đó chỉ là kinh nghiệm của một địa phương, của cấp thi hành. Nhưng Bộ Chính trị đã quyết định, dù khó tôi cũng xin chấp hành và cố gắng cùng với anh chị em trong ngành hoàn thành nhiệm vụ.

- Cậu chưa nên nhận việc cụ thể ngay, nên dành vài tháng đầu đi cơ sở nắm tình hình, kể cả cán bộ rồi hãy trực tiếp điều hành công việc cụ thể.

Những điều anh Sáu chỉ bảo, tôi cố gắng làm, duy chỉ có việc chưa nên điều hành công việc cụ thể ngay mà để đi cơ sở nắm tình hình thì không thực hiện được bao nhiêu vì công việc phức tạp thúc bách hằng ngày trong thời kỳ lạm phát ngày càng tăng, buộc thủ trưởng phải quyết định. Tôi đành phải vừa điều hành công việc cụ thể vừa tranh thủ tìm hiểu thêm. Có gì khó khăn, nhất là về tổ chức, cán bộ, tôi báo cáo và xin ý kiến anh Sáu. Mỗi lần tôi xin ý kiến, anh chỉ bảo rất tận tình.

Nhờ tôi có một ít kinh nghiệm cụ thể, nhờ quyết tâm, kiên trì và nhất là nhờ gắn kết được trong Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, với anh chị em cốt cán và với anh chị em trong ngành nên khó khăn dần được khắc phục, hoạt động ngân hàng đi dần vào ổn định. Trong nhiều việc đã làm, có hai việc tôi thấy đáng nhớ nhất là:

- Phối hợp với các ngành liên quan có những giải pháp tổng hợp để chặn đứng và kéo khá nhanh tỷ lệ lạm phát xuống;

- Đồng thời cùng với anh chị em tập trung nghiên cứu để giải trình, thuyết phục cấp trên cho thí điểm việc mà chúng tôi cho là "khâu đột phá" đầu tiên và cơ bản để đổi mới tổ chức và hoạt động ngân hàng là tách chức năng quản lý nhà nước với nhiệm vụ kinh doanh tiền tệ ra thành hệ thống ngân hàng hai cấp: Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng Thương mại.

Chủ trương này được nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao lúc bấy giờ, trong đó có anh Sáu Thọ ủng hộ, nên ngày 3-7-1987, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ký ban hành Quyết định số 218/CT cho phép Ngân hàng làm "thử" (thí điểm) việc chuyển hoạt động của ngân hàng sang kinh doanh xã hội chủ nghĩa. Sau mấy tháng thí điểm, ngày 26-3-1988, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng lại ký ban hành Nghị định số 54/HĐBT về tổ chức bộ máy Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thành hai cấp. Hệ thống ngân hàng hai cấp tồn tại đến ngày nay.

Anh Sáu đã vĩnh biệt chúng ta, nhưng tên anh và công lao của anh, nhất là công lao về tổ chức và cán bộ đối với Đảng, đối với đất nước thì không ai có thể viện lý này hay lý khác để phủ nhận hoặc làm giảm công lao đó được.



* Nguyên:  - Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng,

- Bộ trưởng - Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam,

- Phó Trưởng ban Tài chính đặc biệt trực thuộc Trung ương Cục miền Nam.

Trích trong cuốn Lê Đức Thọ - Người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tài năng;

Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả