Đoàn kết và sát cánh bên nhau chống thực dân xâm lược

Ngày đăng: 16/08/2012 - 08:08
sat-canh
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (người thứ 3 từ trái sang) và Hoàng thân Xuphanuvông (người thứ tư từ trái sang) cùng các cán bộ quân đội Việt - Lào bàn kế hoạch mở chiến dịch Thượng Lào năm 1953. Ảnh TLBTHCM

Tình đoàn kết, hữu nghị, sự kề vai, sát cánh của nhân dân ba nước Đông Dương, đặc biệt là mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị, đặc biệt của nhân dân Lào và nhân dân Việt Nam "cùng chung chiến hào" chống kẻ thù xâm lược, được thử thách qua thời gian, ngày càng thấm đẫm tình nghĩa thuỷ chung, “sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long” như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định.

Việt Nam và Lào là hai quốc gia trên bán đảo Đông Dương, hai nước láng giềng anh em, cùng tựa vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, có quan hệ hữu nghị, truyền thống lâu đời. Với tinh thần “giúp bạn là tự giúp mình”, nhân dân hai nước Việt Nam - Lào đã kề vai, sát cánh, cùng chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược, để lại những kinh nghiệm quý báu về một mối quan hệ hữu nghị, đặc biệt trong sự nghiệp giải phóng và phát triển của mỗi quốc gia.

1. Giữa những ngày Tháng Tám năm 1945 lịch sử, cùng với quá trình Tổng khởi nghĩa giành chính quyền của nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương và Xứ uỷ Lào, phong trào cách mạng của hai nước Việt Nam và Lào ngày càng phát triển. Ngày 23/8/1945, trong khi nhân dân Sài Gòn đang vùng lên Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, thì tại Lào, nhân dân Lào đã giành chính quyền ở Viêng Chăn và cũng lần lượt giành chính quyền ở các địa phương. Ngày 12/10/1945, Chính phủ Lào Ítxala, đã ra mắt tại Thủ đô Viêng Chăn: công bố Tuyên ngôn độc lập của nước Lào và Hiến pháp lâm thời… Ngày 14/10/1945, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà chính thức công nhận Chính phủ Lào Ítxala. Hiệp ước hữu nghị giữa hai nước được ký kết tại Viêng Chăn ngày 30/10/1945.

Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp đã nổ súng tái xâm lược Nam Bộ, ráo riết tìm cách đặt lại ách thống trị ra miền Trung, miền Bắc Việt Nam. Trong khi đó, ở Lào, Pháp cũng cho quân chiếm đóng Thượng Lào, Trung Lào, nhất là dọc các trục đường số 7, số 8, số 9 sát biên giới Liên khu IV của Việt Nam. Âm mưu của thực dân Pháp là tìm cách lập lại ách thống trị của chúng trên bán đảo Đông Dương, xóa bỏ chính quyền cách mạng ở Việt Nam và Lào.

Trong những năm 1945-1946, trong khi nhân dân ta đang phải từng bước vượt qua mọi khó khăn để chống lại giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm, đồng thời tranh thủ quỹ thời gian hòa bình rất hạn hẹp để xây dựng và củng cố thực lực, thì tại Lào, do tương quan lực lượng vũ trang chênh lệch, cuộc chiến đấu bảo vệ chính quyền của nhân dân Lào cuối năm 1945 gặp nhiều khó khăn, tổn thất. Một bộ phận cơ quan Chính phủ và Hoàng thân Xuphanuvông đã phải tạm thời sơ tán sang Thái Lan, bộ phận khác chuyển lực lượng về nông thôn và sang Việt Nam để củng cố lực lượng…

Quán triệt tinh thần "cả Đông Dương là một chiến trường" và "thống nhất mặt trận Việt - Miên - Lào chống Pháp xâm lược"[1], thực hiện Hiệp định liên minh giữa hai nước, các đơn vị vũ trang của Việt Nam đã sang phối hợp, sát cánh với quân dân Lào chống kẻ thù chung là thực dân Pháp xâm lược. Tinh thần đoàn kết, hữu nghị và hợp tác được bồi đắp trong hành trình đấu tranh giành độc lập, tự do, tiếp tục được củng cố và phát triển trong tình hình mới như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định trong Lời kêu gọi Liên hợp quốc (12/1946): "Đối với Lào và Miên, nước Việt Nam tôn trọng nền độc lập của hai nước đó và mong muốn hợp tác trên cơ sở bình đẳng tuyệt đối giữa các nước có chủ quyền"[2].

Chiến tranh ngày càng lan rộng trong toàn quốc, ngày 12/12/1946, Chỉ thị Toàn dân kháng chiến đã không chỉ nêu rõ những vấn đề liên quan đến cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta, mà còn nêu rõ chủ trương đoàn kết ba dân tộc Việt Nam, Lào và Campuchia của Trung ương Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đoàn kết, sát cánh cùng chung chiến hào đánh Pháp tiếp tục được Tổng Bí thư Trường Chinh khẳng định trong tác phẩm Kháng chiến nhất định thắng lợi: "Phải giúp đỡ các dân tộc Đông Dương về vật chất cũng như về tinh thần để chóng đè bẹp bọn thực dân phản động Pháp, kẻ phá hoại hoà bình và dân chủ trên thế giới"[3].

Để đẩy mạnh kháng chiến ở Lào, tháng 5/1948, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định thành lập đơn vị xung phong Lào Bắc do đồng chí Cayxỏn Phômvihản chỉ huy phối hợp với quân tình nguyện Việt Nam. Tại căn cứ Lao Hùng, huyện Xiêng Kho, tỉnh Hủa Phăn, nơi đơn vị Látxavông do đồng chí Cayxỏn Phômvihản chỉ huy đã chính thức tuyên bố thành lập Quân đội Lào Ítxala… Tuy nhiên, vì "cơ sở đảng ở Lào, Miên gần như chưa có gì trong khi phong trào giải phóng Lào, Miên đang lên cao"[4], cho nên cần "phải tìm tòi thu hút những phần tử hăng hái trong hai dân tộc Miên, Lào... và đào tạo họ thành những cán bộ cốt cán cho công tác vận động Lào, Miên. Gây cho được cơ sở Đảng trong dân chúng Miên, Lào. Phải chú trọng nhất các đoàn thể cấp tiến, các phần tử thanh niên trí thức và bộ đội Lào độc lập"[5], để phối hợp với các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam lần lượt được cử sang hoạt động ở Lào. Và công tác đoàn kết giúp đỡ phong trào kháng chiến Lào và Campuchia, chủ trương đoàn kết, liên minh chiến đấu giữa ba nước Việt - Miên - Lào đã được Đảng Cộng sản Đông Dương cụ thể hóa trong 4 nội dung sau: 1/Không đứng trên lợi ích Việt Nam mà làm công tác Lào - Miên. 2/Nắm chắc nguyên tắc dân tộc tự quyết, phải do Lào, Miên tự quyết định lấy. 3/Không đem chủ trương, chính sách, nguyên tắc của Việt Nam ứng dụng vào Lào, Miên như lắp máy. 4/Cần giúp đỡ Lào, Miên để bạn tự làm lấy[6].

Trong khi ở Việt Nam, những kết quả đạt được trên các lĩnh vực xây dựng Đảng, chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục và đặc biệt là chiến thắng Việt Bắc thu đông 1947… đã mở ra một cục diện mới cho sự phát triển của cuộc chiến tranh nhân dân; thì tại Lào, cuộc kháng chiến của nhân dân các bộ tộc Lào cũng đang có những thay đổi. Ngày 25/12/1949, Chính phủ Lào lưu vong ở Thái Lan tự giải tán... Đại hội Mặt trận Lào kháng chiến họp (13 - 15/8/1950 tại Tuyên Quang), đề ra Cương lĩnh của Mặt trận gồm 12 điều, và đã bầu Hoàng thân Xuphanuvông làm Chủ tịch kiêm Thủ tướng Chính phủ Kháng chiến Lào.

2. Trước đó, ngày 23/1/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận được thư của Hoàng thân Xuphanuvông. Trong thư, ông "Hoàng đỏ" khẳng định: Mục đích chính trị của chuyến đi thăm này "nhằm tạo thuận lợi đầy đủ, trọn vẹn cho phong trào giải phóng dân tộc của hai nước" và mong được biết về vấn đề đón tiếp của Chính phủ Việt Nam sẽ dành cho đoàn đại biểu của Lào. Ngày 27/9/1950, tại căn cứ Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp và làm việc với Hoàng thân Xuphanuvông, Thủ tướng Chính phủ kháng chiến Lào và đồng chí Sơn Ngọc Minh, Thủ tướng Chính phủ kháng chiến Miên (Campuchia) để bàn về vấn đề đoàn kết, liên minh chiến đấu chống thực dân Pháp… Ngày 22/11/1950, Tuyên cáo của Hội nghị đại biểu của ba Mặt trận dân tộc thống nhất của ba nước Việt - Lào - Miên tại Việt Bắc sau khi phân tích tình hình thế giới, tình hình ba nước Đông Dương đã nhất trí căn bản về chính sách chung của ba Mặt trận dân tộc thống nhất và đề ra một số nhiệm vụ cơ bản như: xúc tiến thực hiện khối liên minh duy nhất của ba dân tộc Việt - Lào - Miên trên nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng chủ quyền quốc gia và lãnh thổ của nhau, hết sức giúp đỡ nhau về mọi mặt để công cuộc giải phóng của ba dân tộc chóng hoàn thành[7].

Một trong những yêu cầu quan trọng để phát triển phong trào cách mạng ở cả ba nước Đông Dương là phải tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng. Trong khi Đảng hoạt động bí mật và chưa có điều kiện thành lập ở mỗi nước một Đảng riêng, Đảng Cộng sản Đông Dương có trách nhiệm lãnh đạo phối hợp cuộc kháng chiến của ba dân tộc. Đầu năm 1951, trước những yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng của 3 nước Đông Dương, Đại hội lần thứ II Đảng Cộng sản Đông Dương đã họp ở Tuyên Quang -Việt Nam (11- 19/2/1951) quyết định thành lập ở mỗi nước một đảng, để trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng của mỗi nước. Ở Việt Nam là Đảng Lao động Việt Nam; ở Campuchia là Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia và ở Lào (sau Đại hội II, những người cộng sản đã tổ chức thành Nhóm nhân dân Lào để tiếp tục lãnh đạo kháng chiến), chuẩn bị cho việc thành lập Đảng Nhân dân Lào (22/3/1955).

Về vấn đề đoàn kết, liên minh chiến đấu cùng chống thực dân Pháp, “Đảng Lao động Việt Nam chủ trương đoàn kết chặt chẽ và giúp đỡ hai dân tộc Miên, Lào kháng chiến giành độc lập, cùng Việt Nam hoàn toàn giải phóng Đông Dương”[8] và "Dân tộc Việt Nam đoàn kết chặt chẽ với hai dân tộc Miên, Lào và hết sức giúp đỡ hai dân tộc ấy cùng nhau kháng chiến chống đế quốc xâm lược, giải phóng cho tất cả các dân tộc Đông Dương. Nhân dân Việt Nam đứng trên lập trường lợi ích chung mà hợp tác lâu dài với hai dân tộc Miên, Lào trong kháng chiến và sau kháng chiến"[9]. Quán triệt tinh thần này, đặc biệt là lời phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội II của Đảng: “Chúng ta kháng chiến, dân tộc bạn Miên, Lào cũng kháng chiến. Bọn thực dân Pháp và bọn can thiệp Mỹ là kẻ thù của ta và của dân tộc Miên, Lào. Vì vậy, ta phải ra sức giúp đỡ anh em Miên, Lào, giúp đỡ kháng chiến Miên, Lào; và tiến đến thành lập Mặt trận thống nhất các dân tộc Việt - Miên - Lào”[10], ngày 11/3/1951, tại Việt Bắc, Hội nghị liên minh nhân dân Lào - Việt Nam - Campuchia, biểu thị tình đoàn kết, liên minh chiến đấu của 3 nước đã họp. Các đại biểu các Mặt trận Liên Việt, Itxala và Itxarắc, tuyên bố thành lập khối liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào - Campuchia dựa trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, tương trợ và tôn trọng chủ quyền của nhau, nhằm mục tiêu đánh đuổi bọn xâm lược Pháp và can thiệp Mỹ, làm cho mỗi nước hoàn toàn độc lập.

“Vì mối quan hệ khăng khít về địa lý, quân sự, chính trị, v.v.. mà ta với Miên, Lào cũng như môi với răng. Hai dân tộc Miên, Lào hoàn toàn giải phóng, thì cuộc giải phóng của ta mới chắc chắn, hoàn toàn. Cho nên nhiệm vụ của ta là phải ra sức giúp đỡ kháng chiến Miên, Lào một cách tích cực thiết thực hơn[11]. Và sự giúp đỡ lẫn nhau và sự phối hợp chiến đấu giữa ba dân tộc chống kẻ thù chung được nâng lên tầm cao mới khi Hội nghị liên minh ba nước Đông Dương họp bàn triển khai chương trình hành động cụ thể của Mặt trận (9/1952). Tại Hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Nhân dân Việt Nam hết lòng thành thật giúp đỡ nhân dân Lào, nhân dân Campuchia một cách vô điều kiện, để cùng nhau chống thực dân Pháp xâm lược, giành độc lập, tự do.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã phát triển và bước sang một giai đoạn mới. Sau chiến thắng Tây Bắc của quân ta, đầu tháng 4/1953, Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng với Chính phủ kháng chiến Lào và Mặt trận Ítxala quyết định mở chiến dịch Thượng Lào. Khi ấy, Người căn dặn bộ đội Việt Nam: “Giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình”[12], phải nêu cao tinh thần quốc tế, tôn trọng chủ quyền, phong tục tập quán, kính yêu nhân dân nước bạn… Thắng lợi của chiến dịch Thượng Lào đã giải phóng một vùng đất đai rộng lớn, tạo điều kiện cho cách mạng Lào phát triển; và trên đường số 7, ngày 19/4/1953, liên quân Lào - Việt đã giải phóng thị xã Xiêng Khoảng, đánh dấu bước trưởng thành của lực lượng vũ trang cách mạng Lào và cuộc chiến tranh giải phóng của nhân dân Lào.

Trong khi đó, triển khai kế hoạch quân sự Nava, thực dân Pháp tập trung quân cơ động nhằm tạo nên sức mạnh, giữ thế phòng ngự trong chiến cuộc 1953 -1954, để giành lại thế chủ động và chuẩn bị để có thể chuyển sang thế tiến công trong chiến cuộc 1954-1955, để có thể buộc Việt Minh phải đi đến thương lượng hòa giải…, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ phương hướng chiến lược của quân ta là “tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu để phân tán lực lượng địch và tiêu diệt sinh lực địch, mở rộng vùng tự do”[13]. Quyết định phân tán lực lượng địch được thông qua tại cuộc họp Bộ Chính trị ở Tỉn Keo tháng 9/1953 (sau khi bản đề án tác chiến của Tổng quân uỷ được Bộ Chính trị thông qua), với chủ trương dùng một bộ phận quân chủ lực phối hợp với các lực lượng địa phương chủ động mở các cuộc tiến quân lên Tây Bắc, Trung Lào, Hạ Lào, Bắc Tây Nguyên để phân tán lực lượng địch, nhưng vẫn lấy Tây Bắc làm hướng hoạt động chính, còn các hướng khác chỉ là hướng phối hợp…

3. Thực hiện chủ trương đó và để làm thất bại kế hoạch Nava, lực lượng kháng chiến hai nước Việt Nam - Lào đã có sự phối hợp chặt chẽ. Thông qua 5 đòn chiến lược và cách điều quân cơ động tài tình: Tiến công Tây Bắc, tiêu diệt phần lớn quân địch ở Lai Châu, bao vây Điện Biên Phủ; tiến công vào Trung Lào, giải phóng Thà Khẹt; tiến xuống Hạ Lào, giải phóng cao nguyên Bôlôven; mở cuộc tiến công lên Bắc Tây Nguyên, giải phóng Kon Tum, nối liền với khu giải phóng Hạ Lào; và bất ngờ tiến công Thượng Lào, uy hiếp Luông Phrabang vào hạ tuần tháng 1/1954, chúng ta đã điều động được lực lượng địch, thu hút quân địch đến những chiến trường có lợi cho quân ta, và buộc khối cơ động chiến lược của Nava phải phân tán “thành nhiều nhóm nhỏ”… con đường để kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Đông Dương đã đến rất gần. Và cũng trong những năm tháng kháng chiến đó, đặc biệt là trong chiến cục Đông Xuân 1953 - 1954, cùng với thắng lợi của quân dân Việt Nam, sự liên minh, phối hợp chiến đấu của quân dân Lào - Việt đã giải phóng và mở rộng gần 1/2 lãnh thổ của đất nước Lào với 1/3 số dân cả nước.

Ngày 7/5/1954, lá cờ Quyết chiến Quyết thắng của quân ta đã phất cao ở lòng chảo Điện Biên Phủ. Tinh thần gian khổ hy sinh, đoàn kết chiến đấu, quyết chiến quyết thắng của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh; sự đồng tình ủng hộ của bạn bè quốc tế, trong đó có tình đoàn kết keo sơn, gắn bó "chia ngọt sẻ bùi" của hai nước bạn Lào và Camphuchia đã làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Với thắng lợi vĩ đại này, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta đã kết thúc, đồng thời mang lại cho chúng ta một vị thế mới trên bàn đàm phán của Hội nghị Giơnevơ. Chuẩn bị cho Hội nghị Giơnevơ, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 6 (7/1954), Tổng Bí thư Trường Chinh khẳng định: “Lào và Cao Miên là hai nước láng giềng anh em của ta. Chính sách của ta đối với Lào và Cao Miên là đoàn kết và giúp đỡ”. Vì vậy, ta cần “đoàn kết với nhân dân Lào, Khơme, đấu tranh đòi lập lại hòa bình trên toàn cõi Đông Dương trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của ba dân tộc”[14].

Ngày 20/7/1954, Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến sự ở Đông Dương được ký kết, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lâu dài, gian khó và anh dũng của ba dân tộc trên bán đảo Đông Dương. Đó cũng là thắng lợi của tình đoàn kết và liên minh chiến đấu Việt - Lào- Miên, đặc biệt là tình đoàn kết chiến đấu hữu nghị Việt Nam - Lào theo nguyên tắc giữ vững quyền dân tộc tự quyết, bình đẳng, tương trợ, hợp tác, tôn trọng độc lập chủ quyền, nguyện vọng và lợi ích chính đáng của nhau trong quá trình đấu tranh vì độc lập dân tộc của mỗi nước.

Tinh thần đoàn kết, hữu nghị Việt Nam - Lào "cùng sát cánh bên nhau" thật đặc biệt, thể hiện rõ qua mỗi chặng đường lịch sử: Cách mạng hai nước luôn luôn dựa vào nhau, giúp đỡ lẫn nhau với tinh thần của chủ nghĩa quốc tế thủy chung, trong sáng- coi giúp đỡ bạn cũng là tự giúp mình, thắng lợi của bạn cũng là thắng lợi của mình, không bị chi phối bởi chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, cực đoan. Tình đoàn kết, hữu nghị, sự kề vai, sát cánh của nhân dân ba nước Đông Dương, đặc biệt là mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị, đặc biệt của nhân dân Lào và nhân dân Việt Nam "cùng chung chiến hào" chống kẻ thù xâm lược, được thử thách qua thời gian, ngày càng thấm đẫm tình nghĩa thuỷ chung, “sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long” như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định.

 

 

[1] ĐCSVN, Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb.CTQG, H, 2000, t.8, tr.26.

[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 2000, t.4, tr.470.

[3] Trường Chinh, Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân Việt Nam, Nxb. ST, H, 1975, t.1, tr.249.

[4] ĐCSVN, Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, t.10, tr.277.

[5]ĐCSVN, Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, t.9, tr.287.

[6] Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp - Thắng lợi và bài học, Nxb. CTQG, H, 1996, tr.389.

[7] Tài liệu lưu Bảo tàng Hồ Chí Minh.

[8] ĐCSVN, Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, H, 2001, t.12, tr.476.

[9] ĐCSVN, Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, t.12, tr.442.

[10] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.6, tr.153-176.

[11] ĐCSVN, Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, t.13, tr.152.

[12] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.7, tr.64.

[13] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.7, tr.13.

[14] ĐCSVN, Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, t.15, tr.211-212.

Theo Tạp chí Tuyên giáo

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả