Phát triển và liên kết giao thông, còn nhiều thách thức

Ngày đăng: 28/05/2012 - 10:05

 

 

 

 

Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định phát triển cơ sở hạ tầng là một trong ba khâu đột phá để đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đất nước đến năm 2020; trong đó, hạ tầng giao thông là một trong những lĩnh vực then chốt. Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển và kết nối với mạng lưới giao thông khu vực theo sáng kiến “Hành lang kinh tế Nam Ninh - Xingapo” giữa Trung Quốc và ASEAN. Tuy nhiên, việc phát triển, hiện đại hóa giao thông cũng như hợp tác với các nước trong lĩnh vực này còn rất nhiều khó khăn, thách thức.

Hành lang kinh tế Nam Ninh - Xingapo được coi là một hợp phần quan trọng nhất của hợp tác kinh tế Trung Quốc - ASEAN. Việc xây dựng hành lang này được đề xuất trong sáng kiến “Một trục, hai cánh” mà Trung Quốc đưa ra tại Diễn đàn hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ lần thứ nhất tổ chức tại thành phố Nam Ninh, tháng 7-2006. Theo đó, hành lang này sẽ là con đường tiện lợi nhất nối liền Trung Quốc với lục địa Đông Nam Á. Cự ly trực tiếp từ Nam Ninh đến Xingapo chỉ khoảng 3.000 km, một khi các tuyến đường cao tốc được thông suốt thì chỉ mất hai ngày để đi từ Nam Ninh qua Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaixia đến Xingapo.

Các tuyến đường kết nối phồn vinh

Trong bối cảnh hợp tác Trung Quốc - ASEAN đang phát triển mạnh mẽ và các nước ASEAN đang hướng tới mục tiêu xây dựng một Cộng đồng kinh tế vào năm 2015, việc đẩy mạnh hợp tác, kết nối giao thông giữa Trung Quốc và các nước ASEAN trong khuôn khổ hành lang kinh tế Nam Ninh - Xingapo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Đối với Việt Nam, hành lang kinh tế này đi qua hầu hết các tỉnh, thành phố lớn nên không chỉ có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của các địa phương dọc hành lang kinh tế, mà còn tác động đến sự phát triển của cả nước. Hiện nay, hệ thống giao thông của Việt Nam còn yếu kém và lạc hậu so với các nước trong khu vực. Phần lớn các tuyến đường bộ và đường sắt có tiêu chuẩn kỹ thuật thấp, chưa kết nối được với hệ thống giao thông trong khu vực. Việc triển khai xây dựng hành lang kinh tế Nam Ninh - Xingapo sẽ tạo cho Việt Nam có cơ hội thu hút được nguồn vốn đầu tư lớn của Trung Quốc cũng như của các nước trong khu vực và các tổ chức quốc tế để hiện đại hóa hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao, các cảng biển đầu mối... Khi hành lang kinh tế này được hoàn thành và đi vào hoạt động, Việt Nam còn có cơ hội rất lớn để phát triển thương mại, đầu tư, du lịch và dịch vụ… Các tuyến đường giao thông trong khuôn khổ hành lang kinh tế nói trên qua nhiều vùng nghèo còn giúp Việt Nam thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, nhất là ở khu vực Bắc Trung Bộ.

Hiện nay, hệ thống giao thông chính trong khu vực hành lang kinh tế Nam Ninh - Xingapo phần trên lãnh thổ Việt Nam mặc dù còn hạn chế, nhưng cũng đã có một nền tảng nhất định, tạo tiền đề cần thiết cho việc hợp tác xây dựng và phát triển hành lang kinh tế.

Về hệ thống đường bộ, đã hình thành các tuyến giao thông theo trục dọc và trục ngang, về cơ bản đáp ứng yêu cầu vận hành và phát triển của hành lang kinh tế. Các tuyến trục dọc gồm Quốc lộ 1A và Đường Hồ Chí Minh. Trong đó, Quốc lộ 1A dài 2.300 km, bắt đầu từ cửa khẩu Hữu Nghị Quan (Lạng Sơn) kết nối với Nam Ninh (Trung Quốc), chạy dọc đất nước và kết thúc tại Năm Căn (Cà Mau). Tuyến trục dọc phía tây (Đường Hồ Chí Minh) có tổng chiều dài gần 2.000 km, bắt đầu từ tỉnh Cao Bằng ở phía bắc có thể kết nối với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và kết thúc ở tỉnh Bình Phước. Các tuyến trục ngang gồm: Hành lang Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Quốc lộ 18 kết nối Hà Nội và hành lang kinh tế Nam Ninh - Xingapo với Quảng Ninh… Về mạng lưới đường sắt, Việt Nam hiện có tuyến đường sắt Bắc - Nam dài khoảng 1.900 km, chạy song song với Quốc lộ 1A dọc hành lang kinh tế từ Đồng Đăng (Lạng Sơn) qua Hà Nội đến Thành phố Hồ Chí Minh. Các tuyến đường sắt thuộc hai hành lang, một vành đai kinh tế Việt - Trung gồm: Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng và Kép - Bãi Cháy. Về hệ thống cảng biển, dọc ven biển theo hành lang kinh tế Nam Ninh - Xingapo, Việt Nam đã hình thành hệ thống cảng biển khá đồng bộ gồm các cảng tổng hợp và cảng chuyên dùng với năng lực thông qua hơn 100 triệu tấn/năm. Về hàng không, có 10 sân bay, trong đó có 5 cảng hàng không quốc tế kết nối nước ta với tất cả các nước ASEAN (trong đó có các nước thuộc hành lang kinh tế) và hơn 20 thành phố khác trên toàn thế giới.

Hiện đại hóa giao thông - những định hướng lớn

Việc phát triển cơ sở hạ tầng đã được Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam xác định là một trong ba khâu đột phá để đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đất nước đến năm 2020. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ” cũng chú trọng xây dựng, nâng cấp nhiều công trình thuộc phạm vi hành lang kinh tế Nam Ninh - Xingapo. Về đường bộ, ưu tiên đầu tư nâng cấp và mở rộng Quốc lộ 1A, hoàn thành phần lớn vào năm 2015 và hoàn thành toàn tuyến vào năm 2020. Nâng cấp một số tuyến giao thông hành lang kinh tế Đông - Tây. Ưu tiên đầu tư trước một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam, tuyến nối Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh với các cửa ngõ và các đầu mối giao thông quan trọng. Phấn đấu đến năm 2015, hoàn thành khoảng 600 km và đến năm 2020 hoàn thành, đưa vào sử dụng khoảng 2.000 km đường cao tốc.

Trong khuôn khổ Hợp tác phát triển hai hành lang, một vành đai kinh tế Việt - Trung, hiện nay Việt Nam đang tích cực xây dựng các tuyến đường cao tốc: Hà Nội - Hải Phòng, dự kiến hoàn thành vào năm 2013; Hà Nội - Lào Cai, dự kiến hoàn thành vào năm 2014; đang tích cực thu xếp vốn và giải ngân các dự án đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn; Hạ Long - Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh)…

Đến nay, Chính phủ Việt Nam cũng đã phê duyệt Đề án “Hợp tác phát triển hành lang kinh tế Nam Ninh - Xingapo”. Theo đó, chủ trương khuyến khích doanh nghiệp tại các nước liên quan, nhất là các doanh nghiệp Trung Quốc tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông của Việt Nam trong khu vực hành lang kinh tế dưới nhiều hình thức. Ngoài việc vận động thu hút vốn đầu tư từ phía Trung Quốc, Việt Nam còn vận động các nước liên quan (nhất là các nước thuộc Tiểu vùng sông Mêkông mở rộng GMS) và các tổ chức quốc tế (ADB, JCA...) cùng tham gia xây dựng hoặc hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc (cả đường bộ và đường sắt) trong khu vực hành lang kinh tế này.

Về hệ thống cảng biển, theo Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thì chỉ tính riêng các cảng có quy mô từ 5 triệu tấn trở lên, những năm tới sẽ có 15 cảng và cụm cảng nối trực tiếp với hành lang kinh tế, với tổng lượng hàng hóa thông qua cảng năm 2015 đạt khoảng 285 - 350 triệu tấn; năm 2020 đạt 550 - 625 triệu tấn...

Hợp tác phát triển giao thông, nhiều khó khăn

Từ thực tế phát triển mạng lưới giao thông và hợp tác phát triển giao thông của Việt Nam với các nước tham gia hành lang kinh tế Nam Ninh - Xingapo thời gian qua, có thể thấy một số thuận lợi như:  xu thế hợp tác trong khu vực ngày càng phát triển. Ngoài khối ASEAN và hợp tác Trung Quốc - ASEAN, một số hợp tác khác trong khu vực như hợp tác Tiểu vùng sông Mêkông mở rộng, hợp tác tam giác phát triển Xingapo - Malaixia - Thái Lan... đã được hình thành và triển khai có hiệu quả, tạo tiền lệ và những kinh nghiệm quý để triển khai hợp tác xây dựng hành lang kinh tế Nam Ninh - Xingapo. Thứ hai, hợp tác phát triển giao thông là một trong những lĩnh vực ít nhạy cảm trong hợp tác Trung Quốc - ASEAN và phù hợp nhu cầu, lợi ích chung của tất cả các nước tham gia hợp tác. Vì vậy, các dự án hợp tác giao thông dễ đạt được sự đồng thuận của các nước. Thứ ba, các nước trong khu vực đều có tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đối cao trong những năm gần đây. Theo đó, có nguồn vốn lớn hơn cho đầu tư phát triển giao thông, đồng thời, có nhu cầu mạnh mẽ hơn trong việc thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, việc phát triển, hiện đại hóa và kết nối giao thông giữa Việt Nam với các nước trong khu vực hiện đối mặt với ba khó khăn lớn sau:

Một là, hiện trạng giao thông khu vực còn yếu kém. Hành lang kinh tế Nam Ninh -  Xingapo đi qua 7 quốc gia với tổng chiều dài đường bộ hơn 3.200 km và đường sắt khoảng 4.900 km (phần trên lãnh thổ Việt Nam có đường bộ dài gần 600 km và đường sắt gần 2.000 km). Mặc dù hạ tầng giao thông trong khu vực đã có nền tảng nhất định nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, tính liên kết chưa cao. Các tuyến đường bộ của Việt Nam và một số nước khác trong khu vực chất lượng thấp. Hệ thống đường sắt còn thiếu và chưa đồng bộ. Đường sắt của Trung Quốc có khổ rộng 1,43m, còn của Việt Nam và một số nước khác chỉ rộng 1m.

Hai là, phát triển hạ tầng giao thông cần nguồn vốn đầu tư lớn. Để cải thiện và phát huy hiệu quả các tuyến giao thông xuyên biên giới của hành lang kinh tế Nam Ninh - Xingapo, đòi hỏi các nước phải đầu tư cải tạo, nâng cấp nhiều tuyến đường. Với Việt Nam, cần nâng cấp tuyến đường bộ từ Lạng Sơn qua Hà Nội đến Viêng Chăn của Lào (hoặc xây mới đường cao tốc), đồng thời nâng cấp, mở rộng tuyến đường sắt Lạng Sơn - Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh và xây dựng mới đoạn đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh - Phnôm Pênh (Campuchia). Đây là một khoản đầu tư rất lớn mà Việt Nam, Lào và Campuchia khó có thể đáp ứng được, nhất là trong bối cảnh kinh tế khu vực và thế giới khó khăn như hiện nay.

Ba là, điều kiện tự nhiên có nhiều yếu tố bất lợi cho phát triển các công trình, dự án giao thông. Khu vực hành lang kinh tế có diện tích tự nhiên rộng, nhưng phần lớn là đồi núi (ở Việt Nam là trên 70%), địa hình phức tạp gây trở ngại lớn đối với việc phát triển hạ tầng giao thông, nhất là các công trình quy mô lớn. Ngoài ra, khu vực hành lang kinh tế còn chịu tác động trực tiếp của thiên nhiên như khí hậu lạnh giá ở phía bắc; gió tây khô, nóng và mưa, bão, lũ lụt... ở miền Trung. Đây cũng là khó khăn, hạn chế lớn đối với sự phát triển và hợp tác phát triển giao thông của khu vực. Ngoài ra, trình độ phát triển, chế độ chính trị, cơ chế chính sách… của các nước thuộc hành lang kinh tế rất khác nhau, cũng gây khó khăn cho hợp tác phát triển giao thông nói riêng và xây dựng hành lang kinh tế nói chung.

NGUYỄN QUỐC TRƯỜNG

Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

 

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả