Quá trình ra đời và phát triển của nền xuất bản cách mạng Việt Nam (P2: Thời kỳ 1945-1954)

Ngày đăng: 18/01/2012 - 03:01

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời (ngày 2-9-1945), một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do và thống nhất - được mở ra đối với dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, nhà nước công nông non trẻ vừa mới chào đời, niềm vui tự do, độc lập vừa đến với người dân Việt Nam được ít ngày thì nguy cơ "thù trong, giặc ngoài" đã xuất hiện. Trước tình thế đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi quốc dân đồng bào đoàn kết một lòng chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm.

Riêng trong lĩnh vực văn hoá, thông tin, Bộ Thông tin - Tuyên truyền được thành lập rất sớm, ngày 28-8-1945, sau đó đổi tên là Bộ Tuyên truyền và Cổ động (ngày 1-1-1946). Trong Chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc” (ngày 25-11-1945), Đảng và Nhà nước đã chỉ ra yêu cầu đối với công tác xuất bản phục vụ kiến quốc và chuẩn bị kháng chiến: Các cơ quan chấp hành các cấp dưới phải ra những sách báo nhỏ nói về công tác và chủ nghĩa Mác. Tổng bộ Việt Minh phải thành lập một bộ tuyên truyền điều khiển các tờ báo của Mặt trận và ra một loại sách phổ thông của Mặt trận[1].

Ngày 31-1-1946, tức là chỉ một tháng sau khi Bộ Tuyên truyền và Cổ động được thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 18/SL về việc lưu chiểu văn hoá phẩm, đặt nền móng cho việc xây dựng kho Lưu trữ quốc gia xuất bản phẩm. Tiếp đó, Chính phủ ra Nghị định số 76/GD-ND của Bộ Quốc gia giáo dục về chế độ lưu chiểu các văn hoá phẩm. Ngày 20-8-1946, Chủ tịch nước lại ra Sắc lệnh số 159/SL: "Đặt ra sự kiểm duyệt các thứ ấn loát phẩm".

Những sự kiện đó không chỉ là những chính sách, những biện pháp nhằm chiến thắng "giặc dốt", củng cố chính quyền nhân dân non trẻ, tạo niềm tin vào chế độ mới cho quần chúng mà còn là nền móng đầu tiên cho sự hình thành ngành xuất bản Việt Nam mới, ngành xuất bản của nước Việt Nam độc lập, tự do và thống nhất.

Ngày 23-11-1945, Nhà xuất bản Lao động trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ra đời. Tiếp đó, ngày 5-12-1945, Nhà xuất bản Sự thật (tiền thân là Nhà xuất bản Giải phóng, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam và Tổng bộ Việt Minh, bây giờ là Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật) ra mắt. Sau đó ít ngày là Nhà xuất bản Văn hoá cứu quốc của tổ chức Văn hoá cứu quốc.

Đó là ba nhà xuất bản đầu tiên của chế độ mới, của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Song song với việc thành lập các nhà xuất bản, nhằm luật hoá dần dần công tác xuất bản, ấn loát, đầu năm 1946, cơ quan Tổng phát hành sách báo cứu quốc được thành lập. Mạng lưới cơ quan phát hành, các hiệu sách được lập ra ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam có nhiệm vụ tuyên truyền và phát hành sách báo cách mạng và kháng chiến trong cả nước.

Nhiệm vụ của các cơ quan xuất bản, phát hành sách báo lúc bấy giờ là tập trung cổ động, tuyên truyền cho hai nhiệm vụ chiến lược: kháng chiến và kiến quốc, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là chống nạn đói, nạn mù chữ và nạn ngoại xâm do Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra ngày 3-9-1945 tại phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ. Căn cứ vào mục tiêu, nhiệm vụ đó, các Nhà xuất bản Lao động, Nhà xuất bản Sự thật và Nhà xuất bản Văn hoá cứu quốc đã lần lượt xuất bản các sách chính trị. Hoạt động xuất bản khi ấy còn hỗ trợ kịp thời, có hiệu quả cho công tác quân sự (các cuốn sách về cấp cứu quân y, đánh du kích, giữ gìn vệ sinh nơi đóng quân), công tác bình dân học vụ, xoá mù chữ (các cuốn như vần quốc ngữ, tập đánh vần, tập chép chữ to), công tác văn hóa, văn nghệ ở nông thôn, cơ sở (các loại sách diễn ca, ca dao, hò vè).

Như vậy là ngành xuất bản Việt Nam trong những ngày đầu sau Quốc khánh 2-9-1945, tuy còn non trẻ, khó khăn nhưng bước đầu đã thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Hướng dẫn quốc quân thực hiện Độc lập, Tự cường và Tự chủ".

Ngày 19-12-1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Trong chín năm trường kỳ kháng chiến, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta không chỉ đánh giặc trên các mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế mà trên cả mặt trận văn hoá. Công tác xuất bản, phát hành, ấn loát là một trong những hoạt động rất quan trọng của công tác văn hoá trong kháng chiến.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược là cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện và trường kỳ. Với tư tưởng chỉ đạo ấy, mặc dù bề bộn công việc nhưng Đảng và Chính phủ vẫn dành sự quan tâm đặc biệt đến văn hoá nói chung và ngành xuất bản nói riêng.

Giữa lúc cuộc kháng chiến đang diễn ra quyết liệt nhất, cam go nhất, Đảng vẫn chủ trương tổ chức Hội nghị văn hoá toàn quốc (tháng 7-1948). Tại Hội nghị, đồng chí Trường Chinh - Tổng Bí thư của Đảng - đã đọc bản báo cáo nổi tiếng "Chủ nghĩa Mác và văn hoá Việt Nam", nhấn mạnh phương châm xây dựng nền văn hoá mới với ba tính chất: dân tộc, khoa học đại chúng. Thực hiện "kháng chiến hoá văn hoá, văn hoá hoá kháng chiến", chúng ta không chỉ phấn đấu xây dựng nền văn hoá mới mà còn có nhiệm vụ "đánh đổ nền văn hoá ngu dân, văn hoá xâm lược của thực dân Pháp".

Nhờ có sự quan tâm đặc biệt nên mặc dù trong khói lửa, đạn bom, trong khó khăn thiếu thốn chồng chất và cả những hy sinh, mất mát của các cán bộ, chiến sĩ ngành xuất bản, những ấn phẩm thuộc đủ loại: báo, tạp chí, nội san, đặc san, tranh, ảnh cổ động vẫn liên tục xuất hiện và xuất hiện ngày một nhiều trên chiến khu, tại mặt trận và được chuyển về tận vùng sâu tạm bị chiếm, cả đô thị - vùng địch hậu.

Để các hoạt động xuất bản phục vụ kịp thời và có hiệu quả công cuộc kháng chiến kiến quốc, đáp ứng đòi hỏi về sách, báo ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng, cùng với việc thành lập một tổ chức thống nhất điều hành hoạt động xuất bản sách báo là Nhà in Quốc gia (ngày 10-10-1952), Đảng và Nhà nước đã tiếp tục thành lập thêm các nhà xuất bản, các cơ sở xuất bản không chỉ ở Trung ương, ở thủ đô kháng chiến Việt Bắc mà cả ở các địa phương, các ngành khắp ba miền Bắc, Trung, Nam.

Hai nhà xuất bản Sự thật và Lao động được thành lập từ sau Cách mạng Tháng Tám vẫn là hai cơ sở xuất bản hàng đầu của kháng chiến. Đặc điểm nổi bật trong hoạt động của hai nhà xuất bản này là sự nỗ lực bám sát những yêu cầu cấp thiết của cuộc kháng chiến, tổ chức biên tập và xuất bản những sách kịp thời phục vụ sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc. Trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn của kháng chiến, số lượng sách xuất bản vẫn ngày một tăng, đồng thời chất lượng cũng tốt hơn, thể loại sách phong phú hơn. Nhiều loại sách mỏng, in khổ nhỏ phù hợp với điều kiện kháng chiến được xuất bản. Do có sự phát triển về tổ chức, hằng năm số đầu sách được xuất bản của Nhà xuất bản Sự thật luôn luôn tăng. Năm 1952 có 52 đầu sách, năm 1953 có 55 đầu sách và năm 1955 xuất bản được 60 đầu sách. Năm 1948, Nhà xuất bản Văn nghệ thuộc Hội Văn nghệ Việt Nam (tiền thân là Nhà xuất bản Văn hóa cứu quốc) ra đời, đã tạo ra bộ ba xuất bản vững mạnh của Trung ương.

Tại các địa phương, các nhà xuất bản hoặc cơ quan xuất bản cũng lần lượt ra đời. Nam Bộ có Nhà xuất bản Nhân dân miền Nam (1948) và Hội Văn nghệ Nam Bộ (do các ông Lưu Quốc Kỳ, Hà Mậu Nhai phụ trách, thành lập năm 1948). Trung Bộ có cơ quan văn hoá kháng chiến (do nhà thơ Nam Trân và đồng chí Phan Thao phụ trách). Khu IV có Nhà xuất bản Dân chủ mới (do ông Hoàng Đình Tiến là giám đốc) và Hội văn nghệ kháng chiến Khu IV (nhà văn Đặng Thai Mai và đồng chí Hải Triều phụ trách)...

Trong số các nhà xuất bản thuộc các ngành, hai nhà xuất bản Vệ quốc quân (1947) và Quân du kích (1948) thuộc Bộ Tổng Tư lệnh là những nhà xuất bản hoạt động mạnh và có hiệu quả nhất. Đây là hai nhà xuất bản tiền thân của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân hiện nay. Cùng với hai nhà xuất bản Quân du kích và Vệ quốc quân, các phòng chính trị ở mỗi quân khu của quân đội cũng đều xuất bản các loại sách phục vụ trực tiếp bộ đội và nhân dân địa phương.

Theo thống kê của chín nhà xuất bản thì chỉ tính từ đầu năm 1947 đến đầu năm 1954, các nhà xuất bản đã cho ra đời 324 đầu sách. Trong số này có những tác phẩm rất quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh như: Báo cáo Chính trị đọc tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (tháng 2-1951), Sửa đổi lối làm việc (ký tên XYZ in năm 1947), Đời sống mới, Thuốc đắng dã tật (1950), Thi đua ái quốc và chủ nghĩa anh hùng mới (Bác viết chung với Tổng Bí thư Trường Chinh - 1953)... Cùng với sách của Bác Hồ là các tác phẩm: Kháng chiến nhất định thắng lợi, Chủ nghĩa Mác và văn hoá Việt Nam (1951) - của đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh... Bên cạnh các trước tác của Bác Hồ và của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta là những sách tuyên truyền, giới thiệu về chủ nghĩa Mác - Lênin, về phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, phong trào giải phóng dân tộc, các sách giới thiệu về Liên Xô, về các nước xã hội chủ nghĩa anh em, về Lênin, Xtalin, Mao Trạch Đông và về phong trào yêu nước ở các nước láng giềng Lào, Campuchia...

Bên cạnh đó, nói về xuất bản trong kháng chiến chống thực dân Pháp không thể không điểm qua việc xuất bản sách trong vùng tạm bị chiếm. Tuy còn nhiều khó khăn về tài chính và chế độ kiểm duyệt của thực dân, song công tác xuất bản theo khuynh hướng tiến bộ, yêu nước vẫn tiếp tục phát triển mà đại diện là những trí thức nhân sĩ và các nhà tư sản dân tộc.

Như vậy, những năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954) là giai đoạn đặc biệt của lịch sử ngành xuất bản Việt Nam. Đó là thời kỳ mở đầu, thời kỳ đặt móng, xây nền cho ngành xuất bản của nước Việt Nam mới. Những tác phẩm xuất bản trên chiến khu, trong vùng tự do, số lượng ít hơn, hình thức, chất liệu in ấn còn thua kém những xuất bản phẩm được in trong vùng tạm bị chiếm, nhưng những tác phẩm ấy - những sản phẩm "con đẻ" của cách mạng, kháng chiến đã góp phần không nhỏ cổ vũ, động viên toàn quân và toàn dân ta chiến đấu và chiến thắng kẻ thù xâm lược; đồng thời góp phần đặt nền móng cho sự phát triển nền văn hoá Việt Nam hôm nay.



[1]. Xem Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, t.8, tr.29 - 30.

Trích trong cuốn Xuất bản Việt Nam trong những năm đổi mới đất nước;

Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011

Bình luận