Ra mắt cuốn sách "Làng khoa bảng Tả Thanh Oai"

Ngày đăng: 27/02/2013 - 09:02

Ngày 23-2-2013, tại đình Hoa Xá (xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội), Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Tả Thanh Oai dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy Thanh Trì đã tổ chức lễ công bố cuốn sách “Làng khoa bảng Tả Thanh Oai”. Sách do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật xuất bản.

Làng Tả Thanh Oai thuộc xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. Làng còn có tên nôm là Kẻ Tó (còn gọi là Tó Tả để phân biệt với làng Tó Hữu ở bên kia sông Nhuệ). Ngôi làng cổ nhỏ bé này hàng trăm năm nay đã được mệnh danh là làng khoa bảng của cả nước với 12 người đỗ đại khoa (gồm 4 hoàng giáp và 8 tiến sĩ). Trong số đó, người khai khoa đầu tiên là cụ Nguyễn Chỉ, đỗ Hội nguyên, Đệ nhị Tiến sĩ xuất thân khoa Quý Dậu, niên hiệu Thái Hòa năm thứ 11 (1453), đời Lê Nhân Tông, cùng nhiều danh nho nổi tiếng như Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm…

GS Dinh Xuan Lam

Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Đinh Xuân Lâm phát biểu tại buổi lễ

Từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến nay, làng Tả Thanh Oai vẫn phát huy được bề dày truyền thống hiếu học, khoa bảng của mình, đã đạt được những kết quả đáng biểu dương về các mặt giáo dục, văn hoá, chính trị, quân sự, khoa học kỹ thuật. Làng có nhiều người tốt nghiệp đại học và cũng là một trong số những làng có nhiều người có học hàm, học vị giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ. Nhiều người nổi danh trong cả nước bởi những đóng góp của họ đối với sự nghiệp phát triển khoa học kỹ thuật, văn hóa, giáo dục của đất nước. Theo thống kê, hiện nay, số người có bằng đại học trở lên ở làng Tả Thanh Oai là 417 vị và con số ngày càng tăng.

Phát biểu tại Lễ công bố cuốn sách, Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Đinh Xuân Lâm - tác giả cuốn sách cho rằng: Để hoàn thành công trình này, một yêu cầu lớn đặt ra là phải tiến hành việc sưu tầm tương đối công phu các nguồn tư liệu ở địa phương, đặc biệt là những tư liệu gia phả do đại diện các dòng họ trong làng, của các vị trụ trì chùa cung cấp, các sự tích do các vị cao niên kể lại, kết hợp với tham khảo sử ký, tài liệu sách báo, tài liệu lưu tại các cơ quan lưu trữ và cơ quan nghiên cứu ở địa phương cũng như ở trung ương, sau đó biên soạn trên cơ sở nguồn tư liệu thu thập được, chúng tôi đã cố gắng phản ánh trung thực, khách quan truyền thống hiếu học và khoa bảng của làng Tả Thanh Oai.

Sau hơn ba năm sưu tầm, nghiên cứu và biên soạn với sự góp sức của nhiều nhà khoa học đầu ngành, nhiều cơ quan, ban, ngành ở trung ương, Hà Nội và huyện Thanh Trì, cuốn sách “Làng khoa bảng Tả Thanh Oai” đã hoàn thành. Với 196 trang sách, nội dung kết cấu cuốn sách gồm sáu chương: Tả Thanh Oai - Làng cổ ngoại thành Hà Nội; Cơ sở kinh tế, tổ chức xã hội; Lễ hội và phong tục; Các di tích lịch sử - văn hóa; Truyền thống khoa bảng làng Tả Thanh Oai; Phát huy truyền thống hiếu học trong thời đại mới.

Bia KhoabangTaThanhOai

Bìa cuốn sách "Làng khoa bảng Tả Thanh Oai"

Cuốn sách nghiên cứu tương đối toàn diện truyền thống hiếu học và khoa bảng của làng, vị trí của làng khoa bảng Tả Thanh Oai trong hệ thống các làng khoa bảng của Thăng Long - Hà Nội, của cả nước và đối với lịch sử dân tộc qua các thời kỳ; những đặc điểm chung và các đặc điểm riêng của làng khoa bảng Tả Thanh Oai; những nhân tố tạo nên truyền thống hiếu học và khoa bảng của làng; đánh giá sự tiếp nối truyền thống trong giai đoạn hiện nay, trên cơ sở đó đề xuất một số khuyến nghị về việc phát huy truyền thống, góp phần vào việc đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục, đào tạo nhân tài ở địa phương. Bên cạnh đó, cuốn sách còn góp phần vào việc tìm hiểu làng xã ngoại thành, lịch sử Thủ đô Hà Nội, văn hiến Thăng Long, trên cơ sở đó nâng cao lòng tự hào về các giá trị lịch sử - văn hoá của quê hương cho cán bộ và nhân dân, nhất là cho thanh thiếu niên địa phương.

Cũng nhân dịp phát hành cuốn sách này, xã Tả Thanh Oai đã tặng sách cho đại diện các dòng họ trong làng, đại diện các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn xã.

Phạm Thị Thinh

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả