Sự bất cân xứng về sức mạnh và các mối quan hệ quốc tế (Sách tham khảo)

Ngày đăng: 09/03/2021 - 09:03

Từ nửa sau thế kỷ XX, khi xu hướng đối đầu trên thế giới dần chuyển sang đối thoại, hợp tác, bên cạnh việc hình thành hợp tác, liên kết khu vực thì xu hướng hợp tác giữa các quốc gia cũng hình thành. Ban đầu là quan hệ hợp tác, liên kết giữa các nước lớn, hình thành nên nhóm G7 (có lúc G7+1), liên kết giữa 8 quốc gia có nền phát triển nhất thế giới; nhóm G20, là sự liên kết giữa nhóm quốc gia có nền kinh tế lớn; OECD; nhóm G77, liên minh giữa các quốc gia đang phát triển;… Những xu hướng ban đầu hình thành trong quan hệ quốc tế là nước lớn quan hệ với nước lớn, các nước nhỏ quan hệ, liên kết với nhau. Từ những năm cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, xu hướng liên kết song phương, đa phương, liên kết khu vực càng phát triển mạnh mẽ như: APEC, ASEAN +3; CARICOM; EAEU;… dẫn đến sự đa dạng trong quan hệ quốc tế. Nhiều nền kinh tế lớn có quan hệ khá sâu sắc với các nền kinh tế còn chưa hội đủ sức mạnh cần thiết. Trong khi đó, quan hệ giữa Việt Nam và các khu vực kinh tế lớn, quốc gia lớn như: châu Âu, Bắc Mỹ, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc,… ngày càng sâu rộng. Do vậy, việc tìm hiểu bản chất các mối quan hệ bất cân xứng càng trở nên quan trọng và cấp thiết. Trên thế giới, đây là một lý thuyết quan hệ quốc tế mới và ngày càng phổ biến trong giới học giả cũng như các nhà hoạch định chính sách đối ngoại hiện nay.

Sự bất cân xứng về sức mạnh và các mối quan hệ quốc tế của Brantly Womack, Giáo sư ngành Chính trị học (Đại học Virginia, Hoa Kỳ) là cuốn sách cập nhật mới nhất về Lý thuyết Bất cân xứng về sức mạnh. Theo tác giả, bất cân xứng là đặc điểm phổ biến nhất trong quan hệ quốc tế, là mối quan hệ bên nhỏ hơn dễ bị ảnh hưởng hơn trong các tương tác so với bên lớn hơn bởi sự chênh lệch về tiềm lực, nhưng bên lớn hơn cũng không thể đơn phương đặt ra các điều khoản cho mối quan hệ đó. Thông thường kẻ mạnh làm những gì họ có thể còn kẻ yếu phải chịu đựng điều đó, thì với lý thuyết của Womack, kẻ mạnh làm những điều họ cho là khả thi (hoặc chi phí bỏ ra hiệu quả), trong khi kẻ yếu làm những gì họ có thể chứ không cam chịu. Womack cũng đề cập vai  trò của chi phí trong quan hệ giữa các quốc gia. Tại sao kẻ mạnh không thể áp đảo kẻ yếu? Không phải bởi vì họ thiếu khả năng mà là bởi chi phí dành cho việc áp đảo sẽ lớn hơn những lợi ích đạt được. Và lịch sử của các cuộc chiến tranh xâm lược chính là câu trả lời hay nhất cho điều đó.

Brantly Womack có vốn kinh nghiệm dày dạn, là Chủ tịch Chương trình C.K Yen, Trung tâm Miller, Giáo sư ngành Chính trị quốc tế tại Đại học Virginia (Hoa Kỳ), đồng thời là chuyên gia hàng đầu của Hoa Kỳ về Trung Quốc và Việt Nam; gần đây, ông dành nhiều quan tâm nghiên cứu các chủ đề về chính trị Trung Quốc, chính trị Việt Nam, quan hệ quốc tế tại Đông Á. Do vậy, những nội dung tác giả đề cập trong cuốn sách rất có ý nghĩa tham khảo đối với độc giả ở Việt Nam. Nội dung chính của cuốn sách được cấu trúc gồm:

Lời nói đầu Lời giới thiệu, từ việc nêu ý tưởng đầu tiên để viết cuốn sách thông qua phân tích “sự hiểu lầm” trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc (giữa một nước lớn và một nước nhỏ, theo cách nhìn của tác giả). Tác giả cho rằng tính “bất cân xứng” là đặc điểm nổi trội hơn trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc và Việt Nam là bên dễ bị tổn thương hơn. Điều này được tác giả nhìn nhận qua quan hệ giữa hai nước trong suốt chiều dài lịch sử. Quan hệ bất cân xứng còn được Womack phân tích giữa một Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ với các nước khác trong khu vực châu Á. Trong Lời giới thiệu, tác giả phân tích nhận thức chung về khái niệm bất cân xứng. Thông qua việc tóm lược các quan điểm khác nhau về bất cân xứng và quá trình hình thành Lý thuyết Bất cân xứng, thực tiễn của bức tranh kinh tế thế giới, tác giả chỉ ra cách tiếp cận của mình đối với lý thuyết này và đi vào phân tích khái niệm bất cân xứng.

Phần I: Bất cân xứng và các mối quan hệ song phương, bao gồm hai chương. Chương 1. Cấu trúc cơ bản của các mối quan hệ bất cân xứng, tác giả đã phân tích bối cảnh cơ bản của sự bất cân xứng về tiềm lực và lợi ích của các quốc gia. Theo đó, sự khác biệt về tiềm lực có thể dẫn đến sự khác biệt về mức độ tương tác trong mối quan hệ, về mức độ quan tâm của từng bên trong cặp quan hệ. Bên mạnh hơn thường ít quan tâm hơn do nguy cơ bị tác động thường ít hơn trong khi bên yếu hơn thường phải dành sự quan tâm nhiều hơn. Theo tác giả, sự khác biệt này cũng dẫn đến sự khác biệt về mặt tương tác, bên lớn thường có ít tương tác trong mối quan hệ và ngược lại. Theo đó, vấn đề đàm phán bất cân xứng đòi hỏi việc hướng đến những lợi ích tương thích nhưng không có nghĩa là giống nhau và sự khác biệt đáng kể nhưng không quá áp đảo trong mối quan hệ. Do vậy, ở bất kỳ thời điểm nào, quan hệ bất cân xứng đều phải dựa trên tiềm lực, bản sắc, ngoại giao và bối cảnh. Từng nhân tố này có thể thay đổi, tạo ra những thách thức mới cho việc điều chỉnh các mối quan hệ. Trong thực tế, quan hệ bất đối xứng khá linh hoạt, nên ở Chương 2. Sự bất cân xứng và xung đột, tác giả đã đi vào phân tích tính chu kỳ của sự hiểu lầm lẫn nhau, sự thù địch, sự bế tắc và bình thường hóa quan hệ. Theo tác giả, vấn đề ở đây là các bên đều nhìn nhận bên còn lại giống mình nhưng với tiềm lực khác biệt. Khác với những mối quan hệ ổn định, quan hệ bất cân xứng mới thường đẩy các bên vào trạng thái đối đầu, thậm chí chiến tranh, khi cả hai bên đều thấy mệt mỏi thì quá trình bình thường hóa lại diễn ra.

Phần II: Các hệ thống bất cân xứng, vượt qua phạm vi quan hệ song phương, ở phần này, tác giả bắt đầu đi vào phân tích các quy luật bất cân xứng có tính tương tác và mạng lưới quan hệ bất cân xứng ở cấp khu vực. Chương 3. Bất cân xứng đa phương, tác giả đi vào phân tích quan hệ bất cân xứng ba bên. Theo đó, quan hệ song phương thường bị chi phối bởi những quan hệ khác, dẫn đến sự mất ổn định. Trong quan hệ ba bên thường xuất hiện những nỗ lực nhằm ổn định các tương tác để kiểm soát sự bất định. Nhờ vậy, hệ thống các quan hệ có điều kiện tạo ra một khuôn khổ, trong đó từng cặp quan hệ song phương có thể được ổn định. Chương 4. Các mối quan hệ bất cân xứng khu vực, đi vào hình thái cơ bản nhất và quan trọng nhất của mạng lưới quan hệ bất cân xứng đa phương đó là tương tác, quan hệ giữa các nước láng giềng ở cấp độ khu vực. Tác giả cho rằng, mặc dù có sự tiến bộ trong nhận thức nhưng vị trí địa lý của các quốc gia vẫn tạo ra sự phức tạp trong tương tác giữa các nước láng giềng, yếu tố cần phải được ổn định nhằm giảm thiểu sự bất định mà mỗi bên phải đối mặt. Đặc điểm chính của quan hệ bất cân xứng đa phương cấp khu vực là mối quan hệ giữa các nước mạnh nhất thường trở thành trung tâm của cấu trúc khu vực, trước hết là trung tâm của sự chú ý của các nước xung quanh sẽ tương tác với họ nhiều hơn. Tác giả cũng đề cập việc các nước lớn sử dụng “sức mạnh mềm” có tính tương tác để duy trì ưu thế, đồng thời cũng phải quan tâm đến nhóm lợi ích cơ bản của hệ thống. Do vậy, cần cân nhắc đến các cấu trúc khu vực phức tạp và các thể chế khu vực mang tính đa phương.

Phần III: Hệ thống thế giới, phân tích quan hệ bất cân xứng trong khuôn khổ quốc tế. Chương 5. Chu kỳ và tính bền vững, đã chỉ ra logic của tính trung tâm được áp dụng cho vị thế đứng đầu thế giới. Ngoài ra, phạm vi của hệ thống toàn cầu cũng làm gia tăng đáng kể hiệu ứng bất cân xứng. Theo tác giả, cường quốc toàn cầu ít chú ý đến mối quan hệ với các nước nhỏ hơn trong hệ thống vì họ ít phải đối mặt với những rủi ro từ các quốc gia khác, ngoại trừ một cường quốc toàn cầu đang cạnh tranh trực tiếp, hoặc một đối thủ có thể thách thức họ. Khác với các học thuyết về siêu cường, thuyết bất cân xứng không tập trung vào chu kỳ bá quyền mà tập trung vào tính ổn định của bá quyền. Sai lầm đằng sau các chu kỳ bá quyền chính là việc giả định rằng hệ thống chỉ cần phục vụ lợi ích giới hạn cho nước trung tâm. Chương 6. Thế giới đa tầng nấc, nhiều nút thắt và bối cảnh tương lai. Tác giả đã đi phân tích cụ thể về thời kỳ nền kinh tế - chính trị toàn cầu rơi vào khủng hoảng trầm trọng năm 2008. Tác giả giả định rằng các vấn đề toàn cầu hóa, chủ quyền lãnh thổ và cuộc cách mạng về nhân khẩu học vẫn tiếp diễn để tạo ra bối cảnh cho các quốc gia đưa ra các quyết sách của mình. Tuy nhiên, toàn cầu hóa sẽ có những tác động trái ngược làm gia tăng tính sinh động cho các mối quan hệ quốc tế và làm phức tạp thêm hành động của nhà nước. Các quốc gia sẽ bị hạn chế nhiều khi đưa ra các quyết định, theo đó, hệ thống các quốc gia dường như sẽ ổn định nhưng một số chính phủ và quốc gia sẽ bị thách thức nhiều hơn và kém ổn định hơn. Tuy nhiên, giữa các cường quốc mới nổi như Trung Quốc còn nhiều điểm yếu hơn nếu so sánh với Hoa Kỳ. Do vậy, theo tác giả, hệ thống quốc tế thay vì được mô tả là đa cực, nên được mô tả là đa tầng nấc, nhiều nút thắt. Bất cân xứng sẽ tồn tại nhưng những lựa chọn của phe bá quyền sẽ bị giới hạn.

Từ phân tích hệ thống quốc tế ở Phần III, trong Phần IV, Kiến nghị chính sách, tác giả đã đưa ra các khuyến nghị chính sách, trong đó tập trung vào giải pháp cho vấn đề bất cân xứng. Tác giả chú trọng vào các bài học thực tiễn và cách ứng xử hiệu quả của quốc gia trong bối cảnh bất cân xứng. Womack đã khắc họa những hàm ý cho các hệ thống tình báo quốc gia về những khác biệt bất cân xứng trong quan điểm và những điểm mạnh - yếu đặc trưng của mỗi bên. Tác giả cũng đề cập khuôn khổ cho việc quản lý mối quan hệ bất cân xứng bao gồm các biện pháp nhằm trung hòa các vấn đề nổi cộm và các biện pháp nhằm ngăn chặn sự suy diễn các cuộc khủng hoảng trở thành xung đột. Sự bất cân xứng tạo ra tình thế tiến thoái lưỡng nan về mặt đạo đức trong việc đánh đổi lợi ích giữa bên mạnh hơn và bên yếu hơn - liệu có công bằng khi giải quyết những bất công một cách công bằng? Cấu trúc của quan hệ toàn cầu và khu vực cũng được đề cập. Cuối cùng, cuốn sách khép lại bằng việc phân tích biểu đồ tương tác của quan hệ bất cân xứng, bắt đầu với các vấn đề liên quan tới các cuộc khủng hoảng mà không bên nào chịu nhượng bộ trước. Biểu đồ chính xác nhất chính là lịch sử thế giới, lịch sử này phản ánh thực tại và quay lưng với những ảo tưởng.

Ở Việt Nam, Lý thuyết Bất cân xứng về sức mạnh còn khá mới mẻ, chưa được nhiều người quan tâm nghiên cứu. Cuốn sách Sự bất cân xứng về sức mạnh và các mối quan hệ quốc tế đề cập các mối quan hệ quốc tế theo cách tiếp cận Lý thuyết Bất cân xứng, không tính đến những yếu tố lịch sử, văn hóa và thể chế chính trị,… Cuốn sách chứa đựng những tìm tòi nghiên cứu mới mẻ, thú vị và công phu của tác giả về sự bất cân xứng trong sức mạnh và các mối quan hệ quốc tế, tác động của nó tới hệ thống chính trị và cán cân quyền lực trên thế giới, trong đó, mỗi vấn đề được đề cập và phân tích theo lập luận và đánh giá chủ quan của tác giả. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã tôn trọng những quan điểm đó và giữ nguyên nội dung bản dịch theo sách gốc, coi đó là quan điểm riêng của tác giả. Cuốn sách là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách; giảng viên, sinh viên chuyên ngành quan hệ quốc tế và độc giả quan tâm tới vấn đề này.

 

Bình luận