Thế giới giàu, thế giới nghèo - Đấu tranh để thoát nghèo của tác giả Ali A. Allawi, nguyên Bộ trưởng Tài chính, Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Thương mại Irắc, đã phác họa bức tranh toàn cảnh sâu rộng và đậm nét về lịch sử phát triển của trật tự kinh tế thế giới qua nhiều thời kỳ. Đây không phải là cuốn sách tập trung mô tả về thực tế phương Tây đã trở nên giàu có như thế nào, mà là một công trình nghiên cứu công phu, nêu rõ cách thức các nước nghèo, còn gọi là “các nước đang phát triển”, “Thế giới thứ ba”, “Phương Nam toàn cầu”, hoặc “các nước mới nổi” đã đấu tranh trong nhiều thập niên để thoát khỏi tình trạng nghèo đói cùng cực, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa và tài chính hóa trên thế giới.
Trong cuốn sách này, một phần của câu chuyện về “thế giới giàu, thế giới nghèo” theo đúng nghĩa đen của các cụm từ này lý giải sự giàu có của phương Tây là nhờ quá trình lục địa này tích lũy tài sản gắn với những bất công về mặt lịch sử và các hệ thống quyền lực duy trì sự phân phối bất bình đẳng về tài sản và thu nhập. Tuy nhiên, phần lớn hơn của câu chuyện là diễn biến quá trình các nước đang phát triển đấu tranh để vươn lên thoát nghèo, và trên con đường chông gai đó, họ phải đối mặt và vượt qua các chính sách bất hợp lý, năng lực lãnh đạo yếu kém, rối loạn chức năng chính trị, sự thất bại của nhà nước, những bất cập về thể chế và sự phổ biến các phong tục, tập quán lỗi thời và bất công…
Một phần khác của câu chuyện liên quan đến khía cạnh về môi trường thuận lợi. Những kế hoạch dù được hoạch định chi tiết nhất cũng hoàn toàn có thể đổ bể do chiến tranh, suy thoái môi trường, lạm phát và các yếu tố ngoại sinh khác. Tuy nhiên, không thể phủ nhận câu chuyện thành công của các “con hổ châu Á” - Hồng Kông (Trung Quốc), Xingapo, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), và có thể khẳng định rằng Nhà nước là yếu tố trung tâm trong “kỳ tích” kinh tế Đông Á. Đặc biệt, sự trỗi dậy đáng kinh ngạc của Trung Quốc là một chiến thắng ngoạn mục trong cuộc đấu tranh vượt qua vực sâu ngăn cách giàu - nghèo, và Trung Quốc đã làm thay đổi hình ảnh về thế giới đang phát triển, đồng thời cũng có thể làm thay đổi trật tự kinh tế thế giới.
Nội dung cuốn sách được bố cục thành 22 chương với các tựa đề hàm súc, chuyển tải thông tin đa chiều về các khu vực địa lý cụ thể, các nền kinh tế của những quốc gia nòng cốt, các vấn đề và lý thuyết kinh tế cốt lõi gắn liền với sự trỗi dậy của các nước đang phát triển trong mối tương quan với thế giới phương Tây phát triển. Đáng chú ý, mỗi chương sách có thể được coi là một chuyên luận độc lập, có giá trị nghiên cứu và tham khảo về chủ đề được đề cập.
Cuốn sách Thế giới giàu, thế giới nghèo - Đấu tranh để thoát nghèo chứa đựng rất nhiều thông tin, tư liệu, sự kiện, là tài liệu tham khảo hữu ích cho bạn đọc quan tâm về chủ đề này.