Thảm họa da cam ở Việt Nam (Trích)

Ngày đăng: 10/08/2012 - 14:08

1. Chất độc da cam/dioxin[1] - chất độc nhất trong các chất độc

Chất độc da cam/dioxin (thường gọi là chất độc da cam) là cụm từ chỉ các chất độc chứa dioxin. Quá trình sản xuất 2,4,5-T (chiếm 50% thành phần da cam) sinh ra một tạp chất (sản phẩm phụ hay sản phẩm không mong muốn) là dioxin.

Dioxin là chất độc nhất trong các chất độc mà con người biết đến. Với liều lượng cỡ 1 picogram (ppt - phần ngàn tỷ gram), dioxin có thể gây bệnh ung thư, tai biến sinh sản ở người; vài chục nanogram (ng - phần tỷ gram) dioxin có thể lập tức gây chết người. Nhiều nhà khoa học cho rằng, chỉ cần 85 gram dioxin là có thể giết chết toàn bộ số dân một thành phố khoảng 8 triệu người.

2. Một thảm họa chưa từng có trong lịch sử loài người

Từ xa xưa, khi xuất hiện chiến tranh, người ta đã sử dụng chất độc vào mục đích quân sự. Chất độc lúc đó là các độc tố tự nhiên trong động vật, thực vật được tẩm vào các mũi tên và đầu gươm giáo. Cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ, người ta đã biết điều chế được chất độc hóa học và sản xuất ra các loại vũ khí hóa học - vũ khí giết người hàng loạt - ngày càng hiện đại.

Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, ngày 22-4-1915, quân Đức đã sử dụng chất độc clo làm nhiễm độc và làm chết hàng nghìn quân Anh, Pháp; tháng 7-1917, quân Đức lại sử dụng chất yperit trên chiến trường. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, quân Nhật đã sử dụng chất độc yperit tại Trung Quốc, quân Đức đã sử dụng chất ziclon B đầu độc các tù nhân ở các trại tập trung. Chất độc hóa học cũng được Anh sử dụng trong chiến tranh chống quân du kích Malaixia.

Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, Mỹ không chỉ dùng các loại bom đạn gây thương vong mà còn sử dụng cả chất độc hóa học nhằm triệt hạ nguồn sinh sống của nhân dân Việt Nam, ngăn chặn bước tiến của các lực lượng vũ trang cách mạng; đồng thời, biến Việt Nam thành phòng thí nghiệm khổng lồ để nghiên cứu, thử nghiệm các loại chất độc phục vụ mục đích quân sự. Thực tế chứng minh, cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam là cuộc chiến tranh có quy mô lớn nhất, dài ngày nhất, gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người.

Thật vậy, từ năm 1961[2] đến năm 1971, quân đội Mỹ đã tiến hành 19.905 phi vụ, phun rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% trong số đó là chất da cam[3], chứa 366 kg dioxin xuống gần 26.000 thôn, bản, với diện tích hơn 3,06 triệu ha; trong đó có 86% diện tích bị phun rải hơn 2 lần, 11% diện tích bị phun rải hơn 10 lần. Chất độc da cam đã tác động mạnh mẽ, lâu dài tới môi trường, các hệ sinh thái và sức khỏe con người.

Gần 25% tổng diện tích miền Nam Việt Nam, bao gồm hầu hết các hệ sinh thái từ vùng thấp ven biển đến vùng đồi núi cao thuộc 5 vùng sinh thái: Bắc Trung Bộ, duyên hải Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ đều bị ảnh hưởng, trong đó Đông Nam Bộ là vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất (56% diện tích tự nhiên bị phun rải). Khoảng 86% lượng chất độc đã được phun rải lên các vùng rừng rậm; 14% còn lại được dùng để phá hủy ruộng vườn, hoa màu, chủ yếu là đồng lúa và nương rẫy ở các vùng đồi núi. Diện tích rừng ngập mặn bị ảnh hưởng chất độc hóa học là 150.000 ha, điển hình là khu rừng ngập mặn Cà Mau[4].

Với một lượng khổng lồ chất độc hoá học phun rải lặp đi lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài, môi trường bị ô nhiễm nặng nề, các hệ sinh thái bị đảo lộn, nhiều loài thực vật và động vật bị tiêu diệt. Thay vào đó, nhiều loại cỏ dại xuất hiện gọi là cỏ Mỹ (pennisetum polystachyum), cỏ tranh (imperata cylindrica) và các loài lau, sậy dần dần xâm lấn đất rừng, làm xói mòn lớp đất màu.

Do rừng bị tàn phá nặng nề nên chức năng bảo vệ môi trường của rừng phòng hộ đầu nguồn ở 28 lưu vực sông cũng bị phá vỡ, gây nhiều thiệt hại trực tiếp và gián tiếp cho nền kinh tế. Hậu quả là trong nhiều năm qua, lũ lụt đã tàn phá nghiêm trọng lưu vực các con sông: Thạch Hãn, Hương, Hàn, Thu Bồn, Trà Khúc, Côn, Vệ, Cầu, Ba..., gây nhiều thiệt hại về người và của đối với nhân dân trong vùng.

Chất độc da cam đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân[5], gây nên biết bao thảm cảnh không sao kể xiết. Rất nhiều gia đình có 3 nạn nhân trở lên[6]. Có gia đình cả 15 người con đều là nạn nhân chất độc da cam[7]. Hàng trăm nghìn nạn nhân đã chết, hàng trăm nghìn người đang vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo. Các bệnh phổ biến ở con cháu các nạn nhân chất độc da cam là liệt hoàn toàn hay một phần cơ thể, mù, câm, điếc, thiểu năng trí tuệ, tâm thần, ung thư, tai biến sinh sản, dị dạng, dị tật bẩm sinh[8]. Đặc biệt là chất độc hóa học có thể di truyền qua nhiều thế hệ và ở Việt Nam, di chứng da cam đã truyền sang thế hệ thứ 3. Phần lớn những gia đình nạn nhân chất độc da cam đã và đang sống trong khổ đau, bệnh tật, đói nghèo và vô vọng. Họ là những người nghèo nhất trong những người nghèo, người đau khổ nhất trong những người đau khổ.

Hội thảo quốc tế lần thứ hai về chất độc hóa học diệt cỏ do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam và tác hại lâu dài của nó đối với thiên nhiên và con người (Hà Nội, từ ngày 15 đến ngày 18-11-1993) đã kết luận: “Chất độc da cam của Mỹ đã hủy diệt thiên nhiên cây cỏ; hủy diệt sức khỏe con người, gây nhiều bệnh tật nặng nề; gây nên những biến đổi gen di truyền qua mẹ hoặc bố, gây tai biến sinh sản, quái thai, dị dạng, dị tật của những đứa con sinh ra; gây các bệnh ung thư...”.

Không chỉ người Việt Nam mà nhiều lính Mỹ, Hàn Quốc, Ôxtrâylia, Niu Dilân... từng tham chiến ở Việt Nam trước đây cũng mắc nhiều bệnh tật do phơi nhiễm chất độc da cam. Theo Đô đốc Elmo R.Zumwalt - nguyên Tư lệnh các lực lượng Hải quân Mỹ ở Việt Nam (1968 - 1970), có ít nhất 2,6 triệu lượt binh lính Mỹ bị phơi nhiễm chất độc hóa học. Mỗi năm, Chính phủ Mỹ phải trợ cấp cho các cựu binh Mỹ bị bệnh liên quan đến chất độc hóa học số tiền hàng tỷ USD (năm 2010 là 13,5 tỷ USD). Theo Hội Cựu chiến binh thương tật do chất da cam Hàn Quốc, có 100.000/300.000 lượt binh sĩ Hàn Quốc tham chiến ở Việt Nam là nạn nhân, trong đó có 20.000 người đã chết. Chính phủ Hàn Quốc trợ cấp cho các binh sĩ này mỗi năm 130 triệu USD.

 



[1]. Chất da cam là một chất lỏng màu nâu đỏ hay màu nâu; không tan trong nước, tan trong dầu diezen và các dung môi hữu cơ; có tỷ trọng riêng ở 250°C là 1,28 kg/lít. Thành phần gồm 50% este butylic của 2,4-D và 50% este butylic của 2,4,5-T; thường được viết tắt hỗn hợp 50:50 của 2,4-D và 2,4,5-T.

Dioxin là tên thường gọi của chất có tên khoa học là 2-3-7-8 tetrachlorodibenzo-p-dioxin, gọi tắt là 2,3,7,8-TCDD. Trong dòng họ của dioxin có 75 chất khác nhau nhưng chất nguy hiểm nhất là chất 2,3,7,8-TCDD.

“Da cam/dioxin” là cụm từ để chỉ đích danh nguồn gốc dioxin, chất độc da cam mà quân đội Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.

[2]. Chuyến bay đầu tiên phun rải chất độc hóa học dọc theo quốc lộ 14 nằm ở phía Bắc thị xã Kon Tum do máy bay trực thăng H34 thực hiện ngày 10-8-1961.

[3]. Ngoài chất da cam (agent orange), Mỹ còn sử dụng chất trắng (agent white), chất xanh (agent blue), chất tím (agent purple), chất hồng (agent pink), chất xanh mạ (agent green), chất CS, chất malathion và nhiều chất khác nữa.

[4]. Rừng bị hủy hoại nhiều nhất thuộc các vùng dọc biên giới Việt - Lào có đường mòn Hồ Chí Minh, từ Quảng Trị đến Kon Tum (Hướng Hóa, A Lưới, Sa Thầy, Đắk Lây); Đông Nam Bộ (Chiến khu C, D, Bời Lời, Tam giác sắt...); Năm Căn, tỉnh Cà Mau; Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh. Hai vùng rừng ngập mặn bị ảnh hưởng nặng nề nhất là rừng Sác và mũi Cà Mau.

[5]. Nạn nhân chất độc da cam là những người bị phơi nhiễm chất độc da cam, có các biểu hiện bệnh lý hoặc có hậu quả trên các thế hệ liên quan đến sự phơi nhiễm dioxin.

[6]. Một thống kê gần đây cho biết: 22% số gia đình nạn nhân có từ 3 nạn nhân trở lên; 70% số gia đình nạn nhân thuộc diện hộ đói và nghèo, trong đó 40% là hộ đói; 90% nạn nhân không có chuyên môn nghề nghiệp.

[7]. Ông bà Đỗ Đức Địa - Phạm Thị Nức ở thôn Hà Thiệp, Võ Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình có 15 người con đều là nạn nhân chất độc da cam, hiện chỉ có 3 con còn sống.

[8]. Ngày 20-2-2008, Bộ Y tế ra Quyết định số 09/2008/QĐ-BYT ban hành danh mục 17 bệnh tật dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học/dioxin, gồm: ung thư phần mềm, u lympho không hodgkin, u lympho hodgkin, ung thư phế quản - phổi, ung thư khí quản, ung thư thanh quản, ung thư tiền liệt tuyến, ung thư gan nguyên phát, bệnh đau tủy xương ác tính, bệnh thần kinh ngoại biên cấp tính và bán cấp tính, tật gai đôi chẻ đôi, bệnh trứng cá do clo, bệnh đái tháo đường type 2, bệnh porphyrin xuất hiện chậm, các bất thường sinh sản, các dị dạng, dị tật bẩm sinh (đối với con của người bị nhiễm chất độc hóa học/dioxin), rối loạn tâm thần.

Trích trong cuốn Nỗi đau da cam, Nhà xuất bản  Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2012

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả