Đầu năm mạn đàm về lễ hội

Ngày đăng: 22/01/2012 - 03:01

Trong vòng mười năm trở lại đây, chúng ta đang chứng kiến những bất cập đáng quan ngại trong hoạt động của nhiều lễ hội dân gian; thậm chí, có một số người còn quá lo lắng đến mức bi quan mà cho rằng, hình như lễ hội ngày nay chỉ cổ vũ cho mê lầm.

le-hoi-co


Lễ hội không cổ vũ cho mê lầm?

Chúng tôi cho rằng, bức tranh tổng thể về lễ hội dân gian đương đại không đến mức bi quan như vậy. Trên thực tế, thử nhìn bằng con mắt của người quản lý văn hóa, chúng ta vẫn thấy nhiều lễ hội có thể đưa tới những gợi ý thiết thực trong việc đẩy lùi mê lầm và tiêu cực. Từ góc nhìn của người nghiên cứu văn hóa, có thể thấy không ít lễ hội được phục dựng từ sau đổi mới như là thể hiện những ước vọng của đương đại cho những giá trị của quá khứ, hay nói cách khác, là những thử nghiệm để huy động nguồn lực của cái đẹp ở xã hội cũ cho xã hội hiện tại, tìm đến những an định cả về tinh thần và vật chất có thể bảo đảm cho sự phát triển có tính bền vững. Lễ hội Minh Thề, với trung tâm là nghi lễ cắt máu ăn thề, hiện được tổ chức vào trung tuần tháng Giêng hằng năm tại làng Hòa Liễu, thuộc xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng, có thể xem là một minh chứng tiêu biểu.

Cắt máu ăn thề “không lấy của công thành của tư”

Việc cắt máu ở đây được thực hiện bởi các vị chức sắc trong làng (trưởng thôn, trưởng xóm), trước sự chứng giám của hai vị thần là Thái hậu họ Vũ và Thành hoàng làng, cùng toàn thể dân làng với phạm vi được mở rộng biên độ ra toàn xã và toàn huyện. Thề ở đây, được nhấn mạnh vào nội dung “không lấy của công thành của tư”, tức ý nghĩa chống tham nhũng.

Điểm nhấn của Minh Thề là các câu được đọc nhiều lần “Nhược bằng có lòng tham, lấy của công đem về làm của tư, thì nguyện cầu các vị thần linh hãy đả tử! Y như lời thề!”. “Đả tử” có nghĩa là “đánh chết”, được đọc nhấn mạnh, to và rõ. Từng vị chức sắc trong thôn xóm, bằng việc tham dự Minh Thề, đã thề trước thần linh và dân chúng rằng: nếu tôi có lòng tham, lấy của công đem về làm của tư, thì các vị thần hãy đánh chết! Không chỉ chức sắc, mà hễ là người làng Hòa Liễu, hầu như ai cũng thuộc nằm lòng câu đó.

Minh Thề sau khoảng một nửa thế kỷ gián đoạn, đang được sống lại trong cuộc sống đương đại của làng Hòa Liễu nói riêng và của cả một vùng quê lúa ở xứ Đông nói chung. Mỗi năm, khi Minh Thề được tổ chức tại Hòa Liễu, các phòng, ban, ngành chuyên môn trong toàn huyện Kiến Thụy lại có được cơ hội giao lưu, tăng cường sự hiểu biết và thân thiện. Người ta kéo đến chật kín sân đền chùa, yên lặng và trật tự quan sát các bước của Minh Thề, trong không khí linh thiêng, cùng nhau cảm thụ tư tưởng “chí công vô tư” có căn rễ từ nhiều thế kỷ trước.

Ước vọng đương đại từ giá trị quá khứ

Ở bình diện phổ thông, chúng ta sẽ bằng lòng với việc nhìn nhận vào sức sống đương đại của Minh Thề như vậy. Nhưng nếu nhìn kỹ hơn vào Minh Thề, chúng ta có thể thấy rằng, “lễ hội truyền thống” làng Hòa Liễu đã được tổ chức trở lại từ năm 1993, khi chính sách đổi mới đã bắt đầu thẩm thấu sâu vào nhịp sống của đất nước đến từng cộng đồng nhỏ, và ở đây, duyên cớ trực tiếp là việc cụm di tích đền chùa Hòa Liễu được công nhận là di tích cấp quốc gia. Thế nhưng, bản thân Minh Thề thì chưa được khôi phục ngay từ năm 1993, mà phải mất gần 10 năm để chuẩn bị. Sự chuẩn bị ấy có thể hình dung một cách hình tượng như là mang thai trường kỳ, ẩn chứa bên trong đó nhiều suy tư, lo lắng, trăn trở. Đây là điểm chưa lý giải được bằng những lý luận đã đưa ra trong các nghiên cứu trường hợp trước đây - những nghiên cứu hầu như mới chỉ nhìn một chiều vào sự tác động của kinh tế thị trường tới lễ hội tín ngưỡng. Ở đây, cho phép chúng ta nhìn từ chiều ngược lại, từ lễ hội tín ngưỡng tới kinh tế thị trường, bằng phân tích trường hợp cụ thể trong hoàn cảnh cụ thể.

Ở thời điểm năm 1993, có lẽ, người làng Hòa Liễu mới chỉ khôi phục một lễ hội đơn giản có các nghi thức “tế thần” mang tính chung chung ở các điểm di tích còn giữ được hay vừa tu bổ. Phải từ năm 2002, sau một thời gian chuẩn bị trên các phương diện, Minh Thề mới được khôi phục chính thức và trở thành trung tâm của lễ hội truyền thống làng Hòa Liễu.

Chúng tôi lưu ý đến thời điểm năm 2002. Tính thời gian một cách cơ học thì đó là thời điểm mở đầu một thế kỷ mới, nó cho phép người ta, một cách hết sức tự nhiên, có cơ hội mang tính tâm lý để suy tư về một thế kỷ đã qua và đoán định về một thế kỷ đang tới. Còn từ góc nhìn văn hóa - xã hội trong bối cảnh Việt Nam, thì đó là thời điểm những mặt trái của nền kinh tế thị trường và xu thế toàn cầu hóa đã bộc lộ rất rõ bên cạnh những mặt tích cực. Người ta đã nhận ra rằng, càng đi sâu vào kinh tế thị trường và mở cửa, nạn tham nhũng, buôn lậu, lãng phí của công càng diễn biến phức tạp, việc ngăn chặn chúng có nhiều khó khăn và hạn chế. Người ta thấy bất an trước sự phát triển kinh tế hiện tại, lo lắng trước những cái như là tăng trưởng tàn nhẫn (ruthless growth), tăng trưởng mất gốc (rootless growth), tăng trưởng bất chấp tương lai (futureless growth). Chính sự bất an, lo lắng trong cộng đồng làng xã là động cơ tâm lý cho sự trở lại chính thức của Minh Thề với ý nghĩa mang tính thời sự là chống tham nhũng, chống các tệ nạn đang kéo dài. Minh Thề vừa thể hiện một ước vọng đương đại cho giá trị của quá khứ, lại vừa là một cách nhìn lại hiện tại bằng sự tham chiếu quá khứ gần và quá khứ xa hơn. Tựa như trong hiện tại người ta đã vấp ngã, đổ vỡ hay khủng hoảng về niềm tin, từ đó, phải trăn trở tìm lại và phục dựng niềm tin trong quá khứ với ý nghĩa như là một chỗ dựa tinh thần cho hiện tại.

CHU XUÂN GIAO

Viện Khoa học xã hội Việt Nam


Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả