Về phong cách hành chính trong văn bản Nhà nước

Ngày đăng: 13/01/2021 - 08:01

LTS: Để giúp cho bạn đọc tham khảo, tìm hiểu về phong cách hành chính trong văn bản Nhà nước ta hiện nay, Khoa học Chính trị xin giới thiệu bài viết của Thạc sĩ Phạm Chí Thành.

Trong ngôn ngữ học, phong cách được hiểu là “dạng của ngôn ngữ sử dụng trong những hoàn cảnh xã hội điển hình nào đó, khác với những dạng khác về đặc điểm từ vựng, ngữ pháp, ngữ âm”1.

Chúng ta đều biết, cùng với lao động, ngôn ngữ là động lực chủ yếu để bộ óc con vượn biến chuyển thành óc người2. Xã hội loài người không ngừng vận động, biến đổi và phát triển, ngôn ngữ cũng biến đổi và phát triển theo, trở nên uyển chuyển và phong phú hơn nhằm đáp ứng nhu cầu giao tiếp của con người ngày càng đa dạng, phong phú và phức tạp. Đạt đến một trình độ nào đó, ngôn ngữ tạo thành các phong cách để thực hiện các chức năng xã hội của nó, gọi là phong cách chức năng. Trong tiếng Việt hiện nay có 5 phong cách chủ yếu: phong cách khẩu ngữ; phong cách văn chương; phong cách chính luận; phong cách khoa học; và phong cách hành chính.

Mỗi phong cách có đặc điểm riêng trong việc lựa chọn từ ngữ, cấu trúc cú pháp… Cùng trình bày về một nội dung nhưng khác nhau về ngôn ngữ thì cũng khác nhau về phong cách. Ví dụ: cùng nói về vấn đề thời tiết, nhưng cơ quan khí tượng thủy văn của Nhà nước thông báo (phong cách hành chính) sẽ khác với lối thông báo cho nhau của nông dân (phong cách khẩu ngữ) và cũng khác với nhà thơ khi diễn tả về nó (phong cách văn chương).

Phong cách hành chính là một phong cách chức năng ngôn ngữ của tiếng Việt hiện đại, dùng trong lĩnh vực pháp luật và hoạt động quản lý Nhà nước (trong hoạt động và giao tiếp chính thức của các cơ quan Nhà nước, trong tòa án, trong các cuộc hội đàm ngoại giao). Nó thể hiện dưới dạng các văn bản quy phạm pháp luật và áp dụng pháp luật của Nhà nước, như Hiến pháp, luật, pháp lệnh, lệnh, nghị quyết, nghị định, quyết định, chỉ thị thông tư; các văn bản pháp quy phụ (như quy định, bản quy định, điều lệ, nội quy, quy chế, chính sách, chế độ, thể lệ); các văn bản hành chính thông thường (như thông cáo, thông báo, báo cáo, biên bản, công văn...) và cả ở những lời phát biểu trong các phiên tòa, các báo cáo, chỉ thị bằng miệng, các lời phát biểu của cán bộ Nhà nước khi tiếp xúc với nhân dân... Tóm lại, phong cách hành chính được thể hiện bằng cả hai hình thức viết và nói; tuy nhiên hình thức viết là chủ yếu.

Phong cách hành chính phục vụ lĩnh vực pháp luật và chính trị, mà pháp luật bao giờ cũng có liên quan đến chính trị, phục vụ chính trị. Pháp luật biểu hiện ý chí của Nhà nước, tức là ý chí của giai cấp thống trị.

Dưới chế độ phong kiến, vua được coi là thiên tử (con trời), thay trời để trị dân, cho nên các hoàng đế mỗi khi giáng chiếu cho thần dân đều mở đầu bằng công thức: “Phụng thiên thừa vận, Hoàng đế chiếu viết..,” hoặc “thuận thiên thừa vận, Hoàng thượng nhược viết ...” (thuận theo mệnh trời, hoàng thượng phán rằng...). Còn bầy tôi dâng tấu, biểu lên vua, dù là quan đại thần, sau khi xưng danh đều phải mở đầu bằng một câu xác định thân phận tôi tớ của mình : “Rất lo, rất sợ, cúi đầu kính cẩn tâu”, “rập đầu hai lạy kính tâu”, “thực là hoảng sợ cúi tâu”... Như vậy, trong “xã hội thần dân” này, văn bản Nhà nước không những mang đậm dấu ấn của tính giai cấp mà còn thể hiện rõ tính đẳng cấp.

Trong thời kỳ giai cấp tư sản đang lên, quan niệm của các học giả tư sản về ngôn ngữ, văn phong của luật pháp cũng thể hiện sự tiến bộ. Mông-tét-xki-ơ, nhà triết học Pháp thời kỳ này đã chỉ ra rằng, từ ngữ trong luật phải gọi lên ở tất cả mọi người những ý niệm như nhau, không dùng những khái niệm không xác định trong luật; phong cách của luật phải chính xác, ngắn gọn. Nhiều học giả khác cũng nêu lên yêu cầu về tính đơn giản, dễ hiểu của luật. Quan điểm đó xuất phát từ những nhà tư tưởng tiến bộ của giai cấp tư sản đang đấu tranh chống chế độ phong kiến. Trong cuộc đấu tranh đó, quyền lợi của giai cấp tư sản, ở một chừng mực nhất định, phù hợp với quyền lợi của nhân dân. Yêu cầu đó là một trong những hình thức đấu tranh nhằm xác lập pháp quyền tư sản, hướng mũi nhọn đấu tranh vào chế độ phong kiến độc đoán, chuyên quyền.

Nhưng sang đến giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, quan điểm của các học giả tư sản về ngôn ngữ của luật, về hình thức của luật đã thay đổi. Nếu như trong nghệ thuật của Tây Âu có lý luận “Nghệ thuật vì nghệ thuật” (với bản chất phản nhân dân, trừu tượng, hình thức chủ nghĩa) thì trong luật học cũng phổ biến rộng rãi “lý thuyết về phong cách luật”. Các đại biểu của lý thuyết này khẳng định rằng, hình thức diễn đạt dễ hiểu của luật là do trình độ phát triển thấp của con người(?). Từ đó họ đi đến kết luận: luật hiện đại không thể rõ ràng được(!). Thực chất của lý thuyết về tính không rõ ràng, tính trừu tượng, tính không chính xác của luật là nhằm bảo vệ lợi ích cho giai cấp tư sản, đối lập với lợi ích của các tầng lớp nhân dân lao động; nó cho phép tòa án vận dụng luật một cách tùy tiện vì lợi ích của giai cấp tư sản.

Dưới chế độ Xã hội chủ nghĩa, Nhà nước do giai cấp công nhân lãnh đạo là Nhà nước kiểu mới, Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Do đó, “luật pháp là ý chí của giai cấp công nhân lãnh đạo cách mạng”, “pháp luật thực sự dân chủ vì nó bảo vệ quyền tự do rộng rãi cho nhân dân lao động” (Hồ Chí Minh).

Để tạo điều kiện cho nhân dân nắm được luật và các quy định do Nhà nước ban hành, thực hiện đầy đủ quyền dân chủ và tự giác điều chỉnh hoạt động hành vi của mình cho phù hợp với chủ trương của Nhà nước, pháp luật cũng như các văn bản Nhà nước nói chung phải được viết bằng ngôn ngữ chính xác, dễ hiểu. Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: “Mỗi khẩu hiệu của Đảng phải là cái ý nguyện, và mục đích của hàng ức đảng viên và của hàng triệu dân chúng. Mà muốn như thế phải làm cho dân chúng đều hiểu, phải học cách nói của dân chúng. Nếu không hàng vạn khẩu hiệu cũng vô ích”3.

Tính giai cấp của luật và của các văn bản do Nhà nước Xã hội chủ nghĩa ban hành thể hiện ở cả hai mặt nội dung và hình thức: nội dung tiến bộ cách mạng thể hiện bằng hình thức chính xác, dễ hiểu. Đó là sự đòi hỏi khách quan của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.

Như vậy, tính chính trị, tính giai cấp là yếu tố chi phối không chỉ đối với nội dung mà còn cả đối với hình thức của các văn bản do Nhà nước ban hành.

Tuy nhiên, hình thức ngôn ngữ của phong cách hành chính trong văn bản của Nhà nước ta có sự thay đổi và phát triển qua mỗi thời kỳ. Ví dụ, so sánh Hiến pháp năm 1946 với Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992, ta thấy:

- Về tnặt thuật ngữ: “Nghị viện” được thay bằng “Quốc hội”, “Nghị trưởng” thay bằng “Chủ tịch Quốc hội”, “Nghị viên” bằng “đại biểu Quốc hội”; “tất cả quyền bính trong nước là của toàn dân” (Hiến pháp năm 1946 - Điểu thứ 1) được thay bằng “tất cả quyền lực thuộc vể nhân dân” (Hiến pháp năm 1980 - Điều 6) và “tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân” (Hiến pháp năm 1992 - Điều 2); “nghĩa vụ và quyền lợi công dân” (Hiến pháp năm 1946 - chương II) được thay bằng “quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” (Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992 - Chương V)...

- Về sắc thái tu từ: “Đàn bà” thay bằng “phụ nữ” và “công dân nữ; đi lính thay bằng “làm nghĩa vụ quân sự”. Hiến pháp năm 1946: “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện” (Điều thứ 9); Hiến pháp năm 1980: “phụ nữ và nam giới có quyền ngang nhau về mọi mặt” (Điều 63); Hiến pháp năm 1992: “Công dân nữ và nam có quyền ngang nhau về mọi mặt” (Điều 63).

- Về cú pháp: Trong Hiến pháp năm 1946 không có câu bị động, Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992 thì có dùng câu bị động. Ví dụ: Hiến pháp năm 1946: “Tư pháp chưa quyết định thì không được bắt bớ và giam cầm người công dân Việt Nam” (Điều thứ 11); Hiến pháp năm 1980: “Không ai có thể bị bắt, nếu không có quyết định của Tòa án nhàn dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện Kiểm soát nhân dân” (Điều 69) và Hiến pháp năm 1992: “Không ai bị bắt, nếu...” (Điều 71).

Về đặc điểm của ngôn ngữ văn phong trong văn bản Nhà nước, tiến sĩ Nguyễn Văn Thâm (Học viện Hành chính quốc gia) đã nêu lên: “Một là, tính khách quan của nội dung hay sự việc được nói đến và lối trình bày trực tiếp, không thiên vị... hai là, tính chất ngắn gọn, chính xác của các thông tin được đưa vào văn bản và tính đầy đủ thông tin cần thiết cho vấn đề hoặc sự việc mà nội dung văn bản nói đến... Đặc điểm thứ ba là tính chất điển hình và tiêu chuẩn hóa các thuật ngữ được sử dụng với cách thức diễn đạt trong sáng... Đặc điểm thứ tư: tính rõ ràng và cụ thể của các quan điểm chính trị với lối truyền đạt phổ thông, đại chúng, mang tính nguyên tắc nhưng lại lịch sự ... Đặc điểm cuối cùng cần nhấn mạnh là tính cân đối và sự liên kết chặt chẽ giữa các câu trong một văn bản...”4. Tác giả Nguyễn Thế Quyền (Trường Đại học Luật Hà Nội) cho rằng: “Ngôn ngữ và cách hành văn trong văn bản phải đảm bảo sự nghiêm túc, chính xác, thống nhất và phổ biến”5. Các tác giả thuộc Trung tâm nghiên cứu khoa học lưu trữ lại nêu ra: “một văn bản pháp quy phải dùng từ ngữ trong sáng dễ hiểu”6.

Các ý kiến trên là đúng đắn và có sự bổ sung cho nhau. Ở đây, chúng tôi hoàn toàn nhất trí với quan điểm của Phó giáo sư Bùi Khắc Việt (Viện Ngôn ngữ học)7, cho rằng, để biểu hiện ý chí của Nhà nước, để thực hiện được chức năng điều chỉnh các quan hệ xã hội và hành vi cùa con người trong các vản bản Nhà nước, phong cách hành chính phải thể hiện những đặc điểm chủ yếu sau đây:

1. Tính chính xác: có vai trò đặc biệt quan trọng, có thể xem là đặc điểm cơ bản, cần dược ưu tiên trước hết trong luật cũng như trong các văn bản Nhà nước khác. Nó đòi hòi một văn bản khi ban hành thì từ người viết, người thông qua, người ký cho đến người nhận, người đọc, người thực hiện đều phải hiểu nội dung văn bản một cách thống nhất, không thể có sự suy diễn hay hiểu khác đi. Các phong cách khác như phong cách chính luận, phong cách khoa học... cũng cần có sự chính xác, nhưng có thể nói, trong  lĩnh vực pháp luật và hoạt động quản lý Nhà nước, yêu cầu về sự chính xác đòi hỏi cao hơn hết; bởi vì, pháp luật là sự thể hiện ý chí của giai cấp công nhân và nhân dân lao động dưới sự lãnh đạo của Đảng, pháp luật là những quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung, làm chuẩn mực cho hành vi của con người, và pháp luật là để điều chỉnh các quan hệ xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

2. Tính dễ hiểu: quan điểm của Đảng và Nhà nước ta là văn bản ban hành phải đảm bảo cho nhân dân ai cũng hiểu được, có như vậy thì mới thực hiện được chủ trương “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đối với công việc của Đảng và Nhà nước. Đồng thời người nhận, người đọc có hiểu được văn bản thì việc tuân thù và thi hành văn bản mới được đảm bảo tốt. Tuy nhiên, tính dễ hiểu phải được xem xét trong điều kiện lịch sử - cụ thể, tùy thuộc vào trình độ dân trí ở mỗi thời kỳ; cũng như cần phải có sự phân biệt văn bản phổ biến cho toàn dân với văn bản dùng riêng cho các ngành, các lĩnh vực chuyên môn.

Tính chính xác và tính dễ hiểu thường gắn với tính ngắn gọn. Cũng có khi một nội dung nào đó cần phải được diễn đạt dài ra, nhưng nhìn chung mà nói, văn bản càng ngắn gọn thì càng dễ chính xác, rõ ràng và dễ hiểu. Hồ Chủ tịch đã từng căn dặn: “Viết ít lời, nhiều ý là viết tốt, lời bằng ý là viết trung bình, nhiều lời mà ý ít là viết kém”.

3. Tính khách quan: văn bản dù do cơ quan hay cá nhân có thẩm quyền nào ban hành cũng là nhân danh Nhà nước mà ban hành, vì vậy ngôn ngữ, văn phong phải khách quan, vô cá tính, không có tính biểu cảm, không có tính hình ảnh. Việc bộc lộ thái độ, tình cảm của người nói, người viết phù hợp với phong cách khẩu ngữ, phong cách văn chương, phong cách chính luận, nhưng không phù hợp với phong cách hành chính. Sự khách quan, trung tính của phương tiện ngôn ngữ kết hợp vơi tính chính xác và tính dễ hiểu sẽ làm cho văn bản thể hiện được sự trang nghiêm, có độ tin cậy và sức thuyết phục cao.

4. Tính lịch sự: văn minh, lịch sự là đặc điểm cần phải có trong văn bản Nhà nước. Bởi Nhà nước ta là “Nhà nước của dân, do dân, vì dân”, cán bộ Nhà nước là “đầy tớ”, là “công bộc” của nhân dân. Ngay cả trong các văn bản ban hành mệnh lệnh cho cấp dưới, hay quyết định khiển trách đối với người phạm lỗi, lời lẽ cũng cần phải nhã nhặn, đúng mực. Trang nghiêm nhưng khách quan và lịch sự sẽ làm cho đối tượng nhận văn bản tôn trọng văn bản và tiếp thu một cách dễ dàng.

5. Tính khuôn mẫu: trong công tác lãnh dạo và quản lý, có nhiều nội dung công việc, nhiều hoạt động và thủ tục lặp đi lặp lại. Để giảm bớt lao động cho người lãnh đạo cũng như viên chức chuyên môn và viên chức thừa hành nghiệp vụ - kỹ thuật, văn bản Nhà nước thường được xây dựng thành những khuôn mẫu. Tính khuôn mẫu giúp cho cả người soạn thảo, ban hành lẫn người nhận, người đọc văn bản tiết kiệm được thời gian và phương tiện vật chất, văn bản được chính xác, ngắn gọn và có trọng tâm, trọng điểm. Tính khuôn mẫu thể hiện trong các mẫu văn bản, giấy tờ, mẫu bố cục nội dung, mẫu câu, mẫu từ, mẫu cấu trúc cú pháp đang ngày càng được chú ý để vận dụng và xây dựng trong thực tiễn.

1. Viện Ngôn ngữ học: Từ điển tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng - Trung tâm từ điển học, Hà Nội - Đà Nẵng, 1997, tr. 755.

2. Ph. Ăngghen: Biện chứng của tự nhiên, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1971, tr. 259.

3. XYZ: Sửa đổi lối làm việc, Ban Tuyên huấn Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, 1975, tr. 94.

4. Nguyễn Văn Thâm: Soạn thảo và xử lý văn bản trong công tác của cán bộ lãnh đạo và quản lý, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, tr. 86-90.

5. Nguyễn Thế Quyền: Ban hành văn băn quản lý hành chánh Nhà nước, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 1996, tr. 43.

6. Trung tâm nghiên cứu khoa học lưu trữ: Sổ tay soạn thảo văn bản của chính quyền xã, phường, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995. tr. 13.

7.  Bùi Khắc Việt: Kỹ thuật và ngôn ngữ soạn thảo văn bản quản lý nhà nước, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1997, tr. 87-92.

Phạm Chí Thành

Giảng viên Khoa Nhà nước và Pháp luật, Phân viện Thành phố Hồ CHí Minh

Bài viết đăng trên Tạp chí Khoa học Chính trị, số 2/1998.

Bình luận