Báo chí, truyền thông hiện đại: Thực tiễn, vấn đề, nhận định

Ngày đăng: 14/11/2021 - 16:11

Hơn 95 năm ra đời và phát triển, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã khẳng định là “vũ khí” sắc bén của Đảng, Nhà nước, diễn đàn tin cậy của nhân dân. Báo chí không chỉ đóng vai trò là nguồn thông tin phản ánh tất cả các lĩnh vực đa dạng, phong phú của đời sống xã hội mà còn phải là “bộ lọc” thông tin, kiến giải những vấn đề mang tính bản chất từ hiện tượng xã hội để đảm bảo thực hiện tốt sứ mạng của nền báo chí cách mạng và phát triển theo hướng hiện đại. Bên cạnh đó, sự dịch chuyển phương thức tiếp cận thông tin của người đọc, người nghe từ bị động sang chủ động và công nghệ định hướng, dẫn dắt người dùng diễn ra nhanh chóng và là xu thế chủ đạo, đòi hỏi các cơ quan báo chí phải có chiến lược tổ chức, vận hành và quản lý hoạt động theo mô hình mới như đa nền tảng, tăng tính tương tác, để có thể đáp ứng nhu cầu độc giả. 

Cuốn sách Báo chí, truyền thông hiện đại: Thực tiễn, vấn đề, nhận định của GS.TS. Tạ Ngọc Tấn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương sẽ góp phần cung cấp nguồn tài liệu đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, lý giải những vấn đề đi từ căn cơ đến chuyên sâu về báo chí, truyền thông hiện đại.

Nội dung cuốn sách tập hợp các bài viết của tác giả về báo chí, truyền thông, đồng thời gắn báo chí, truyền thông với các vấn đề về kinh tế - xã hội, chính trị, đời sống xã hội; với trách nhiệm và công tác chuyên môn, nghiệp vụ của người làm báo, được chia thành 5 phần:

Phần một: Hồ Chí Minh - Người khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam;

Phần hai: Sự phát triển của báo chí, truyền thông hiện đại tập trung khái quát sự phát triển của chí;

Phần ba: Báo chí, truyền thông và chính trị;

Phần bốn: Báo chí, truyền thông và đời sống xã hội;

Phần năm: Nhà báo và nghề nghiệp.

Có thể thấy, ngày nay sự phát triển của công nghệ truyền thông mới đã tác động mạnh mẽ tới báo chí. Sự tiến bộ của khoa học - công nghệ đã cung cấp cho ngành báo chí, truyền thông hiện đại các công cụ và phương thức truyền thông tiên tiến vượt trội. Từ đó tạo ra những sản phẩm truyền thông mới được nâng cao về chất lượng và giá trị thông tin, rút ngắn thời gian đến với công chúng.

Thông qua các bài viết trong cuốn sách, tác giả cũng nhấn mạnh một điều quan trọng, đó là cùng với lợi thế mà truyền thông mang lại, đạo đức nghề làm báo cũng luôn cần được đề cao và gìn giữ, để báo chí xứng đáng là cầu nối tin cậy giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, là động lực mạnh mẽ cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Vừa sâu sắc về lý luận, vừa bám sát tình hình thực tiễn cùng kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu và giảng dạy về báo chí của tác giả, cuốn sách là tài liệu giúp ích cho các nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách, giảng viên, phóng viên, biên tập viên, cán bộ, nhân viên trong các cơ quan báo chí, phát thanh - truyền hình và độc giả quan tâm đến vấn đề báo chí, truyền thông hiện đại.

Bình luận