Trước những biến động của tình hình quốc tế, bản đồ địa chiến lược thế giới có những thay đổi quan trọng. Trong đó, khu vực châu Á - Thái Bình Dương được đánh giá là khu vực “có vị trí chiến lược ngày càng quan trọng, là khu vực cạnh tranh gay gắt giữa các cường quốc, tiềm ẩn nhiều bất ổn”. Các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản đang đưa ra nhiều chính sách khác nhau để gia tăng ảnh hưởng ở khu vực này. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với các quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong việc thúc đẩy hợp tác, hội nhập quốc tế sâu rộng.
Việt Nam được đánh giá nằm ở vị trí nhạy cảm chiến lược cả về địa lý và chính trị trong quan hệ quốc tế, nhất là trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc; đồng thời là nước có vị thế quyền lực tăng khá nhanh ở khu vực và đang khát vọng vươn lên trở thành một cường quốc tầm trung trên thế giới. Chính vì vậy, việc đánh giá, tổng kết thực tiễn địa chiến lược của Việt Nam và kinh nghiệm của một số nước trên thế giới cũng như dự báo sự biến động của môi trường địa chính trị, trật tự thế giới, khu vực để từ đó đưa ra phương hướng, đề xuất giải pháp chiến lược cho duy trì, mở rộng không gian an ninh và phát triển của Việt Nam từ nay đến năm 2030 là việc làm cấp thiết.
Để góp phần cung cấp một cách tiếp cận khoa học về địa chính trị, địa chiến lược đối với công tác nghiên cứu, học tập, giảng dạy cũng như gợi ý hoạch định chính sách trong việc duy trì và mở rộng không gian chiến lược cho an ninh và phát triển của nước nhà hiện nay và trong thập niên tới, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách Địa chiến lược Việt Nam tầm nhìn 2030: Những vấn đề lý luận, thực tiễn và thích ứng chính sách của PGS.TSKH. Trần Khánh. Nội dung cuốn sách gồm 4 phần:
Phần thứ nhất: Cơ sở lý luận về địa chiến lược và vai trò của nó trong hoạch định chính sách phát triển quốc gia.
Phần thứ hai: Thực tiễn địa chiến lược Việt Nam hiện nay và kinh nghiệm vận dụng địa chiến lược của một số nước trong khu vực.
Phần thứ ba: Dự báo xu hướng biến động địa chính trị khu vực châu Á - Thái Bình Dương và tác động của chúng đến Việt Nam trong thập niên tới (đến năm 2030).
Phần thứ tư: Thích ứng địa chiến lược của Việt Nam đến năm 2030.
Trên cơ sở lý luận làm rõ địa chiến lược như là một đối tượng, một cách tiếp cận đặc thù của khoa học chính trị và là một cơ sở, công cụ để nhận diện, dự báo và hoạch định chính sách phát triển quốc gia, trước hết là đối ngoại; đồng thời đánh giá tác động của thực tiễn địa chiến lược Việt Nam và kinh nghiệm của một số nước trong khu vực (Trung Quốc, Thái Lan, Mianma và Xingapo) hiện nay cũng như dự báo xu hướng biến động địa chính trị, kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong thập niên tới đến không gian an ninh và phát triển của Việt Nam..., cuốn sách đề xuất một số phương hướng, giải pháp địa chiến lược Việt Nam tầm nhìn đến năm 2030 nhằm góp phần làm tăng không gian chiến lược, vị thế quyền lực Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, đồng thời cung cấp cơ sở lý luận, thực tiễn nghiên cứu về địa chính trị, địa chiến lược, phục vụ công tác nghiên cứu và giảng dạy ở Việt Nam.