Hồ Chí Minh với vấn đề chống chủ nghĩa cá nhân trong Đảng - Nhìn từ góc độ văn hóa

Ngày đăng: 05/10/2012 - 08:10

bac ho voi bao chi 1Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng đạo đức, giáo dục đạo đức cách mạng, chống suy thoái đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, thể hiện tập trung ở chủ nghĩa cá nhân, nhất là trong điều kiện đảng cầm quyền. Nội dung quan điểm của Người là sự tổng kết hoạt động của nhiều đảng cộng sản, công nhân trên thế giới và quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam của Đảng ta trên một phương diện hết sức nền móng, đạt đến chiều sâu triết lý và mang tầm vóc văn hóa.

Đạo đức cách mạng - một bộ phận hợp thành văn hóa đảng

Tháng 8-1943, khi còn trong nhà tù của Tưởng Giới Thạch, Hồ Chí Minh đã đưa ra một định nghĩa về văn hóa: “Vì lẽ sinh tồn cũng nh­ư mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phư­ơng thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phư­ơng thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”1.

Trong khái niệm này, Hồ Chí Minh xác định đạo đức là một bộ phận hợp thành văn hóa, làm nên cấu trúc nội tại bên trong của văn hóa. Nhiều bài viết sau này, Hồ Chí Minh còn xem đạo đức cách mạng là hạt nhân của văn hóa mới tạo nền tảng tinh thần của xã hội, của một đảng chân chính cách mạng, nhất là khi đảng đó trở thành đảng cầm quyền.

Hồ Chí Minh khẳng định vai trò lãnh đạo không thể thiếu được của Đảng trong cách mạng Việt Nam và cắt nghĩa nguyên nhân bảo đảm cho Đảng giữ được vai trò lãnh đạo, đó là nhờ Đảng, cán bộ, đảng viên của Đảng có đạo đức cách mạng cao đẹp, trong sáng. Hồ Chí Minh nhận thức uy quyền đạo đức của Đảng trên hai lát cắt cơ bản:

Thứ nhất, đạo đức đảng xét ở tầm vĩ mô: Một điều dễ thấy, mục tiêu mà Đảng công khai theo đuổi là tự do và hạnh phúc của toàn thể nhân dân - một mục tiêu mang ý nghĩa đạo đức to lớn. Từ đấy, đối với nhân dân, Đảng là hình ảnh, là biểu tượng của đạo đức. Trên con đư­ờng cách mạng, mọi đ­ường lối, chính sách, mọi chủ trương, hành động của Đảng đều không xa rời mục tiêu đạo đức đó.

Như­ng trong không ít điều kiện cụ thể, con đường để thực hiện đường lối, chính sách cụ thể, con đường để tiến tới mục tiêu nhân đạo cuối cùng, với những biện pháp cần thiết không thể tuân theo một yêu cầu đạo đức chung chung, một quan điểm nhân đạo chủ nghĩa mơ hồ và hữu khuynh.

Cũng có những trư­ờng hợp, động cơ, điểm xuất phát của các đường lối, chính sách là đầy tinh thần nhân văn và đạo đức, như­ng do trình độ lý luận nói chung kém, do sự bất cập trong nhận thức mối quan hệ giữa lý luận và thực tiễn, do tính chất manh động của cả cán bộ và quần chúng trong một xã hội nông dân, đư­ờng lối và chính sách đó, khi đư­ợc đ­ưa vào thực tế, lại có những biểu hiện thiếu nhân văn và đạo đức. Chính sách cải cách ruộng đất, chỉnh đốn tổ chức, hợp tác hóa... là như vậy. Lại phải kể đến những trường hợp mà phẩm chất đạo đức kém cỏi, sự thiếu hiểu biết trầm trọng của những ngư­ời trực tiếp thực hiện chính sách đã góp phần làm hoen ố diện mạo nhân văn của chính sách. Tất cả những điều trên sẽ bị hạn chế rất nhiều, hay hơn thế, sớm loại trừ, nếu Đảng có một hệ thống điều hành sát sao, thông suốt, tích cực chống quan liêu hóa và nhất là, trên cơ sở đặt lợi ích nhân dân lên trên hết, lên trước hết, mạnh dạn phát hiện và thừa nhận một cách công khai, không giấu giếm, không trốn tránh sai lầm, khuyết điểm tr­ước nhân dân để kịp thời chỉnh đốn tình hình không chút do dự; chính sự thừa nhận và cố gắng khắc phục khuyết điểm sẽ làm cho nhân dân thêm tin yêu và trung thành với đảng của chính mình.

Thứ hai, đạo đức đảng xét ở tầm vi mô: Hồ Chí Minh nói: “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Dân tin Đảng, vì họ tin vào các đảng viên cụ thể hằng ngày, hằng giờ sống bên cạnh họ. Danh dự, uy tín của Đảng và đảng viên trước quần chúng có quan hệ biện chứng.

Mỗi đảng viên là một hợp phần làm thành tổ chức chung của Đảng, hình ảnh đạo đức của mỗi đảng viên cũng là một hợp phần trong hình ảnh đạo đức chung của toàn Đảng. Không ai có thể nói: Anh ấy là một đảng viên, về lý tưởng chính trị và hành động, anh ấy đi theo Đảng, là ng­ười của Đảng, như­ng về ứng xử ngoài đời, anh ấy là một con người như­ mọi ng­ười khác, và như vậy, về mọi biểu hiện đạo đức, anh ấy không liên quan đến Đảng và Đảng cũng không phải chịu trách nhiệm về anh ấy. Đó là một thứ ngụy biện, không đúng với lôgic tư duy và lôgic thực tiễn. Quần chúng hoàn toàn có lý khi đánh giá đạo đức của Đảng thông qua đạo đức của những cá nhân đảng viên cụ thể, nhất là những đảng viên mà họ biết đến hay tiếp xúc nhiều nhất. Sự tăng cư­ờng hay giảm sút uy tín đạo đức của Đảng với tư­ cách là một tổ chức thống nhất lại bắt đầu từ uy tín đạo đức của từng cá nhân đảng viên này - những ngư­ời dù muốn hay không, thì ở bất cứ nơi nào cũng mang theo trong hình ảnh đạo đức của mình một phần hình ảnh đạo đức của Đảng.

Đảng cộng sản là một đảng cầm quyền, phần lớn những cư­ơng vị chủ chốt ở các cấp chính quyền, ở các doanh nghiệp nhà nư­ớc lớn là do các đảng viên nắm giữ. Trong khi đó, với những điều kiện cụ thể của việc chuyển đổi từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trư­ờng, đầu óc vụ lợi của cá nhân rất dễ phát triển và kèm theo là nhiều tệ nạn mà tệ nạn hàng đầu là tham nhũng. Hơn lúc nào hết, các cá nhân đảng viên phải ý thức được trách nhiệm đạo đức của mình, chống lại mọi cám dỗ nhơ bẩn, bảo vệ sự trong sạch của mình mà cũng chính là của Đảng. Đảng viên ở cương vị càng cao thì trách nhiệm đạo đức càng lớn. Hiện nay, có một hiện tư­ợng nghịch lý là rất nhiều ngư­ời, kể cả các đảng viên, nói về tình trạng xuống cấp của đạo đức trong xã hội, nhưng chẳng ai đả động đến trách nhiệm cá nhân của mình. Đây chính là lúc mỗi đảng viên, vì uy tín của Đảng, vì lợi ích của nhân dân và mục tiêu cuối cùng của cách mạng, phải có đầy đủ dũng khí của người cộng sản để chiến thắng bản thân và vượt qua chính mình ở hai mặt: vừa nhận thức về trách nhiệm đạo đức cá nhân của mình, vừa hiểu mình phải làm gì để khôi phục, giữ vững uy tín đạo đức của Đảng, trong đó có uy tín đạo đức của cá nhân mình - một điều kiện không thể thiếu để Đảng lãnh đạo nhân dân một cách có hiệu quả.

Chủ nghĩa cá nhân - biểu hiện tập trung của sự suy thoái văn hóa đảng

Chủ nghĩa cá nhân, dù xét theo góc độ nào cũng là đề cao, tuyệt đối hóa lợi ích cá nhân, làm gì cũng nghĩ đến lợi ích của mình tr­ước hết, muốn mọi người vì mình mà không muốn mình vì mọi người. Chủ nghĩa cá nhân tôn thờ “cái tôi”, coi nhẹ cái “chúng ta”, cái chung vốn là cơ sở tồn tại của đời sống con người, xã hội loài người và cũng chính là cái gốc rễ thỏa mãn các nhu cầu phát triển cá nhân. Như vậy, xét về bản chất, chủ nghĩa cá nhân làm hủy hoại các quan hệ mang tính nhân bản vốn là một biểu hiện đặc trưng nội tại của bất kỳ nền văn hóa chân chính nào.

Chủ nghĩa cá nhân làm tha hóa các quan hệ cơ bản nhất của một con người (với mình, với người, với việc) được thể hiện ra thành các hình thức rất đặc thù: tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa, tham danh, trục lợi, thích địa vị, quyền hành, tự cao tự đại, độc đoán, chuyên quyền, coi khinh nhân dân, xa rời thực tế, quan liêu, mệnh lệnh, đố kỵ, ngại gian khổ khó khăn, chỉ nghĩ đến lợi mà quên nghĩa, không dám vì Tổ quốc, vì Đảng, vì dân mà hy sinh quên mình…

Chủ nghĩa cá nhân gây tác hại xấu về mọi mặt: kinh tế, chính trị, đạo đức…, làm hại đến lợi ích của cách mạng, nhân dân; gây chia rẽ, mất đoàn kết trong nội bộ Đảng và nhân dân; làm vẩn đục, vấy bẩn, lu mờ tính ưu việt vốn có của chế độ, làm mất niềm tin của nhân dân vào Đảng; làm tha hóa nhân cách đảng viên, phạm nhiều sai lầm nghiêm trọng.

Như vậy, chủ nghĩa cá nhân làm thay đổi, đảo lộn các giá trị xã hội, các giá trị làm người, biến dạng thang bậc giá trị mà cách mạng dày công vun trồng, nuôi dưỡng. Xét đến cùng, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống mà biểu hiện tập trung dưới dạng chủ nghĩa cá nhân là suy thoái văn hóa gắn chặt với tha hóa nhân cách. Từ đó, chủ nghĩa cá nhân làm mất niềm tin của nhân dân, quần chúng vào những giá trị tốt đẹp, lẽ phải ở đời và làm người, sự lãnh đạo của đảng và bản chất nhân văn của chế độ xã hội mà chúng ta lựa chọn và xây dựng.

Nâng cao đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân - phương thức xây dựng, bảo vệ và phát triển văn hóa đảng cầm quyền

Việc nâng cao đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân là nhu cầu khách quan hình thành văn hóa đảng. Vì lẽ sinh tồn cũng như theo đuổi mục đích, lý tưởng của mình, Đảng đặt ra vấn đề xây dựng, bảo vệ và phát triển văn hóa lãnh đạo, quản lý. Quá trình đó bao gồm hai mặt thống nhất biện chứng nhằm đạt đến các yêu cầu cơ bản:

- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra;

- Giữ vững uy tín của Đảng trong nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng;

- Tiếp nối truyền thống đạo đức cách mạng vẻ vang của Đảng, duy trì và lan tỏa các giá trị bền vững mà Đảng đã tạo lập trong tiến trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam;

- Hoàn thiện nhân cách cộng sản của người cán bộ, đảng viên với tư cách là kiểu mẫu của con người trong xã hội mà chúng ta hướng tới, xây dựng.

Để nâng cao đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân trong Đảng và tổ chức đảng, chúng ta cần tăng cư­ờng giáo dục lý tư­ởng cộng sản chủ nghĩa, đường lối, chính sách của Đảng, nhiệm vụ, đạo đức của đảng viên; thực hành tự phê bình và phê bình trong Đảng; khuyến khích quần chúng phê bình đảng viên, tăng cường sự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, khắc phục sự tha hóa, tiêu cực của cán bộ, đảng viên dưới sự theo dõi, giám sát của quần chúng nhân dân; giữ nghiêm chế độ sinh hoạt chi bộ; công tác kiểm tra của Đảng phải chặt chẽ.

Với từng cán bộ, đảng viên, phải xác định đặt lợi ích của Đảng lên trên hết, tr­ước hết; tu dưỡng, rèn luyện đạo đức một cách kiên trì, bền bỉ, không ngừng, không nghỉ; còn sống, còn làm việc thì còn tu dưỡng đạo đức; bồi dưỡng tư­ tư­ởng tập thể, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, sống với nhau có tình, có nghĩa, có ý thức tổ chức và kỷ luật; thâm nhập thực tế, gần gũi, gắn bó với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; ra sức học tập nâng cao trình độ hiểu biết để làm việc, làm người, làm cán bộ.

Đối với mỗi cán bộ, đảng viên, các giải pháp nâng cao đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân cũng chính là cách thức hoàn thiện nhân cách, vươn tới các giá trị phổ biến: chân, thiện, mỹ, tức là đạt đến các chuẩn mực và giá trị văn hóa, làm lành mạnh hóa các quan hệ xã hội, từng bước hình thành một xã hội theo lý tưởng cộng sản chủ nghĩa: Sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện phát triển tự do của tất cả mọi người. Đến lúc đó, mọi người sẽ sống có đạo đức, không còn những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, nghĩa là xã hội đạt đến chiều sâu nhân văn và văn hóa.

Quan niệm của Hồ Chí Minh về chống chủ nghĩa cá nhân trong điều kiện đảng cầm quyền gợi mở nhiều vấn đề thiết thực, để vận dụng thực hiện tốt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI), nhất là trong việc đẩy lùi sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có đảng viên giữ các vị trí lãnh đạo trong hệ thống chính trị.

 

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 3, tr. 458.

PGS. TS. PHẠM NGỌC ANH

Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng

Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả