Thời gian qua, cùng với việc đổi mới tư duy pháp lý, tư duy chính trị và nhất là tư duy quản trị tốt, Đảng và Nhà nước tập trung ghi nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền khiếu nại, quyền tố cáo hành chính của cá nhân, tổ chức có liên quan. Song, hiệu quả của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính vẫn chưa cao, không hiệu quả, thậm chí việc giải quyết khiếu nại, tố cáo gây bất bình trong dư luận, tạo xung đột xã hội một cách không cần thiết, làm mất uy tín của cơ quan nhà nước, đi ngược lại với chủ trương, đường lối bảo đảm, bảo vệ quyền khiếu nại, tố cáo hành chính của Đảng và Nhà nước.
Do xung đột lợi ích giữa người khiếu nại, tố cáo hành chính và người giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính nên việc giải quyết khiếu nại hành chính lần đầu rất ít hiệu quả, trong khi theo quy định của pháp luật về khiếu nại, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại hành chính lần đầu chính là người đã có quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại. Do vậy, kiểm soát quyền lực để phát hiện các biểu hiện lộng quyền, lạm quyền của chủ thể giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính là đòi hỏi khách quan nhằm bảo đảm việc giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính minh bạch, tuân thủ pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể có liên quan. Thực tế nhận thức này cho thấy cần phải có sự nghiên cứu, sự vào cuộc của các nhà quản lý, nhà khoa học, cán bộ, công chức có tâm huyết trong vấn đề thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính để tìm ra nút thắt, sự vướng mắc của cơ chế kiểm soát quyền lực trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhằm tiếp tục đẩy mạnh việc thi hành Hiến pháp năm 2013, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và các chủ trương của Đảng về tăng cường kiểm soát quyền lực, đáp ứng yêu cầu xây dựng chính phủ liêm chính, kiến tạo, phát triển; góp phần nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính, bảo vệ quyền của người khiếu nại, tố cáo, bảo vệ uy tín của cơ quan giải quyết khiếu nại, tố cáo trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật giới thiệu cuốn sách Kiểm soát quyền lực trong giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính ở Việt Nam hiện nay do PGS.TS. Trương Thị Hồng Hà làm chủ biên.
Cuốn sách gồm 3 chương:
Chương I. Cơ sở lý luận về kiểm soát quyền lực trong giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính.
Chương II. Thực trạng kiểm soát quyền lực trong giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính ở Việt Nam hiện nay.
Chương III. Quan điểm, giải pháp bảo đảm kiểm soát quyền lực trong giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính ở Việt Nam trong giai đoạn mới.