Kế thừa nội dung tư tưởng “thân dân” trong lịch sử dân tộc và sự vận dụng sáng tạo giá trị của học thuyết Mác - Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định bài học lấy “Dân là gốc” có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Dân là gốc của nước, là nền tảng, là lực lượng, là nguồn sức mạnh to lớn làm nên thắng lợi trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc: Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên”. Người dạy cán bộ: “Ta quan tâm đời sống quần chúng thì quần chúng sẽ theo ta. Ta được lòng dân thì ta không sợ gì cả. Nếu không được lòng dân thì ta không thể làm tốt công tác”. Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, vì nhân dân và do nhân dân. Chính những ý kiến, nguyện vọng và sáng kiến của nhân dân là nguồn gốc hình thành đường lối của Đảng.
Sự nghiệp đổi mới của nước ta tiến hành trong những năm qua đã đạt nhiều thành tựu quan trọng và có ý nghĩa; tuy nhiên, bối cảnh thế giới, khu vực vẫn tiềm ẩn nhiều biến đổi phức tạp, đất nước vẫn luôn đứng trước những thuận lợi và khó khăn, cơ hội và thách thức đan xen nhau. Trong bối cảnh đó, đòi hỏi chúng ta phải biết vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh một cách sáng tạo, vừa nghiên cứu lý luận, vừa tổng kết thực tiễn để tìm ra những luận điểm mới, cách làm mới nhằm giải quyết thành công những vấn đề đang đặt ra cho cách mạng Việt Nam. Trong đó, bài học lấy “Dân là gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Đảng, Nhà nước ta thấu triệt, vận dụng, là cơ sở tạo nên nguồn sức mạnh đoàn kết, mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân. Với khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh hướng tới hùng cường, Đại hội XIII đã xác định quyết tâm của Đảng ta: “Tập trung khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, niềm tự hào, ý chí tự cường, lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội và khát vọng phát triển đất nước của toàn dân tộc. Xây dựng các cơ chế, chính sách phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước của mọi người dân Việt Nam”.
Cuốn sách chuyên khảo Phát huy bài học lấy “Dân là gốc” trong lịch sử và xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh hướng tới hùng cường do TS. Trần Thị Minh và TS. Nguyễn Văn Tuân đồng chủ biên đã khái quát bài học lấy “Dân là gốc” trong lịch sử dân tộc; phân tích tư tưởng Hồ Chí Minh, những chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh hướng tới hùng cường; phát huy bài học lấy “Dân làm gốc” trong thời kỳ đổi mới với những thành tựu, hạn chế và đưa ra những giải pháp, góp phần tạo niềm tin của nhân dân và sự lãnh đạo của Đảng.
Cuốn sách cung cấp những kiến thức tổng hợp, phong phú, là tài liệu tham khảo bổ ích đối với đông đảo độc giả, nhất là các nhà nghiên cứu, nhà quản lý hiện nay. Độc giả có thể tham khảo sách tại Thư viện Quốc gia hoặc thư viện các tỉnh, thành phố trên cả nước.