“Nguyễn Hoàng - Người mở cõi”: Nguồn tư liệu mới nghiên cứu đầy đủ về vị Chúa Tiên - vị chúa Nguyễn đầu tiên

Ngày đăng: 16/11/2023 - 16:11

Bước qua những thăng trầm, những rối ren trong bối cảnh cuộc phân tranh quyền lực, cướp ngôi vua, giành ngôi chúa diễn ra căng thẳng và khốc liệt ở Đàng Ngoài, từ miền cát trắng Ái Tử, với tầm nhìn chiến lược của mình, chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã dựa vào dân, có nhiều kế sách khuyến khích dân khai khẩn, cấp nông cụ, miễn giảm thuế khóa, mở rộng bờ cõi tiến về phương Nam, góp phần dựng nên hình hài nước Việt. Sử sách triều Nguyễn trước đây đều rất đề cao vai trò của chúa Nguyễn Hoàng, nhưng từ sau năm 1945, việc đánh giá về nhân vật lịch sử này chưa thống nhất trong giới sử học: giữa công và tội, giữa chia cắt và phát triển đất nước, giữa hận thù và ơn nghĩa với chúa Trịnh - vua Lê...

Cuốn sách Nguyễn Hoàng - Người mở cõi do GS. VSTT. NGND. Phan Huy Lê và PGS.TS. Đỗ Bang đồng chủ biên

Trên cơ sở tập hợp gần 30 bài viết được lựa chọn từ Hội thảo khoa học với chủ đề “Quảng Trị - Đất dựng nghiệp của chúa Nguyễn Hoàng (1558 - 1613)” và một số bài viết đăng trên tạp chí Huế - Xưa và Nay, cuốn sách Nguyễn Hoàng - Người mở cõi cung cấp nguồn tư liệu và nhận thức mới về nhân vật lịch sử Nguyễn Hoàng.

Trong lịch sử, các triều đại Việt Nam đều có ý thức mở mang lãnh thổ. Thế kỷ XI, lãnh thổ Đại Việt mở rộng đến Quảng Trị, phần Biển Đông mở rộng đến biển Chămpa. Năm 1306, lãnh thổ, lãnh hải mở rộng đến vùng Thừa Thiên - Đà Nẵng - Bắc Quảng Nam; năm 1402 mở rộng đến Quảng Ngãi; năm 1471 mở rộng đến đèo Cù Mông (bắc Phú Yên). Và một dấu mốc quan trọng cho việc mở cõi về phương Nam đó là việc nhà Lê giao cho Nguyễn Hoàng vào trấn thủ xứ Thuận Hóa năm 1558 và từ đây, công cuộc mở cõi về phương Nam diễn ra liên tục để chúng ta có một lãnh thổ rộng lớn bao gồm cả đất liền, hải đảo ven bờ và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa giữa Biển Đông như lãnh thổ Việt Nam hiện nay. Người có công trong việc mở cõi về phương Nam là Nguyễn Hoàng.

Có được một Đàng Trong phát triển đủ sức đối đầu với Đàng Ngoài nhưng cũng từ đó đã tạo nên thế đất nước bị chia cắt. Trong nỗi đau bị áp bức và chia cắt đó, phong trào Tây Sơn ra đời đã xóa bỏ ranh giới sông Gianh, tái lập nền thống nhất đất nước. Nhưng mọi sự chuẩn bị để một nước Đại Việt thống nhất và thịnh vượng của vua Quang Trung đành phải dở dang sau khi nhà vua qua đời khi tuổi chưa đầy 40 (1792). Trên cơ sở đó, 10 năm sau, Nguyễn Ánh thành lập vương triều Nguyễn (1802), người kế tục sự nghiệp của chúa Nguyễn này đã hoàn thành công cuộc thống nhất đất nước.

Để giúp bạn đọc hiểu sâu sắc hơn về chúa Tiên Nguyễn Hoàng và vùng đất Quảng Trị - nơi chúa khởi đầu dựng nghiệp mở cõi, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản lần thứ hai cuốn sách Nguyễn Hoàng - Người mở cõi do GS. VSTT. NGND. Phan Huy Lê và PGS.TS. Đỗ Bang đồng chủ biên, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế là cơ quan tổ chức bản thảo.

Mặc dù cho đến nay vẫn còn những tồn nghi chưa được làm sáng tỏ liên quan đến chúa Tiên Nguyễn Hoàng nhưng qua nội dung cuốn sách, bạn đọc sẽ phần nào hiểu được tương đối đầy đủ về vai trò của chúa Nguyễn với đất phương Nam như mở đất, xây dựng chính quyền; quá trình xác lập chủ quyền, khai thác biển đảo; phát triển kinh tế đô thị; đời sống văn hóa, đối ngoại; nhân vật lịch sử…

Về những đóng góp của chúa Nguyễn Hoàng đối với công cuộc mở cõi đất phương Nam, các bài viết về cơ bản đều thống nhất đánh giá tổng quát về công lao, cống hiến của chúa Tiên Nguyễn Hoàng và các chúa Nguyễn tiếp theo trên ba khía cạnh:

Một là, Nguyễn Hoàng là người khởi nghiệp, trong một thời gian ngắn đã biến đất Thuận Hóa, Quảng Nam thành cơ ngơi, thành bàn đạp cho toàn bộ sự nghiệp phát triển của vùng Đàng Trong.

Hai là, Nguyễn Hoàng đã đẩy mạnh sự phát triển về mọi mặt để cho Thuận Quảng vốn là một nơi hoang sơ, lạc hậu, nơi biên viễn xa xôi của quốc gia nhanh chóng trở thành một vùng kinh tế - xã hội phát đạt.

Ba là, công lao lớn nhất là sự nghiệp mở cõi về phương Nam. Nguyễn Hoàng chỉ mới mở đất đến Phú Yên, nhưng đó là bước khởi đầu rất quan trọng để các chúa Nguyễn sau đó tiếp nối, đến giữa thế kỷ XVIII thì mở cõi vào đến tận đồng bằng sông Cửu Long, khi toàn bộ vùng đất Nam Bộ được sáp nhập vào đất Đàng Trong năm 1757. Đến đây lãnh thổ của nước Đại Việt bao gồm Đàng Trong và Đàng Ngoài, về cơ bản gần như lãnh thổ Việt Nam hiện nay kể cả đất liền, hải đảo ven bờ và hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa. Có thể nói, đây là mốc xác lập lãnh thổ quốc gia - dân tộc của nước Đại Việt - Việt Nam.

Bên cạnh đó, cuốn sách cũng cung cấp những tư liệu mới về vùng đất Quảng Trị, những di tích liên quan đến thời Nguyễn Hoàng trên đất Quảng Trị. Những dấu tích này cho đến nay gần như đã bị xóa nhòa, đặt ra cho chúng ta cũng như tỉnh Quảng Trị những vấn đề cần làm để nhận thức và tôn vinh thật xứng đáng đối với chúa Nguyễn Hoàng và những người cộng sự thân cận của ông.

Cuốn sách được nghiên cứu, biên soạn công phu, nghiêm túc, mỗi bài viết đã ghi lại tương đối toàn diện về cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp to lớn của Anh hùng mở cõi, Danh nhân văn hóa lớn của dân tộc. Cuốn sách được xuất bản lần thứ hai tiếp tục là tài liệu có giá trị, góp phần phục vụ việc nghiên cứu, giảng dạy, học tập, tìm hiểu về lịch sử dân tộc, về những đóng góp của các thế hệ lịch sử cũng như của chúa Tiên Nguyễn Hoàng với vùng đất Quảng Trị, với dân tộc. Từ đó giúp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt là con người Quảng Trị - nơi chúa Tiên Nguyễn Hoàng chọn là nơi căn cứ để mở cõi, có thêm tư liệu hiểu sâu sắc về lịch sử đất nước, để không ngừng phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.

Bình luận