Kinh tế Việt Nam - Thăng trầm và Đột phá

Ngày đăng: 13/10/2021 - 23:10

Cuốn sách Kinh tế Việt Nam: Thăng trầm và Đột phá của tác giả Phạm Minh Chính và Vương Quân Hoàng, khái quát bức tranh toàn cảnh nền kinh tế Việt Nam từ khi giành được độc lập tới cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008. Qua đó, giúp bạn đọc hiểu tường tận về một giai đoạn thăng trầm và đột phá của kinh tế nước nhà.

 Cuốn sách Kinh tế Việt Nam: Thăng trầm và Đột phá của tác giả Phạm Minh Chính và Vương Quân Hoàng

Cuốn sách được xuất bản lần đầu vào năm 2009, khi thế giới đang trong cuộc vận động để thoát khỏi cú trượt dài do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Đáp ứng nhu cầu của bạn đọc về một cuốn sách có giá trị tham khảo cao, tháng 7/2021, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản lần thứ hai cuốn sách. Trong lần xuất bản này, những phân tích, nhận định, đánh giá của các tác giả về các sự kiện, về các vấn đề kinh tế được trình bày trong lần xuất bản thứ nhất vẫn được giữ nguyên.

Phản ánh thực tế của một tiến trình dài lâu, cuốn sách được chia thành ba phần  với 13 chương. Phần I, là các quá trình với những thay đổi có mặt tích cực, có mặt hạn chế, trải dài theo thời gian mà ký ức về chúng vẫn còn in sâu trong nhiều thế hệ công dân. Phần II, đã có những đột phá được chủ kiến đúng và cả sự thúc ép của các điều kiện kinh tế. Những đột phá ấy được xem xét trong cuốn sách như những phạm trù trọn vẹn, là những điểm nhấn làm sáng rõ các hành trình thời gian mà số đông sự kiện có thể che khuất bản chất “đột phá” của những sự kiện có tính chất bước ngoặt, như thay đổi cấu trúc, chuyển hướng tư duy, bứt phá về mô hình. Phần III, các vấn đề kinh tế vi mô và vĩ mô thường không chỉ xuất hiện một lần, mà lặp đi lặp lại, ở các dạng thức khác nhau, lúc ẩn lúc hiện. Có những vấn đề và bài học mà ích lợi của việc nhận thức, sự đột phá về cơ cấu và tư duy kinh tế không bị bó hẹp trong một khoảng không gian và thời gian cụ thể. Đó còn là những quy luật phổ quát, có xu hướng lặp lại và biến thể mỗi lúc một phức tạp và bất ngờ hơn. Ba phần này tiếp cận nền kinh tế như một chỉnh thể sống trong không gian và thời gian hợp lý, có tính lôgic và những nhận thức có lợi cho tư duy kinh tế lâu dài. Đây là tư liệu đầu tiên sử dụng các lý thuyết và công cụ phân tích kinh tế hiện đại để bóc tách và đánh giá sự phát triển kinh tế ở Việt Nam sau thời kỳ Đổi mới. Bức tranh kinh tế của Việt Nam, với các thăng trầm và đột phá, đã được soi tỏ nhờ được đánh giá từ các góc nhìn sâu sắc với đầy đủ dữ liệu khoa học.

Cuốn sách là kết quả của sự đầu tư nghiêm túc với lượng thông tin phong phú, được sưu tầm, tuyển chọn và tính toán từ nhiều nguồn trong nước và nước ngoài trong khoảng thời gian dài.

Bình luận