An ninh con người trong bối cảnh toàn cầu hóa

Ngày đăng: 20/10/2021 - 21:10

Cuốn sách An ninh con người trong bối cảnh toàn cầu hóa do TS. Trần Việt Hà chủ biên (Xuất bản lần thứ hai, có sửa chữa, bổ sung), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành, cung cấp cho bạn đọc những hiểu biết chung về an ninh con người, các hiệu ứng do toàn cầu hóa gây ra cho an ninh con người; nghiên cứu các đối án tương thích - nhằm thực hiện mục tiêu tối thượng là “an ninh con người”, từ đó đề xuất một số biện pháp nhằm bảo đảm an ninh con người ở Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Cuốn sách An ninh con người trong bối cảnh toàn cầu hóa do TS. Trần Việt Hà chủ biên 

Nội dung cuốn sách được chia thành 4 chương:

Chương I: Những vấn đề lý luận cơ bản về an ninh con người trong bối cảnh toàn cầu hóa, các tác giả tập trung khái quát những vấn đề lý luận về an ninh con người trong bối cảnh toàn cầu hóa, làm sáng tỏ khái niệm “an ninh”, “con người”, “an ninh con người” và “toàn cầu hóa”; đặc trưng của toàn cầu hóa… Trên cơ sở đó, tác giả đi sâu phân tích một số đặc trưng cơ bản của an ninh con người, với bốn nhận định: (1) An ninh con người mang tính chất phổ biến; (2) Những yếu tố tạo thành, tác động và ảnh hưởng đến an ninh con người có mối quan hệ tương liên, phụ thuộc và tác động chuyển hóa lẫn nhau; (3) Các nguy cơ, yếu tố tác động tới an ninh con người cần được phát hiện sớm, ngăn ngừa sớm; (4) An ninh con người đang được hầu hết các nhà nước - dân tộc xác định con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực, tức là con người là trung tâm, quan trọng nhất. Ngoài ra, tác giả còn đề cập đặc trưng của toàn cầu hoá cũng như khẳng định rằng, trong quá trình tương tác với toàn cầu hóa thì phẩm chất của các tác nhân tham dự vào tiến trình cũng buộc phải thay đổi, và đây chính là nguyên nhân vì sao các mô hình nhà nước, các tổ chức xã hội đã và đang có bước chuyển dịch trong phương thức quản trị.

Chương II: Những điểm mới về an ninh con người trong bối cảnh toàn cầu hoá, tác giả đi sâu phân tích ba điểm mới quan trọng: (1) An ninh con người dưới nhãn quan “an ninh phi truyền thống”; (2) An ninh con người - Thước đo an ninh trong bối cảnh toàn cầu hoá; (3) Vấn đề “chủ thể” bảo đảm/cung cấp an ninh con người. Trong tất cả các vấn đề, tác giả đều nhấn mạnh tới vai trò của nhà nước trong việc bảo đảm an ninh con người. Trước các thách thức mang tính xuyên biên giới, nếu như chỉ trông chờ vào sự nỗ lực giải quyết vấn đề của một quốc gia đơn lẻ thì không thể thành công. Do đó, cần có sự hợp lực từ các quốc gia - dân tộc, để cùng gây dựng một môi trường an toàn cho không chỉ người dân sống trên lãnh thổ của mình, mà còn góp phần đảm bảo an ninh con người trên phạm vi toàn cầu.

Chương III: Kinh nghiệm quốc tế và những bài học cho Việt Nam. Ở chương này, các tác giả đã phân tích tổng kết kinh nghiệm trong việc bảo đảm an ninh quốc gia, an ninh con người của Canada, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc, phân tích cách thức bảo đảm an ninh quốc gia, an ninh con người của họ, những kết quả đạt được và cả những thách thức mà các nước hiện nay vẫn còn phải đối mặt. Từ đó, đưa ra các bài học đối với Việt Nam, như: Việt Nam cần nỗ lực hoàn thành các mục tiêu cơ bản về an ninh con người mà Liên hợp quốc đã đề ra; tăng cường chỉnh đốn Đảng để kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ; xây dựng tổ chức bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu quả; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu; xây dựng hành lang pháp lý hoàn thiện; thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế; phát huy mạnh mẽ nguồn lực và sức sáng tạo của nhân dân, phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước, bảo đảm an ninh quốc gia;…

Chương IV: Bảo đảm an ninh con người ở Việt Nam hiện nay, thông qua nhận định về một số mối đe doạ đang nổi lên, gồm 4 mối đe dọa thuộc loại an ninh phi truyền thống: biến đổi khí hậu và an ninh môi trường, dịch bệnh truyền nhiễm và các thảm họa thiên nhiên, di dân bất hợp pháp, chủ nghĩa khủng bố, tác giả đi vào cụ thể về an ninh con người trong một số lĩnh vực ở Việt Nam hiện nay, như vấn đề việc làm và thất nghiệp, thu nhập và phân hóa giàu nghèo, sức khỏe người dân hay vấn đề môi trường. Qua đó, các tác giả khẳng định, để đảm bảo an ninh con người một cách bền vững, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, cần hướng tới 10 giải pháp cơ bản: Một là, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đảm bảo an ninh chính trị cho con người Việt Nam. Hai là, bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo bảo đảm tốt nhất cho cuộc sống của người dân. Ba là, bảo đảm an ninh lương thực, làm tốt công tác xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Bốn là, đổi mới toàn diện, đồng bộ về kinh tế và chính trị vì mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Năm là, bảo đảm quyền con người; coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Sáu là, bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia; ứng phó hiệu quả với các mối đe dọa từ an ninh truyền thống và phi truyền thống, giữ gìn trật tự, an ninh xã hội. Bảy là, bảo đảm an ninh sức khỏe cho người dân một cách chủ động và tích cực. Tám là, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc như một phương thức bảo đảm an ninh cá nhân con người hiệu quả. Chín là, ứng phó hiệu quả với thiên tai, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, bảo đảm tính mạng cho người dân. Mười là, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.

Bình luận