Công nghiệp 3.5 – Kinh nghiệm của Đài Loan và sự tiếp cận của Việt Nam

Ngày đăng: 13/01/2022 - 11:01

Để đáp ứng yêu cầu phát triển trong tương lai, cũng như để giành sự thống trị về kỹ thuật công nghệ sản xuất thế hệ mới, giành sự độc quyền về nền tảng hóa sản xuất và quyền lực lãnh đạo sản xuất tiên tiến, nhiều quốc gia trên thế giới đã đưa ra chiến lược sản xuất cho riêng mình: Đức với chính sách công nghiệp 4.0, Hoa Kỳ với Hợp tác sản xuất tiên tiến của Hoa Kỳ, Trung Quốc với chiến lược quảng bá Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025… Muốn thống trị sản xuất, các nền kinh tế lớn cần phát triển công nghệ 4.0 với “chìa khóa” là sản xuất thông minh, trong đó công nghệ dữ liệu lớn và công nghệ trí tuệ nhân tạo là những công nghệ quan trọng.

Đối với ngành công nghiệp của Đài Loan, việc nâng cấp và chuyển đổi là yêu cầu cần thiết, nhưng nền tảng công nghiệp của họ không thể theo kịp các nền kinh tế phát triển, ngành công nghiệp phần mềm của họ cũng không đủ mạnh. Hơn nữa, hầu hết các doanh nghiệp ở Đài Loan là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Với các điều kiện kể trên, cùng với quy mô dân số nhỏ, việc áp dụng các hệ thống thực - ảo và robot thay thế công việc của con người trong công nghiệp 4.0 sẽ làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo – nghèo và gây bất ổn xã hội ở Đài Loan. Do vậy, phát triển công nghiệp 3.5 là chiến lược được coi là phù hợp hơn với cơ cấu công nghiệp của Đài Loan.

Cuốn sách Công nghiệp 3.5 – Kinh nghiệm của Đài Loan và sự tiếp cận của Việt Nam của TS. Hà Minh Hiệp và GS.TS. Chen-Fu Chien

Công nghiệp 3.5 được hiểu như sự hợp tác giữa người – máy thông minh, “người sắt” với “bộ não” giúp đưa ra các quyết định kỹ thuật số, là một chiến lược “tổ hợp” giữa công nghiệp 3.0 và công nghiệp 4.0. Với lộ trình chiến lược “Công nghiệp 3.0 – Công nghiệp 3.5 – Công nghiệp 4.0”, các doanh nghiệp Đài Loan có thể đạt được thành công trước thời hạn trong quá trình chuyển đổi. Việc nâng cấp và chuyển đổi cơ cấu công nghiệp cũng có thể mở rộng khoảng cách với các nền kinh tế mới nổi. Kinh nghiệm nâng cấp công nghiệp với Người Sắt của Đài Loan có thể được chuyển giao cho các nền kinh tế đang phát triển ở khu vực Đông Nam Á nói chung và các nước thành viên của Tổ chức Năng suất châu Á (APO) nói riêng, qua đó mở rộng ảnh hưởng của ngành sản xuất Đài Loan tới các nền kinh tế này.

Cuốn sách Công nghiệp 3.5 – Kinh nghiệm của Đài Loan và sự tiếp cận của Việt Nam của TS. Hà Minh Hiệp và GS.TS. Chen-Fu Chien được kết cấu gồm 4 phần với 14 chương; trong 3 phần đầu tiên, các tác giả tập trung làm rõ nội hàm của công nghiệp 3.5 ở Đài Loan như: công nghiệp 3.5 – con đường tốt nhất cho các doanh nghiệp hướng đến sản xuất thông minh và chuyển đổi công nghệ số; cốt lõi của sản xuất tiên tiến – sự chuyển đổi kỹ thuật số trong việc đưa ra các quyết định; đào tạo nhân lực chất lượng cao và xây dựng chiến lược của công nghiệp 3.5; Phần cuối cuốn sách là lộ trình tiếp cận sản xuất thông minh của Việt Nam với những chủ trương, định hướng thúc đẩy sản xuất thông minh; một số vấn đề về tiếp cận sản xuất thông minh trong doanh nghiệp ở Việt Nam và đề xuất khung thực hiện sản xuất thông minh tại Việt Nam.

Cuốn sách là tài liệu hữu ích, giúp lãnh đạo các cấp, các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp và độc giả nghiên cứu, tìm hiểu cơ chế, chính sách, áp dụng những giải pháp đột phá, sớm hình thành các mô hình sản xuất thông minh trong doanh nghiệp ở Việt Nam, từng bước thực hiện thành công việc chuyển đổi nền kinh tế số, đưa đất nước phát triển và hội nhập sâu rộng.

Bình luận