Đại văn hào H. C. Andersen và sức lan tỏa trong văn học - nghệ thuật Việt Nam

Ngày đăng: 18/10/2021 - 09:10

H.C. Andersen sinh ngày 2/4/1805 tại tỉnh Odense (Đan Mạch), mất ngày 4/8/1875, là nhà văn vĩ đại thế kỷ XIX, nổi tiếng thế giới với những câu chuyện viễn tưởng, truyện kể cho tuổi thơ. Tác phẩm của ông đã được dịch ra hơn 90 ngôn ngữ trên khắp năm châu bốn biển, từng được hàng triệu người trên thế giới mến yêu đến ngưỡng mộ, sùng bái. Cho đến nay, dù đã cách xa chúng ta hơn 2 thế kỷ nhưng tên tuổi của ông đã đi vào huyền thoại như một người kể chuyện hay nhất hành tinh. Từ nhỏ, H.C. Andersen đã tự lập, kiếm sống, lưu lạc nhiều nơi. Triết lý cuộc đời được ông đúc kết trong câu nói ưa thích: “Du hành là sống”. H.C. Andersen đã thử sức ở rất nhiều lĩnh vực nhưng đạt đến đỉnh cao hơn cả là hơn 160 truyện cổ bắt đầu viết từ năm 1835. Và chính những truyện thần tiên đó đã làm cho ông trở thành bất tử.

Cuốn sách Đại văn hào H.C. Andersen và sức lan tỏa trong văn học- nghệ thuật Việt Nam của PGS. TS. Nguyễn Trường Lịch

Cuốn sách Đại văn hào H.C. Andersen và sức lan tỏa trong văn học- nghệ thuật Việt Nam của PGS. TS. Nguyễn Trường Lịch, là một khảo luận tiên phong, có ý nghĩa định thêm hướng nghiên cứu mới về đại văn hào H. C. Andersen. Cuốn sách gồm 2 chương. Trong chương 1: Khái quát một số hình tượng tiêu biểu và đặc trưng tác phẩm H. C. Andersen, chúng ta thấy gia tài đồ sộ những tác phẩm của H. C. Andersen có sự đột phá về cả phong cách và nội dung văn học, nghệ thuật; có sức hấp dẫn lớn đối với cả trẻ em và người lớn trên khắp thế giới là bởi ông đã kết hợp khả năng kể chuyện thiên bẩm và trí tưởng tượng phong phú của mình với các yếu tố phổ biến của truyền thuyết dân gian, ông đã niệm thần chú lên ngòi bút nhiệm màu của mình để đánh thức “đứa trẻ muôn thuở”, “luôn tồn tại và yên ngủ” trong lòng mỗi con người, đưa chúng ta đến với cuộc sống “kỳ diệu và đẹp đẽ” với những ánh nhìn hồn nhiên, trong sáng và thánh thiện nhất. H.C. Andersen chinh phục đông đảo bạn đọc qua nhiều thế hệ bằng những hình ảnh lung linh, huy hoàng, huyền ảo của một thế giới cổ tích thần tiên hay nội dung mang những triết lý sâu sắc, thâm trầm và nghệ thuật độc đáo. Khám phá nét đặc sắc trong nội dung và nghệ thuật truyện cổ Andersen để thêm một lần nữa khẳng định tài năng của ông, cũng như thể hiện tình yêu mến, khâm phục nhà văn và những tác phẩm nhiệm màu giúp đời sống con người thêm tươi đẹp, nhẹ nhàng hơn. Đối với trẻ em, chúng có thể là cổ tích, nhưng đối với người lớn lại là những truyện ngắn mang triết lý sâu xa.

Chương 2: Sức lan tỏa của đại văn hào H. C. Andersen trong văn học - nghệ thuật Việt Nam, trình bày ý kiến của các văn nghệ sĩ và các nhà nghiên cứu đã công bố qua sách báo trả lời các câu hỏi do đâu mà người Việt Nam lại biết về nhà văn H. C. Andersen trước khi biết đến nước Đan Mạch? H. C. Andersen đến Việt Nam từ bao giờ? Quá trình giới thiệu về đại văn hào này được diễn ra như thế nào và quá trình tiếp nhận, tiếp biến ra sao tại Việt Nam trước và sau năm 1945? Bên cạnh đó, độc giả cũng thấy được nét tương đồng và khác biệt giữa truyện kể Andersen và truyện Việt Nam. Ngoài ra, hai phụ lục còn cho bạn đọc thấy được những điểm chính trong cuộc đời của đại văn hào H. C. Andersen và một số tác phẩm tiêu biểu của ông như: Em bé bán diêm; Họa mi; Súp kèm que diêm xúc xích; Bộ quần áo mới của Hoàng đế; Lúa mì đen; Chàng bướm; Quả chuông; Chú lính chì dũng cảm. Đó là những truyện kể được in đi in lại nhiều lần, để lại bao giấc mơ kỳ diệu trong tâm hồn tuổi thơ trên khắp hành tinh. 

Cuốn sách là nguồn tài liệu tham khảo quý, đóng góp vào việc tìm hiểu nền văn hóa - xã hội, con người của đất nước Đan Mạch, cũng như góp phần tô đậm thêm tình hữu nghị giữa hai dân tộc, hai đất nước Việt Nam - Đan Mạch.

Bình luận