Hỏi - đáp một số vấn đề về bầu cử đại biểu Quốc hội

Ngày đăng: 20/05/2021 - 10:05

* Việc dự kiến và phân bổ số lượng đại biểu Quốc hội được thực hiện trên cơ sở nào?

Theo quy định tại Điều 7 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015, Ủy ban thường vụ Quốc hội dự kiến và phân bổ số lượng đại biểu Quốc hội được bầu ở mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên cơ sở sau đây:

1. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ít nhất ba đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương;

2. Số lượng đại biểu tiếp theo được tính theo số dân và đặc điểm của mỗi địa phương, bảo đảm tổng số đại biểu Quốc hội dự kiến được bầu là năm trăm người.

* Số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội được quy định như thế nào?

Theo Điều 2 Nghị quyết số 1185/NQ-UBTVQH14 ngày 11/01/2021, Ủy ban thường vụ Quốc hội dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội ở trung ương và địa phương như sau:

1. Số lượng đại biểu ở các cơ quan trung ương là 207 đại biểu (41,4%)

Số lượng đại biểu ở các cơ quan trung ương được phân bổ cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị như sau:

- Các cơ quan Đảng : 10 đại biểu (2,0%).

- Cơ quan Chủ tịch nước : 03 đại biểu (0,6%).

- Các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội (đại biểu Quốc hội chuyên trách ở trung ương): 133 đại biểu (26,6%).

- Chính phủ, cơ quan thuộc Chính phủ (bao gồm cả Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Công an): 15 đại biểu (3,0%).
- Lực lượng vũ trang:

+ Quân đội (cơ quan Bộ, các quân khu, quân chủng và lĩnh vực trọng yếu): 12 đại biểu (2,4%);

+ Công an: 02 đại biểu (0,4%).

- Tòa án nhân dân tối cao : 01 đại biểu (0,2%).

- Viện kiểm sát nhân dân tối cao: 01 đại biểu (0,2%).

- Kiểm toán nhà nước : 01 đại biểu (0,2%).

- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên: 29 đại biểu (5,8%).

2. Số lượng đại biểu Quốc hội ở địa phương là 293 đại biểu (58,6%)

Số lượng đại biểu Quốc hội ở địa phương được phân bổ như sau:

a) Cơ cấu định hướng gồm 220 đại biểu (44%)

Cơ cấu định hướng là cơ cấu khung để các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương làm căn cứ để giới thiệu người ứng cử, gồm:

- Lãnh đạo chủ chốt ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương kiêm Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội (Bí thư hoặc Phó Bí thư, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân) 63 đại biểu (12,6%).

- Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Đoàn đại biểu Quốc hội 67 đại biểu (13,4%) (đối với thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Nghệ An và tỉnh Thanh Hóa, mỗi địa phương có 02 đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách).

- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: 09 đại biểu (1,8%).

- Công đoàn: 06 đại biểu (1,2%).

- Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh: 05 đại biểu (1,0%).

- Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam: 07 đại biểu (1,4%).

- Hội Nông dân Việt Nam: 05 đại biểu (1,0%).

- Hội Cựu chiến binh Việt Nam: 03 đại biểu (0,6%).

- Đại biểu tôn giáo: 06 đại biểu (1,2%).

- Quân đội (bao gồm Bộ Chỉ huy quân sự và Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng cấp tỉnh): 14 đại biểu (2,8%).

- Công an: 09 đại biểu (1,8%).

- Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Sở Tư pháp: 13 đại biểu (2,6%), trong đó: Tòa án nhân dân: 05 đại biểu; Viện kiểm sát nhân dân: 04 đại biểu; Sở Tư pháp: 04 đại biểu.

- Tổ chức khoa học, công nghệ, giáo dục, đào tạo (viện nghiên cứu, đại học, học viện,...): 06 đại biểu (1,2%).

- Doanh nghiệp, hiệp hội, nghiệp đoàn về lĩnh vực sản xuất kinh doanh: 07 đại biểu (1,4%).

b) Cơ cấu hướng dẫn do các địa phương giới thiệu 73 đại biểu (14,6%)

Cơ cấu hướng dẫn là cơ cấu linh hoạt để các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương làm căn cứ để giới thiệu người ứng cử tiêu biểu, gồm đại diện các ngành: khoa học - công nghệ, lao động, thương binh - xã hội, giáo dục, y tế, văn hóa - nghệ thuật, đại diện Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên... Trong cơ cấu này, cần quan tâm phân bổ hợp lý số người là phụ nữ, ngoài Đảng, dân tộc, trẻ tuổi và tự ứng cử.

3. Cơ cấu kết hợp

Cơ cấu kết hợp là các cơ cấu theo chỉ tiêu kết hợp. Một người ứng cử đại biểu Quốc hội có thể có nhiều hơn một cơ cấu kết hợp, gồm:

- Đại biểu là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoảng 95 đồng chí (14%), trong đó có 12-14 đồng chí là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng.

- Đại biểu là người ngoài Đảng: từ 25-50 đại biểu (5%-10%).

- Đại biểu trẻ tuổi (dưới 40 tuổi): khoảng 50 đại biểu (10%).

- Đại biểu tái cử: khoảng 160 đại biểu (32%).

- Đại biểu là người dân tộc thiểu số bảo đảm tỷ lệ ít nhất 18% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội.

- Đại biểu là phụ nữ bảo đảm tỷ lệ ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội.

4. Hội đồng bầu cử quốc gia, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh và các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện Nghị quyết này, bảo đảm bầu đủ số lượng 500 đại biểu, đáp ứng tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, có cơ cấu phù hợp, là người tiêu biểu đại diện các ngành, các giới và các tầng lớp nhân dân; không nên kết hợp nhiều cơ cấu đối với một đại biểu.

* Đơn vị bầu cử trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội được quy định như thế nào?

Theo các khoản 1, 2, 4 Điều 10 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015, đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được bầu theo đơn vị bầu cử.

Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được chia thành các đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội.

Số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử và số lượng đại biểu Quốc hội được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử được tính căn cứ theo số dân, do Hội đồng bầu cử quốc gia ấn định theo đề nghị của Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và được công bố chậm nhất là 80 ngày trước ngày bầu cử (tức ngày 04 tháng 3 năm 2021 trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026).

Mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội được bầu không quá ba đại biểu.

* Thời gian nộp hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội được quy định như thế nào? Gồm các loại giấy tờ gì?

Điều 35 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015, Điều 2 Nghị quyết số 41/NQ-HĐBCQG ngày 18/01/2021 của Hội đồng bầu cử quốc gia quy định hồ sơ ứng cử và thời gian nộp hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội như sau:

Công dân ứng cử đại biểu Quốc hội theo quy định Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 phải nộp hồ sơ ứng cử chậm nhất là 70 ngày trước ngày bầu cử (tức ngày 14 tháng 3 năm 2021 trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026).

Hồ sơ ứng cử bao gồm:

a) Đơn ứng cử thực hiện theo mẫu số 01/HĐBC-QH ban hành kèm theo Nghị quyết số 41/NQ-HĐBCQG;

b) Sơ yếu lý lịch có đóng dấu giáp lai và xác nhận của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người ứng cử công tác hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người ứng cử cư trú: đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội thực hiện theo mẫu số 02/HĐBC-QH ban hành kèm theo Nghị quyết số 41/NQ-HĐBCQG;

c) Tiểu sử tóm tắt: đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội thực hiện theo mẫu số 03/HĐBC-QH ban hành kèm theo Nghị quyết số 41/NQ-HĐBCQG;

d) Mỗi bộ hồ sơ ứng cử của người ứng cử gửi kèm theo 03 ảnh chân dung màu, nền trắng, cỡ 4cm x 6cm (không kể ảnh dán trên Sơ yếu lý lịch và Tiểu sử tóm tắt);

đ) Bản kê khai tài sản, thu nhập của người ứng cử: đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội thực hiện theo mẫu số 04/HĐBC-QH ban hành kèm theo Nghị quyết số 41/NQ-HĐBCQG;

Người ứng cử thực hiện việc kê khai các nội dung đầy đủ, chính xác theo hướng dẫn trong các mẫu văn bản thuộc hồ sơ ứng cử ban hành kèm theo Nghị quyết số 41/NQ-HĐBCQG. Việc kê khai có thể thực hiện bằng cách viết tay hoặc đánh máy nhưng phải bảo đảm đúng theo các mẫu văn bản thuộc hồ sơ ứng cử do Hội đồng bầu cử quốc gia ban hành. Người ứng cử ký vào từng trang văn bản của hồ sơ ứng cử.

 Ảnh chân dung của người ứng cử là ảnh được chụp trong thời gian 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ ứng cử. Trong Sơ yếu lý lịch, Tiểu sử tóm tắt, ảnh của người ứng cử phải được dán đúng vị trí quy định và được đóng dấu giáp lai của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người ứng cử công tác hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người ứng cử cư trú.

*Việc nộp hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội được thực hiện như thế nào?

Điều 3 Nghị quyết số 41/NQ-HĐBCQG ngày 18/01/2021 của Hội đồng bầu cử quốc gia quy định về việc nộp hồ sơ ứng cử như sau:

a) Người được tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước ở trung ương giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội nộp 02 bộ hồ sơ ứng cử tại Hội đồng bầu cử quốc gia (qua Tổ giúp việc Tiểu ban nhân sự của Hội đồng bầu cử quốc gia, địa chỉ: Nhà Quốc hội, số 01 đường Độc Lập, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội);
b) Người được cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội và người tự ứng cử đại biểu Quốc hội nộp 02 bộ hồ sơ ứng cử tại Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi mình cư trú hoặc công tác thường xuyên;

Thời hạn nhận hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV trong giờ hành chính các ngày trong tuần, bắt đầu từ ngày 22 tháng 02 năm 2021 và kết thúc vào 17 giờ 00 ngày 14 tháng 3 năm 2021. Riêng thứ Bảy, ngày 13 tháng 3 năm 2021 và Chủ nhật, ngày 14 tháng 3 năm 2021, Tiểu ban nhân sự của Hội đồng bầu cử quốc gia và Ủy ban bầu cử các cấp cử người trực để nhận hồ sơ ứng cử.

Ủy ban bầu cử các cấp có trách nhiệm thông báo công khai về địa điểm và thời gian tiếp nhận hồ sơ ứng cử trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương.

* Những ai không được ứng cử đại biểu Quốc hội?

Theo quy định tại Điều 37 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015, những người sau đây không được ứng cử đại biểu Quốc hội:

1. Người đang bị tước quyền ứng cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người đang chấp hành hình phạt tù, người bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự.

2. Người đang bị khởi tố bị can.

3. Người đang chấp hành bản án, quyết định hình sự của Tòa án.

4. Người đã chấp hành xong bản án, quyết định hình sự của Tòa án nhưng chưa được xóa án tích.

5. Người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

*Danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội được lập như thế nào?

Theo Điều 57 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015, việc lập danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội được quy định như sau:

Chậm nhất là 30 ngày trước ngày bầu cử (tức ngày 22 tháng 4 năm 2021 trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026), Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gửi đến Hội đồng bầu cử quốc gia biên bản hiệp thương lần thứ ba và danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử được Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội.

Chậm nhất là 30 ngày trước ngày bầu cử, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh gửi đến Ủy ban bầu cử ở tỉnh biên bản hội nghị hiệp thương lần thứ ba và danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội tại địa phương.

Căn cứ vào danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội được Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giới thiệu, Hội đồng bầu cử quốc gia gửi đến Ủy ban bầu cử ở tỉnh danh sách và hồ sơ những người được giới thiệu về ứng cử tại địa phương.

Hội đồng bầu cử quốc gia lập và công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội theo từng đơn vị bầu cử trong cả nước theo danh sách do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban bầu cử ở tỉnh gửi đến chậm nhất là 25 ngày trước ngày bầu cử (tức ngày 27 tháng 4 năm 2021 trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026).

Danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội phải ghi rõ họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, quê quán, nơi thường trú, dân tộc, tôn giáo, trình độ học vấn, chuyên môn, nghề nghiệp, chức vụ, nơi công tác của người ứng cử. Danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội theo từng đơn vị bầu cử được xếp theo vần chữ cái A, B, C...
Người ứng cử đại biểu Quốc hội chỉ được ghi tên vào danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội ở một đơn vị bầu cử.
Số người trong danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội ở mỗi đơn vị bầu cử phải nhiều hơn số lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử đó ít nhất là hai người. Trong trường hợp khuyết người ứng cử vì lý do bất khả kháng thì Hội đồng bầu cử quốc gia xem xét, quyết định.

Chậm nhất là 20 ngày trước ngày bầu cử, Ủy ban bầu cử ở tỉnh phải công bố danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội ở địa phương mình theo quyết định của Hội đồng bầu cử quốc gia.

*Danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội được niêm yết ở đâu và trong thời hạn là bao nhiêu ngày?

Căn cứ Điều 59 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015, chậm nhất là 20 ngày trước ngày bầu cử, Tổ bầu cử phải niêm yết danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở khu vực bỏ phiếu.

* Xóa tên người ứng cử đại biểu Quốc hội trong trường hợp nào và thủ tục thực hiện?

Theo khoản 1 Điều 60 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015, việc xóa tên người ứng cử đại biểu Quốc hội được quy định như sau: người có tên trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội đã được Hội đồng bầu cử quốc gia công bố mà đến thời điểm bắt đầu bỏ phiếu bị khởi tố bị can, bị bắt, giữ vì phạm tội quả tang, bị mất năng lực hành vi dân sự, chết hoặc vi phạm nghiêm trọng pháp luật về bầu cử thì Hội đồng bầu cử quốc gia xóa tên người đó trong danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội.

*Việc khiếu nại, tố cáo về người ứng cử và lập danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội được thực hiện như thế nào?

Điều 61 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 quy định: Công dân có quyền tố cáo về người ứng cử, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về những sai sót trong việc lập danh sách những người ứng cử. Việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị được thực hiện như sau:

+ Khiếu nại, tố cáo, kiến nghị liên quan đến người ứng cử đại biểu Quốc hội, việc lập danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội được gửi đến Ban bầu cử đại biểu Quốc hội, Ủy ban bầu cử ở tỉnh, Hội đồng bầu cử quốc gia. Trường hợp người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị không đồng ý với kết quả giải quyết của Ban bầu cử, Ủy ban bầu cử thì có quyền khiếu nại đến Hội đồng bầu cử quốc gia. Quyết định của Hội đồng bầu cử quốc gia là quyết định cuối cùng;

+ Ban bầu cử, Ủy ban bầu cử, Hội đồng bầu cử quốc gia phải ghi vào sổ và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị nhận được theo thẩm quyền.

Trong thời hạn 10 ngày trước ngày bầu cử, Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử ngừng việc xem xét, giải quyết mọi khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về người ứng cử và việc lập danh sách những người ứng cử.

Trong trường hợp những khiếu nại, tố cáo đã rõ ràng, có đủ cơ sở kết luận người ứng cử không đáp ứng đủ tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội thì Hội đồng bầu cử quốc gia (đối với bầu cử đại biểu Quốc hội) quyết định xóa tên người đó trong danh sách chính thức những người ứng cử trước ngày bầu cử và thông báo cho cử tri biết.

Không xem xét, giải quyết đối với những đơn tố cáo không có họ, tên người tố cáo hoặc mạo danh người khác để tố cáo.
Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban bầu cử ở tỉnh, Ủy ban bầu cử ở huyện, Ủy ban bầu cử ở xã chuyển toàn bộ hồ sơ về khiếu nại, tố cáo chưa được giải quyết đến Ủy ban thường vụ Quốc hội (đối với bầu cử đại biểu Quốc hội) để tiếp tục xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

Về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về người ứng cử, khiếu nại tố cáo, kiến nghị về những sai sót trong việc lập danh sách những người ứng cử thực hiện theo Hướng dẫn số 13-HD/UBKTTW ngày 02/12/2020 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về thực hiện việc giải quyết tố cáo, khiếu nại về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 của các cấp ủy, tổ chức đảng, Ủy ban Kiểm tra các cấp.

* Biên bản tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội được lập khi nào?

Theo khoản 1 Điều 84 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015, sau khi nhận, kiểm tra biên bản xác định kết quả bầu cử của các Ban bầu cử, Ủy ban bầu cử ở tỉnh và giải quyết khiếu nại, tố cáo (nếu có), Hội đồng bầu cử quốc gia lập biên bản tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội trong cả nước.

* Biên bản tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội phải có những nội dung gì?

Theo khoản 2, 3 Điều 84 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015, biên bản tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội có các nội dung sau đây:

- Tổng số đại biểu Quốc hội được bầu;

- Tổng số người ứng cử;

- Tổng số cử tri trong cả nước;

- Tổng số cử tri đã tham gia bỏ phiếu, tỷ lệ so với tổng số cử tri trong cả nước;

- Số phiếu hợp lệ;

- Số phiếu không hợp lệ;

- Số phiếu bầu cho mỗi người ứng cử;

- Danh sách những người trúng cử theo từng đơn vị bầu cử;

- Những việc quan trọng đã xảy ra và kết quả giải quyết;

- Những khiếu nại, tố cáo do Hội đồng bầu cử quốc gia đã giải quyết.

 Biên bản tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội được lập thành năm bản, có chữ ký của Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia. Biên bản được gửi đến Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và trình Quốc hội khóa mới.

* Việc công bố kết quả bầu cử và danh sách người trúng cử đại biểu Quốc hội được quy định như thế nào?

Theo khoản 1 Điều 86 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015, Hội đồng bầu cử quốc gia căn cứ vào biên bản tổng kết cuộc bầu cử trong cả nước công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu Quốc hội chậm nhất là 20 ngày sau ngày bầu cử (tức chậm nhất ngày 12/6/2021 đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV).

* Khi có khiếu nại về kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội thì cơ quan nào giải quyết và thủ tục giải quyết như thế nào?

Theo Điều 87 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015, việc giải quyết khiếu nại về kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội được quy định như sau: khiếu nại về kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội phải được gửi đến Hội đồng bầu cử quốc gia chậm nhất là 05 ngày kể từ ngày công bố kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội.

Hội đồng bầu cử quốc gia có trách nhiệm xem xét, giải quyết khiếu nại về kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại.

Quyết định giải quyết khiếu nại của Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban bầu cử là quyết định cuối cùng.

* Xác nhận tư cách của người trúng cử đại biểu Quốc hội được quy định như thế nào?

Theo khoản 1 Điều 88 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015, căn cứ vào kết quả tổng kết bầu cử đại biểu Quốc hội, kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến người trúng cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng bầu cử quốc gia tiến hành xác nhận tư cách của người trúng cử đại biểu Quốc hội, cấp giấy chứng nhận đại biểu Quốc hội khóa mới cho người trúng cử và báo cáo Quốc hội khóa mới về kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội tại kỳ họp đầu tiên.

Nguồn: TS. Nguyễn Thị Tố Uyên: 200 câu hỏi - đáp về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV
và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026,
 Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021.

 

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả