Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV: “Dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm”

Ngày đăng: 23/11/2020 - 09:11

Ngày 17/11/2020, kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã chính thức kết thúc. Nhiều đại biểu nhận định từ chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn toàn kỳ họp cũng như khâu tổ chức, nội dung các phiên thảo luận ở tổ… của kỳ họp phần lớn đáp ứng được mong muốn cử tri.

Đặc biệt, khác với kỳ họp trước, tại kỳ họp này, Quốc hội đã dành nhiều thời gian tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp toàn thể ở Hội trường về việc thực hiện các Nghị quyết giám sát chuyên đề và các Nghị quyết chất vấn của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ khóa XIV cũng như một số Nghị quyết chất vấn khóa XIII; đoàn Chủ tọa kỳ họp cũng đã thực hiện một phương thức mới mang tính dân chủ hơn trong điều hành phiên chất vấn…

Một nhiệm kỳ đầy ấn tượng

Có thể thấy, Việt Nam trong giai đoạn 2016-2021 có nhiều điểm nổi bật. Đạt được thành tựu trên là nỗ lực rất lớn của cả nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc giám sát của Quốc hội, sự điều hành năng nổ của Chính phủ để đạt được kết quả kinh tế ấn tượng (từ năm 2016-2019, tăng trưởng năm sau luôn cao hơn năm trước).

Bất chấp đại dịch COVID-19 làm cho toàn cầu lao đao, suy thoái kinh tế thế giới ngày càng trầm trọng, hầu hết các nền kinh tế tăng trưởng âm thì ba quốc gia là Brunei, Malaysia và Việt Nam của khu vực ASEAN tăng trưởng dương.

Theo thông tin của đại biểu Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh tại một phiên thảo luận ở tổ: “Mười tháng gần đây, kết quả tăng trưởng kinh tế của Việt Nam khá tích cực: Quý I tăng 3,66%, quý II còn 0,39%, quý III là 2,62%. Chín tháng năm 2020 tăng trung bình 2,12%, lạm phát kiểm soát dưới 4%. Xuất khẩu các nước giảm tổng cầu rất lớn, thương mại thế giới toàn cầu giảm 10-20% nhưng Việt Nam riêng quý 3 tăng 11%...”.

Những con số ấn tượng đó đặt trong bối cảnh khó khăn chung toàn cầu đã giúp Việt Nam được nhận định là điểm sáng tăng trưởng kinh tế, được xem là quốc gia có mức tăng trưởng xuất khẩu cao nhất thế giới (04 quốc gia và vùng lãnh thổ xuất khẩu tăng trưởng dương gồm Việt Nam, Thổ Nhĩ Kỳ, Đài Loan, Trung Quốc). Đây là sự nỗ lực có điểm tận dụng được thời cơ hội nhập quốc tế, tận dụng lợi thế 13 FTA đã ký kết, đặc biệt là 02 hiệp định thương mại thế hệ mới với châu Âu, Thái Bình Dương.

Đặc biệt, trong kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu cũng đánh giá thành quả an sinh xã hội của Việt Nam đã đảm bảo tốt hơn, những thành tích về quốc phòng an ninh được tăng cường, kể cả công tác đối ngoại.

Có thể nói 2016-2021 là một nhiệm kỳ đạt được nhiều thành tích đáng mừng. Chỉ riêng năm 2020 do những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh gây khó khăn chung, khiến tốc độ tăng trưởng và những thành tích của cả nhiệm kỳ có phần giảm sút. Nhưng, cũng chính “cú vấp” đó lại trở thành kinh nghiệm quý báu mà sau đó Chính phủ đã rút ra trong báo cáo trước Quốc hội, tại phiên họp trực tuyến đầu kỳ họp thứ 10 vừa qua.

Nhiều vấn đề “nóng” trên nghị trường

Bước vào kỳ họp thứ 10 trong bối cảnh nền kinh tế, xã hội vừa gượng dậy sau đại dịch COVID-19 và cả miền Trung đang oằn mình gánh bão, các đại biểu đã thể hiện quan tâm đặc biệt trước vấn đề liên quan đến công tác phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai và đặc biệt là công tác quy hoạch, nạn chặt phá rừng... Các đại biểu thể hiện niềm trăn trở, mong muốn làm rõ nguyên nhân thiên tai đâu là do khách quan gây nên và đâu là yếu tố chủ quan liên quan đến con người.

Các đại biểu không chỉ trăn trở về công tác quy hoạch, nạn chặt phá rừng, an sinh xã hội, việc làm, đào tạo nghề,... mà còn chất vấn nhiều vấn đề liên quan đến phòng, chống tham nhũng…

Theo tổng kết đánh giá của các đại biểu, kỳ chất vấn lần này còn nổi lên một số nhóm vấn đề chính khác. Từ những thành quả của công tác cải cách hành chính và sự phát triển của công nghệ thông tin, đại biểu quan tâm đến việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp cần tiếp tục có những cải tiến gì để nâng cao hơn nữa hiệu quả cung cấp dịch vụ cho người dân và doanh nghiệp được thuận lợi hơn.

Đi liền với khắc phục hậu quả từ đại dịch COVID-19, các đại biểu Quốc hội cũng thể hiện trăn trở về những vấn đề an sinh xã hội, việc làm, đào tạo nghề,... cần làm thế nào và có giải pháp cụ thể ra sao để vượt qua khó khăn trong bối cảnh ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh.

Liên quan đến việc tổ chức thực thi pháp luật, có rất nhiều câu hỏi được nêu ra trong các phiên chất vấn như: Vấn đề về tự chủ đại học; suy thoái đạo đức lối sống, xử lý vi phạm hành chính; phòng, chống tham nhũng…

Theo thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa, đoàn đại biểu Quốc hội Thừa Thiên Huế, ở kỳ họp này, Ban Thường vụ Quốc hội đã chuẩn bị nội dung chương trình khá tốt.

“Ban Thường vụ của Quốc hội đã điều hành các phiên họp và toàn thể kỳ họp này rất linh hoạt và khoa học, tôn trọng đại biểu và phát huy được tính dân chủ”.

“Đặc biệt là các luật được dư luận quan tâm, ví dụ như Luật Cư trú, Luật Môi trường, Luật Xử phạt hành chính, thảo luận về Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở… Hoặc về nhân sự, Quốc hội thông qua bổ sung một số nhân sự mà trước đây dự thảo không có, như việc phê chuẩn Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Thống đốc Ngân hàng nhà nước, 03 thẩm phán tối cao,” đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa nhận định.

Kỳ họp “dân chủ, thẳng thắn và trách nhiệm”

Phát huy những mặt tích cực của kỳ họp thứ 9, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV tiếp tục được thực hiện theo hình thức họp trực tuyến và trực tiếp. Theo đó, đợt 01 họp trực tuyến kết nối giữa các điểm cầu từ Nhà Quốc hội đến 63 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trong cả nước từ ngày 20-27/10/2020; đợt 02 họp tập trung tại Nhà Quốc hội từ ngày 02-17/11/2020.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng kỳ họp này tuy gặp phải nhiều khó khăn, thách thức từ dịch bệnh, thiên tai, bão lũ… nhưng lại chính là kỳ họp các đại biểu dành rất nhiều tâm huyết thảo luận, để quyết định những vấn đề quan trọng.

“Theo nhận định và đánh giá của cá nhân tôi, đây là kỳ họp thành công. Thành công bởi chúng ta đưa ra những nội dung quan trọng để các đại biểu có thể thảo luận và quyết định. Thành công bởi đại biểu đã rất thẳng thắn, chân thành và trách nhiệm trong từng phát biểu của mình. Thành công còn bởi lẽ những vấn đề lớn, những vấn đề khó được đại biểu tranh luận để cùng làm sáng rõ những chân lý, tìm ra lẽ phải và từ đó đưa ra những quyết định phù hợp với lòng dân,” đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết.

Còn thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa đánh giá không chỉ riêng kỳ họp này mà nói chung cả khóa XIV các đại biểu đều tham gia rất nhiều ý kiến chất lượng, nhiều đại biểu phát biểu với tinh thần thẳng thắn, đóng góp cao; kể cả 03 chức năng của Quốc hội về ban hành luật, các vấn đề quan trọng của đất nước, về giám sát, các hoạt động bên lề nghị trường đều được thông tin tuyên truyền kịp thời.

Hai đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa và Nguyễn Thị Quyết Tâm đều là những gương mặt có nhiều ý kiến, chất vấn sắc sảo không chỉ trên nghị trường mà còn chia sẻ nhiều băn khoăn, trăn trở bên hành lang Quốc hội. Cả hai đều khẳng định Ban Thường vụ của Quốc hội đã điều hành các phiên họp và toàn thể kỳ họp này rất linh hoạt và khoa học, tôn trọng đại biểu và phát huy được tính dân chủ.

“Giờ đây năm đồng chí lãnh đạo của Quốc hội đã có nhiều kinh nghiệm điều hành, các đại biểu cũng mang tinh thần trách nhiệm cao giống như đồng chí Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nói khi kết luận phiên chất vấn cuối buổi sáng ngày 10/11 là: Dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm và nhiều ý kiến,” thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa chia sẻ.

Nỗ lực đổi mới

Có thể nói, khác với kỳ họp trước, tại kỳ họp này, Quốc hội đã dành nhiều ngày tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp toàn thể ở hội trường. Đây được đánh giá là một trong những nỗ lực đổi mới, sự cố gắng rất lớn Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Đoàn Chủ tọa kỳ họp trong tổ chức điều hành phiên chất vấn.

Việc trả lời theo phương thức chất vấn mở của kỳ họp lần này cho phép tất cả các thành viên Chính phủ và Tư lệnh ngành có cơ hội được tham gia trả lời chất vấn, giải trình vấn đề thuộc trách nhiệm của mình.

Nếu các kỳ họp trước thường chất vấn theo nhóm vấn đề và việc chất vấn chỉ tập trung vào một số thành viên Chính phủ, thì lần này Quốc hội chất vấn theo phương thức mở, cho phép tất cả các thành viên Chính phủ, các Tư lệnh ngành đều có cơ hội tham gia trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội.

Đặc biệt, mỗi ý kiến, chất vấn đều được quy định thời gian và có chuông nhắc hết giờ nhằm tránh tình trạng nói “tràng giang đại hải,” không tập trung vào nội dung chính và mất thời gian của các đại biểu khác như nhiều kỳ họp trước. Thậm chí, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại phiên giải trình và trả lời chất vấn diễn ra sáng ngày 10/11, cũng được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân giới hạn thời gian.

Như vậy có thể nói, Đoàn Chủ tọa kỳ họp đã thực hiện một phương thức mới mang tính dân chủ hơn trong điều hành phiên chất vấn.

Đánh giá về phần trả lời của các thành viên Chính phủ và tư lệnh ngành, đại biểu Đặng Xuân Phương, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đăk Lăk nhận định việc trả lời chất vấn theo cách thức tập trung theo nhóm vấn đề giúp các đại biểu Quốc hội đi sâu, đi đến cùng của vấn đề chất vấn nhưng lại hạn chế về số lượng, cơ hội cho các thành viên Chính phủ được trả lời.

Trong khi đó, trả lời theo phương thức chất vấn mở cho phép tất cả các thành viên Chính phủ và tư lệnh ngành có cơ hội được tham gia trả lời chất vấn, giải trình vấn đề thuộc trách nhiệm của mình.

Thời gian kết thúc khóa XIV đã gần kề, nhiều đại biểu Quốc hội mong muốn các đại biểu mới khóa mới sẽ tích cực phát huy tinh thần của các khóa Quốc hội trước và bày tỏ tin tưởng với những nỗ lực đổi mới vừa qua, Quốc hội sẽ hoàn thành được các chức năng, nhiệm vụ là cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước.

Bài: Xuân Mai, Ảnh: Doãn Tấn

Theo TTXVN

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả