Lịch sử nước ta - Bài diễn ca lịch sử mang ý nghĩa vượt thời đại

Ngày đăng: 12/12/2022 - 00:12

Đã 80 năm trôi qua kể từ ngày tác phẩm “Lịch sử nước ta” của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc được xuất bản lần đầu tiên - một tác phẩm thơ giản dị, phổ thông, thông qua hình thức kể chuyện nhằm mục đích tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân về lịch sử dân tộc, đất nước và con người Việt Nam, đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị, đã khẳng định sức sống mãnh liệt và ý nghĩa vượt thời đại của tác phẩm quý này.

Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, tháng 5/1941, lấy danh nghĩa đại diện Quốc tế Cộng sản, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập và chủ trì Hội nghị lần thứ VIII Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương tại Khuổi Nậm, Pắc Pó, Cao Bằng. Nghị quyết Hội nghị đã nêu rõ: “Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”. Chính trong không khí sôi sục đó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã viết tác phẩm “Lịch sử nước ta” nhằm mục đích giúp cho cán bộ Việt Minh có thêm tài liệu để truyền bá, vận động quần chúng nhân dân tham gia chuẩn bị khởi nghĩa, giành chính quyền cách mạng khi thời cơ đến.

Với chỉ 208 câu thơ lục bát, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tóm tắt một cách cô đọng lịch sử dân tộc từ ngày tổ tiên dựng nước đến trước ngày khởi nghĩa Tháng Tám (tức từ khoảng hàng nghìn năm trước Công nguyên đến năm 1941). Mở đầu tác phẩm bằng những câu thơ: “Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam/Kể năm hơn bốn ngàn năm/Tổ tiên rực rỡ, anh em thuận hoà”, Người đã chọn lọc, giới thiệu những nhân vật, những sự kiện chân thực, khách quan để khôi phục chính xác bức tranh hàng nghìn năm lịch sử của dân tộc với những nét cơ bản về truyền thống yêu nước, đấu tranh giành độc lập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta. Trân trọng lịch sử, tự hào về truyền thống giữ nước của dân tộc, bằng việc điểm lại những cuộc đấu tranh, khởi nghĩa chống quân xâm lược, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã sử dụng những từ ngữ phổ thông, dân dã, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ đi vào lòng người và có sức lan tỏa, thâm nhập sâu vào đại chúng để ca ngợi, tri ân, vinh danh các triều đại, các vị anh hùng có tài trị quốc an dân, mở mang bờ cõi. Với tầm nhìn xa trông rộng, tư duy khoa học cùng hiểu biết sâu sắc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã ngợi ca tinh thần bất khuất của các vị anh hùng dân tộc trong lịch sử, từ đó thôi thúc toàn dân, không kể già, trẻ, gái, trai đồng tâm đứng lên chiến đấu, hy sinh vì nền độc lập, tự do của đất nước. Từ những bài học quý báu của lịch sử, Người căn dặn, toàn dân ta phải coi việc xây dựng đoàn kết là trung tâm của cuộc vận động cách mạng, là điều kiện cơ bản để Đảng và nhân dân ta khôi phục lại độc lập, tự do: “Dân ta xin nhớ chữ đồng/Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh!”.

Phần cuối tác phẩm là mục “Những năm quan trọng”, thống kê những sự kiện lớn trong lịch sử dân tộc từ năm 1879 trước Công nguyên đến năm 1941. Cuối cùng là một mốc lịch sử thể hiện nhãn quan chính trị, tầm dự báo thiên tài của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc: “1945 Việt Nam độc lập”.

Có thể thấy, trên cơ sở giá trị khoa học lịch sử, tác phẩm “Lịch sử nước ta” đã làm nổi bật quan điểm, đường lối chính trị của Đảng, góp phần tuyên truyền, giác ngộ, thức tỉnh và thúc đẩy tinh thần đoàn kết, yêu nước, đồng tâm hiệp lực đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta. Đồng thời, cuốn sách là tài liệu quý, dùng để tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, cũng như nhằm triển khai Hội nghị văn hóa toàn quốc vừa qua.

Bình luận