Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam - Những chứng tích lịch sử

Ngày đăng: 28/07/2022 - 08:07

Sách xưa có câu vương giả dĩ dân vi thiên, dân dĩ thực vi thiên, để nói về tầm quan trọng của dân đối với vua, và đối với dân thì cái ăn là mối quan tâm trước nhất, ý nói cái ăn là vấn đề tối thượng, vấn đề cơ bản nhất trong cuộc sống. Những biến động lớn của lịch sử nhân loại nói chung, của Việt Nam nói riêng, đều có liên quan đến điều “vi thiên” này. Không ít triều đại, quốc gia đã sụp đổ vì coi thường hoặc không chống đỡ nổi mối quan tâm “vi thiên” đó. Đại Nam thực lục từng ghi chép nạn đói ở Bắc thành vào năm 1810 do lũ lụt, khiến vua Gia Long phải sai tổng trấn Nguyễn Văn Thành mở kho lương cấp 30.000 hộc thóc cho dân mấy trấn như Kinh Bắc, Hải Dương, Yên Quảng, Sơn Nam.

Cuốn sách Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam - Những chứng tích lịch sử

Nhưng điều đó đã không diễn ra với nước Việt Nam trải cảnh một cổ hai tròng khi Nhật ép Pháp nhường quyền cai trị để bóc lột Đông Dương nhằm đáp ứng các yêu cầu chiến tranh mà một đế quốc sắp bại trận phải đối mặt. Bởi thế, nạn đói năm 1945 đã trở thành nỗi ám ảnh khủng khiếp, chứng tích đanh thép về tội ác, sự tàn bạo của chiến tranh tại nhiều vùng quê Bắc Bộ. Nhưng cũng bởi vì là một nước thuộc địa, những ghi chép đầy đủ mang tính sử liệu đã không được ghi lại, không được bảo tồn một cách đúng đắn. Trải ba mươi năm chiến tranh, đối diện với vô vàn những tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, những điều đó có nguy cơ mai một dần. Cuốn sách Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam - Những chứng tích lịch sử do Giáo sư Văn Tạo và Giáo sư Furuta Motoo, cùng các nhà nghiên cứu của Viện Sử học, cộng tác cùng nhiều nhà khoa học khác và sự giúp đỡ của nhân dân các địa phương trong cả nước thực hiện. Đây là những tư liệu lịch sử, những kết quả khảo sát trực tiếp những địa điểm xảy ra nạn đói, những phỏng vấn nhân chứng lịch sử để dựng lại bức tranh toàn cảnh nạn đói Việt Nam năm 1945, làm rõ số lượng hơn 2 triệu người chết đói, thảm họa chết đói, làm rõ nguyên nhân dẫn đến nạn đói và hậu quả nghiêm trọng của nó. Đồng thời, cuốn sách đã trả lời cho những câu hỏi đã đè nặng lên hơn 70 năm lịch sử: Nạn đói diễn ra ở đâu, Nơi nào người chết nhiều nhất, Tầng lớp nào chết nhiều nhất, Ai là người có cái “van an toàn” trước nạn đói, Hậu quả lâu dài của nạn đói, Cứ liệu lịch sử khả tín đến đâu, Nói lên điều gì về tính tàn khốc của nạn đói?…

Việc tiến hành điều tra thực địa theo phương pháp xã hội học lịch sử đã cho thấy đây là một công trình khoa học được thực hiện công phu, nghiêm túc. Phương pháp xã hội học lịch sử được thực hiện với kết quả ba đợt điều tra và khảo sát thực tế có quy mô lớn vào các năm 1992, 1993 - 1994, 1994 - 1995 ở 23 điểm thuộc 21 tỉnh, thành phố từ Quảng Trị trở ra. Phương pháp xã hội học lịch sử được sử dụng như vậy trong trường hợp nghiên cứu xã hội nhân văn cho phép khách quan hóa một cách tối đa cái nhìn đối với một sự kiện chứa đựng đầy thương đau, đầy những vết sẹo tưởng lành nhưng vẫn còn âm ỉ. Chính bởi thế, tính thuyết phục về mức độ cụ thể, xác thực được nhấn mạnh tối đa.

Theo cuốn sách cho biết, nạn đói năm 1945 diễn ra từ cuối năm 1944 đến tháng 5/1945 và tỉnh Thái Bình là nơi gánh chịu hậu quả nặng nề nhất. Xã Tây Lương (thuộc huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) có đến 66,66% số dân của xã chết đói, trong đó rất nhiều gia đình chết cả nhà, nhiều dòng họ chết cả họ. Nạn đói năm 1945 không chỉ cướp đi sinh mạng của hơn 2 triệu con người mà những hình ảnh như: trẻ em nhay vú mẹ đã chết, những nấm mồ chôn tập thể, những bóng người đói vật vờ trên khắp các ngõ phố, mùi hôi thối nồng nặc, việc cướp giật đồ ăn… trở thành nỗi ám ảnh khôn nguôi, trở thành biểu tượng đỉnh cao của sự dày vò mà chiến tranh mang lại. Để đến hiện tại, vẫn có những người thân đi tìm nhau sau hơn nửa thế kỷ thất lạc vì nạn đói. Cái đói khủng khiếp ở chỗ nó không chỉ gây ra cái chết, cái ly tán, chia lìa của những số phận mà nó trực diện đánh vào nhân phẩm con người. Việc vì miếng ăn, vì sự sinh tồn mà người ta có thể bị chôn vùi nhân phẩm, hủy hoại nhân tính là có thật.

Với việc cung cấp những tư liệu thành văn về chủ trương, chính sách và cơ cấu tổ chức thu vét thóc gạo của Nhật - Pháp, chủ trương, chính sách và cơ cấu tổ chức trồng và thu mua đay; việc tổ chức thực hiện chính sách thu vét thóc gạo của Nhật - Pháp, cuốn sách đã cung cấp cái nhìn đầy đủ nhưng quan trọng hơn hết có lẽ là đi tìm câu trả lời cho nguyên nhân gây ra nạn đói.

Tội ác này là do âm mưu thâm độc của phát xít Nhật và tay sai thực dân Pháp gây nên. Lúc đó nhân dân Việt Nam ở vào tình cảnh “một cổ hai tròng”, trong khi Nhật vơ vét lúa gạo phục vụ chiến tranh, thì Pháp dự trữ lương thực, cộng với lũ lụt thiên tai mất mùa… Tất cả những điều ấy đã đẩy người dân Việt Nam vào tình cảnh khốn cùng. Chính sách vơ vét bóc lột tàn bạo của phát xít Nhật, việc ép buộc nhổ lúa trồng đay… chính là nguyên nhân trực tiếp nhất gây nên hậu quả thảm khốc này.

Những con số thống kê, những chỉ dẫn về địa điểm vừa xác thực vừa đủ đầy thể hiện qua kết quả 3 đợt điều tra thực địa1 đã mang đến một cái nhìn toàn cảnh về nạn đói. Những con người không chỉ bị cơn đói dày vò mà còn tuyệt vọng từng giờ từng phút khi thấy người thân chết mà không cứu được. Rất nhiều người tìm cái sống bằng cách bỏ nhà cửa quê hương, mồ mả tổ tiên để ra đi, “Họ đi thành rặng dài bất tuyệt”… đúng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Nạn đói nguy hiểm hơn nạn chiến tranh”. Bằng chứng là những điều tra xã hội học sau này cho thấy, bên cạnh những tác động về mặt thể chất, nạn đói để lại những ảnh hưởng dai dẳng đến đời sống không chỉ một mà nhiều thế hệ như cơ hội học tập, cơ hội nâng cao và cải thiện chất lượng sống…

334 đơn vị tài liệu tham khảo, bao gồm các tài liệu lưu trữ ở trong và ngoài nước, các công trình nghiên cứu, sách, bài viết trên báo chí, tập san được cung cấp trong sách cho thấy sự công phu của đội ngũ các tác giả thực hiện, hơn thế, có sức thuyết phục người đọc chính còn vì những câu chuyện đầy sức ám ảnh được kể lại bằng cứ liệu đủ đầy, nhân chứng sinh động.

Cùng với phần chính văn được thực hiện một cách khoa học, hệ thống và thuyết phục, cuốn sách Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam - Những chứng tích lịch sử đã giúp minh định một cách đích xác và đa chiều về những ám ảnh kinh hoàng của nạn đói năm 1945 mà người dân Việt Nam đã trải qua. Cần phải kể thêm bộ ảnh quý hiếm của nhiếp ảnh gia Võ An Ninh mà ông thực hiện đã trở thành một kho tư liệu quý báu cho tất cả những ai yêu thích tính đích xác và khoa học của lịch sử. Việc trở lại bàn luận sâu về “cơn ác mộng, nỗi đau nhức nhối khó quên của dân tộc Việt Nam” ấy, các tác giả đã thực hiện công việc đặt trách nhiệm “đi tìm sự thật lịch sử, chứ không chỉ nhằm làm rõ con số hơn 2 triệu người chết đói đã được biết đến từ 50 năm qua” đồng thời mong muốn lên án tội ác, ngăn ngừa chiến tranh xâm lược, bảo vệ hòa bình, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và củng cố tình hữu nghị giữa các dân tộc.

Trong Tuyên ngôn độc lập 1945, Hồ Chí Minh đã xác nhận sự thật lịch sử đó sau những lập luận đanh thép: “cuối năm ngoái sang đầu năm nay, từ Quảng trị đến Bắc kỳ hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói”. Để sự thật này không bị biến thành một thứ huyền thoại, dù vô tình hay hữu ý, những chứng lý khoa học là vô cùng cần thiết. Viết về một sự kiện đã diễn ra hơn nửa thế kỷ nhưng sức hấp dẫn của cuốn sách vẫn còn nguyên, Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam - Những chứng tích lịch sử đã mang đến một cái nhìn đa chiều, công phu với mục đích cao nhất là làm sáng tỏ lịch sử, bởi lẽ không điều gì thuộc về lịch sử mà con người được phép lãng quên. Giá trị của cuốn sách không chỉ ở những thông tin khoa học, bài bản, hệ thống mà còn ở tính nhân văn của cuốn sách. Bởi lên tiếng xót thương, cảm thông về những nỗi thống khổ mà con người phải chịu đựng là cách hữu hiệu nhất bày tỏ sự yêu chuộng hòa bình giữa các quốc gia dân tộc trên toàn thế giới.

1. Đợt 1: Thái Bình; Đợt 2: Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Nam Định, Ninh Bình; Đợt 3: Bắc Giang, Bắc Ninh, Cao Bằng, Hà Đông, Hà Nam, Hà Tĩnh, Hải Dương, Hòa Bình, Hưng Yên, Phú Thọ, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Yên, Thái Nguyên, Thanh Hóa.

Bắc Luân

Bình luận