Đồng chí Lê Đức Thọ bàn về phương pháp cách mạng sáng tạo

Ngày đăng: 04/11/2011 - 09:11

TS. Bùi Công Hùng*

Trong một số lần được trực tiếp tiếp xúc, làm việc với đồng chí Lê Đức Thọ, và qua nhiều tác phẩm đồng chí để lại cho đời, tôi nhận thấy đồng chí Lê Đức Thọ không chỉ là nhà lãnh đạo xuất sắc về công tác tổ chức, ngoại giao, quân sự, mà còn là nhà tư tưởng, nhà lý luận của Đảng, của cách mạng nước ta, xứng đáng là học trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

LDT15a

Qua hơn hai mươi tác phẩm của đồng chí Lê Đức Thọ, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng ta, mà tôi đã được đọc, tôi thấy đồng chí Lê Đức Thọ đã quan tâm nhiều vấn đề, đặc biệt là vấn đề phương pháp cách mạng sáng tạo bên cạnh các vấn đề khác như công tác tư tưởng, công tác bồi dưỡng của đảng viên. Đảng ta đã lãnh đạo dân tộc Việt Nam, nhân dân Việt Nam làm Cách mạng Tháng Tám thành công, xây dựng Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Đảng ta đã có chiến lược và sách lược tài tình để đánh bại chủ nghĩa thực dân cũ và thực dân mới Hoa Kỳ, để bảo vệ nền độc lập tự do thiêng liêng của Tổ quốc, để vừa xây dựng, làm tròn nghĩa vụ dân tộc, vừa làm tròn nghĩa vụ quốc tế vô sản. Các đồng chí lãnh đạo của Đảng ta, trong đó có đồng chí Lê Đức Thọ, đã sáng tạo phương pháp cách mạng mới mẻ, độc đáo, trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin, trên cơ sở cách mạng thực tiễn của dân tộc, trên cơ sở truyền thống lâu đời, kinh nghiệm lâu đời của dân tộc, trên cơ sở nhân dân làm chủ tập thể lịch sử dân tộc, vận mệnh dân tộc.

Đồng chí Lê Đức Thọ đã từng suy nghĩ, đã từng trực tiếp tham gia lãnh đạo kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ, Hội đàm ở Pari, chỉ đạo Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tham gia nghĩa vụ quốc tế, tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng ta và đã đúc kết về lý luận trong nhiều quyển sách từ năm 1949 đến năm 1989.

Muốn chọn lựa được phương pháp cách mạng sáng tạo, việc đầu tiên có tính nguyên tắc, có tính quyết định là phải thấu suốt, nắm vững sâu sắc một cách chủ động, toàn diện chủ nghĩa Mác - Lênin, nắm được kinh nghiệm cách mạng thế giới trong lịch sử thế giới, nắm được kinh nghiệm đấu tranh của dân tộc và giai cấp qua lịch sử dân tộc, lịch sử Đảng. Ngay từ năm 1949, trong Hội nghị cán bộ toàn Nam Bộ lần thứ hai, tháng 10-1949, đồng chí Lê Đức Thọ đã phê phán khuynh hướng khinh thường lý luận, chỉ chú trọng kinh nghiệm cụ thể, vì nếu không nắm vững các nguyên lý lý luận cơ bản thì chẳng những không thể sáng tạo đúng hướng, mà còn có thể xảy ra tả khuynh hoặc hữu khuynh, hoặc xét lại hoặc giáo điều. Đồng chí đã nhấn mạnh nguyên tắc cơ bản này: "Việc học tập, Trung ương đã ra nghị quyết từ sau Cách mạng Tháng Tám, bắt các đồng chí mỗi ngày phải bỏ ra hai giờ học tập, Trung ương đã sớm nhận thấy các đồng chí cũ thì kém văn hóa, các đồng chí mới thì chính trị còn non, nếu không học tập thì không thể lãnh đạo chính quyền được. Nghị quyết đó đã gần bốn năm, Đảng bộ Bắc Trung đã đem lại ít nhiều kết quả, nhưng riêng Nam Bộ chúng ta có thể nói gần như không có học tập... Những đồng chí có kinh nghiệm công tác lại còn khinh thường lý luận đã trở nên hẹp hòi thiển cận... Số sách báo xuất bản còn không đủ và phát hành không phổ cập đến tận chi bộ"[1].

Có lý luận, nắm vững chủ nghĩa Mác - Lênin, nắm vững kiến thức văn hóa nhân loại và dân tộc, người lãnh đạo cách mạng trong quá trình lãnh đạo cách mạng mới có tầm nhìn bao quát, không sa vào thiển cận, hẹp hòi, địa phương chủ nghĩa, bè phái. Khi nói về Lênin, nhân kỷ niệm lần thứ 100 Ngày sinh của Người, đồng chí Lê Đức Thọ đã nêu lên vai trò của tầm nhìn đó, vị trí quan trọng của sự kết hợp giữa cách mạng và khoa học. Vì sáng tạo ấy là sáng tạo trên cơ sở kế thừa có chọn lọc, phê phán, sáng tạo trên những phương hướng chiến lược đã thống nhất. Sáng tạo tùy tiện không có bờ bến, vô nguyên tắc, thì có khả năng trở thành xét lại, chống lại chủ nghĩa Mác - Lênin.

Nói đến V.I. Lênin, đồng chí Lê Đức Thọ nhấn mạnh đặc điểm này: "Là phượng hoàng đại ngàn của cách mạng thế giới, Lênin đã nêu tấm gương mẫu mực của người lãnh đạo và người cộng sản, có tầm nhìn bao trùm toàn thế giới và khái quát cả thời đại, luôn kết hợp cách mạng với khoa học, lý luận với thực tiễn, đầy nhiệt tình, năng động, dũng cảm, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, khó khăn cũng bình tĩnh, sáng suốt, tin tưởng không bờ bến vào sức mạnh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng, suốt đời sống giản dị và gần gũi với quần chúng"1.

Muốn sáng tạo phương pháp cách mạng mới, còn phải hoạt động lăn lộn trong thực tiễn, đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn, đúc kết kinh nghiệm sáng tạo của quần chúng, nâng lên thành lý luận. Ở trong thực tiễn, lý luận trong quá trình vận động sẽ bộc lộ mặt mạnh, yếu, sẽ phát triển. Quy luật sẽ biểu hiện trong những hoạt động cụ thể, hoạt động cụ thể giúp ta tìm ra quy luật sâu xa bên trong. Bao giờ đồng chí Lê Đức Thọ cũng dành phần đúc kết các bài học rút ra từ tình hình cụ thể. Để đúc kết lý luận về chế độ quản lý mới trong hợp tác nông nghiệp, đồng chí Lê Đức Thọ đã đến các hợp tác xã Vũ Thắng, Đông Vinh, Đông Quang, Minh Quang, Phú Lương, Hải Vân, Khánh Phú, Lộc Hạ, các huyện Đông Hưng, Nam Ninh thuộc các tỉnh Thái Bình, Hà Nam Ninh. Càng đi sâu, lắng nghe, đồng chí càng tin rằng: "Phải lắng nghe ý kiến quần chúng, lắng nghe những ý kiến "thuận tai" cũng như ý kiến "trái tai", tổng kết những sáng kiến của quần chúng để bổ sung chính sách... Tình hình đang khó khăn, nhưng khó khăn thường là những vấn đề cụ thể, những vấn đề cụ thể lại phải được xem xét và đánh giá nó trong thực tiễn đầy sinh động và dưới ánh sáng đường lối của Đảng. Sáng kiến về khoán sản phẩm càng làm cho chúng ta tin tưởng một chân lý mà Lênin thường nhắc nhở chúng ta: "Quần chúng luôn luôn sáng tạo""1. Đồng chí Lê Đức Thọ coi trọng việc lăn mình vào hoạt động thực tiễn, kiểm tra và bổ sung đường lối trong thực tiễn đấu tranh và cách mạng: "để biến Nghị quyết Đại hội lần thứ V của Đảng thành hiện thực, cụ thể và hành động phải là khẩu hiệu của chúng ta. Phải cụ thể thì mới hành động được... Lăn mình vào hành động lại là một dịp để kiểm nghiệm chính sách của chúng ta, kịp thời bổ sung, làm cho chính sách cụ thể hơn nữa, gắn với cuộc sống hơn nữa, do đó có khả năng trở thành hiện thực hơn nữa"2.

Đồng chí Lê Đức Thọ quan niệm một cách hoàn chỉnh về nội dung của tổ chức thực tiễn: "Nói tổ chức thực tiễn là nói đến hàng loạt những khâu hoạt động hợp thành một hệ thống hoàn chỉnh từ đề ra chủ trương thích hợp đến thực hiện đạt kết quả cụ thể và tổng kết kinh nghiệm rút ra những bài học bổ ích"3.

Để có được phương pháp sáng tạo cách mạng, đồng chí Lê Đức Thọ cho rằng cần phải có tinh thần cách mạng tiến công, năng động, dám nghĩ, dám làm; kiên cường trong đấu tranh và dũng cảm chống bảo thủ trì trệ. Ngay từ năm 1949, đồng chí Lê Đức Thọ đã phê phán thái độ rụt đầu, rụt cổ, uốn éo, quanh co, quan liêu, trống rỗng: "Chính sách đường lối trung gian không phải là chính sách của Đảng ta, đó là chính sách của một chính đảng rụt đầu, rụt cổ, uốn éo, quanh co, ngày càng hủ bại. Chính sách đó không tránh khỏi làm cho Đảng hóa ra một cơ quan quan liêu, trống rỗng, không khác gì tượng gỗ, không gây được tác động gì, mà lại xa lìa giai cấp công nhân"1.

Đồng chí Lê Đức Thọ đã chỉ ra bảo thủ trì trệ thể hiện trên ba mặt:

1. Không kịp thời sửa đổi cơ chế quản lý bao cấp, trói buộc bên dưới nặng nề, không kịp thời đề ra cơ chế quản lý mới và chủ trương mới, những chính sách và đòn bẩy kinh tế.

2. Kéo dài tình trạng kém cỏi trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Cơ chế hành chính quan liêu bao cấp.

3. Bảo thủ trì trệ trong tất cả các khâu công tác cán bộ2. Đồng chí Lê Đức Thọ đã nói lên tình trạng bảo thủ trì trệ, bằng hình ảnh "đi lên dốc bằng chiếc xe bò bánh vuông". Xe bò bánh vuông mà leo dốc thì còn gì là tốc độ, còn gì là sức mạnh, sự trì trệ là lẽ đương nhiên. Nhưng đồng thời, đồng chí Lê Đức Thọ cũng nhìn nhận một cách đúng đắn và toàn diện. Từ khó khăn, từ vấp váp, điều quan trọng hơn cả mà Đảng ta đã biết rút được các bài học kinh nghiệm để tiến lên, chứ không bi quan, nản chí, mà rút kinh nghiệm để tiến hành cách mạng nhanh hơn, tốt hơn. Cách nhìn nhận vấn đề sáng suốt, tỉnh táo rất cần thiết trong quá trình tìm tòi phương pháp cách mạng thích hợp "Điều quan trọng là Đảng ta đã rút ra được bài học kinh nghiệm quý báu trong việc xây dựng chủ nghĩa xã hội"3.

Từ các quan điểm nói trên, đồng chí Lê Đức Thọ cho rằng Đảng ta đã sáng tạo ra phương pháp cách mạng mới thích hợp với từng thời kỳ, từng đối tượng, có nhiều đóng góp cho kho tàng kinh nghiệm cách mạng thế giới. Đó là thành tựu nổi bật của Đảng ta. Đảng ta là một Đảng có tính chiến đấu cao, lại là một Đảng trình độ lý luận cao, có nhiều lãnh tụ có sức sáng tạo mạnh mẽ như Bác Hồ, như đồng chí Lê Duẩn... Sự sáng tạo ấy thể hiện trong các mặt:

- Lãnh đạo đường lối,

- Hình thức tổ chức và phương pháp đấu tranh. "Lịch sử cách mạng nước ta trong nửa thế kỷ qua chứng minh Đảng ta thật sự là một Đảng Mác - Lênin không những về phương diện lãnh đạo đường lối mà còn cả về phương diện sáng tạo hình thức tổ chức và phương pháp đấu tranh. Đúc kết được nhiều kinh nghiệm phong phú và độc đáo về phương pháp cách mạng là một thành tựu nổi bật của Đảng ta"1.

Đồng chí Lê Đức Thọ cho rằng Đảng ta sáng tạo được phương pháp cách mạng đúng đắn nhờ ba nguyên nhân cơ bản:

+ Triệt để khai thác một cách sáng tạo kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin.

+ Coi trọng tổng kết tình hình thực tế.

+ Nắm vững nguyên tắc liên hệ chặt chẽ với quần chúng, với thực tiễn chống quan liêu, chủ quan, bảo thủ, chống tự do vô kỷ luật, thiếu dân chủ, vô trách nhiệm2.

Song để sáng tạo phương pháp cách mạng mạnh mẽ hơn, đồng chí cũng cho rằng ta cần có "một cơ cấu làm việc đồng bộ và mạnh từ cơ quan đến cơ sở, cần xây dựng được phong cách và chế độ làm việc cách mạng khoa học" hơn nữa, đồng chí Lê Đức Thọ quan tâm đến việc đổi mới phương pháp làm việc vì: phương pháp và chế độ làm việc là một yếu tố đặc biệt để bảo đảm tính chính xác của việc đặt ra các quyết định và biến nó thành hiện thực[2]. Đó là phương pháp lãnh đạo và tác phong công nghiệp mà chúng ta cần phấn đấu xây dựng.

Sự sáng tạo phương pháp cách mạng của Đảng ta theo đồng chí Lê Đức Thọ là thể hiện tinh thần độc lập tự chủ và sự sáng tạo ấy có được còn nhờ vào các yếu tố cụ thể hơn:

1. Phân tích sắc bén tình hình,

2. Có chiến lược cách mạng tiến công,

3. Khéo phối hợp mọi lực lượng,

4. Sử dụng sức mạnh tổng hợp của Đảng[3].

Nội dung cụ thể của việc sáng tạo phương pháp cách mạng theo đồng chí Lê Đức Thọ phải bao gồm cả ba khâu công tác lãnh đạo cụ thể:

1. Lãnh đạo chính trị,

2. Lãnh đạo tổ chức,

3. Lãnh đạo xây dựng đường lối chính sách3.

Phương pháp cách mạng sáng tạo của Đảng thể hiện sự "kiên cường vững vàng về đường lối, đã tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta vượt qua mọi thử thách nghiêm trọng của đất nước, luôn phát huy tinh thần cách mạng tiến công để đưa cách mạng tiến không ngừng". Có được phương pháp cách mạng sáng tạo là nhờ: Đảng ta đã nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kết hợp hài hòa giữa chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế vô sản và đã phấn đấu cao để làm tròn nghĩa vụ quốc tế4.

Phương pháp cách mạng sáng tạo chỉ là một trong các vấn đề mà đồng chí Lê Đức Thọ quan tâm. Trong bài này, tôi chỉ trình bày sơ qua một cách có hệ thống vấn đề mà đồng chí Lê Đức Thọ đã nghiên cứu và đúc kết trong cuộc đời hoạt động của đồng chí. Sự phát triển lý luận của đồng chí Lê Đức Thọ còn phong phú, đa dạng hơn, nhất là trong lĩnh vực tổ chức quản lý cán bộ, lĩnh vực đối ngoại, lĩnh vực an ninh, lĩnh vực xây dựng Đảng, lĩnh vực văn nghệ mà tôi không đề cập trong bài viết nhỏ này.

Đồng chí Lê Đức Thọ ra đi đã 10 năm[4], nhưng những bài học về lý luận mà đồng chí Lê Đức Thọ đề cập vẫn có tính thời sự nóng hổi, vẫn cần được tiếp tục nghiên cứu vận dụng trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, trong chỉ đạo công tác cách mạng xã hội chủ nghĩa hiện nay.




* Nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn học, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

[1]. Gấp tiến tới xây dựng một Đảng quần chúng mạnh mẽ, Tỉnh uỷ Cần Thơ phát hành, 1950.

1. Lê Duẩn - Lê Đức Thọ: Kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh V.I. Lênin, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1980.

1,2. Xem: Lê Đức Thọ: Phát huy nhân tố mới, hoàn chỉnh chế độ quản lý mới trong hợp tác xã nông nghiệp, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1982.

3. Báo cáo về xây dựng Đảng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V, ngày 27-3-1982. Báo Nhân Dân, ngày 31-3 và ngày 1-4-1982.

1. Gấp tiến tới xây dựng một Đảng quần chúng mạnh mẽ, Tỉnh uỷ Cần Thơ phát hành, 1950.

2,3. Lê Đức Thọ: Phấn đấu nâng cao tính giai cấp công nhân, tính tiên phong của Đảng, xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1983.

1. Xem: Lê Duẩn - Lê Đức Thọ: Kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh V.I.Lênin, Sđd.

2. Xem: Báo cáo về xây dựng Đảng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V, ngày 27-3-1982, báo Nhân Dân ngày 31-3 và ngày 1-4-1982.

[2],4. Xem: Báo cáo về xây dựng Đảng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V, ngày 27-3-1982, báo Nhân Dân ngày 31-3 và ngày 1-4-1982.

[3],3. Xem: Đảng Cộng sản Việt Nam: Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và sửa đổi Điều lệ Đảng, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1978.

[4]. Năm 2000 (B.T).

Trích trong cuốn Lê Đức Thọ - Người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tài năng;

Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011



Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả