Nhớ về anh Lê Đức Thọ những ngày ở nhà tù Hòa Bình (1943-1944)

Ngày đăng: 17/10/2011 - 11:10

Bình Phương*

Vào những năm 1939 - 1944, sau khi Mặt trận Dân chủ nhân dân Đông Dương bị giải tán, hầu hết các cơ sở Đảng trong toàn quốc bị thực dân Pháp khủng bố rất gắt gao. Cán bộ, đảng viên bị bắt hàng loạt đưa vào các nhà tù, số cán bộ hoạt động ở ngoài còn quá ít.

le-duc-tho-huong

Sau khi thành lập Mặt trận Việt Minh tháng 5-1941, và nhất là khi Hồng quân Liên Xô bắt đầu phản công mãnh liệt trên khắp các mặt trận xuất hiện khả năng quân đồng minh sẽ chiến thắng bọn phát xít Đức - Ý - Nhật, nhu cầu về cán bộ để lãnh đạo và phát triển phong trào, đón thời cơ giành chính quyền, đòi hỏi rất khẩn trương. Công tác đào tạo cán bộ của Đảng làm không kịp, việc bổ sung cho các ban lãnh đạo từ Trung ương đến các cấp gặp nhiều khó khăn.

Ngày 3-8-1943, Chi uỷ Nhà tù Sơn La đã tổ chức vượt ngục cho các đồng chí Nguyễn Lương Bằng (tức Sao Đỏ), Nguyễn Tuấn Đáng (tức Trần Đăng Ninh), Nguyễn Văn Trân, Lưu Đức Hiểu. Cuộc vượt ngục này tuy chưa có sự chỉ đạo của Thường vụ Trung ương nhưng Chi uỷ Nhà tù Sơn La đã có kế hoạch tổ chức lãnh đạo chặt chẽ nên đã thành công. Kết quả đó cho thấy có khả năng tổ chức vượt ngục lấy cán bộ từ trong các nhà tù ra là hoàn toàn có thể làm được. Do đó, cuối năm 1943, Thường vụ Trung ương đã quyết định chủ trương tổ chức vượt ngục lấy cán bộ trong các nhà tù đế quốc để tăng cường cán bộ có khả năng cho phong trào, kiện toàn các cấp uỷ Đảng để đón lấy thời cơ đang diễn biến có lợi cho ta. Đó là một chủ trương sáng suốt, kịp thời, có ý nghĩa chiến lược, chuẩn bị lực lượng cán bộ cho Cách mạng Tháng Tám thành công trong cả nước.

Nhà tù Sơn La và Nhà tù Hòa Bình là một trong những nơi có nhiều cán bộ được rèn luyện, thử thách, có trình độ chính trị và kinh nghiệm đấu tranh, bị đế quốc Pháp bắt và giam giữ ở đây. Chi bộ Đảng ở hai nhà tù này cũng được xây dựng vững vàng nên được Thường vụ Trung ương trực tiếp chỉ đạo các cuộc vượt ngục.

Thực hiện chủ trương này của Trung ương, vào đầu năm 1944, Thường vụ Xứ uỷ đã cử tôi, lúc đó là Phó Bí thư Tỉnh uỷ Hà Đông, Trưởng ban cán sự An toàn khu của Xứ uỷ, lên phụ trách tỉnh Hòa Bình đồng thời kiêm làm tổ trưởng tổ vượt ngục hai nhà tù Sơn La và Hòa Bình để bàn cách phối hợp tổ chức các cuộc vượt ngục cụ thể.

Ở Nhà tù Hòa Bình, từ cuối năm 1942 đến đầu năm 1943, trên 200 tù chính trị, trong đó có Chi bộ nhà tù với trên 20 đảng viên do đồng chí Phan Đình Khải (tức Lê Đức Thọ) làm Bí thư, bị đế quốc Pháp chuyển thành nhiều đợt từ Nhà tù Sơn La về giam ở Nhà tù Hòa Bình, để chuyển ra Côn Đảo, âm mưu giết hại dần số tù này.

Về đến Hòa Bình, áp dụng kinh nghiệm ở Nhà tù Sơn La, Chi bộ nhà tù đã bí mật ra tờ báo tay làm tài liệu tuyên truyền giáo dục đảng viên, quần chúng. Các đồng chí đã tìm mọi cách để gần gũi, tuyên truyền giác ngộ cách mạng, trước tiên là binh lính coi tù, các công chức nhỏ ở trường tiểu học, nhà thương, tầng lớp lao động, tiểu thương... Chi uỷ cũng đã cử cán bộ đi liên lạc với một số cơ sở cách mạng ở thị xã Hòa Bình, qua đó Chi bộ nhà tù đã chắp nối được với Xứ uỷ Bắc Kỳ và Trung ương Đảng. Chỉ trong vòng nửa năm từ khi có Chi bộ nhà tù hoạt động trên địa bàn thị xã, lại có cán bộ của Đảng ở trên cử về trực tiếp chỉ đạo, phong trào cách mạng ở thị xã Hòa Bình đã có bước phát triển quan trọng.

Thực hiện nhiệm vụ của Trung ương và Xứ uỷ giao cho, khi lên đến thị xã Hòa Bình, tôi đã thông qua một số cơ sở cách mạng là binh sĩ, công chức để tìm cách gặp trực tiếp đồng chí Lê Đức Thọ.

Trước đây, trong hoàn cảnh hoạt động bí mật, mỗi người ở một địa phương khác nhau, anh Thọ bị đế quốc Pháp bắt đày đi Côn Đảo, rồi Sơn La, Hòa Bình, nên chúng tôi chưa có dịp gặp nhau. Lần này khi tiếp xúc với anh Thọ, truyền đạt chủ trương của Trung ương về việc giải thoát một số cán bộ ở nhà tù, tôi thấy anh là một con người hiểu rất rõ về tình hình trong nước và quốc tế lúc đó. Anh rất nhạy cảm, đặc biệt là về nhu cầu cán bộ để tăng cường cho phong trào cách mạng đang sôi sục, anh rất tán thành chủ trương của Trung ương. Mọi công việc chuẩn bị cho các đồng chí trốn tù được anh Thọ và các đồng chí trong Chi bộ phối hợp cùng với tổ chức Đảng ở địa phương thực hiện một cách khẩn trương, chu đáo, theo đúng kế hoạch đã định.

Vào một đêm đầu năm 1944, năm đồng chí trong đó có các đồng chí: Bùi Quang Tạo, Nguyễn Hữu Hiệt... được Chi bộ nhà tù quyết định vượt ngục, đã bí mật ra cửa suối Chì bên bờ tả ngạn sông Đà, mà bọn coi ngục không hề hay biết. Tại đây đã có thuyền của cơ sở chờ sẵn đón năm đồng chí xuôi theo dòng sông Đà về bến Trung Hà (Sơn Tây), rồi các đồng chí đi về cơ sở của Xứ uỷ và Trung ương an toàn. Ngày hôm sau, bọn thống trị đã huy động gần như toàn bộ guồng máy từ tỉnh, châu Kỳ Sơn và các xã xung quanh để truy lùng tù trốn nhưng đều vô hiệu.

Có thể nói Chi bộ Nhà tù Hòa Bình mà đồng chí Lê Đức Thọ làm Bí thư lúc đó, là nơi đầu tiên thực hiện thành công chủ trương của Trung ương về việc giải thoát cán bộ ở nhà tù ra. Thời gian sau, một số nhà tù khác trong toàn quốc khi biết Trung ương có chủ trương này đã chủ động liên lạc với Đảng bộ tại địa phương để tổ chức vượt ngục. Có nơi làm khá tốt như Chợ Chu, đã tổ chức cho 12 đồng chí trốn ra an toàn.

Sau khi năm đồng chí trốn khỏi Nhà tù Hòa Bình chỉ có một ngày, bọn Pháp lại đưa một số đoàn tù chính trị từ Nhà tù Sơn La qua Hòa Bình về Hà Nội để đưa đi Côn Đảo. Đoàn tù này do đồng chí Ngô Ngọc Du (tức Quỳnh) làm Bí thư chi bộ đi đường. Thường vụ Trung ương đã chỉ thị cho tôi phải tìm mọi cách liên lạc với đồng chí Du để tổ chức cho một số đồng chí chạy trốn ngang đường. Nhưng chúng tôi chưa kịp bàn bạc phối hợp thì có một đồng chí trong đoàn tù tự động chạy và bị địch bắt lại, nên chi uỷ sợ bị lộ phải quyết định cho ba đồng chí chạy tiếp theo và các đồng chí đó đã trốn thoát.

Sau hai lần có tù vượt ngục ở đất Hòa Bình, bọn mật thám Pháp đã bắt đầu chú ý, một mặt chúng lùng sục ráo riết hòng vây bắt lại các đồng chí trốn tù, mặt khác tìm cách để khám phá ra tổ chức của Đảng chuyên trách vượt ngục. Thấy có hiện tượng bị lộ, khoảng tháng 5-1944, Thường vụ Trung ương và Bí thư Xứ uỷ đã điều tôi đi làm Trưởng ban cán sự tỉnh Phú Thọ, đồng thời làm nhiệm vụ chắp nối với Nhà tù Sơn La để tìm cách tiếp tục đưa một số đồng chí ở đây vượt ngục.

Cơ sở đầu tiên mà tôi bắt liên lạc ở Phú Thọ là đồng chí Nguyễn Văn Dĩ (tức Trần Quang Bình, sau này là Tổng Cục trưởng Tổng cục Bưu điện) do đồng chí Lê Đức Thọ, Bí thư chi bộ Nhà tù Hòa Bình giới thiệu. Đồng chí Nguyễn Văn Dĩ là công nhân cơ khí ở Nhà máy xe lửa Gia Lâm hoạt động cách mạng ở đây rồi bị địch bắt giam ở Nhà tù Sơn La, sau đưa về Hòa Bình, hết hạn tù, đồng chí trở về quê. Khi tôi về làm Bí thư thì đồng chí Dĩ được chỉ định làm Uỷ viên Ban cán sự.

Cuối năm 1944, đồng chí Hoàng Quốc Việt - Bí thư Xứ uỷ Bắc Kỳ lên họp với Ban cán sự tỉnh Phú Thọ phổ biến một số chủ trương của Trung ương trong tình hình mới và chỉ thị cho tôi liên lạc với Nhà tù Sơn La. Đồng chí Lê Đức Thọ, lúc đó đã ra tù, cùng với đồng chí Hoàng Quốc Việt tham gia chỉ đạo công tác vượt ngục. Đồng chí đã phổ biến cho tôi về kinh nghiệm đối phó với mật thám Pháp, cách tiếp cận với chi uỷ nhà tù, việc chuẩn bị mọi mặt khi có tình huống xấu xảy ra và trong trường hợp quân Nhật đảo chính Pháp thì ta liên minh với Pháp đánh Nhật.

Lên đến Sơn La, theo kinh nghiệm của đồng chí Lê Đức Thọ, tôi đã tìm cách liên lạc được với đồng chí Nguyễn Khắc Xứng (tức Lê Thanh Nghị), Bí thư chi bộ và đồng chí Nguyễn Trọng Cảnh (tức Trần Quốc Hoàn), Phó Bí thư chi bộ nhà tù. Tôi đã truyền đạt lại ý kiến của Thường vụ Trung ương và cùng với các đồng chí bàn cách tổ chức vượt ngục và xây dựng cơ sở Sơn La. Tháng 1-1945, đồng chí Lê Thanh Nghị hết hạn tù, có nhiều khả năng bọn Pháp sẽ đưa đi an trí ở một nơi nào đó. Chúng tôi đã nhất trí tổ chức cho đồng chí Nghị trốn ngang đường, và đồng chí đã trốn thoát về Thượng Hội (Hà Đông).

Sau khi đồng chí Lê Thanh Nghị đi, đồng chí Trần Quốc Hoàn được cử làm Bí thư chi bộ đã cùng ban lãnh đạo Nhà tù Sơn La tiếp tục chuẩn bị cho công cuộc vượt ngục. Đúng lúc đó, cuộc đảo chính Nhật - Pháp nổ ra, nhân lúc bọn địch hoang mang dao động, các đồng chí thấy không cần thiết phải tổ chức vượt ngục theo kế hoạch cũ nữa, mà áp dụng sách lược của Trung ương, liên minh với Pháp đánh Nhật.

Dưới sự lãnh đạo của Chi uỷ, ban đại diện nhà tù đã đàm phán với quân Pháp ở Sơn La, hai bên đã nhất trí lập ra một đoàn cán bộ biết tiếng Pháp ở lại Sơn La hợp tác với họ đánh Nhật. Các đồng chí đó là Nguyễn Đức Quý, Chu Đình Xương, Nguyễn Duy Thân, Đào Năng Thai... Mỗi người đều được Pháp trang bị vũ khí tiểu liên hiện đại..., đồng thời tên Chánh xứ Sơn La còn giao cho Lơ Mông, giám thị trưởng nhà tù đưa toàn bộ Nhà tù Sơn La ra Tạ Bú, đi Ngọc Chiến để lên Nậm Khắt, một vùng rộng lớn Sơn La - Yên Bái giáp nhau, nay gọi là huyện Mù Cang Chải, nơi đây có địa hình hiểm trở.

Nhưng sau đó, bọn chỉ huy Pháp ở Sơn La dao động, thay đổi ý kiến, tìm cách chạy sang Trung Quốc. Từ đó, đoàn cán bộ của ta tiếp cận với Pháp phải bỏ họ, và tên Lơ Mông giám thị cũng chia tay với đoàn tù Mù Cang Chải. Cuộc liên minh với Pháp Đờ Gôn đánh Nhật đang triển khai phải ngừng lại. Đoàn tù của ta tiếp tục đi về Cao Phạ, Tú Lệ, Gia Hội rồi chia làm ba toán đi về căn cứ địa Nang Xa - Hiền Lương, Hạ Hòa và ra Sông Thao về xuôi hoàn toàn thắng lợi.

Cũng trong thời gian Nhật đảo chính Pháp, một số cốt cán trong Mặt trận Việt Minh thị xã Hòa Bình đã họp bàn và chủ trương phát động quần chúng khởi nghĩa ngay sau cuộc đảo chính nổ ra. Nhờ nắm được chủ trương của Trung ương do các đồng chí cấp trên phổ biến; nhân được Trung ương cử lên Hòa Bình, tôi đã nói với các đồng chí rằng phải đợi thời cơ chín muồi, nếu tổ chức khởi nghĩa ngay trong dịp này ở thị xã Hòa Bình thì sẽ thất bại và sẽ bị kẻ địch khủng bố khốc liệt. Các đồng chí đã thống nhất với nhận định trên và quyết định hoãn cuộc khởi nghĩa.

Trong cuốn sơ thảo Lịch sử cách mạng của Đảng bộ và nhân dân thị xã Hòa Bình năm 1939 - 1945, tập I, xuất bản năm 1988 có đoạn viết: "sự nhận định và quyết định sáng suốt, đúng đắn đó không chỉ tránh được sự đổ máu đáng tiếc, mà còn đưa phong trào cách mạng thị xã đi vào con đường giành nhiều thắng lợi vững chắc ở thời kỳ tiền khởi nghĩa".

Đó là một phần công tác cán bộ của Đảng ta chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa trong Cách mạng Tháng Tám thành công mà tôi có vinh dự được đóng góp. Cũng trong thời gian này, tôi đã có dịp trực tiếp làm việc với đồng chí Lê Đức Thọ, thấy ngay từ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đồng chí đã thể hiện một tầm nhìn chiến lược sắc bén, tinh thần chiến đấu kiên cường và khả năng tổ chức chặt chẽ, được thể hiện một cách sâu sắc hơn trong các công tác đầy trọng trách sau này.



* Nguyên:  - Uỷ viên Trung ương Đảng,

- Trưởng Ban Nội chính Trung ương.

Trích trong cuốn Lê Đức Thọ - Người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tài năng;

Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả