Những lá thư thời chiến Việt Nam - chứng nhân lịch sử quý giá

Ngày đăng: 23/05/2023 - 00:05

“Không có một người nào khi đặt bút viết những dòng chữ ấy lại nghĩ rằng, sau mấy chục năm nữa chúng sẽ được in thành sách và họ trở thành những tác giả…” - đó là những dòng chia sẻ của nhà báo, nhà văn, tác giả Đặng Vương Hưng trong cuốn sách Những lá thư thời chiến Việt Nam. Và đến nay, gần 50 năm sau khi chiến tranh kết thúc, những lá thư, những trang nhật ký ấy đã trở thành những kỷ vật vô giá đối với những người ở lại, và đã được in thành sách, do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản, phát hành.

Những lá thư thời chiến Việt Nam - chứng nhân lịch sử quý giá

 Cuốn sách Những lá thư thời chiến ở Việt Nam do nhà báo, nhà văn Đặng Vương Hưng sưu tầm, biên soạn, giới thiệu 200 lá thư được lựa chọn từ hàng triệu lá thư người lính trong khói lửa chiến tranh của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Qua đó bạn đọc sẽ có thêm góc nhìn mới đa dạng, nhiều chiều và sinh động về hai cuộc kháng chiến của dân tộc.

200 lá thư là 200 câu chuyện kể vô cùng đa dạng và phong phú, sinh động và cảm động về những người lính nơi chiến trường, thấm đẫm hiện thực cuộc sống chiến đấu của những năm tháng oanh liệt, hào hùng của lịch sử dân tộc; cũng là 200 ký ức, nguyện ước, tâm tình đong đầy cảm xúc và lý tưởng cao đẹp của các anh, các chị. Mỗi lá thư thời chiến ấy đã trở thành cầu nối giữa tiền tuyến và hậu phương, đã ghi tạc và hiển hiện chân thực một thế hệ thanh niên hào hoa ra trận, mang trong mình tình yêu Tổ quốc, yêu quê hương, yêu gia đình mãnh liệt; một lòng tin tuyệt đối vào Đảng, vào Bác Hồ; một ý chí chiến đấu cao, sự sẵn sàng hy sinh, dâng hiến tuổi thanh xuân - một thế hệ hào hoa mãi mãi trường tồn cùng lịch sử dân tộc.

Không phải từ những con số, số liệu khô khan, mà toàn cảnh các cuộc chiến được tái hiện từ chính những con người trong cuộc, đang ở giữa mưa bom bão đạn chiến đấu hết mình với niềm tin vào sự toàn thắng. Điều đặc biệt ở chỗ, những trang thư được những người lính viết cho những người thân yêu nhất và cả cho chính mình, chứ không phải viết với tâm thế dành cho công chúng đọc. Những dòng thư có thể được viết vội trong lúc dừng nghỉ chân giữa những chặng hành quân, trước khi vào trận chiến, có những lá thư viết bằng thơ, có những lá thư được viết hộ vì người đứng tên không biết chữ... nhưng đó là những cảm xúc, nỗi lòng được bộc lộ trong những khoảnh khắc và bối cảnh tự nhiên nhất, chân thật nhất, bởi vậy mà nó rất thật, rất “đời”, rất sinh động và cuốn hút đến lạ kỳ.

Hàng trăm lá thư được lựa chọn đã cho chúng ta những cứ liệu lịch sử quý báu về một thời khói lửa đạn bom nhưng cũng đầy hào hùng trong lịch sử dân tộc. “Những bức thư là những kỷ vật lịch sử của một thời, cho chúng ta biết những cảm xúc, suy tư của thế hệ ông cha trước những khoảnh khắc định mệnh của lịch sử, của đất nước và của cuộc đời mỗi con người. Cha ông ta đã sống như thế nào, đã yêu, đã hy sinh và cống hiến ra sao…”. Đúng như nhà văn, nhà báo Đặng Vương Hưng đã viết: “Đôi khi, chính những trang thư, nhật ký, ghi chép... tưởng chừng rất đỗi riêng tư, lại mang đến cho chúng ta những thông tin và tư liệu cực kỳ quý báu; chúng có thể gợi mở biết bao điều về đời sống tinh thần, vật chất và cả văn hoá của xã hội trong quá khứ; góp phần lý giải những bí mật của lịch sử, làm cho cuộc sống hiện tại và tương lai của chúng ta tốt đẹp hơn...”.

Hầu hết tác giả của các lá thư thời chiến đến nay đã không còn, song, từng cánh thư tay mong manh, nhỏ bé với những dòng chữ viết vội trên trang giấy ố vàng bởi dấu vết thời gian đã trở thành chứng nhân lịch sử vô cùng sinh động về lý tưởng sống cao đẹp, hy sinh và cống hiến cho độc lập, tự do của dân tộc của cả một thế hệ.

Thời gian càng lùi xa, những vật chứng ấy lại càng trở nên có giá trị, đã trở thành kỷ vật vô giá đối với người ở lại, thành di sản chung của dân tộc đánh dấu những trang sử vàng của đất nước. Lật mở từ trang đầu đến trang cuối của cuốn sách, độc giả sẽ được thả mình hoài tưởng những tháng ngày gian lao chiến đấu, hành quân thần tốc ra chiến trường khốc liệt, những phút giây nghỉ ngơi, nhớ về gia đình, người thương nơi quê nhà, những sẻ chia ấm tình đồng đội của người lính Cụ Hồ một thời hoa lửa.

Bình luận