Phát triển công nghiệp công nghệ cao - kinh nghiệm và bài học cho Việt Nam

Ngày đăng: 22/11/2021 - 10:11

Công nghiệp công nghệ cao là ngành kinh tế - kỹ thuật sản xuất sản phẩm công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công nghệ cao. Công nghiệp công nghệ cao có vai trò đặc biệt quan trọng đối với nước đang phát triển như Việt Nam, bởi nó sẽ giúp đẩy nhanh quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, chuyển mạnh sang mô hình tăng trưởng dựa trên tăng năng suất, tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao. Vì vậy, phát triển công nghiệp công nghệ cao sẽ là nhân tố quyết định thực hiện những nội dung cơ bản về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng của tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo như Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Nghiên cứu kinh nghiệm dẫn đầu xu hướng phát triển công nghiệp và học hỏi “bí quyết” làm chủ một số lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao của một số quốc gia trên thế giới, giúp Việt Nam có thể “đi tắt đón đầu” trong phát triển công nghiệp công nghệ cao, rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới hiện nay là mục tiêu cuốn sách“Phát triển công nghiệp công nghệ cao - kinh nghiệm và bài học cho Việt Nam” của TS. Lại Trần Tùng  hướng tới. Cuốn sách góp phần làm sáng tỏ những quan điểm lý luận về công nghiệp công nghệ cao, đi sâu phân tích những kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới để có được cái nhìn vừa cụ thể, vừa tổng quát, từ đó rút ra kinh nghiệm cho Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nội dung cuốn sách được kết cấu thành 3 chương.

Chương 1: Những vấn đề lý luận về công nghệ cao và công nghiệp công nghệ cao, tập trung làm sáng tỏ khái niệm “công nghệ cao”, “công nghiệp công nghệ cao”; phân loại và đặc điểm, đặc trưng của công nghệ cao, công nghiệp công nghệ cao.

Chương 2: Kinh nghiệm phát triển công nghiệp công nghệ cao ở một số quốc gia trên thế giới,  đi sâu phân tích kinh nghiệm phát triển công nghiệp công nghệ cao ở một số nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Israel, Hoa Kỳ. Nghiên cứu cho thấy, những nước này đã tận dụng cơ hội do thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại mang lại để phát triển công nghiệp công nghệ cao, trở thành nền tảng quan trọng mang tính chiến lược trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Các nước này đã tập trung lựa chọn, đề ra chiến lược, biện pháp và cơ chế, chính sách bảo đảm phát triển công nghiệp công nghệ cao luôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.

Chương 3: Bài học kinh nghiệm cho phát triển công nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam. Trên cơ sở những nội dung đã trình bày ở Chương 1 và Chương 2, phân tích thực trạng phát triển công nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam, tác giả rút ra một số kinh nghiệm cho phát triển công nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam: Một là, nắm chắc thời cơ, kịp thời xác lập và điều chỉnh mô hình, mềm dẻo và năng động trong đề ra chương trình, kế hoạch, biện pháp phát triển công nghiệp công nghệ cao; Hai là, tạo dựng môi trường trong nước và quốc tế thuận lợi cho phát triển công nghiệp công nghệ cao; Ba là, phát huy tối đa nội lực và khai thác có hiệu quả nguồn lực bên ngoài, từng bước nâng cao năng lực công nghệ quốc gia; Bốn là, tạo dựng môi trường, chính sách cho các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển; Năm là, Quá trình phát triển công nghiệp công nghệ cao tránh sự lệ thuộc vào công nghệ của nước ngoài, tận dụng, khai thác lợi thế lao động ở doanh nghiệp công nghệ cao FDI.

Công nghiệp công nghệ cao là lĩnh vực mới ở Việt Nam, có vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động và rút ngắn khoảng cách phát triển với các quốc gia trên thế giới. Nghiên cứu nội dung trong cuốn sách sẽ giúp các cơ quan quản lý và doanh nghiệp Việt Nam vận dụng, đưa ra chiến lược và chính sách phù hợp, góp phần đưa Việt Nam tiếp cận những thành tựu của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, tham gia hiệu quả chuỗi giá trị toàn cầu, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.  

Bình luận