Trong những năm gần đây, trên thế giới đang mở ra một giai đoạn mới của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với làn sóng số hóa bùng nổ trong mọi lĩnh vực, ngành nghề. Các nền tảng công nghệ mới như dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây (cloud computing), internet kết nối vạn vật (internet of things), công nghệ chuỗi khối (blockchain)… đang thúc đẩy mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội loài người chuyển động và phát triển với một tốc độ “thần kỳ”, trong đó có lĩnh vực công nghệ tài chính (FinTech). Đây được xem là ngành mới, ra đời từ kết quả của những đổi mới tài chính dựa trên công nghệ, góp phần tích cực vào việc thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế số, chính quyền số và xã hội số… Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích, công nghệ tài chính cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, rủi ro do tính ẩn, ảo và mở của không gian công nghệ số hiện đại.
Hiện nay, lĩnh vực công nghệ tài chính đứng trước nhiều yếu tố mới như: công nghệ mới, dữ liệu mới, doanh nghiệp mới, mô hình hoạt động mới, cơ hội mới, rủi ro mới… Trước tình hình đó, chính phủ và các cơ quan quản lý tài chính của nhiều quốc gia đã nghiên cứu, thử nghiệm, triển khai nhiều mô hình phong phú, đem lại nhiều thành tựu đột phá, toàn diện, bao trùm, trong đó, đầu tiên phải kể đến là Trung Quốc. Đây được xem là quốc gia đang dẫn đầu trong “cuộc đua toàn cầu” về công nghệ tài chính với một hệ sinh thái phát triển rất đa dạng, năng động, kéo theo sự xuất hiện của nhiều “kỳ lân FinTech” hàng đầu thế giới. Thực tiễn phát triển công nghệ tài chính của Trung Quốc được nhiều nước đánh giá là một kinh nghiệm phát triển thiết thực, đáng học hỏi và rất dễ áp dụng đối với các nước đang phát triển ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh, trong đó có Việt Nam.
Cuốn sách Phát triển lĩnh vực công nghệ tài chính (FinTech) của Trung Quốc và một số hàm ý đối với Việt Nam của TS. Nguyễn Thị Hạ - chuyên gia nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đi sâu phân tích, đánh giá và cập nhật tương đối toàn diện những vấn đề lý luận và thực tiễn về phát triển công nghệ tài chính của Trung Quốc như: các chính sách quản lý, phát triển, hệ sinh thái phát triển, quy mô và mức độ hoàn thiện của thị trường cũng như những xu hướng tác động từ sự phát triển công nghệ tài chính… từ đó, xác định những bài học kinh nghiệm và đưa ra một số khuyến nghị đối với sự phát triển công nghệ tài chính ở Việt Nam.