Sách tết tìm về nét đẹp xưa

Ngày đăng: 15/01/2019 - 08:01

Thị trường xuất bản mới đây chứng kiến một cuộc trở lại đầy thú vị của sách tết, đó là những ấn phẩm mà mỗi năm chỉ xuất hiện một lần vào dịp tết. Không chỉ được chăm chút về nội dung mà còn được đầu tư công phu về phần mỹ thuật, vậy nên dù vắng bóng suốt thời gian dài, nhưng khi trở lại, sách tết vẫn được độc giả đón nhận trong niềm thích thú. 

Những cuốn sách hay mang lại ngày xuân nhiều ý nghĩa. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Nối dài một nét đẹp

Sách Tết Kỷ Hợi 2019 (Công ty Sách Đông A và nhà xuất bản Văn học ấn hành) được đích thân nhà văn Hồ Anh Thái tuyển chọn, gồm văn - thơ - nhạc - họa chủ đề mùa xuân và ngày tết. Sách có bố cục gồm 8 chủ đề: văn, thơ, nhạc, sử, cổ tích, bình thơ…, tái hiện lại không khí của ngày tết trong quá khứ và hiện tại ở các miền đất nước, qua hoài niệm và trong những cảm xúc tươi mới của các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ đương đại. Ngoài ra, các họa sĩ minh họa cuốn sách cũng rất quen thuộc với bạn đọc như Thành Chương, Lương Xuân Đoàn, Đỗ Hoàng Tường, Tạ Huy Long, Kim Duẩn…

Trong bài viết Sách tết, phong vị xuân xưa…, tác giả Nguyễn Ngọc Hoài Nam cho biết, Sách xem Tết năm Mậu Thìn 1928 của Tân Dân Thư Quán ra đời, đã mở lối tiên phong cho loại ấn phẩm này trong lịch sử xuất bản của nước ta. Đến năm 1958, Sách Xuân Mậu Tuất của nhà xuất bản Xây dựng ra đời, là lần cuối cùng sách tết xuất hiện cho đến nay. Tuy nhiên, nếu không phân biệt đối tượng độc giả thì dòng sách tết sau đó vẫn được nhà xuất bản Kim Đồng tiếp nối và duy trì trong hơn 20 năm. Mới đây, họa sĩ Tô Chiêm vừa đăng tải trên trang cá nhân của mình cuốn sách Đất nước vào xuân do nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành vào năm 1983. Ấn phẩm do nhà thơ Định Hải chịu trách nhiệm nội dung, tập hợp những bài viết đặc sắc về mùa xuân dành cho thiếu nhi từ các cây bút tên tuổi lúc bấy giờ, như: Ngô Văn Phú, Trúc Chi, Hà Ân, Đoàn Giỏi, Nguyễn Quỳnh…

Khách nước ngoài thích thú với không khí Tết Việt ở Đường sách TPHCM.  Ảnh: DŨNG PHƯƠNG 

Theo chia sẻ của họa sĩ Tô Chiêm, nhà xuất bản Kim Đồng bắt đầu thực hiện sách tết cách đây 60 năm, từ năm 1959, đúng năm Kỷ Hợi, là tập sách mỏng khoảng hơn 20 trang, in khổ ngang cho thiếu nhi. Kể từ lúc đó, do điều kiện khó khăn, hoạt động từ nguồn kinh phí của Nhà nước cấp nên cách 1-2 năm mới có một cuốn sách được ra mắt. Đến năm 1983, cuốn sách Đất nước vào xuân khép lại dòng sách tết tại nhà xuất bản Kim Đồng.

Và vì vậy, Sách Tết Kỷ Hợi 2019 của Đông A ra đời lần này, được xem như một cuộc trở lại sau thời gian dài vắng bóng. Cuốn sách góp mặt, cùng với “thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ” gợi nên chút phong vị của ngày tết, ngày xuân, cũng như gợi về một nét đẹp trong văn hóa của người Việt. Đặc biệt, với những độc giả từng trải qua năm tháng đón đọc sách tết thì việc hồi sinh dòng sách này giống như một chuyến trở về với miền ký ức đẹp đẽ.

Họa sĩ Tô Chiêm nhớ lại: “Thế hệ chúng tôi bắt đầu lớn lên khoảng những năm 60, 70 thế kỷ trước, thì cuốn sách giống như một món quà tết mà có lẽ khó gì có thể thay được. Ngoài tiền mừng tuổi, mấy bánh pháo, một hai cái kẹo thì những cuốn sách tết có khi là món quà lớn nhất. Một cuốn sách hồi đó có giá 1 đồng rưỡi đến 2 đồng, mà một gói xôi có giá 3 hào. Hồi đó rất nhiều văn nghệ sĩ, từ cụ Tô Hoài, cụ Nguyễn Đình Thi, cụ Phạm Hổ… đều đóng góp vào đó những bài viết rất tuyệt vời. Nói chung, gần như đầy đủ các gương mặt đóng góp cho văn học hay mỹ thuật thiếu nhi, đều có mặt trong những giai phẩm đó”.  

Thị trường bỏ ngỏ 

Sách Tết Kỷ Hợi 2019 được in 2.019 bản, trong đó có 1.900 bản bìa mềm và 119 bản bìa cứng. Trong khi giá bản bìa mềm là 268.000 đồng/cuốn thì bản bìa cứng lên tới 1,2 triệu đồng/cuốn, được in trên giấy đặc biệt, có hộp, tranh, bookmark cùng chất liệu sơn mài.

Theo chia sẻ của đại diện Đông A, đơn vị này chỉ bán phiên bản bìa mềm và 100 bản bìa cứng, 19 bản “siêu đặc biệt” còn lại thì không bán mà chỉ giữ lại để sử dụng cho những công việc nội bộ sau này. Đến thời điểm hiện tại, phiên bản bìa mềm đã được bán hết, phiên bản bìa cứng chỉ còn 18 cuốn. Cũng theo Đông A, vì sách tết được đánh số nên dù đã bán hết nhưng đơn vị này sẽ không tái bản. “Chúng tôi chỉ in bán dịp tết, nên chỉ in 2.019 bản. Có thể mùa tết sang năm, chúng tôi sẽ cân nhắc đến số lượng in nhiều hơn để phục vụ nhu cầu bạn đọc”, đại diện Đông A cho biết.

Qua trường hợp sách tết của Đông A, có thể thấy, nhu cầu của bạn đọc đối với dòng sách này là có thật. Tuy nhiên, thị trường lại đang có một khoảng trống khá lớn. Bà Vũ Thị Quỳnh Liên, Phó Giám đốc nhà xuất bản Kim Đồng, nhìn nhận: “Tôi nghĩ thị trường sách tết là có. Nếu nói về các đầu sách mang tính sưu tầm thì rõ ràng là có. Thực ra, tặng sách tết, tôi nghĩ đây là một nét văn hóa đẹp, nó cũng giống như những tập tục như khai bút đầu năm. Tuy nhiên, cảm giác như càng ngày nét văn hóa này càng bị mai một. Vậy nên, làm sách mỗi dịp tết là một việc rất hay cần phải duy trì”.

Họa sĩ Tô Chiêm cũng đồng tình: “Tôi nghĩ là bạn đọc có nhu cầu được đọc những cuốn sách tết. Thường khi một ấn phẩm làm về tết, bao giờ ban biên tập cũng sẽ tuyển chọn những bài viết đặc sắc từ các tác giả uy tín, phù hợp với nội dung của mùa tết năm đó. Bản thân ấn phẩm đã đặc sắc thì đương nhiên mọi người sẽ đón nhận, rất hào hứng với những ấn phẩm như vậy. Chưa kể phần tranh minh họa được đầu tư, phần in ấn được chăm chút nên bạn đọc sẽ yêu thích và đón nhận thôi”.

Theo chia sẻ của bà Vũ Thị Quỳnh Liên, nhà xuất bản Kim Đồng cũng có kế hoạch hồi sinh lại dòng sách tết cho năm Kỷ Hợi, mong muốn đem một cái gì đó thật sự mới mẻ cho bạn đọc ngày nay. Đơn vị này đã làm việc với các họa sĩ, tuy nhiên vì lý do thời gian nên ấn phẩm đã không ra kịp tết năm nay. “Với những người hoài niệm, chúng tôi thấy có rất nhiều người mong muốn được mua đọc những tác phẩm từng gắn bó một thời với mình. Càng hiện đại người ta lại càng muốn tìm lại những cái cũ xưa. Chúng tôi nhận thấy có nhu cầu này và mong muốn làm để phục vụ đối tượng độc giả như vậy. Tất nhiên, không thể không nhắc đến lứa độc giả mới. Chính vì vậy, chúng tôi đặt ra mục tiêu, vừa phải giới thiệu một ấn phẩm mang nét hoài niệm nhưng cũng phải đem đến ấn phẩm cập nhật hơn. Chúng tôi mong muốn dung hòa hai đối tượng độc giả nhưng xuất phát đầu tiên vẫn phải là những người hoài niệm cũ”, bà Quỳnh Liên bày tỏ.  

Ông Trần Đại Thắng, Giám đốc Công ty Sách Đông A, cũng nhìn nhận thị trường đầy tiềm năng đối với dòng sách tết. Ông Thắng cho biết: “Đây là món quà độc đáo giữa rất nhiều quà tặng đã trở nên quen thuộc vào dịp tết nên mọi người đã hào hứng đón nhận ấn phẩm của Đông A. Trong các năm tiếp theo, chúng tôi sẽ duy trì và làm mới cả về nội dung lẫn hình thức, đồng thời đẩy mạnh việc quảng bá hơn nữa để dần dần ấn phẩm này sẽ là một món quà tết không thể thiếu của mỗi nhà. Trước mắt, ngay từ quý 1-2019, chúng tôi đã lên kế hoạch và triển khai sách tết 2020 từ việc đặt bài viết, minh họa”.

Bên cạnh sách tết, thị trường xuất bản năm nay còn ghi nhận sự ra mắt của những ấn phẩm có cùng chủ đề, cũng được xem là một lựa chọn để độc giả có thể dành tặng nhau trong dịp tết. Từ 4 năm nay, mỗi dịp tết đến, Công ty Sách Thái Hà đem đến những cuốn sách tết của TS Nguyễn Mạnh Hùng và năm nay là Happy Book -Hạnh phúc bây giờ và ở đây. Sách tập hợp lại những câu nói mang chủ đề về hạnh phúc, như một cách truyền cảm hứng sống hạnh phúc đến mọi người nhân dịp năm mới. Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ ra mắt sách Gia Định - Sài Gòn: Hò, hát, lý, vè và diễn xướng lễ hội của nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng cùng nhóm tác giả. Cuốn sách mang đến các hình thức diễn xướng tại các lễ hội, đặc biệt là hát sắc bùa trong dịp Tết Nguyên đán mà không phải ai cũng biết.

HỒ SƠN

Theo SGGP.VN

Bình luận