Tác phẩm Đảng ta - Một tài liệu quý cần dùng trong sinh hoạt chi bộ

Ngày đăng: 09/11/2020 - 14:11

Là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên quan tâm tới chất lượng đảng viên và chất lượng sinh hoạt Đảng của chi bộ ở cơ sở, coi nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ là yếu tố cơ bản để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, từ đó góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Người nhiều lần căn dặn, chỉ bảo về những yêu cầu, tiêu chuẩn của người đảng viên, của từng chi bộ thông qua các bài nói, bài viết, cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn. Tác phẩm Đảng ta là một ví dụ điển hình, là một tài liệu quý cần dùng trong sinh hoạt chi bộ và áp dụng trong thực tiễn công việc.

1. “Chi bộ là nền móng của Đảng, chi bộ tốt thì mọi việc sẽ tốt”. Các chi bộ tốt làm nên sự vững mạnh của toàn Đảng. Đây là vấn đề được Hồ Chí Minh thường xuyên nhấn mạnh trong các bài viết, bài nói của Người tại các hội nghị, các chuyến đi công tác ở địa phương và cơ sở cũng như khi tiếp xúc trực tiếp với cán bộ, đảng viên và nhân dân

Tháng 01/1949, tại Việt Bắc, khi cả nước đang khẩn trương thực hiện nhiệm vụ “vừa kháng chiến vừa kiến quốc”, Người đã viết một tài liệu quan trọng có tựa đề Đảng ta, ghi rõ “Tặng các đồng chí chi bộ”, lấy bút danh là “Trần Thắng Lợi”. Có thể nói, đây là một tài liệu quý, hết sức bổ ích và thiết thực để giáo dục, rèn luyện đảng viên, nâng cao chất lượng công tác tư tưởng của Đảng. Tác phẩm được Người viết ngắn gọn với văn phong giản dị, trong sáng, đề cập trực tiếp tới vấn đề chất lượng đảng viên và chi bộ. Cho đến nay, tác phẩm của Người vẫn còn nguyên tính thời sự, có ý nghĩa quan trọng về mặt lý luận và thực tiễn trong công tác xây dựng Đảng.

Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ được coi là một giải pháp chiến lược, cơ bản và lâu dài để góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Những chỉ dẫn của Bác Hồ trong tác phẩm này, nếu được đội ngũ đảng viên, các chi bộ nắm vững và ra sức thực hành thì chắc rằng, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà Đảng ta xác định là khâu then chốt, sẽ có những chuyển biến tích cực.

2. Trước hết, chúng ta cần hiểu được hoàn cảnh và lý do Bác Hồ viết tác phẩm Đảng ta

Năm 1945, khi Đảng lãnh đạo toàn dân Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, Đảng ta mới có gần 5.000 đảng viên. Tháng 11/1945, khi chính thể cộng hòa dân chủ vừa mới ra đời, Đảng mới cầm quyền đã phải đứng trước nhiều khó khăn, thử thách: thù trong giặc ngoài ra sức phá hoại, âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng non trẻ, đất nước lâm vào cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”. Để bảo toàn lực lượng, trù tính sự nghiệp lâu dài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng Trung ương Đảng kịp thời đưa ra quyết định sáng suốt, đó là rút Đảng vào hoạt động bí mật, giương cao ngọn cờ đại đoàn kết dân tộc để tranh thủ sự ủng hộ của toàn dân. Ngày 19/12/1946, kháng chiến toàn quốc bắt đầu. Đảng, Chính phủ và các cơ quan đầu não của Trung ương rút về An toàn khu (ATK) ở Việt Bắc, trực tiếp lãnh đạo sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc. Năm 1949, trước tình trạng kết nạp đảng viên một cách ồ ạt, không đảm bảo quy định của tổ chức và tiêu chuẩn đảng viên (từ chưa đầy 5.000 đảng viên mà chỉ sau 4 - 5 năm, số lượng đảng viên đã lên tới 700.000 người), Bác và Trung ương Đảng đưa ra chỉ thị: tạm thời dừng kết nạp đảng viên, ra sức chỉnh đốn Đảng để giữ vững chất lượng Đảng. Người trực tiếp đề ra kế hoạch, chương trình và nội dung huấn luyện, giáo dục lý luận ở các cấp bộ Đảng đối với từng loại cán bộ, đảng viên. Cuộc kháng chiến kiến quốc đang ở giai đoạn quyết liệt, nếu chất lượng tổ chức Đảng và đảng viên không được đảm bảo, sức chiến đấu của Đảng không được tăng cường sẽ có ảnh hưởng lớn, gây bất lợi cho quyết tâm “kháng chiến tất thắng, kiến quốc tất thành” của toàn Đảng, toàn dân.

Là người sáng lập Đảng, hơn ai hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu rõ những ưu điểm cũng như những hạn chế, khuyết điểm của Đảng và cán bộ, đảng viên. Trước đó, năm 1947, trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (bút danh X.Y.Z) và tác phẩm Đời sống mới (bút danh Tân Sinh), Người đã nhấn mạnh việc “phê bình và sửa chữa” những khuyết điểm nặng nề: bệnh chủ quan là bệnh về nhận thức, do yếu kém về lý luận lại có thói “coi khinh lý luận” sinh ra; bệnh hẹp hòi là bệnh về các mối quan hệ trong dùng người, bệnh này rất nguy hiểm, có hại cho Đảng, cản trở sự đoàn kết trong Đảng, trong dân; thói ba hoa là bệnh về cách nói, cách viết, xa rời quần chúng, không hiểu quần chúng, nói nhiều làm ít1.

Theo Người, gốc rễ sinh ra những bệnh ấy là do chủ nghĩa cá nhân, nó xa lạ với đạo đức cách mạng của người cán bộ đảng viên, vì vậy phải ra sức sửa chữa, tẩy sạch chủ nghĩa cá nhân. Tác phẩm Đảng ta tập trung vào việc giáo dục ý thức của người đảng viên, yêu cầu mỗi đảng viên phải thường xuyên tự phê bình và phê bình, phải xứng đáng và giữ vững danh hiệu đảng viên, làm tròn trách nhiệm trước Đảng, trước dân. Tác phẩm được đăng trong tập san “Sinh hoạt nội bộ”, số 13, tháng 01/1949, được Ban Chấp hành tỉnh Đảng bộ Hà Đông xuất bản thành sách năm 1950.

3. Nội dung tác phẩm Đảng ta rất phong phú và sâu sắc, phương pháp thể hiện khéo léo và tinh tế

Trong tác phẩm này, Người nói về sự ra đời của Đảng, về những tấm gương đấu tranh oanh liệt của các thế hệ đảng viên đầu tiên, lòng trung thành với lý tưởng và đức hy sinh dũng cảm của thế hệ cách mạng tiền bối. Dù Người khiêm tốn nói rằng, chỉ kể vài mẩu chuyện cho đảng viên trong chi bộ nghe chứ không phải viết lịch sử Đảng2 nhưng những gì Người viết trong tác phẩm này thực sự là những tri thức quý báu về lịch sử Đảng mà mỗi đảng viên phải học, phải biết. Đó là những tri thức lý luận phổ thông, thường thức chính trị được Người khéo léo truyền đạt tới cán bộ, đảng viên.

Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm này, Đảng ta mới 19 tuổi, “nhưng suốt 19 năm ấy, năm nào cũng là một năm đấu tranh dũng cảm. Kinh qua bao nhiêu cơn sóng gió, bao nhiêu bước khó khăn, càng nhiều gian nan, Đảng ta càng nhiều rèn luyện, càng thêm vững chắc và rộng lớn”3. Người nhấn mạnh: “Nhờ chính sách đúng, lãnh đạo chắc, kỷ luật nghiêm, nhờ tư tưởng thống nhất, mà Đảng ta và dân tộc ta được những thắng lợi vẻ vang ngày nay”4. Tuy vậy, Người cũng căn dặn “chúng ta tuyệt đối không được tự kiêu, tự đại”5.

Bên cạnh đó, Người chỉ ra những khuyết điểm và yêu cầu: “Mỗi đồng chí ta cần phải mạnh dạn và thành thật kiểm điểm mình, kiểm điểm đồng chí mình”6. Người nêu rõ sáu vấn đề cần kiểm điểm, tự phê bình và phê bình. Đó là những vấn đề rất cơ bản, toàn diện về tiêu chuẩn của người đảng viên và cũng là nội dung trong xây dựng Đảng. Đây là điều cốt yếu, là mục đích Người viết tác phẩm Đảng ta, nhắc nhở đảng viên và chi bộ những việc cần làm ngay, đó là:

1. Đã bỏ hết bệnh chủ quan, hẹp hòi chưa?

2. Đã bỏ hết tư ý tiểu khí chưa?

3. Đã luôn cố gắng học tập, luôn luôn cầu tiến bộ chưa?

4. Đã thực hiện đoàn kết 100% chưa?

5. Đã thật cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư chưa?

6. Đã thật là người kiểu mẫu trong phong trào thi đua ái quốc chưa? Nếu chưa thì phải làm cho kỳ được7.

Riêng câu hỏi thứ sáu có liên quan đến phong trào Thi đua ái quốc mà Người đã phát động và chỉ đạo thực hiện trong toàn quốc, tạo ra động lực tinh thần mạnh mẽ trong toàn dân, đưa kháng chiến tới thắng lợi, đưa kiến quốc tới thành công. Người đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải tiên phong, gương mẫu, là người kiểu mẫu cho quần chúng noi theo. Với yêu cầu rất cao, Người đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên “phải làm cho kỳ được”.

Sáu vấn đề - sáu câu hỏi trên đã bao quát đầy đủ những yêu cầu trong rèn luyện, tự đánh giá và đánh giá về tư tưởng, đạo đức, trách nhiệm của mỗi người đối với sự nghiệp chung của Đảng và của dân tộc. Nổi bật trong đó là những lưu ý của Người về đạo đức cách mạng. Theo Người, đức là gốc trong tư cách, nhân cách của đảng viên. Đảng viên có thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư thì Đảng mới “là đạo đức, là văn minh”, mới là một đảng cách mạng chân chính. Ngày nay, sáu vấn đề được Người nêu ra vẫn là những vấn đề bức xúc, cấp bách mà cũng rất cơ bản, lâu dài, cần thực hiện đối với các đảng viên, chi bộ và toàn Đảng. Có như vậy Đảng mới thực sự trong sạch, vững mạnh.

Nghiên cứu và vận dụng tác phẩm Đảng ta của Người, chúng ta còn thấy những nhận định, những luận điểm quan trọng về lý luận được Người đề cập.

- Từ sự kiện ba tổ chức cộng sản hợp nhất lại thành một đảng cách mạng duy nhất vào năm 1930, Người nhấn mạnh tầm quan trọng của tư tưởng, đạo đức và sự đoàn kết trong Đảng, đồng thời đưa ra lời cảnh báo: “bệnh hẹp hòi và cách làm không khéo, cho nên càng muốn gần nhau, lại càng xa nhau”8.

- Khẳng định niềm tin vào xu thế tất yếu và sức sống của lý tưởng cộng sản, trong tác phẩm, Người nhấn mạnh: “Có thể ngăn sông, có thể đào núi, nhưng không có lực lượng nào có thể ngăn trở chủ nghĩa cộng sản phát triển và thực hiện”9. Niềm tin ấy cần được nuôi dưỡng và giữ vững trong mọi thế hệ đảng viên của Đảng ta.

- Nói về đạo lý cộng sản mà mỗi đảng viên phải biết ơn và noi gương các bậc tiền bối, Người nhận định: “Máu xương của các tiên liệt đã thấm nhuần gốc rễ của Đảng ta, làm cho cây nó càng vững, ngành nó càng to, và kết quả khai hoa ngày càng rực rỡ”10.

- Những kết luận mà Người nêu ra trong tác phẩm có giá trị và ý nghĩa thức tỉnh, thúc đẩy chúng ta sống và hành động sao cho xứng đáng với Đảng, với dân: “Sứ mệnh của Đảng ta rất to. Công việc của Đảng ta rất nhiều. Đảng đòi hỏi chúng ta phải làm tròn nhiệm vụ của đảng viên. Không có vinh dự nào to bằng cái vinh hạnh được làm đảng viên của Đảng Cộng sản. Vì vậy, bất kỳ ở hoàn cảnh nào, làm công việc gì, chúng ta cũng phải kiên quyết làm cho xứng đáng với vinh hạnh ấy”11.

Hiện nay, trong bối cảnh cả nước đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong từng đảng viên, từng chi bộ, từ đó góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, cần đưa tác phẩm Đảng ta vào học tập, thảo luận trong các buổi sinh hoạt chi bộ, đồng thời mỗi cán bộ, đảng viên cần tự giác nghiên cứu thực hiện những chỉ dẫn của Người bằng những việc làm cụ thể, thường xuyên, thiết thực.

Từ khóa: tác phẩm Đảng ta; chất lượng đảng viên; sinh hoạt chi bộ; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 5, tr. 271-279.

2, 4, 8, 9. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 2, 5-6, 3, 4.

3, 10. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 5.

5, 6, 7, 11. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 6.

GS.TS. Hoàng Chí Bảo

Nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương

ThS. Vũ Thanh Tình

Học viện Tài chính

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả