Tuyên cáo của Bảo Đại tháng 8/1945 và chặng đường ngắn ngủi đi theo cách mạng của ông vua cuối cùng triều đại nhà Nguyễn

Ngày đăng: 27/08/2020 - 16:08

Vua Bảo Đại - vị vua cuối cùng của triều đại phong kiến Việt Nam, sau khi thoái vị đã rời Thuận Hóa ra Hà Nội làm cố vấn cho Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ông từng nói rằng: “Tôi thà làm dân một nước tự do còn hơn làm vua một nước nô lệ”.

Ngày 30/8/1945, vua Bảo Đại đọc lời “Tuyên cáo thoái vị”, tự nguyện chấm dứt chế độ phong kiến của Triều Nguyễn mà ông là đại biểu cuối cùng. Sự kiện này đánh dấu thắng lợi vẻ vang của chế độ dân chủ nhân dân, đồng thời là một bản án nghiêm khắc kết tội thực dân Pháp:

“Hạnh phúc của nhân dân Việt Nam, độc lập của nước Việt Nam, muốn đạt mục đích ấy, Trẫm đã tuyên bố Trẫm sẵn lòng hy sinh hết thảy cả mọi phương diện và cũng vì mục đích ấy nên Trẫm muốn sự hy sinh của Trẫm phải có bổ ích cho Tổ quốc.

Xét thấy điều bổ ích nhất cho Tổ quốc lúc này là sự đoàn kết toàn thể quốc dân - Trẫm đã tuyên bố ngày 22/8 vừa rồi trong giờ phút nghiêm trọng này, đoàn kết là sống mà chia rẽ là chết.

Nay thấy nguyện vọng dân chủ của toàn dân Bắc Bộ lên quá cao, nếu Trẫm cứ ngồi yên mà đợi Quốc hội thì không thể nào tránh khỏi tai nạn Nam Bắc phân tranh, đã thống khổ cho quốc dân lại thuận tiện cho người ngoài lợi dụng. Cho nên mặc dầu Trẫm hết sức đau đớn nghĩ đến công lao của liệt thánh vào sinh ra tử gần bốn trăm năm, mở mang giang sơn đất nước từ Thuận Hóa tới Hà Tiên, mặc dầu Trẫm hết sức bùi ngùi cho nỗi làm vua trong hai mươi năm trời, mới gần gũi quốc dân được mấy tháng, chưa làm việc gì ích lợi cho quốc dân như lòng Trẫm muốn. Trẫm cũng quả quyết thoái vị để nhường quyền điều khiển quốc dân lại cho một Chính phủ dân chủ cộng hòa. Trong khi trao quyền cho Chính phủ mới, Trẫm chỉ mong ước có ba điều này:

Điều thứ nhất: Đối với tôn miếu và lăng tẩm các liệt thánh, Chính phủ mới nên xử trí thế nào cho có sự thể.

Điều thứ hai: Đối với các đảng phái đã từng phấn đấu cho nền độc lập quốc gia nhưng không đi sát theo phong trào dân chúng, Trẫm mong Chính phủ mới sẽ lấy sự ôn hòa xử trí để những phần tử ấy có thể giúp vào việc kiến thiết quốc gia và tỏ rằng Chính phủ dân chủ cộng hòa nước ta đã xây đắp ở trên sự đoàn kết của toàn thể quốc dân.

Điều thứ ba: Đối với quốc dân, Trẫm xin hết thảy tất cả các giai cấp, các đảng phái cho đến các người Hoàng gia cũng vậy, nên hợp nhất mà ủng hộ triệt để Chính phủ dân chủ, giữ lấy nền độc lập của nước, chứ đừng vì lòng quyến luyến Trẫm và Hoàng gia mà sinh ra chia rẽ. Còn về phần riêng Trẫm trong hai mươi năm ngai vàng bệ ngọc đã biết bao ngậm đắng nuốt cay!

Từ nay Trẫm lấy làm vui được làm dân tự do của nước độc lập, chứ Trẫm nhất quyết không để cho ai lợi dụng danh nghĩa của Trẫm hay của Hoàng gia mà lung lạc quốc dân nữa.

Việt Nam độc lập muôn năm! Dân chủ cộng hòa muôn năm!

                                                   30/8/1945, Nguyễn Vĩnh Thụy”.

Ấn Hoàng Đế Chi Bảo vua Bảo Đại trao lại tại lễ thoái vị chiều 30/8/1945

Sau khi đọc Tuyên cáo thoái vị tại Ngọ Môn, Huế, trước sự chứng kiến của hơn 50 nghìn người dân cố đô, Bảo Đại đã trao ấn, kiếm cho đại diện Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 02/9/1945, với chính sách khoan hồng của Đảng và Chính phủ ta, cựu Hoàng Bảo Đại không những không phải chịu số phận bi đát như vua Louis XVI trong cách mạng Pháp năm 1789 hay Sa hoàng Nga Nicolai Đệ Nhị trong Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, mà còn chính thức được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính Phủ ta mời ra làm cố vấn tối cao của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ban đầu, khi được đồng chí Phạm Khắc Hòe và Tôn Quang Phiệt đưa bức điện, cựu Hoàng Bảo Đại còn hoài nghi và chưa thực sự tin tưởng, thậm chí ông còn nghĩ rằng mình sẽ bị đưa đi lưu đày, không có chuyện được mời ra làm cố vấn. Ý nghĩ ấy ám ảnh ông trong suốt chặng đường đi từ Huế ra Hà Nội.

Hoàng đế Bảo Đại và Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1945 tại Hà Nội

Ra tới Hà Nội, ông được đối xử đúng mực, được tham gia bàn bạc công việc của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, được gặp lãnh tụ của cách mạng Hồ Chí Minh, ông mới hiểu rõ và thêm cảm phục nhà ái quốc chân chính. Tháng 3/1946, sau kỳ họp Quốc hội đầu tiên của Nhà nước dân chủ nhân dân vừa kết thúc, thực hiện chính sách giao hảo với Chính phủ Tưởng Giới Thạch, ông được Chính phủ ta cử sang Trùng Khánh tham gia phái đoàn này. Tiếc rằng, ông đã không trở về mà ở lại Trung Quốc, sau đó lại sang sống ở Hồng Kông. Ông đã quên mất lời hứa danh dự của mình trước quốc dân, đồng bào trong ngày đọc Chiếu thoái vị, quên đi trách nhiệm công dân của mình trước Chính phủ cách mạng lâm thời. Tháng 02/1947, trong khi cả dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đang bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, với bản chất giai cấp và nô lệ, ông đã chấp thuận để thực dân Pháp đưa trở lại Việt Nam làm Quốc trưởng của chính quyền thân Pháp trong vùng tạm bị chiếm (thực chất là chính quyền bù nhìn của Pháp). Sau Hiệp nghị Giơnevơ, tháng 10/1955, bằng cuộc “trưng cầu dân ý”, ông đã bị đế quốc Mỹ phế truất và đưa Ngô Đình Diệm lên thay thế. Tháng 10/1956, Bảo Đại sang Pháp sống lưu vong. Để quên đi quãng đời hoạt động chính trị cay đắng, Bảo Đại đã tự giam mình 10 năm ròng (1956-1966) trong một ngôi nhà ở vùng Alsace, miền Đông nước Pháp, lấy săn bắn và suy ngẫm làm thú vui để giết thời gian.

Có thể nói, sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, vua Bảo Đại đã được khoan hồng, được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ ta tạo cơ hội mới để chuộc lại lỗi lầm và trở lại làm một người công dân dưới chính quyền dân chủ cộng hòa, song có lẽ do không cùng chung lý tưởng, không cùng chí hướng với Nhân dân ta và còn do rất nhiều nguyên nhân khác nữa, ông lại một lần nữa quay trở lại làm tay sai - nô lệ cho thực dân Pháp, chống lại đồng bào, phản bội Tổ quốc. Sau khi bị thất sủng ở miền Nam Việt Nam, ông vua cuối cùng của triều đại phong kiến Việt Nam đã sang Pháp sống lưu vong cho đến khi qua đời vào năm 1997.

Nguyễn Hữu Giới

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả