Vai trò gương mẫu của người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Ngày đăng: 10/10/2022 - 00:10

Nêu gương là một phương thức lãnh đạo của Đảng và là thành phần cốt yếu của văn hóa Đảng. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ trọng yếu, quyết định sự tồn vong của Đảng và chế độ. Bài viết phân tích yêu cầu tất yếu khách quan của việc phát huy vai trò gương mẫu của người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; từ đó đề xuất các giải pháp phát huy vai trò gương mẫu của người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII - Ảnh: vietnamplus.vn

1. Phát huy vai trò gương mẫu của người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là yêu cầu tất yếu khách quan

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là đối với người đứng đầu

“Người đứng đầu” bao gồm người đứng đầu cấp ủy (cơ quan Đảng), người đứng đầu chính quyền (cơ quan Nhà nước), các tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến địa phương; cán bộ, sĩ quan, đứng đầu các lực lượng vũ trang, v.v.. Họ là những người được Đảng, Nhà nước, nhân dân tin tưởng, giao phó nắm giữ quyền lực ở vị trí lãnh đạo, quản lý cao nhất của tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương.

Trong bối cảnh các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước luôn tìm mọi âm mưu, thủ đoạn tinh vi, liên kết thực hiện “diễn biến hòa bình”, hòng xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, xóa bỏ thành tựu của cách mạng Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta xác định rõ: phát huy vai trò gương mẫu của người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng luôn là nhiệm vụ cấp bách quan trọng để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ. Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị “về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” nhấn mạnh: “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng là vấn đề cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng hiện nay; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân”1.

Phát huy vai trò gương mẫu của người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng

Người đứng đầu là cán bộ có vị trí, trách nhiệm cá nhân và vai trò “đầu tàu”, quyết định mọi thành công hay thất bại trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương2. Vị trí đó phải được trao cho những người đáp ứng đúng, đủ các tiêu chí “tâm, tầm, tài” theo quy định của Đảng, Nhà nước và có uy tín đối với chủ thể quyền lực - nhân dân.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”3, “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”4.

Người đứng đầu chỉ có thể hoàn thành sứ mệnh “đầu tàu” trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng khi thể hiện và phát huy tính tiền phong, gương mẫu, nói đi đôi với làm, thật sự là gương sáng về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, tác phong công tác, “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” để quy tụ và phát huy sức mạnh của mọi cá nhân trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương, hoàn thành nhiệm vụ được giao phó.

Ý nghĩa của vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn truyên truyền”5.

Tấm gương trong sáng, mẫu mực về lời nói và hành động của người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng có sức mạnh lan tỏa, thuyết phục cấp dưới và quần chúng làm theo, lôi cuốn, dẫn dắt các thành viên của tổ chức trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Nơi nào người đứng đầu có tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, giữ gìn phẩm chất đạo đức, nói đi đôi với làm, thì nơi đó hoạt động nền nếp, hiệu quả, giữ gìn được kỷ cương, kỷ luật và tất yếu nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đạt hiệu quả cao.

Ngược lại, nơi nào người đứng đầu không gương mẫu, nói một đường, làm một nẻo; nói hay, làm dở; nói nhiều, làm ít; làm không hiệu quả, thì nơi đó sẽ không giữ được kỷ cương, kỷ luật và tất yếu nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng sẽ không thể đạt được hiệu quả.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đứng đầu có đủ “tâm, tầm, tài”, là tấm gương sáng ngời của đức tính “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Người đã dành trọn cuộc đời dẫn dắt, lãnh đạo Đảng và nhân dân ta bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, vững bước trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Tấm gương mẫu mực của Người đã và đang tiếp tục soi sáng cho cả dân tộc, đặc biệt là những người đứng đầu Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các cấp, các ngành, địa phương học hỏi để tự soi lại chính mình.

 

Trong bối cảnh tình hình chính trị thế giới có nhiều biến động khó lường, các thế lực thù địch ráo riết thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” hòng xóa bỏ lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; trong nước báo động về tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên có biểu hiện dao động, phai nhạt lý tưởng, nghi ngờ về khả năng hiện thực hóa con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bằng trách nhiệm, trí tuệ, đạo đức, phấn đấu không ngừng nghỉ để hoàn thành sứ mệnh của người đứng đầu Đảng, tiếp tục lãnh đạo thành công sự nghiệp cách mạng mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã lựa chọn. Với trí tuệ uyên bác của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nghiên cứu lý luận, định hướng tư tưởng cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân về con đường xây dựng và phát triển đất nước, thể hiện lập trường quan điểm kiên định tiếp tục bảo vệ nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, định hướng sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta. Điều này thể hiện rõ trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Bài viết đã được dư luận quốc tế quan tâm đón nhận và đánh giá cao. Theo ông Francesco Maringiò - Ban Quốc tế, Đảng Cộng sản Ý, bài viết của Tổng Bí thư “đã giúp mở rộng hiểu biết về sự độc đáo của chủ nghĩa xã hội Việt Nam và làm phong phú thêm tư tưởng xã hội chủ nghĩa của thế giới”6. Ông Amiad Horowitz - đảng viên Đảng Cộng sản Hoa Kỳ nhận định “bài viết có tầm quan trọng to lớn đối với phong trào cộng sản quốc tế”, “những người cộng sản trên khắp địa cầu nên nghiên cứu bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”7.

Bài viết của Tổng Bí thư là thông điệp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, củng cố niềm tin của nhân dân đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự nghiệp cách mạng Việt Nam; đồng thời nhắc nhở những người đứng đầu về trách nhiệm nêu gương trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Hiện nay, vẫn còn tình trạng một số người đứng đầu thiếu gương mẫu, phản bội lời thề trước Đảng và nhân dân, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, tự “diễn biến”, “tự chuyển hóa”, không vượt qua được sự cám dỗ của tiền tài, danh vọng, dẫn đến tham nhũng, tiêu cực, vi phạm “những điều đảng viên không được làm”. Bản thân họ không chỉ tự đánh mất mình, mà còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Đảng, Nhà nước, uy tín của cơ quan, tổ chức, ngành, địa phương mà họ đứng đầu; làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với chế độ. Chỉ tính trong 10 năm (2012 - 2022) đã có: “170 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 04 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; 29 Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương; 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang”8.

Việc xử lý những người đứng đầu vi phạm trên theo đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cắt bỏ một vài cành cây sâu mọt để cứu cả cái cây”9.

Nhìn ra thế giới, các nghiên cứu đã chỉ ra nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô là do chính người đứng đầu. “Sự phản bội lớn nhất của M.S. Gorbachev là thủ tiêu vai trò của Đảng Cộng sản Liên Xô đối với xã hội, cổ vũ hình thành các tổ chức chính trị đối lập, thực hiện đa nguyên, đa đảng”, “Cuộc cải tổ sai lầm ở Liên Xô do M.S. Gorbachev đề xướng là nhân tố trực tiếp dẫn đến sự sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa trên đất nước Liên Xô10.

Đây là bài học có ý nghĩa sâu sắc, nhắc nhở, cảnh tỉnh chúng ta tránh lựa chọn nhầm người đứng đầu để Đảng và chế độ không rơi vào thảm họa diệt vong.

Yêu cầu tất yếu phải phát huy vai trò gương mẫu của người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong bối cảnh mới

Hiện nay, tình trạng một số cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu “sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hám danh, hám quyền lực, tham nhũng, tiêu cực; bè phái cục bộ, mất đoàn kết; quan liêu, xa dân, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của dân... phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, mơ hồ, dao động, thiếu niềm tin; nói trái, làm trái quan điểm, đường lối của Đảng...; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn bổn phận, chức trách được giao... dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa...”11. Những người này đã làm tổn hại đến bản chất, uy tín, sức chiến đấu của Đảng và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Nguy hại hơn, đây là cái cớ cho các thế lực thù địch thực hiện “diễn biến hòa bình”, xuyên tạc, kích động tư tưởng chống đối, đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, đòi đa nguyên, đa đảng, đòi xóa bỏ chế độ, xóa bỏ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Do đó, phát huy vai trò gương mẫu của người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là biện pháp quan trọng để củng cố và nâng cao uy tín của Đảng trong bối cảnh mới.

Phát huy vai trò gương mẫu của người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nội dung quan trọng nhằm triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, như: Quy định số 101-QĐ/TW ngày 7/6/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI “về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là lãnh đạo chủ chốt các cấp”; Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị “về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”; Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”;  Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 30/10/2016 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII “về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương “về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa””; Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương “về những điều đảng viên không được làm”; Quy định số 67-QĐ/TW ngày 2/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương “về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”. Theo đó, “Từng đồng chí Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, từng đồng chí đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải tự giác, gương mẫu thực hiện nghị quyết, nói đi đôi với làm, chỉ đạo quyết liệt với quyết tâm rất cao, sự nỗ lực rất lớn”12.

Phát huy vai trò gương mẫu của người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng gắn liền với thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đây là giải pháp mang lại hiệu quả to lớn, bền vững, nhằm ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Phát huy vai trò gương mẫu của người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng xuất phát từ yêu cầu thực tiễn vận dụng Nghị quyết Đại hội XIII vào cuộc sống. Theo đó, Chỉ thị số 01-CT/TW ngày 9/3/2021 của Bộ Chính trị khóa XIII yêu cầu đề cao ý thức tự giác gương mẫu của người đứng đầu các cấp ủy, tổ chức Đảng trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng kế hoạch để nêu gương trong lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về chất lượng nghiên cứu, học tập, quán triệt thực hiện để đưa Nghị quyết vào cuộc sống.

2. Một số giải pháp phát huy vai trò gương mẫu của người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Thứ nhất, phải chọn đúng người đứng đầu, đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược. Họ phải thật sự là tấm gương tiêu biểu về trình độ, năng lực chuyên môn, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, lối sống trong sáng, có trí tuệ, tầm nhìn, tư duy chiến lược, có tinh thần quyết đoán, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, không vụ lợi, có uy tín đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân. Khi đó, người đứng đầu mới đủ uy tín, năng lực để quy tụ, thu hút, đoàn kết lực lượng thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong bối cảnh mới.

Việc lựa chọn người đứng đầu phải được thực hiện nghiêm túc, đúng theo quy định của Đảng và Nhà nước về quy trình lựa chọn, đánh giá, sử dụng, quy hoạch, đào tạo, bố trí sử dụng cán bộ lãnh đạo, quản lý; tránh hình thức, lợi ích nhóm; không để quy trình lựa chọn người đứng đầu biến tướng thành tệ nạn “Thứ nhất hậu duệ, thứ nhì tiền tệ, thứ ba quan hệ, thứ tư trí tuệ”; “phải có con mắt tinh đời”, “đừng nhìn gà hóa cuốc”, “đừng thấy đỏ tưởng là chín”, đừng chỉ thấy “cái mã bên ngoài, nó che đậy cái sơ sài bên trong”13. Có như vậy mới “không bỏ sót những người thật sự có đức, có tài, đủ tiêu chuẩn”. Không chọn nhầm người đứng đầu: “Bản lĩnh chính trị không vững vàng; không kiên định đường lối, quan điểm của Đảng; có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, tham nhũng, quan liêu, cục bộ, vận động cho cá nhân, phe cánh, lợi ích nhóm; thiếu chính kiến, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; nói nhiều làm ít, nói không đi đôi với làm; ý thức kỷ luật kém..., uy tín giảm sút”14; “Phải bằng mọi biện pháp dứt khoát không đưa vào cơ quan lãnh đạo những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người đã phạm sai lầm...”15. Vì nếu “Để những người đó lọt vào cương vị lãnh đạo là tai họa cho Đảng, là tạo điều kiện cho họ càng hại nước, hại dân nhiều hơn”16.

Thứ hai, tiếp tục luật hóa quan điểm của Đảng về trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực của người đứng đầu, tránh lạm quyền, độc đoán chuyên quyền. Đây là giải pháp quan trọng vì chỉ khi có cơ chế ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của người đứng đầu mới bảo đảm gương của người đứng đầu luôn trong sáng.

Thứ ba, các thiết chế kiểm soát quyền lực của người đứng đầu phải được vận hành thường xuyên, hiệu quả.

Kiểm soát quyền lực của người đứng đầu từ bên trong, đó là: kiểm soát của cơ quan lập pháp đối với người đứng đầu các cơ quan hành pháp, cơ quan tư pháp; kiểm soát của cơ quan hành pháp, tư pháp đối với người đứng đầu cơ quan lập pháp; kiểm soát của cơ quan hành pháp đối với người đứng đầu cơ quan tư pháp; kiểm soát nội bộ của chính các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp đối với người đứng đầu của các cơ quan này.

Kiểm soát quyền lực của người đứng đầu từ bên ngoài, đó là: kiểm soát quyền lực của người đứng đầu thông qua hoạt động kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng của tổ chức Đảng (cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra của Đảng ủy các cấp; kiểm soát thông qua hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương và cấp tỉnh); là hoạt động giám sát, phản biện của các tổ chức chính trị - xã hội (Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên); là kiểm soát của nhân dân, cơ quan báo chí truyền thông.

Nội dung kiểm soát quyền lực của người đứng đầu phải kết hợp cả về trình độ, năng lực thực thi quyền lực và kiểm soát để nắm vững diễn biến tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, từ đó phát hiện, ngăn chặn kịp thời nguy cơ thoái hóa, biến chất, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; ngăn chặn nguy cơ người đứng đầu trở thành gương mờ, gương bị hoen ố.

Thứ tư, xác định rõ trách nhiệm nêu gương là tiêu chí bắt buộc để lựa chọn nhân sự, cũng là tiêu chí đánh giá quá trình thực hiện nhiệm vụ của người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đồng thời, là tiêu chí xem xét người đứng đầu có thật sự xứng đáng để tiếp tục giữ vị trí đứng đầu cơ quan, tổ chức hay đủ điều kiện để làm quy trình giao nhiệm vụ đứng đầu ở vị trí cao hơn hay không?

Thứ năm, bản thân người đứng đầu phải nâng cao nhận thức về trách nhiệm gương mẫu cá nhân và ý nghĩa quan trọng của phát huy vai trò gương mẫu của người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Trước hết, người đứng đầu cần xác định rõ bản thân chỉ có thể trở thành gương sáng để soi đường, tạo động lực cho tổ chức, cơ quan, đơn vị bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng khi: i) luôn trung thành và tiên phong đi trước, làm trước, hy sinh trước; ii) sống trung trực, thẳng thắn, trách nhiệm, sống có lương tâm; iii) luôn coi trọng tín nghĩa và sống có tự trọng, có liêm sỉ;  iv) luôn sống có phẩm hạnh với cốt cách trong sạch, giàu tình thương; tạo được sức mạnh từ uy tín cá nhân; v) không sa vào lối sống phô trương, xa hoa, lãng phí; nói ít làm nhiều, trọng lời hứa, ghét thói “hứa suông, hứa ảo”. Trong gia đình, phải là người con hiếu thảo, lễ độ, mẫu mực; ở cơ quan, đơn vị phải là người đồng chí tốt, cán bộ tốt như lời dạy của cổ nhân: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Nếu người đứng đầu việc riêng không chu toàn tất việc chung khó đạt và tất yếu khi đó người đứng đầu sẽ là “gương mờ, bị hoen ố”.

Ngoài ra, người đứng đầu phải nhận thức được mối nguy hại đối với sự tồn vong của Đảng, của chế độ nếu họ không gương mẫu, không quyết tâm rèn luyện, phấn đấu làm gương sáng cho cấp dưới và nhân dân noi theo. Phải xác định rõ trách nhiệm tự giác tu dưỡng, rèn luyện để không bị suy thoái, băng hoại về đạo đức, mới có đủ dũng khí và năng lực để dẫn dắt tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương trong đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

1. Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22-10-2018 “về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”.

2. Nguyễn Thái Sơn: Thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu và chế độ tập trung dân chủ của ban lãnh đạo, https://www.tapchicongsan.org.vn, ngày 30-6-2022.

3, 4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.280, 309.

5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.1, tr.284.

6, 7.  Dư luận trong nước và quốc tế về bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, https://tuoitre.vn, ngày 30-6-2022.

8, 9. Cổng Thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh:  Toàn văn bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, https://hcma.vn, ngày 3-7-2022.

10.  Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam: Vì sao Liên Xô sụp đổ: I. Đường lối cải tổ sai lầm và sự phản bội của Gorbachev, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn, ngày 30-6-2022.

11, 12. Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương Việt Nam: Toàn văn phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, https://moit.gov.vn, ngày 30-6-2022.

13, 14, 15, 16. Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.352, 348, 351-352, 352.

Theo Tạp chí Lý luận chính trị

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả