Xây dựng hệ giá trị văn hóa thời kỳ mới là yêu cầu cấp thiết

Ngày đăng: 28/11/2022 - 00:11

GS.TS Đinh Xuân Dũng bàn về tính cấp thiết và những yêu cầu xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới.

Những đòi hỏi cấp thiết

Lịch sử, văn hóa, con người. Vị trí của quá khứ trong hiện tại và tương lai

Khi bàn về quan hệ giữa lịch sử và con người, người ta thường có hai nhận định tưởng như trái ngược nhau, nhưng thực ra rất biện chứng: con người làm nên lịch sử và tiến trình lịch sử tạo ra sự phát triển của con người. Lịch sử bao gồm nhiều lĩnh vực, sự kiện, biến cố… nối tiếp nhau, có những cái bị vượt qua, có những cái chỉ xảy ra một lần, song cái mãi mãi gắn bó, phát triển, tồn tại và đồng hành với con người, đó là văn hóa, là các nền văn hóa, bởi vì con người tạo ra văn hóa và từ đó, soi vào văn hóa sẽ thấy những dấu ấn đặc trưng nhất, sâu nhất ca con người trong tiến trình phát triển của chính con người.

Ý kiến trên, thực ra, không mới, nhưng thực sự quan trọng khi gắn chặt văn hóa với con người, con người với văn hóa. Cách đây khoảng 170 năm, Karl Marx trong Hệ tư tưởng Đức” (1844) đã cho rằng con người có hai phương thức: sản xuất vật chất tạo ra của cải và “sản xuất tinh thần tạo ra nhân cách”.

Sản xuất tinh thần đó chính là văn hóa. Mặc dầu đã nhận rõ quy luật đó được thể hiện trong các văn kiện của Đảng, song đến tháng 6/2014, tại Hội nghị lần thứ 9 (khóa XI), khi ban hành Nghị quyết 33-NQ/TW về văn hóa, Đảng mới nhấn mạnh quy luật trên trong tiêu đề của Nghị quyết “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Tưởng là đơn giản, nhưng đó là bước tiến về lý luận được đúc kết từ thực tiễn.

Trong “Báo cáo tiếp thu và giải trình của Bộ Chính trị” tại Hội nghị về tên gọi này của Nghị quyết có lý giải như sau: “Một số ý kiến đề nghị tên gọi ở phương án 1 nên bỏ từ "con người” vì sợ trùng với khái niệm “văn hóa” đã ghi ở phía trước… Về vấn đề này, Bộ Chính trị xin báo cáo Trung ương: Nói về văn hóa cũng là nói về con người, vì văn hóa là của con người, do con người, vì con người. Tuy nhiên, trong thực tế, không ít trường hợp đã hiểu sai lệch, coi văn hóa là những công việc, những hoạt động trên lĩnh vực văn hóa (như múa hát, biểu diễn, lễ hội…), không tập trung cho mục tiêu trọng tâm, cốt lõi là xây dựng con người. Chính vì vậy, trong Nghị quyết Trung ương lần này có thêm một quan điểm khẳng định vấn đề trọng tâm, cốt lõi của xây dựng văn hóa là xây dựng con người. Thêm từ “con người” để nhấn mạnh, để khẳng định”. Đứng ở góc độ và tầm nhìn trên, Hội thảo này với chủ đề “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” mang tính khoa học, phù hợp với quy luật và quan hệ giữa văn hóa và con người, đi vào mục tiêu cao nhất, “trọng tâm, cốt lõi” của phát triển văn hóa là xây dựng, nuôi dưỡng, gìn giữ và phát triển các hệ giá trị văn hóa trên.

Văn hóa Việt Nam ra đời và phát triển trong những điều kiện và đặc điểm lịch sử rất đặc biệt, nổi bật là những cuộc đấu tranh vĩ đại để dựng nước và giữ nước, là sự lao động kiên cường để trụ vững và phát triển, là những cuộc chiến đấu kiên trì vô song để chống lại âm mưu đồng hóa văn hóa, đồng thời nó tồn tại trong nhiều thế kỷ của chế độ phong kiến từ buổi đầu phát triển cho đến giữa thế kỷ 19. Nền văn hóa ấy đã trực tiếp tạo nên những đặc trưng của con người Việt Nam trong quá khứ, cả mặt mạnh và mặt yếu của nó. Cần phải nhìn một cách khách quan cả hai mặt này để tìm lời giải đáp cho hiện tại và tương lai, cái gì phải bảo vệ, giữ gìn và phát triển, cái gì phải khắc phục và vượt qua. Chưa bao giờ như thời điểm lịch sử này, vấn đề trên được đặt ra một cách gay gắt, trực diện khi dân tộc đang ở trong thời kỳ quá độ, vượt qua lạc hậu và muôn vàn thử thách, vươn tới xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

“Văn hóa Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam”. Đó là một sự thật lịch sử, không thể phủ nhận. Vậy những giá trị cao đẹp, bền vững nào trong quá khứ phải được bảo vệ, phát huy để nó không chỉ là di sản nhằm chiêm ngưỡng mà phải trở thành sức mạnh nội sinh trong phẩm giá, nhân cách con người Việt Nam đương đại và tương lai. Các văn kiện của Đảng đã nhiều lần chỉ ra các giá trị truyền thống đó để gợi mở cho công tác nghiên cứu, tiếp tục trao đổi khoa học đi tới thống nhất, song không phải không có ý định đen tối phủ định các giá trị quá khứ nhằm âm mưu xuyên tạc lịch sử và con người Việt Nam. Câu hỏi, vấn đề đặt ra cấp thiết hiện nay là: những giá trị của con người Việt Nam thời kỳ mới, hiện đại sẽ và chỉ được định hình trên cơ sở kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại. Đến nay, hệ giá trị truyền thống cần được khẳng định là gì, vẫn chưa đi tới kết luận, nhiều khi còn những ý kiến khác nhau, đôi khi trái ngược nhau. (Một ví dụ cụ thể: nhiều ý kiến cho rằng “cần cù” là một giá trị truyền thống bền vững, song có ý kiến hoàn toàn ngược lại!). Phải chăng, sau Hội thảo này cần đi tới xác định hệ giá trị truyền thống đó để định hướng cho việc xây dựng và định hình hệ giá trị con người Việt Nam đương đại trên cơ sở kết hợp nhuần nhuyễn giữa giá trị truyền thống với các giá trị mới đang phát triển trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Vào những năm đầu thế kỷ XX, cùng phong trào Đông kinh nghĩa thục và nhu cầu “cách tân, khai dân trí, chấn dân khí”, một số nhà trí thức, nhà báo, nhà văn có xu hướng chỉ ra và phân tích những thói hư, tật xấu của con người Việt Nam trong lịch sử để sửa chữa, tiến bộ, vượt qua sự lạc hậu của chính mình. Một số bài của các trí thức yêu nước nổi tiếng, có uy tín trong xã hội đã có tác dụng tích cực trong giai đoạn lịch sử đặc biệt trên - giai đoạn thức tỉnh, giác ngộ, động viên con người Việt Nam vươn lên tự giải phóng.

Sau này, trong một thời gian khá dài, chúng ta chỉ nhấn mạnh mặt tốt đẹp, ưu điểm của người Việt, đôi khi có phần tuyệt đối hóa hoặc né tránh chỉ ra những hạn chế lịch sử, thói hư, tật xấu của người Việt đã hình thành trong hơn một nghìn năm phong kiến. Từ đổi mới đến nay, cách nhìn một chiều trên đang dần thay đổi, chỉ ra đồng thời hai mặt (ưu và hạn chế lịch sử) trong tính cách người Việt để phát huy mặt tốt đẹp, khắc phục mặt hạn chế. Đó là hướng đi rất cần thiết, tỉnh táo và khoa học để người Việt tự vượt lên chính mình, kiên quyết khắc phục, đấu tranh với cái xấu, thói hư… trong thời kỳ đặc biệt hiện nay: từ một xã hội nông nghiệp, tiểu nông, lạc hậu bước vào xã hội công nghiệp, hiện đại. Đó là bước ngoặt lịch sử lớn lao chưa từng có với nhiều đòi hỏi rất mới đối với người Việt.

Trong Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014, trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII (1/2016) và gần đây nhất, trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII (1/2021) đều có một yêu cầu rõ ràng và dứt khoát: “Có giải pháp khắc phục những mặt hạn chế của con người Việt Nam”. Vậy, những hạn chế lịch sử này là gì? Có nhà nghiên cứu đã chỉ ra 11 nhóm hạn chế, thói hư, tật xấu. Có công trình kết hợp cả các hạn chế lịch sử (trong quá khứ) với những biểu hiện tiêu cực, xấu xa nảy sinh trong cuộc sống hiện tại để nêu ra 21 thói hư, tật xấu…

Song, đến nay, phải chăng, vấn đề này đang bị bỏ lửng hoặc né tránh, e ngại. Rõ ràng, một nhiệm vụ có tính tất yếu, khách quan, có ý nghĩa cấp thiết là chỉ ra một cách khoa học những hạn chế đó để vượt qua, để gột rửa. Giai đoạn phát triển mới của đất nước đòi hỏi như vậy, và chỉ làm tốt nhiệm vụ đó mới có cơ sở hình thành những giá trị mới trong nhân cách con người Việt Nam hiện đại. Thực tiễn những năm qua cho ta nhận rõ, đây là một cuộc đấu tranh, tự vượt chính mình gian nan, lâu dài.

Hiện tại với những biến đổi, biến động lớn, phức tạp và những công việc xác định các hệ giá trị còn dang dở

Hiện nay, Việt Nam đang đứng ở đâu trong sự phát triển của chính mình? Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong một bài phát biểu gần đây: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” đã hơn hai lần nhấn mạnh, chúng ta đang ở “thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội” và khẳng định "nhất thiết phải trải qua thời kỳ đó với đặc điểm bao trùm là một sự nghiệp lâu dài, đặc biệt khó khăn và phức tạp, vì nó phải tạo ra sự biến đổi sâu sắc về chất trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội".

Có lẽ, trong thời gian qua, chúng ta chưa nhận thức đầy đủ đặc điểm này nên trong đời sống xuất hiện hai xu hướng: một là, cho rằng chủ nghĩa xã hội đã trở thành hiện thực ở nước ta và hai là, đối chiếu với thực tiễn, đặc biệt ở mặt yếu kém, khuyết điểm, hạn chế của nó, cho rằng, chủ nghĩa xã hội chỉ là một ước vọng, thậm chí là một ảo tưởng!

Hiện nay, chúng ta đang trong những năm đầu của thời kỳ quá độ “lâu dài, đặc biệt khó khăn, phức tạp”, có nghĩa là, như nhận định của Tổng Bí thư “các nhân tố xã hội chủ nghĩa được hình thành, xác lập và phát triển đan xen, cạnh tranh với các nhân tố phi xã hội chủ nghĩa”. Điều đó thể hiện trong tất cả các lĩnh vực, song, sâu nhất, rõ nhất là trong con người hiện tại.

Thời kỳ quá độ này đang đặt ra rất nhiều sự lựa chọn, tính đa chiều trong nhận thức, trong thế giới tinh thần dẫn tới các xu hướng: lựa chọn đúng hướng, đứng vững; sự lúng túng, chờ thời và sự chệch hướng, cả cơ hội và “ngược hướng”… bởi vì các hệ giá trị và chuẩn mực văn hóa đang được sắp xếp lại, tìm tòi mới, mở ra đa dạng hơn, từ đó đặt con người trước những thử thách và sự lựa chọn. Một sự phân nhánh, phân hóa không tránh khỏi: những người thủy chung với lý tưởng, khát khao tìm tòi đổi mới, kiên định gắn chặt với năng lực sáng tạo; những người bảo thủ, thủ cựu; những người đuối sức không đi tiếp được chặng đường đã chọn; những kẻ chờ thời, cơ hội, “hai mặt” vội tách ra khỏi đội ngũ, phủ định chính mình và tự coi là đã tìm ra “chân lý mới”; và những kẻ phản bội, thù địch lợi dụng thời cơ để chống phá.

Tôi thực sự thấm thía khi Tổng Bí thư phát biểu rằng: “Mất người là mất chế độ”. Thực tiễn đó đặt ra một nhiệm vụ vừa cấp thiết vừa chiến lược là phải khẩn trương, khoa học, từ tổng kết thực tiễn, xây dựng cho bằng được các giá trị văn hóa của quốc gia - dân tộc, của con người Việt Nam để định hướng đúng đắn cho sự lựa chọn, để đấu tranh với các khuynh hướng phản giá trị, lúng túng, bi quan, thờ ơ, dẫn tới lệch chuẩn, loạn chuẩn… đang tồn tại và có nguy cơ lan tràn trong thời kỳ quá độ hiện nay và những năm sắp tới. Đó là một đòi hỏi cấp thiết, khách quan nhằm nuôi dưỡng, xây dựng và phát triển con người với những giá trị cao đẹp của dân tộc trong thời kỳ quá độ “đặc biệt khó khăn và phức tạp” này.

Đòi hỏi khách quan, cấp thiết là như vậy, song trong thực tiễn, chúng ta đã làm được gì? Khoảng hơn 20 năm qua, kể từ Đại hội IX (2001) đến nay, chúng ta đã có rất nhiều đề xuất và nghiên cứu về Hệ giá trị và đã được những kết quả khả quan ở hai hướng nghiên cứu: một là, các định hướng có tính chất chỉ đạo, gợi mở hay “kết luận mở” trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng và hai là, kết quả nghiên cứu của giới khoa học. (Trong hệ thống tư liệu chưa đầy đủ của tôi, đến nay, đã có khoảng 40 công trình, báo cáo khoa học công phu, có hệ thống về vấn đề này, chưa kể các bài báo đăng tải trên các báo và tạp chí, kỷ yếu hội thảo). Tuy vậy, có một đặc điểm chung của các kết quả trên là hầu như tất cả mới chỉ nêu vấn đề, gợi mở, đề xuất song chưa đi tới một kết luận có ý nghĩa, giá trị “pháp lý” cần thiết, một sự đồng thuận cao để có thể tạo nên những hoạt động triển khai có tính thống nhất.

Từ Đại hội Đảng lần thứ IX (2001) đến Đại hội Đảng lần thứ XIII (2021) đều yêu cầu “đúc kết và xây dựng hệ giá trị” của con người Việt Nam và trong các đại hội, hội nghị gần đây đã nêu ra cụ thể các giá trị đó, song chỉ với hàm ý là gợi mở cho việc tiếp tục nghiên cứu nhằm đạt tới sự đồng thuận đầy đủ và hoàn thiện. Tôi đã được chứng kiến những trao đổi, thảo luận rất sôi nổi trong các Đại hội gần đây và một số Hội nghị Trung ương về vấn đề này. Vì vậy, trong “Báo cáo tiếp thu và giải trình” của Bộ Chính trị trước Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) đã xác định, mặc dầu Nghị quyết đưa ra các giá trị cụ thể, nhưng do có những đề xuất còn khác nhau, nên “Khi triển khai thực hiện Nghị quyết, sẽ chỉ đạo tổ chức nghiên cứu làm rõ và đầy đủ hơn các đặc tính của con người Việt Nam” (Văn kiện Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2014, trang 35). (Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII nêu 5 cụm “đức tính” gồm nhiều nội dung, Văn kiện Đại hội IX (2001) nêu 13 nội dung, Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI (2014) nêu 7 “đặc tính cơ bản”, gần đây, Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu lên 8 giá trị…).

Như vậy, từ những định hướng chỉ đạo và gợi mở trên, Đảng yêu cầu cần “làm rõ và đầy đủ hơn” các giá trị của con người Việt Nam. Thực hiện sự chỉ đạo và gợi mở đó, hàng loạt các công trình nghiên cứu, các hội thảo khoa học đã được thực hiện, song đến nay, có lẽ vấn đề mới “bung” ra mà chưa được “gói lại”, nhiều vấn đề còn ở dạng đề xuất, dù rất khác nhau và còn cả những vấn đề chưa được giải đáp chuẩn xác về mặt khoa học.

Chắc chắn rằng, không nên và không thể dừng lại giữa chừng, dở dang này đã kéo dài hàng chục năm qua. Đã đến lúc đi tiếp, đi nốt chặng đường còn lại. Đó là đòi hỏi cấp bách, kịp thời của giai đoạn lịch sử đặc biệt này: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc… phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa” (Văn kiện Đại hội XIII, tập I, trang 57).

Chính vì lẽ trên mà Văn kiện Đại hội XIII của Đảng (2021) đã đặt ra một yêu cầu, nhiệm vụ mới: “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”. Khác với văn kiện trước đây, lần này, Đảng yêu cầu đồng thời triển khai cả ba khâu để hoàn tất nhiệm vụ và đưa kết quả vào cuộc sống: một là, “tập trung nghiên cứu”, hai là “xác định”, và ba là “triển khai xây dựng” trong thực tiễn các hệ giá trị trên.

Bước đầu suy nghĩ về những yêu cầu đặt ra đối với việc xây dựng, thực hiện các Hệ giá trị

Trong khả năng và phạm vi công việc của mình, tôi chỉ xin trình bày một vài yêu cầu, chủ yếu đứng ở góc độ khoa học, mà không có ý định đề cập đến phương diện vĩ mô của vấn đề.

Nhìn nhận các hệ giá trị theo một thang giá trị có mối quan hệ biện chứng, đồng thời quan tâm tính đặc trưng của mỗi hệ giá trị

Những năm vừa qua, cùng các kết quả nghiên cứu rất khả quan, đã xuất hiện những quan niệm khác nhau, sử dụng khác nhau các khái niệm giá trị. Các thuật ngữ sau đây được sử dụng ở các tài liệu, công trình: giá trị văn hóa, giá trị chung của con người Việt Nam, giá trị cốt lõi, giá trị xã hội, giá trị của văn hóa Việt Nam, chuẩn mực, chuẩn mực văn hóa, hệ giá trị định hướng, giá trị cá nhân, đức tính, đặc tính… Điều đó là bình thường trong quá trình nghiên cứu khoa học, ngay cả khi có sự lẫn lộn các khái niệm. Ví dụ: giá trị văn hóa của con người Việt Nam khác hẳn với giá trị của văn hóa Việt Nam.

Ở phần này, trên cơ sở chắt lọc các kết quả nghiên cứu và đặc biệt từ một yêu cầu trong nhiệm vụ “xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam” tại Đại hội XIII của Đảng: “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”, tôi xin đề xuất về một thang giá trị cần tập trung nghiên cứu. Có ba điều cần quan tâm đến luận đề trên, một là, lần đầu tiên, hệ giá trị quốc gia được đề cập trong văn kiện, hai là, yêu cầu gắn kết các hệ giá trị và ba là, không tách rời giữa nghiên cứu đi tới xác định và triển khai xây dựng trong thực tiễn.

Trong khả năng nhận thức của mình, tôi nghĩ tới một thang giá trị được sắp xếp thành một hệ thống sau:

Hệ giá trị quốc gia là sự tổng hợp có tầm khái quát cao nhất, tiêu biểu và mang ý nghĩa đặc trưng của quốc gia - dân tộc được đúc kết từ lịch sử, truyền thống, từ thực tiễn và có giá trị định hướng tương lai.

Hệ giá trị con người Việt Nam: Nhấn mạnh và xác định những phẩm chất, đặc tính bao trùm và căn cốt tạo nên bản sắc và sức mạnh nội sinh của con người Việt Nam. Kết quả nghiên cứu những năm qua đã gợi mở cho các cuộc thảo luận để đi tới sự đồng thuận cao.

Chuẩn mực văn hóa là sự cụ thể hóa giá trị con người Việt Nam cho các đối tượng khác nhau, phù hợp với đặc trưng của từng đối tượng (giới, lứa tuổi, nghề nghiệp, vùng miền…).

Hệ giá trị gia đình Việt Nam như một thành tố cơ sở trong thang giá trị.

(Xin lưu ý, khi nói giá trị của văn hóa Việt Nam là nghiên cứu giá trị của một lĩnh vực cụ thể là văn hóa, mà văn kiện của Đảng đã gợi mở 4 giá trị: dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học. Điều đó hoàn toàn khác với khái niệm: giá trị văn hóa của con người Việt Nam).

Tổ chức thảo luận, trao đổi khoa học, làm việc nhóm theo định hướng để đi tới đồng thuận nhằm xác định các giá trị cụ thể trong hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị con người Việt Nam, hệ giá trị gia đình Việt Nam, trên cơ sở đó định hướng, hướng dẫn cho việc xác định chuẩn mực văn hóa cụ thể cho các đối tượng.

Kết quả nghiên cứu về Hệ giá trị quốc gia chưa đáng kể vì nội dung này mới đưa vào Văn kiện Đại hội XIII năm 2021. Kết quả nghiên cứu về hệ giá trị con người Việt Nam, gia đình Việt Nam rất đáng quý, nhiều đề xuất có sự tổng kết thực tiễn, song chưa có sự thống nhất về các giá trị cụ thể, vì vậy, mới chỉ dừng lại ở công bố các kết quả đó trên sách, báo, tạp chí… mà chưa hề được công nhận, đồng thuận để tạo sự tự giác thực hiện trong xã hội.

Còn một khoảng cách quá lớn giữa nghiên cứu và triển khai trong thực tiễn. Việc xây dựng các chuẩn mực cụ thể cho từng đối tượng trở thành phong trào khá sôi nổi, đến tận làng, bản (hương ước văn hóa), song hiệu quả thực sự còn rất hạn chế. Đó là những vấn đề cần giải quyết trong thời gian tới. Vì vậy, các hội thảo, thảo luận, làm việc nhóm dân chủ và có mục tiêu, định hướng là rất cần thiết.

Để làm được các công việc trên, có lẽ, theo thiển nghĩ của mình, tôi xin kiến nghị có một bộ phận chỉ đạo và điều hành theo một dự án, một kế hoạch có thời hạn và có một nhóm các nhà khoa học, chuyên gia trên lĩnh vực này với chức năng như một Trung tâm nghiên cứu và tổ chức nghiên cứu các giá trị văn hóa Việt Nam.

Theo kinh nghiệm của một số quốc gia ở châu Á, châu Âu, các kết quả nghiên cứu về giá trị quốc gia, giá trị con người, ở các mức độ khác nhau, đều được cơ quan có thẩm quyền thảo luận và thông qua, trở thành một văn bản có tính định hướng giúp mọi người và toàn xã hội tự nguyện, tự giác thực hiện. Đó là một nhân tố quan trọng tạo nên một xã hội dân chủ, kỷ cương và văn hóa cao.

Những điều trình bày trên đây, có thể đúng hoặc chưa thỏa đáng, song xuất phát từ trách nhiệm, sự trung thực và tâm huyết, mong góp một tiếng nói trong cuộc Hội thảo rất cần thiết và quan trọng này.

Theo Zing.vn

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả