Xây dựng hệ thống chính trị ở Việt Nam trong tình hình mới

Ngày đăng: 12/04/2022 - 14:04

Hệ thống chính trị Việt Nam là một chỉnh thể gồm Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội. Trong đó, Đảng giữ vai trò cầm quyền, lãnh đạo; Nhà nước đóng vai trò quản lý, điều hành, kiến tạo phát triển; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội có vai trò phát huy quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Hệ thống chính trị Việt Nam được xây dựng và hoạt động theo những mối quan hệ và nguyên tắc nhất định, thống nhất từ trung ương đến địa phương, nhằm mục đích xây dựng, bảo vệ và phát triển bền vững Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, bảo đảm mọi quyền lực thuộc về nhân dân.

Kể từ khi thực hiện đường lối đổi mới năm 1986 đến nay, Đảng ta đã ban hành và lãnh đạo tổ chức thực hiện nhiều nghị quyết, chủ trương về xây dựng, đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Nhờ đó, hệ thống chính trị Việt Nam ngày càng được củng cố, hoàn thiện từng bước để thực hiện quá độ lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng đất nước “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, thực thi nền dân chủ nhân dân, bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân.

Tuy nhiên, năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu quả quản lý điều hành của Nhà nước và hiệu quả hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội còn chưa theo kịp so với đòi hỏi của thực tiễn. Cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” chậm được thể chế một cách đồng bộ. Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” đã chỉ ra: Một trong những nguyên nhân của những yếu kém trên là: “Mô hình tổng thể về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị chưa được hoàn thiện, một số bộ phận, lĩnh vực chưa phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới”.

Cuốn sách Xây dựng hệ thống chính trị ở Việt Nam trong tình hình mới 

Cuốn sách Xây dựng hệ thống chính trị ở Việt Nam trong tình hình mới của tập thể tác giả do PGS.TS. Nguyễn Văn Giang, PGS.TS. Đinh Ngọc Giang, TS. Nguyễn Ngọc Ánh (đồng chủ biên) là kết quả nghiên cứu của đề tài khoa học cấp Nhà nước KX.04.31/16-20: “Cơ sở lý luận - thực tiễn về xây dựng mô hình tổ chức tổng thể hệ thống chính trị ở Việt Nam phù hợp với điều kiện mới” thuộc Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020: “Nghiên cứu lý luận chính trị giai đoạn 2016 - 2020” do PGS.TS. Nguyễn Văn Giang làm chủ nhiệm và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là cơ quan chủ trì.

Nội dung cuốn sách làm rõ cơ sở lý luận về xây dựng mô hình tổ chức tổng thể hệ thống chính trị Việt Nam phù hợp với điều kiện mới; Thực trạng xây dựng mô hình tổ chức tổng thể hệ thống chính trị ở Việt Nam từ khi đổi mới đến nay; Phân tích, làm rõ những mặt được, hạn chế, bất cập cần đổi mới mô hình tổ chức tổng thể của hệ thống chính trị; đưa ra một số tiêu chí đánh giá xây dựng mô hình tổ chức tổng thể hệ thống chính trị ở Việt Nam, làm cơ sở để đổi mới, kiện toàn mô hình tổ chức tổng thể hệ thống chính trị Việt Nam; đề xuất mô hình tổ chức tổng thể hệ thống chính trị phù hợp với điều kiện mới; trên cơ sở đó, nhóm tác giả đề xuất các giải pháp xây dựng mô hình tổ chức tổng thể hệ thống chính trị ở Việt Nam phù hợp với điều kiện mới.

Cuốn sách là công trình nghiên cứu khoa học công phu, nghiêm túc của tập thể tác giả, góp phần bổ sung lý luận, thực tiễn và định hướng giải pháp cho việc xây dựng mô hình tổ chức tổng thể hệ thống chính trị ở Việt Nam trong tình hình mới.

Bình luận