Phan Chu Trinh và tư tưởng dân chủ - dân quyền tiến bộ đầu thế kỷ XX

Ngày đăng: 14/12/2016 - 09:12

phan chu trinh 1212Phan Chu Trinh (1872-1926) là nhà văn, chí sĩ cách mạng lỗi lạc của Việt Nam thời cận đại, người khởi xướng phong trào Duy Tân và có công lớn trong việc lập trường Đông Kinh nghĩa thục. Ông được xem là người có tư tưởng dân chủ và dân quyền sớm nhất trong số các nhà nho yêu nước tiến bộ đầu thế kỷ XX. Những tư tưởng dân chủ, dân quyền của ông đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự. Với lòng yêu nước nồng nàn, suốt đời gắn bó với vận mệnh đất nước, với cuộc sống sôi nổi, gian khổ và thanh bạch, Phan Chu Trinh xứng đáng để hậu thế ngưỡng mộ, noi gương.

1. Vài nét về hành trạng của Phan Chu Trinh

Phan Chu Trinh tự là Tử Cán, hiệu là Tây Hồ, biệt hiệu Hy Mã. Ông sinh ngày 9 tháng 9 năm Nhâm Thân (1872), người làng Tây Lộc, huyện Hà Đông, nay thuộc xã Tam Lộc, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Ông nổi tiếng học giỏi và là bạn đồng môn với Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Phan Quang… Khoa thi Canh Tý năm 1900, ông đỗ Cử nhân, năm sau đỗ Phó bảng, rồi được bổ làm Thừa biện Bộ Lễ. Ít lâu sau, ông từ quan và tham gia các hoạt động cứu nước. Phan Chu Trinh kết giao với nhiều sĩ phu yêu nước như Huỳnh Thúc Kháng và Phan Bội Châu. Ông rất tâm đắc với nhiệt huyết cứu nước của Phan Bội Châu, nhưng không tán thành đường lối dựa vào Nhật Bản để đấu tranh vũ trang chống thực dân Pháp của cụ Sào Nam. Ông cùng các bạn đi khắp Việt Nam cổ vũ đấu tranh và liên kết trí thức, văn sĩ yêu nước. Năm 1905, ông sang Nhật Bản rồi sang Pháp, chủ trương dựa vào Pháp để tiến hành cải cách, thực hiện tự do dân chủ, lật đổ chế độ phong kiến, làm cho dân giàu, nước mạnh, tiến lên giải phóng dân tộc. Sau khi gặp Phan Bội Châu, khởi xướng duy tân, cải cách nước nhà, Phan Chu Trinh về nước, viết báo, diễn thuyết và giảng dạy trong trường Đông Kinh nghĩa thục ở Hà Nội.

Khi vụ “Hà thành đầu độc” và phong trào chống thuế của nông dân Trung Kỳ nổ ra và bị thực dân Pháp đàn áp năm 1908, Phan Chu Trinh và một số đồng chí của ông trong phong trào Duy Tân bị quy kết là người khởi xướng nên bị bắt đày ra Côn Đảo hai năm. Ông được tha nhờ sự can thiệp của Hội Nhân quyền Pháp, nhưng bị quản thúc ở Mỹ Tho (1910). Tuy nhiên, ông không cam chịu cảnh bị giam lỏng, ông viết thư cho Toàn quyền đòi được sang Pháp hoặc trở lại Côn Đảo. Cuối cùng, chúng đưa ông sang Pháp cùng với con trai ông là Phan Chu Dật vào cuối năm 1911. Sang Pháp, ông ở nhà luật sư Phan Văn Trường, mở một hiệu sửa ảnh kiếm kế sinh nhai. Thời gian này, ông viết Trung Kỳ dân biến tụng oan thỉ mạt ký (1911), gửi cho Hội Nhân quyền và Dân quyền ở Paris, và cũng để đưa cho Albert Sarraut lúc đó sắp sang nhậm chức toàn quyền Đông Dương và Missiny, Thượng thư Bộ Thuộc địa Pháp. Khi ở Pháp, ông cũng tìm cách liên hệ với những người trong Liên minh Nhân quyền và Đảng Xã hội Pháp cũng như có những cuộc tiếp xúc với các nhóm Việt kiều và các đảng phái tiến bộ, thảo luận vấn đề độc lập, tự do, dân chủ.

Sau khi bị bắt giam vì tình nghi có liên hệ với nước Đức rồi được thả nhờ sự can thiệp của Đảng Xã hội Pháp, Phan Chu Trinh vẫn tích cực tham gia các hoạt động yêu nước ở Pháp như: cùng với Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền và Nguyễn Tất Thành soạn Bản yêu sách của nhân dân An Nam gửi cho Hội nghị Versailles ngày 19 tháng 6 năm 1919, ký tên chung là Nguyễn Ái Quốc; làm nổ “quả bom chính trị” chấn động tại nước Pháp; hay khi vua Khải Định sang Pháp dự đấu xảo Marseille, ông viết một bức thư dài buộc tội Khải Định. Năm 1925, nhận thấy ông bị bệnh viêm phổi sắp mất, thực dân Pháp cho ông về nước và an trí tại Sài Gòn. Dù sức khỏe yếu nhưng Phan Chu Trinh vẫn tích cực tham gia diễn thuyết, nói chuyện với các tầng lớp nhân dân, trí thức về vấn đề dân quyền, đạo đức và luân lý Đông Tây tại Sài Gòn.

Phan Chu Trinh mất tại Sài Gòn ngày 24 tháng 3 năm 1926. Sau tang lễ, phong trào yêu nước của thanh niên, học sinh với những cuộc mít tinh, bãi khóa, lễ truy điệu… diễn ra trong khắp ba kỳ. Sự kiện này được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong “Báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản về phong trào cách mạng ở An Nam” như sau: “Năm 1926, có một sự thức tỉnh trong toàn quốc tiếp theo sau cái chết của một nhà quốc gia chủ nghĩa già - Phan Chu Trinh. Khắp trong nước đều tổ chức lễ truy điệu. Chữ “Chủ nghĩa quốc gia” từ đó được nói và viết một cách công khai. Những giáo viên người Pháp tìm cách ngăn cấm học sinh tham gia các cuộc mít tinh đó. Nam nữ học sinh ở nhiều trường, đặc biệt ở Sài Gòn là nơi tổ chức đám tang, đã tuyên bố bãi khóa. 20.000 người đi theo linh cữu mang biểu ngữ viết những khẩu hiệu có tính chất quốc gia chủ nghĩa. Người An Nam chưa hề được chứng kiến một việc to lớn như vậy bao giờ trong lịch sử”1.

Sự nghiệp trước tác của Phan Chu Trinh để lại tuy không nhiều nhưng dù ở thể loại nào: thơ văn, chính luận hay xã thuyết… đều thể hiện tư tưởng dân chủ và dân quyền tiến bộ của ông. Một số tác phẩm tiêu biểu như: Đầu Pháp chính phủ thư (1906); Hiện trạng vấn đề (1907); Tỉnh quốc hồn ca I, II (1907, 1922); Trung Kỳ dân biến tụng oan thỉ mạt ký (1911); Tây Hồ thi tập (1904-1915); Đông Dương chính trị luận (1925); Đạo đức và luân lý Đông Tây (1925); Quân trị chủ nghĩa và dân trị chủ nghĩa (1925), v.v.. Cùng với đó là nhiều bài bình luận chính trị, thơ văn có giá trị khác…

2. Tư tưởng dân chủ - dân quyền tiến bộ của Phan Chu Trinh

Bối cảnh xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đã có những thay đổi sâu sắc và toàn diện. Là một trong những nhà nho mẫn cảm với thời cuộc, Phan Chu Trinh đã có những bước đi “chệch” khỏi quỹ đạo của các nhà nho truyền thống. Sau khi đỗ Phó bảng, ông được bổ nhiệm và ra làm quan ít lâu thì từ quan về quê trau dồi thêm kiến thức. Từ năm 1902 đến 1905, ông được tiếp xúc với các tác phẩm có tư tưởng cách mạng của Jean-Jacques Rousseau, Montesquieu, Voltaire… Va chạm nhiều nơi quan trường, Phan Chu Trinh càng thấy rõ cảnh thối nát, hủ bại trên đường cử nghiệp. Tác phẩm đầu tiên thể hiện tư tưởng mới của Phan Chu Trinh là bài thơ Chí thành thông thánh, ông làm chung với Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng. Năm 1905, ông cùng với Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng vào Nam để tìm bạn đồng tâm và xem xét tình hình, đến Bình Định, gặp kỳ khảo hạch, ông cùng hai bạn giả danh vào ứng hạch rồi làm bài thơ này. Bài thơ đã gây một tiếng vang và sức tác động rất lớn thời bấy giờ. Như đánh giá của Huỳnh Thúc Kháng: “Nói đến việc dùng sức văn tự để mạt sát khoa cử, cổ xúy tân học thì bài thi và bài phú ấy là tiếng nói đầu tiên vậy”. Tư tưởng đổi mới của Phan Chu Trinh hình thành từ thời điểm này.

Sau hai chuyến đi Pháp và Nhật Bản, Phan Chu Trinh về nước và viết Đầu Pháp chính phủ thư (1906) gửi cho Toàn quyền Paul Beau, nêu lên những tệ nạn của quan lại Nam triều và đề nghị Chính phủ Pháp sửa đổi chính sách bảo hộ ở Đông Dương. Sau đó, ông khởi xướng phong trào Duy Tân ở Trung Kỳ, ra sức tuyên truyền chủ trương cải cách dân chủ, dân quyền và là người lãnh đạo xu hướng “tự lực khai hóa” hồi đầu thế kỷ XX. Khẩu hiệu của phong trào là: Chấn dân khí - Khai dân trí - Hậu dân sinh.

Chấn dân khí: thức tỉnh tinh thần tự lực tự cường, mọi người giác ngộ được quyền lợi của mình, giải thoát được nọc độc chuyên chế;

Khai dân trí: bỏ lối học tầm chương trích cú, mở trường dạy chữ Quốc ngữ, kiến thức khoa học thực dụng, bài trừ hủ tục xa hoa;

Hậu dân sinh: phát triển kinh tế, cho dân khai hoang làm vườn, lập hội buôn, sản xuất hàng nội hóa...

Để truyền bá và thực hiện những chủ trương của phong trào, Phan Chu Trinh không chỉ tích cực giảng dạy ở trường Đông Kinh nghĩa thục, thuyết trình khắp các tỉnh, mà còn lồng ghép vào nội dung các sáng tác của mình từ nghị luận, xã thuyết cho đến thơ văn. Năm 1907, ông viết Tỉnh quốc hồn ca I, là tập thơ gồm ba phần với nội dung kêu gọi các bậc hào kiệt hãy nhìn lịch sử oanh liệt của dân tộc mà đoàn kết để dựng lại nền tự chủ cho đất nước. Bằng việc so sánh nhiều phương diện về dân khí, dân trí của các nước văn minh trên thế giới với dân tình của nước Việt, Phan Chu Trinh muốn thức tỉnh dân Việt đang ở trong mê mộng: “mộng khoa cử”, “mộng quan trường”, “mộng xôi thịt”... để đi theo con đường tự lập, tự cường... Đến Tỉnh quốc hồn ca II được viết sau đó 15 năm (1922), tư tưởng duy tân đất nước đã có những thay đổi, với 6 phần mà nội dung chính là vạch trần chính sách cai trị của thực dân Pháp tại Đông Dương và đề nghị một đường lối khiến hai nước Pháp - Việt không nghi kị, không thù hiềm. Ở tác phẩm này, Phan Chu Trinh đã nhận ra được phần nào bộ mặt của thực dân Pháp ở Đông Dương nhưng ông vẫn còn niềm tin mù quáng vào chính sách Pháp - Việt đề huề.

Phan Chu Trinh quan niệm, muốn mở mang dân trí, phải tiến hành học thực dụng để phục vụ cuộc sống dân sinh chứ không phải là học thơ văn, phù phiếm của người xưa. Phong trào Duy Tân chủ trương chấn hưng cổ học, tăng cường việc học thực nghiệm, nhất là đề cao chữ Quốc ngữ.

Mọi người, mọi giới phải học, học mọi nền văn minh của các dân tộc khác. Được như vậy thì xã hội mới tiến bộ và có quyền sống ngang nhau. Khi chủ trương triển khai và vận dụng vào việc học, chỉ sau một thời gian đã có kết quả như ý. Đó là cách học có tính thực dụng, hướng nghiệp, không chỉ có ý nghĩa ở thời điểm bấy giờ mà còn có ý nghĩa cho đến tận ngày nay. Bản thân Phan Chu Trinh là người rất ham học hỏi và biết nhiều nghề, đi đến đâu ông đều kêu gọi mọi người phát triển hội nghề nghiệp nhằm phát triển kinh tế. Còn học thuật, ông quan niệm cần phải đổi mới về nội dung, phương pháp, đặc biệt là chú trọng phát triển khoa học, kỹ thuật.

Đối với nền văn minh phương Tây, Phan Chu Trinh rất ngưỡng mộ, ông quan niệm rằng, cần phải học hỏi cái hay, biết cái dở của họ để vận dụng vào phát triển và mở mang dân trí nước nhà. Mặt khác, ông cho rằng: Dân khí đang suy nhược vì bị áp bức, bóc lột nặng nề. Do đó, để làm cho dân khí cường thịnh lên thì trước hết phải thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phải phát triển lực lượng sản xuất. Ông đã cổ vũ cho việc phát triển công nghiệp, thương nghiệp, các ngành nghề truyền thống phục vụ dân sinh và xuất khẩu. Đặc biệt, trong thương nghiệp, ông cổ vũ cho việc buôn bán lớn và dùng hàng nội hóa, mở rộng thương trường trong nước, đẩy mạnh ngoại thương, nhất là lập các hội buôn. Theo lời hô hào của các sĩ phu cải cách, tại Quảng Nam - trung tâm của phong trào Duy Tân - xuất hiện nhiều hiệu buôn như Quảng Nam hiệp thương công ty do Nguyễn Quyền quản lý với cổ phần hơn 20 vạn đồng; Ngô Đức Kế lập ra Triệu Dương thương quán ở Nghệ An, công ty Liên Thành chuyên kinh doanh nước mắm ở Phan Thiết…

Tư tưởng dân chủ - dân quyền tiến bộ của Phan Chu Trinh còn thể hiện khá rõ nét trong một số sáng tác thơ văn như Giai nhân kỳ ngộ diễn ca (1913-1915) - một “vị định cảo” của ông, Tây Hồ thi tập, Santé thi tập... hay lá thư Thất điều trần gửi vua Khải Ðịnh sang dự cuộc đấu xảo quốc tế ở Paris năm 1922, vạch trần tội lỗi của Khải Định nói riêng và chế độ quân chủ nói chung. Tuy nhiên, tác phẩm tập trung rõ nét và cô đọng nhất tư tưởng dân chủ - dân quyền tiến bộ của ông là bài diễn thuyết tại Sài Gòn năm 1925 với nhan đề Quân trị chủ nghĩa và dân trị chủ nghĩa. Trong tác phẩm này, Phan Chu Trinh đã so sánh chủ nghĩa dân trị với chủ nghĩa quân trị và cho rằng: “Chủ nghĩa dân trị hay hơn chủ nghĩa quân trị nhiều lắm... theo chủ nghĩa dân trị thì quốc dân lập ra Hiến pháp, luật lệ, đặt ra các cơ quan để lo việc chung của cả nước, lòng quốc dân thế nào thì làm thế đó, dù không có người tài giỏi thì cũng không đến nỗi phải để dân khốn khổ làm tôi mọi một nhà, một họ nào...”2. ở phần đầu, đánh giá tình hình dân trí nước ta đối với vấn đề quân chủ, dân chủ, Phan Chu Trinh đã so sánh nước ta với các nước châu Âu: nước nào cũng có đảng dân chủ ở trong thượng, hạ nghị viện cả, duy nước ta, ngay những người có ăn học thì cái chữ “republique” (cộng hòa) luôn ở trên miệng, nhưng không hiểu nghĩa lý ra thế nào huống chi người dân quê, đã không biết dân chủ là gì nên đối với vua thì coi như thần thánh. Rồi ông đi sâu phân tích, vạch rõ vì cái chế độ độc tài quân chủ phong kiến, dân chỉ biết vua mà không biết nước, thế nên phải “đem cái tụi bù nhìn ở Huế đó vứt hết cả đi”. Trong phần thứ hai “lược sử chế độ dân chủ”, Phan Chu Trinh đã nêu khái quát hai hình thức dân chủ trong lịch sử, đó là nền dân chủ chủ nô thời Hy Lạp cổ đại và dân chủ tư sản Anh quốc. Tuy nhiên, ông chưa phân tích được bản chất, đặc tính và những nguyên tắc của từng hình thức dân chủ đó, mà chỉ mới giới thiệu về sự tồn tại những “cái hội” mà “phàm những luật vua quý tộc đã đặt ra thì phải giao hội ấy xem xét, có bằng lòng thì mới được làm”. Phần cuối về “chính thể dân chủ”, Phan Chu Trinh giới thiệu về cách bầu hạ nghị viện, nguyên lão viện, tổng thống và “chánh phủ”, rồi quyền của “chánh phủ” có hạn định, tất cả “đều chịu theo pháp luật như nhau” dưới quyền “xử đoán” của Viện Tư pháp và ông tóm lại “dân trị tức là pháp trị”. Đọc toàn bộ tác phẩm, ta thấy tuy phần nói về dân chủ trong bài diễn thuyết không có gì mới lạ, có phần thiếu sót vì chỉ giới thiệu một trong nhiều thể chế của chủ nghĩa dân chủ tư sản, lại không phê phán những nhược điểm của nền dân chủ ấy, nhưng Phan Chu Trinh là người đầu tiên trong lịch sử Việt Nam bàn về vấn đề dân chủ và chủ nghĩa dân chủ. Ông đã giới thiệu cho một bộ phận trí thức nước nhà sự tiến bộ tư tưởng ở châu Âu, trong đó nhấn mạnh đến sự cần thiết của một nhà nước cai trị bằng pháp luật. Đó là tư tưởng cấp tiến đương thời của Phan Chu Trinh mà không dễ ai cũng có được.

Có thể nói, tư tưởng dân chủ - dân quyền của Phan Chu Trinh còn có những hạn chế mang tính lịch sử nhưng với tinh thần yêu nước nồng nhiệt, suốt đời gắn bó với vận mệnh đất nước, với cuộc sống sôi nổi, gian khổ và thanh bạch, Phan Chu Trinh xứng đáng để hậu thế ngưỡng mộ, noi gương. Nhà sử học Daniel Héméry đã nhận định: Khuôn mặt vĩ đại của Phan Chu Trinh, theo tôi, là khuôn mặt đáng chú ý nhất trong lịch sử văn hóa và chính trị Việt Nam thế kỷ XX, bởi “chính ông đã xác định một cách rành mạch, sáng rõ nhất những nan đề (les problématimaques) đặt ra lâu dài mà các thế hệ người Việt Nam sẽ phải và mãi mãi còn phải đảm nhận”3. Đến nay, những vấn đề dân chủ - dân quyền mà ông đặt ra cách đây hơn 100 năm vẫn còn nguyên tính thời sự.

Phạm Khanh

Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 3, tr. 41.

2. Phan Chu Trinh: “Bài diễn thuyết về quân trị và dân trị”, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 67, tháng 10-1964, tr. 22.

3. Nguyên Ngọc: "Nhà cải cách giáo dục lớn đầu thế kỷ XX", tạp chí Tia sáng, Hà Nội, tháng 10-2002.

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả